Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 23/12/2019-13:31:00 PM
Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu
(MPI) - Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12/2019. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ cam kết đồng hành để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi gặp mặt đông đủ các doanh nhân đại diện cho các loại hình doanh nghiệp trong cả nước. Đặc biệt là sự có mặt đông đủ của các cấp, các ngành của Trung ương và địa phương đã thể hiện sự quan tâm đến phát triển doanh nghiệp của đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lại những thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ Seagames vừa qua. Kết quả đạt được với những tấm Huy chương là sự xả thân. Thủ tướng cũng chia sẻ tối qua, ông có xem chương trình truyền hình rất hay có tên “Việt Nam cất cánh” trong đó có câu: Không phải chỉ cất cánh trên đường băng mà một cá nhân, một doanh nhân, doanh nghiệp, thậm chí cả một quốc gia có khát vọng lớn, hết mình vì khát vọng đó chính là cội nguồn của năng lượng, sức mạnh tiềm ẩn để mang đến thành công và sẽ cất cánh mạnh mẽ, bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về khoa học công nghệ hiện nay, doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế quan trọng nhất, vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Chính vì vậy, không thể có một quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có một nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Tương tự như vậy, không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu các doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc tổ chức Hội nghị. Đây là dịp để các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương lắng nghe ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, từ đó có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục những khó khăn để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin về bức tranh tổng thể nền kinh tế năm 2019. Trong bối cảnh khu vực và toàn cầu suy giảm nhưng tăng trưởng của Việt Nam vẫn đạt trên 7%, một trong những tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và toàn cầu. Đặc biệt, môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp, lãi suất và tỷ giá ổn định. Chính sách tiền tệ rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư. Cán cân thương mại hàng hóa thăng dự đạt kỷ lục trên 9 tỷ USD, lần đầu tiên Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu hai chiều đạt trên 500 tỷ USD, là kỷ lục chưa từng có. Cuộc sống của Nhân dân bình yên, ổn định, tin tưởng.

Một số chỉ tiêu khác như, nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính nhà nước được củng cố, từ trên 64% năm 2016 đến nay nợ công của Việt Nam còn khoảng 56%/GDP. Thu hút FDI tiếp tục tăng cao, đạt trên 32 tỷ USD, giải ngân trên 17 tỷ USD, là con số giải ngân cao nhất trong các năm. Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc so với năm 2018. Việt Nam không chỉ thoát nghèo mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh lên trên 15% và đưa mục tiêu trước năm 2030 tầng lớp trung lưu của Việt Nam là 50%. Điều này sẽ tạo nên thị trường hấp dẫn với tinh thần khởi nghiệp, chặng đường kinh doanh mới của doanh nghiệp. Công tác xây dựng Chính phủ điện tử đạt được những kết quả cụ thể, tăng cường hơn tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí, phòng chống tham nhũng tốt hơn… Còn rất nhiều chỉ tiêu khác đạt kỷ lục trong những năm gần đây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đóng góp những thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 cũng như xuyên suốt hơn ba thập niên đổi mới của Việt Nam có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới cho rằng, Việt Nam có sự phát triển thần kỳ, đồng đều, mọi người dân đều có thu nhập, đều có sự phát triển trong từng gia đình, từng làng xã. Đồng thời bày tỏ cảm ơn đóng góp to lớn của các doanh nghiệp đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Đây là đánh giá quan trọng của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước và ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp một phần là trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo phát triển, Chính phủ sẽ không ngừng tìm cách giảm thiểu rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, nhất là những rủi ro từ thể chế chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.

Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng khi Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành mũi nhọn ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng, trong đó khu vực nhà nước được củng cố, hiệu quả với chiến lược rõ ràng hơn. Khu vực kinh tế tập thể, nhất là khu vực hợp tác xã có nhiều mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả. Đặc biệt, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, khoa học sáng tạo, nâng cao giá trị. Nhiều sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu. Rất nhiều doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đã vượt khó đi lên khẳng định chính mình trong khó khăn. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ra nước ngoài cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng lên.

Tuy nhiên, Chính phủ hiểu rằng, bên cạnh thành công, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn trên con đường phát triển, đặc biệt là khi hằng năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản, nhiều doanh nghiệp thương hiệu lớn đã bị thị trường đào thải. Đây cũng chính là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức nhiều hội nghị lớn, nhỏ ngay từ đầu đầu nhiệm kỳ để phát triển doanh nghiệp và Hội nghị lần này cũng vậy, cần tiếp tục đưa ra các hành động tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển tốt hơn; cần phải gỡ những nút thắt để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Đồng thời, phải tập trung xử lý để các loại hình doanh nghiệp tăng về số lượng, phát triển về chất lượng và phát triển bền vững.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2020 là năm Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, quan trọng như Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 75 năm Quốc khánh… năm hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020. Năm 2020 cũng là năm cộng đồng doanh nghiệp phải hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch của mình.

Dân tộc Việt Nam có khát vọng đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21. Chính vì vậy, Thủ tướng tin tưởng rằng, năm 2020 phải là năm đạt nhiều nền tảng quan trọng trong 1/4 Thế kỷ tới. Liệu chúng ta có vươn lên được hay không phụ thuộc rất lớn vào thành quả và nền tảng doanh nghiệp Việt Nam đạt được.

Doanh nghiệp cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu một số định hướng thảo luận. Thứ nhất, cùng với thành công, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nêu các khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước… Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.

Thủ tướng cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp, vì vậy, cần chỉ rõ văn bản nào của Bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cần phải thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương.

Thứ hai, Thủ tướng đề nghị nêu những thách thức, sức ép, khó khăn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh suy giảm kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu với các hiệp định FTA thế hệ mới, tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến sự phát triển của doanh nghiệp. Đề xuất vai trò kiến tạo, hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh, vượt qua các thách thức. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để Chính phủ hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị đề xuất những giải pháp đột phá về cơ chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng tỉ lệ nội địa hóa tham gia vào chuỗi giá trị, đồng thời báo cáo tình hình thực hiện các cam kết qua những lần gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp trước đây.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đề xuất giải pháp cải thiện và nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp và hành động giữa Bộ, ngành với địa phương một cách đồng bộ, xuyên suốt, hướng đến giúp địa phương thu hút đầu tư bền vững, hiệu quả. Đồng thời, chia sẻ những sáng kiến hay, những chính sách, chương trình hành động của doanh nghiệp, ngành mình, những mô hình tốt của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, khuyến khích sáng tạo.

Thủ tướng nhấn mạnh, có nhiều chương trình dự án xúc tiến đầu tư hiệu quả, thiết thực ở nhiều địa phương tạo cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam thành công. Để tiếp tục có kết quả thành công hơn nữa, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp kiến nghị những vướng mắc về chính sách pháp luật qua thực tiễn không còn phù hợp với bối cảnh, đề xuất các giải pháp giúp giải phóng mọi nguồn lực, phá bỏ mọi rào cản để thúc đẩy sự phát triển.

Thủ tướng khẳng định cam kết sẽ cùng tham gia, đồng hành, đối thoại thẳng thắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trở ngại để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong năm 2020 cũng như những năm tiếp theo.

Với doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhưng không được làm ẩu và vi phạm pháp luật, đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, công an, kiểm sát, tòa án cần thực sự trân trọng quyền con người, quyền công dân, quyền kinh doanh, quyền tài sản theo Hiến pháp và pháp luật với một tinh thần cởi trói, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 4941
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)