(MPI) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2020 và những năm tiếp theo. Dự thảo đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 phần chính: Đánh giá tình hình; Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và các năm tiếp theo; Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; Tổ chức thực hiện.
Theo Dự thảo, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong những năm qua. Hằng năm, Chính phủ đã ban hành và quyết liệt triển khai nghị quyết chuyên đề về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2019, hầu hết các chỉ số xếp hạng chung của Việt Nam được cải thiện điểm số. Theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta tăng 3,5 điểm và 10 bậc. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) theo xếp hạng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm. Kết quả cải thiện Môi trường kinh doanh theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019 tăng 1,2 điểm. Năng lực cạnh tranh của ngành du lịch theo xếp hạng của WEF có cải thiện thêm 4 bậc.
|
Ảnh: Minh Trang |
Các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như trách nhiệm liên quan, do đó đã chủ động và tích cực hơn trong thực hiện các giải pháp nhằm nâng điểm số và thứ hạng các chỉ số thuộc trách nhiệm quản lý của mình.
Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta vẫn tiếp tục xếp vào loại thấp và trung bình thấp, chỉ xếp thứ 5, thứ 6 trong các nước ASEAN. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu trong nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Chính phủ ban hành Nghị quyết này tiếp nối Nghị quyết số 02 (năm 2019) và các Nghị quyết số 19 (các năm 2014 - 2018) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dự thảo đưa ra mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 và các năm tiếp theo là tiếp tục thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể định hướng đến năm 2021 theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Trong đó, năm 2020 phấn đấu đạt mục tiêu cải thiện thứ bậc trên các bảng xếp hạng như môi trường kinh doanh trong xếp hạng EoDB (của WB) lên 5 - 7 bậc; Năng lực cạnh tranh trong xếp hạng GCI 4.0 (của WEF) lên 2 - 3 bậc; Đổi mới sáng tạo trong xếp hạng GII (của WIPO) lên 2 - 3 bậc; Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc…
|
Ảnh: Minh Trang |
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Dự thảo đưa ra các nhóm nhiệm vụ giải pháp như tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo từng Bộ ngành, địa phương với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể tương ứng trong Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Các Bộ được phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và các Bộ, cơ quan được phân công chủ trì chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần…
Dự thảo cũng đưa ra các giải pháp cụ thể về tiếp tục cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh; bãi bỏ, đơn giản hóa thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh; Thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện năm 2018 - 2019; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Theo Dự thảo, Chính phủ giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải đặt nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm ưu tiên hàng đầu; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình và kết quả thực hiện Chương trình, Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thực hiện nghiêm chế độ báo cáo. Từng Bộ, ngành, địa phương tổ chức công tác truyền thông mạnh mẽ, thường xuyên và liên tục về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình…/.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư