Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/12/2019-17:11:00 PM
Việt Nam tiếp tục nâng cao nhận thức về phát triển bền vững từ MDG tới SDG
(MPI) - Tiếp nối thành công trong việc thực hiện MDG và thực hiện cam kết quốc tế về Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (CTNS 2030 vì sự PTBV), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự PTBV với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện PTBV trên thế giới thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược PTBV ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự PTBV. Việt Nam cũng đã ký kết tham gia nhiều công ước quốc tế liên quan đến bảo vệ môi trường và PTBV, đặc biệt các Công ước của LHQ về biến đổi khí hậu (BĐKH) và đa dạng sinh học.Trong quá trình thực hiện PTBV, Việt Nam đã chủ động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các bên liên quan bao gồm các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội.Qua đó, nâng cao năng lực thực hiện PTBV cho các bên liên quan, đặc biệt là các Bộ, ngành và địa phương.

Tuy nhiên, nhận thức về SDG vẫn còn tương đối hạn chế đối với người dân, bao gồm cả cộng đồng địa phương và thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu PTBV đến năm 2030. Do vậy, việc nâng cao nhận thức về SDG cho các bên liên quan, đặc biệt là giới thanh niên và cộng đồng địa phương là hết sức quan trọng.

Việt Nam đã thực hiện những bước quan trọng nhằm hỗ trợ thanh niên nhận thức được đầy đủ vai trò của mình trong việc đạt được các SDG. Các tổ chức NGO trong nước và quốc tế ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các SDG ở cấp địa phương và cộng đồng. Báo chí, phát thanh, truyền hình cũng là một kênh thông tin quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về PTBVđã có nhiều đóng góp trong truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về PTBV.

Lồng ghép SDG trong chính sách phát triển quốc gia

Trong giai đoạn thực hiện MDG trước đây, Việt Nam có 3/8 mục tiêu đạt trước thời hạn về giảm nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học và bình đẳng giới; giảm3/4 tỷ lệ tử vongmẹ, gần 2/3 tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990; đạt thành tựu trong ngăn chặn lây lan bệnh dịch HIV/AIDS, lao, sởi. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Một trong những bài học quan trọng được rút ra từ thành công của Việt Nam, được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi là: Việt Nam đã lựa chọn được các phương thức đúng đắn để “quốc gia hóa” MDG, trong đó, việc thực hiện lồng ghép MDG vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của quốc gia, của địa phương và của các ngành/lĩnh vực được coi là bước đi sáng tạo. Kinh nghiệm thực hiện MDG ở Việt Nam còn cho thấy, các kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hằng năm là cơ chế tốt nhất cho phép gắn kết các mục tiêu phát triển với các nguồn lực để thực hiện hóa các mục tiêu này.

Những bài học thành công này vẫn còn nguyên giá trị đối với việc triển khai các SDG trong CTNS 2030. Việt Nam đã quốc gia hóa CTNS 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 với 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia.

Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra nhiệm vụ “Lồng ghép các mục tiêu PTBV trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Đến năm 2020, lồng ghép đầy đủ các mục tiêu PTBV của Việt Nam vào nội dung Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, các quy hoạch phát triển của ngành và địa phương giai đoạn 2021-2030”.

Trên thực tế, quan điểm PTBV được lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Nhiều SDG đã và đang được tích hợp vào trong hệ thống chính sách phát triển quốc gia, từ luật, chiến lược và kế hoạch phát triển KT-XH, chương trình hành động của các Bộ, ngành và địa phương. Các mục tiêu SDG sẽ tiếp tục được xem xét lồng ghép trong Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 cũng như trong Kế hoạch Phát triển KT-XH hằng năm của Việt Nam trong thời gian tới.

Thể chế và tổ chức thực hiện CTNS 2030 và SDG tại Việt Nam

Kế hoạch hành động quốc gia có sự phân công cụ thể trách nhiệm của các bên liên quan từ Trung ương đến địa phương trong việc thực hiện các SDG. Hội đồng PTBV quốc gia đã được thành lập vào năm 2005 và nay được đổi tên thành Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh, có nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thực hiện PTBV ở Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia và các mục tiêu PTBV đến năm 2030.

Vụ Kế hoạch-Tài chính của các Bộ, ngành và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương là đơn vị đầu mối thực hiện CTNS 2030. Một số Bộ, ngành và địa phương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Văn phòng PTBV hoặc cơ quan giúp việc về PTBV.

Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện SDG. Theo quy định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức thực hiện theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động; hằng năm xây dựng báo cáo thực hiện các mục tiêu PTBV trình Chính phủ, Quốc hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp, NGO, cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV và Kế hoạch hành động trong phạm vi chức năng, hoạt động của mình và theo sự phân công trong Kế hoạch hành động quốc gia; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Tổ công tác liên ngành về SDG cũng đã được thành lập nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia các mục tiêu PTBV Việt Nam.

Việt Nam có Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) do Phòng Thương mại và Cộng nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, đóng vai trò quan trọng trong việc huy động cộng đồng doanh nghiệp tham gia thực hiện SDG. Đây là một trong những sáng kiến định hướng, tập hợp, liên kết cộng đồng doanh nghiệp nhằm chia sẻ và nhân rộng những thông lệ tốt, những mô hình kinh doanh theo hướng PTBV.Qua đó, khẳng định vai trò tích cực của doanh nghiệp trong việc hiện thực hóa 17 SDG tại Việt Nam, cam kết xây dựng một thế giới tốt hơn thông qua kinh doanh tốt hơn.

Nhóm công tác về SDG của hệ thống LHQ tại Việt Nam cũng được thành lập nhằm phối hợp với Chính phủ trong việc triển khai thực hiện CTNS 2030. Bên cạnh đó, mạng lưới của các tổ chức NGO trong nước và quốc tế, mạng lưới của các tổ chức xã hội như phụ nữ, thanh niên, Hội Người Khuyết tật Việt Nam cũng đã có những hoạt động rất tích cực để thực hiện SDG và đóng góp trực tiếp cho Báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR).

Để thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan trong thực hiện SDG, nhiều diễn đàn, đối thoại được tổ chức hằng năm, trong đó, quan trọng nhất có thể kế đến như Hội nghị về PTBV, Diễn đàn Doanh nghiệp vì sự PTBV và Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (VDPF).

Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong thực hiện PTBV thông qua việc ban hành Định hướng chiến lược PTBV Việt Nam (2004), Chiến lược PTBV Việt Nam giai đoạn 2011-2020 (2012) và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 vì sự PTBV.Việt Nam đã quốc gia hóa CTNS 2030 của toàn cầu thành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện CTNS 2030 với 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện vàưu tiên phát triển của quốc gia.

Với quyết tâm và cam kết chính trị cao, Việt Nam tin tưởng sẽ thực hiện thành công CTNS 2030 vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau không chỉ của người dân Việt Nam mà còn vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Việt Nam cam kết tiếp tục phát huy vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này./.

Minh Trang
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1386
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)