Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 12/12/2019-18:14:00 PM
Đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 12/12/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản - Keidanren) tổ chức Cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển ngày càng tốt đẹp và hiện đang ở mức độ tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Đồng thời tin tưởng, với việc bắt đầu niên hiệu triều đại mới, triều đại Lệnh Hòa, đất nước và con người Nhật Bản tiếp tục đạt thành tựu quan trọng hơn nữa, góp phần đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp vì lợi ích của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

Việt Nam - Nhật Bản đã xác định mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện sâu rộng và thực tế hai nước đã hợp tác chặt chẽ trên các lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh… một cách hiệu quả. Nhật Bản hiện là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác lớn thứ ba về du lịch và đối tác lớn thứ tư về thương mại của Việt Nam. Các nguồn vốn của nhà đầu tư Nhật Bản được đánh giá có chất lượng cao, tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam đã trải qua hơn 16 năm với nhiều nội dung đưa ra đã được các cơ quan của Việt Nam tiếp thu, góp phần quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Kế hoạch hành động Sáng kiến chung giai đoạn VII, bao gồm 9 nhóm vấn đề với 52 nhóm hạng mục. Sau một thời gian thực hiện, các nội dung của giai đoạn này đã được hoàn thành tốt đẹp. Hầu hết các nội dung nêu tại Kế hoạch đều được triển khai tốt, đạt kết quả cao và đúng tiến độ. “Tôi đánh giá cao tinh thần làm việc và hợp tác có hiệu quả của các nhóm công tác”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam hiện đang được xếp thứ 8 trong các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư trong năm 2019 và tăng 15 bậc so với năm 2018. Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam cải thiện vượt bậc trên cả ba trụ cột, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, xếp thứ 67/144 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018. Hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng hạng với triển vọng tích cực. Chỉ số đổi mới sáng tạo được đánh giá tăng 12 bậc. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đang tiếp tục được hoàn thiện theo hướng minh bạch, dễ thực thi hơn. Trong đó có sự đóng góp đáng kể của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn, tại cuộc họp cấp cao lần này, đại diện các Bộ, ngành Việt Nam sẽ trao đổi thẳng thắn các nội dung liên quan đến quá trình triển khai Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn vừa qua, cũng như những nguyên tắc hợp tác giữa hai bên trong giai đoạn tới, đặc biệt là định hướng triển khai Sáng kiến chung trong giai đoạn tiếp theo.

Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản Hideo Ichikawa phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, các Đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản bày tỏ sự cảm kích sâu sắc trong việc thực hiện các nội dung của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Đồng thời khẳng định, mối quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam ngày càng phát triển chặt chẽ. Hiện các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư tại Việt Nam với nhiều lĩnh vực khác nhau và để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước thì việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có việc thực hiện các nội dung của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng. Kết quả thực hiện Sáng kiến đã được Chính phủ hai nước đánh giá cao, là khung nội dung hiệu quả để hai bên trao đổi, thúc đẩy các cơ chế hợp tác và hoạch định chính sách. Đồng thời bày tỏ kỳ vọng Sáng kiến sẽ tiếp tục mang lại những kết quả tốt đẹp hơn nữa. Các Đồng Chủ tịch Keidanren cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác trong việc thực hiện Sáng kiến chung, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản.

Đồng thời cho biết, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn đầu tư và đánh giá cao Việt Nam trong việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Các Đồng Chủ tịch cũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Toàn cảnh Cuộc họp. Ảnh: MPI

Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng đã báo cáo kết quả đánh giá Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII. Sáng kiến chung giai đoạn VII được thực hiện với thời gian 17 tháng (từ tháng 8/2018-12/2019). Sau 17 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch. Nhiều đối thoại chính sách giữa các cơ quan liên quan của Việt Nam với Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận để đưa ra các khuyến nghị chính sách, hoàn thiện pháp luật.

Trong tổng số 52 hạng mục có 44 hạng mục triển khai tốt và đúng tiến độ và có 8 hạng mục đang triển khai. Các hạng mục triển khai tốt liên quan đến du lịch, cải thiện cơ chế tư pháp, luật đất đai, khung chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), phát triển công nghiệp hỗ trợ, lao động - tiền lương, cải cách thị trường chứng khoán…

Tại cuộc họp, đại diện các nhóm vấn đề của Kế hoạch đã báo cáo kết quả chi tiết trong quá triển khai thực hiện và cho rằng, 52/52 nội dung của Kế hoạch được thực hiện minh chứng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh. Các nhóm vấn đề cũng bày tỏ đồng tình và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Bộ đã tổ chức thảo luận và lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Đồng thời mong muốn các dự Luật này sớm được thông qua để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhóm vấn đề cũng đã thảo luận, đánh giá về cải cách thể chế; cải cách công tác kế toán, công nghiệp phụ trợ, lao động, tiền lương, công nghiệp dịch vụ,…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện JETRO tại Hà Nội đưa ra các nội dung giúp tăng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó có chú trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản bởi hiện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Nhật Bản đã đầu tư sang Việt Nam. Đồng thời, tập trung đến các nội dung liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy 60% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam cho rằng gặp khó khăn khi mua sắm nguyên liệu tại Việt Nam.

JETRO cũng cho biết, hiện có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tìm kiếm cơ hội và mở rộng đầu tư tại Việt Nam và mong muốn Việt Nam triển khai hơn nữa các doanh nghiệp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn mở rộng hoạt giao thương với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước và có cơ chế để cung cấp thông tin về các doanh nghiệp này. Về nguồn nhân lực chất lượng cao, với nhu cầu đầu tư ngày càng tăng, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mong muốn tìm được nguồn nhân lực có trình độ quản lý.

Đại diện JICA mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng thể chế và đóng góp vào phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng trên cơ sở kết hợp vốn ODA và vốn vay tư nhân. JICA sẽ tiếp tục tăng cường cho vay trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda phát biểu tại Cuộc họp. Ảnh: MPI

Phát biểu đánh giá tổng kết kết quả thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda đánh giá cao sự nỗ lực của các nhóm để đạt được những kết quả rất tốt. Đồng thời kỳ vọng về những kết quả hợp tác tốt đẹp hơn cho giai đoạn tiếp theo.

Đại sứ Kunio Umeda cho rằng, quá trình thực hiện các nội dung của Sáng kiến đã góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều nội dung, lĩnh vực đã mang lại những kết quả thiết thực như triển khai các dự án ODA, các viện trợ không hoàn lại, về phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển bền vững Việt Nam cần thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Theo đó, Việt Nam cần sớm ban hành luật về PPP.

“Việt Nam là đất nước hết sức quan trọng với Nhật Bản và Việt Nam đang tràn đầy năng lượng để phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam có nhiều cơ hội để cất cánh và mong muốn Việt Nam phát huy được các cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn, phồn vinh hơn, đóng góp vai trò quan trọng cho sự phồn thịnh của khu vực”, Đại sứ nói.

Đại sứ Kunio Umeda cho rằng, hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục cụ thể hóa các nội dung hợp tác theo Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Thông qua Sáng kiến này, Nhật Bản mong muốn được đóng góp, hỗ trợ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những ý kiến thảo luận với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, qua đó làm rõ hơn các nội dung được hai bên quan tâm, kể cả các kết quả đạt và chưa đạt. Từ đó đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác hơn nữa, tiếp tục hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc, đánh giá cao nỗ lực của các nhóm góp phần quan trọng trong việc thực hiện các nội dung của Sáng kiến, góp phần quan trọng trong việc tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư cũng như tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Đây là kênh thông tin hữu hiệu để Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách và thực thi pháp luật.

Lễ Ký kết kết thúc giai đoạn VII Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: MPI

Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư của Nhật Bản nói riêng. Về các vấn đề được phía Nhật Bản nêu liên quan đến công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nhật Bản đã có những chính sách hỗ trợ và Việt Nam đã ban hành những cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực này nhưng quan trọng là thực thi trong thực tế như thế nào để ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Do vậy, vấn đề ở đây không phải là thể chế mà là triển khai thực tế.

Về nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây cũng là thách thức của Việt Nam. Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào nhưng lao động có tay nghề, chứng chỉ thấp, mới chỉ chiếm 23%. Do vậy, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp và Chính phủ Nhật Bản đồng hành, giúp Việt Nam giải quyết các thách thức này bằng cách hỗ trợ, tham gia trực tiếp đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu của mình, như vậy Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản càng có ý nghĩa và mang lại hiệu quả hơn…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ mới, giai đoạn tiếp theo của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cần có phương pháp tiếp cận và cách thức triển khai mới, phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh các nhóm vấn đề được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, giai đoạn VIII cần đề cập đến các nhóm vấn đề vĩ mô gắn với những khuyến nghị chính sách lớn, khả thi, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Theo đó, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế cần có những hành động cụ thể với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Việt Nam mong muốn hợp tác với Nhật Bản để thúc đẩy kinh tế nhanh hơn, bền vững hơn, độc lập, tự chủ nhiều hơn, khả năng thích ứng nhiều hơn và có thể kết nối được với thế giới, với nền tảng quan hệ đối tác sâu rộng vì hòa bình, thịnh vượng của châu Á.

Sau cuộc họp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã làm việc với Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản về Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC)./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5713
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)