Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/12/2019-16:20:00 PM
Một số khuyến nghị chính sách cho phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030
(MPI) - Ngày 18/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phát triển của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổ chức Hội thảo Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) - Khuyến nghị chính sách cho phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Hội thảo.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh, đây là dịp để các thành viên Tổ Biên tập, các đối tác quốc tế, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan của Việt Nam thảo luận, đóng góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo MDCR, đặc biệt là các khuyến nghị chính sách trong Báo cáo để các khuyến nghị này khả thi, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao nỗ lực của OECD trong việc xây dựng Báo cáo MDCR theo đúng kế hoạch để kịp thời đóng góp cho việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Báo cáo đánh giá tương đối sâu sắc trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó chỉ ra ba rào cản lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là mô hình phát triển kém hiệu quả, tiêu hao nhiều tài nguyên và nguồn lực; năng lực thể chế và quản trị hạn chế; khả năng huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho phát triển.

Với cách tiếp nhận đa chiều, liên ngành kết hợp với so sánh kinh nghiệm phát triển kinh tế của một số quốc gia, OECD đã đề xuất các khuyến nghị chính sách về xử lý các rào cản nêu trên nhằm hướng đến một nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững hơn. Theo đó, cần nâng cao chất lượng các ngành nông nghiệp, chế tạo, du lịch và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũng chất lượng giáo dục. Cùng với đó là nâng cao năng lực quản trị môi trường, đẩy nhanh chuyển đổi sang mô hình kinh tế ít cacbon.

Giám đốc phụ trách Báo cáo MDCR của Trung tâm Phát triển của OECD Jan Rielander nhấn mạnh đến mối quan hệ hợp tác lâu dài, hiệu quả Việt Nam - OECD và cho rằng, Báo cáo này sẽ góp phần đưa quan hệ hai bên lên tầm cao mới. Nguyên tắc của Báo cáo MDCR là đưa ra những đánh giá, định hướng phát triển phù hợp, đồng thời đưa ra đề xuất cho nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng và đạt được tốc độ phát triển như hiện nay.

Ông Jan Rielander phát biểu tại Hội nghị. Ảnh:MPI

Ông Jan Rielander cũng nhấn mạnh đến vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước. Thông qua việc cải cách khu vực này sẽ làm gia tăng ít nhất 2,5% GDP của Việt Nam và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời phải tạo môi trường minh bạch, bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường. Việc thực thi các quy định một cách minh bạch cũng đóng vai trò quan trọng, trong đó phải nâng cao trách nhiệm giải trình nhiều hơn. Ông Jan Rielander cũng đề cập đến vấn đề tính bền vững và bảo vệ tài nguyên của Việt Nam, đây là thách thức lớn của Việt Nam trong lộ trình tăng trưởng hiện nay.

OECD rất ấn tượng với những thành tựu Việt Nam đã đạt được. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao và đã tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, góp phần giúp Việt Nam tăng trưởng GDP. Đồng thời, Việt Nam đã tận dụng được cơ hội từ bối cảnh nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt tỷ lệ nghèo giảm mạnh. Kết quả thu hút FDI rất ấn tượng và trong thời gian tới, sẽ có nhiều dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Việt Nam đang gặp phải những thách thức như sự thiếu gắn kết giữa các khu vực kinh tế như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân; chưa thu hút được vốn FDI có giá trị gia tăng cao để tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Các chương trình an sinh xã hội còn manh mún, độ bao phủ thấp và mang lại lợi ích còn hạn chế. Việt Nam đang có sự thay đổi về nhân khẩu học rất lớn. Chất lượng môi trường kém gây ra các chi phí lớn. Năng suất của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong ngành công nghiệp, chế tạo còn thấp…

Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào các ngành chế biến xuất khẩu, những nghề trước đây được thực hiện thủ công thì bây giờ đã được số hóa nhiều hơn, phần lớn lao động có thể bị thay thế bởi công nghệ, do vậy Việt Nam cần phát triển nhanh hơn để xử lý thách thức này tốt hơn. Bên cạnh đó, tình hình biến đối khí hậu gia tăng sẽ tạo áp lực cho Việt Nam trong việc thích ứng.

Báo cáo MDCR cũng đưa ra các cơ hội kinh tế cho Việt Nam nhằm hướng đến nền kinh tế hội nhập, minh bạch và bền vững, đặc biệt là trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo và dịch vụ; khu vực FDI; doanh nghiệp nhà nước…

Quá trình phối hợp xây dựng Báo cáo cho thấy, các cơ quan liên quan của Việt Nam luôn cởi mở, sẵn sàng trong việc thực hiện các giải pháp cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, chúng tôi mong muốn Báo cáo MDCR sẽ có giá trị thiết thực đối với Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông Jan Rielander nhấn mạnh.

Tham gia thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung của dự thảo Báo cáo MDCR và tập trung vào các khuyến nghị chính sách và kế hoạch hành động được đề xuất trong Báo cáo. Các đại biểu cho rằng, Báo cáo được xây dựng công phu, đưa ra được nhiều bằng chứng để thuyết phục và nhận định, đề xuất cụ thể. Đồng thời đề nghị Nhóm nghiên cứu của OECD, bên cạnh hoàn thiện dự thảo Báo cáo cần xây dựng báo cáo tóm tắt mang tính khái quát, cụ thể. Sau khi Báo cáo MDCR được hoàn thiện, ban hành sẽ là tài liệu có giá trị tham khảo cho các cơ quan Việt Nam, đồng thời góp phần phục vụ xây dựng các văn kiện quan trọng phục vụ Đại hội XIII của Đảng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận một cách khách quan, thẳng thắn nhằm góp phần hoàn thiện Báo cáo MDCR. Đồng thời đánh giá cao nhóm Nghiên cứu đã xây dựng Báo cáo với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực đối với Việt Nam. Thứ trưởng đề nghị trên cơ sở các ý kiến góp ý, Nhóm nghiên cứu tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện các khuyến nghị phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Báo cáo không chỉ nhằm mục đích xây dựng Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, mà còn phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành của Chính phủ cũng như của các cơ quan trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch của mình phù hợp với kế hoạch, chiến lược phát triển của quốc gia, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Báo cáo MDCR do Nhóm Nghiên cứu của Bộ phận Đánh giá đa chiều thuộc Trung tâm Phát triển của OECD chủ trì xây dựng, được thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Cơ quan Phát triển và Hợp tác Thụy Sỹ và sự hỗ trợ của Quỹ Hanns Seidel. Báo cáo được bắt đầu triển khai xây dựng từ tháng 02/2019. Cho đến thời điểm hiện tại, tiến trình xây dựng Báo cáo đã hoàn thành giai đoạn 1: đánh giá sơ bộ (tháng 02-5/2019), giai đoạn 2: phân tích sâu, đề xuất chính sách (tháng 6-9/2019) và hiện đang vào giai đoạn cuối - giai đoạn 3: xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào khuyến nghị các chính sách và kế hoạch hành động. Dự kiến, Báo cáo sẽ được hoàn thành và công bố vào khoảng tháng 3/2020./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1290
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)