(MPI) – Đây là chủ đề của Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12/2019, tại Hà Nội. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành và 63 địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: MPI |
Hội nghị nhằm mục tiêu thể hiện được sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc khơi gợi, thôi thúc lòng tự hào dân tộc của các doanh nhân Việt Nam, phát huy mạnh mẽ nội lực để bứt phá, phát triển, là động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây cũng là dịp để Chính phủ trực tiếp lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thông qua Hội nghị, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, cùng nhau xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.
Trong quá trình đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật.
Những năm gần đây, việc thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần doanh nhân được Đảng và Chính phủ quan tâm hơn bao giờ hết. Lần đầu tiên, có 03 Nghị quyết dành riêng cho 03 khu vực kinh tế, đó là: Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mới đây nhất là Nghị quyết số 50/NQ -TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng loạt các cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật như việc ban hành, sửa đổi các luật liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh như: Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, các Luật chuyên ngành về đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động,... Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững… cùng với đó là hàng loạt các chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực,…
Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội quốc gia.
Tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua có nhiều điểm sáng ấn tượng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 nghìn doanh nghiệp.
Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn như SunGroup, FLC, Vingroup, Trường Hải, Vietjet,… tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao,...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa; phát triển các mô hình kinh doanh bền vững, bao trùm hướng tới người thu nhập thấp, nhóm người yếu thế trong xã hội. Sự linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh cũng có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, người lao động, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội. Bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2018, các doanh nghiệp thu hút 14,48 triệu lao động, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015 (11,64 triệu người). Trong đó doanh nghiệp khu vực tư nhân thu hút nhiều lao động nhất, chiếm 60,9% tổng lao động toàn bộ khu vực doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 30,4%, khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 8,7%.
Thu nhập theo tháng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2018 của người lao động trong khu vực doanh nghiệp là 8,24 triệu đồng, tăng 40,1% so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân tốc độ tăng cao nhất 47,4%, khu vực doanh nghiệp FDI tăng 38,1%, doanh nghiệp nhà nước tăng 35,9%.
Những năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo đang diễn ra sôi động. Hiện có khoảng 4 nghìn công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động. Trong đó có nhiều startup thành công, được rót vốn hàng triệu đô từ các quỹ đầu tư nước ngoài như Cốc Cốc, KAfe Group, VeXeRe, Tiki, NCT... Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin khởi nghiệp thành công như Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame, Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt, MJ Group,… góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.
Theo kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2018 có khoảng 30% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo (đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020)
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các tập đoàn đầu tư vào khoa học và công nghệ như Vietel, FPT, Vingroup, TTC, Phenikaa... và được kỳ vọng tạo bước tiến đột phá. Năm 2018, theo số liệu thống kê sơ bộ, tổng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đã có mức tăng đột phá, đạt 965 nghìn tỷ đồng: tăng 53,2% so với năm 2017 (630 nghìn tỷ đồng) và là mức tăng cao nhất trong tất cả các nhóm ngành, nghề./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư