(MPI) – Ngày 26/12/2019, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2019.
|
Vụ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong những năm qua, vấn đề xoá đói giảm nghèo luôn là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và các địa phương trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đã dành được sự quan tâm, ủng hộ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ giảm nghèo cho các nhóm dân tộc thiểu số trên bình diện quốc gia nói chung và Khu vực Tây Nguyên nói riêng.
Với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên, thực hiện theo hình thức Phát triển theo định hướng từ Cộng đồng tại 130 xã thuộc 26 huyện khó khăn nhất của 06 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong giai đoạn 2014 - 2019.
Dự án có tổng mức đầu tư 165 triệu USD, trong đó 150 triệu USD vốn vay của Ngân hàng Thế giới và 15 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, đã đặt mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng cấp xã và thôn/bản, phát triển sinh kế bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng kết nối nhằm nâng cao mức sống thông qua cải thiện cơ hội sinh kế ở các xã nghèo thuộc vùng dự án.
Sau 5 năm thực hiện, Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra với tổng số hơn 2,1 nghìn tiểu dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm xây mới và cải tạo đường nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng hệ thống nước tự chảy…
Đến nay, hơn 439 km đường nông thôn đã được xây dựng, góp phần tạo thuận tiện cho người dân đi lại, giảm chi phí vận chuyển, thuận lợi hơn trong tiêu thụ sản phẩm và mở rộng vùng sản xuất. Dự án cũng đã hoàn thành kiên cố hóa kênh mương và đập thủy lợi tại một số xã, mở rộng vùng tưới tiêu lên hơn 4 nghìn ha, góp phần tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng hằng năm.
Bên cạnh đó, Dự án cũng đã hoàn thành xây dựng 73 cây cầu treo, một số cống, ngầm tràn và 141 hệ thống nước tự chảy cung cấp nước sạch cho hơn 1 nghìn hộ gia đình.
|
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: MPI
|
Song song với việc xây mới và cải tạo các công trình, Dự án cũng đã thực hiện rất tốt các hoạt động vận hành và bảo trì, giúp nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền các xã tham gia dự án trong việc vận hành hiệu quả, sử dụng và phát huy tối đa công năng của các công trình, sửa chữa kịp thời khi có hỏng hóc, giúp các công trình đạt hiệu quả cao nhất trong khoảng thời gian dài nhất.
Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ trực tiếp người dân thực hiện các mô hình sinh kế thông qua hơn 4,5 nghìn tiểu dự án sinh kế với loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi nhằm tự chủ và đa dạng hóa thu nhập, cũng như phát triển liên kết thị trường.
Dự án cũng giúp người dân tự thành lập hơn 4,1 nghìn tổ nhóm cải thiện sinh kế để liên kết các hộ có cùng mục tiêu và loại hình trồng trọt hoặc chăn nuôi… Trong đó, 42 tổ nhóm là Tổ nhóm liên kết thị trường.
Đến nay đã có gần 59 nghìn hộ nghèo và cận nghèo nhận được hỗ trợ trực tiếp từ Dự án cho các hoạt động sinh kế, bao gồm con giống như bò, dê, heo, gà… để nuôi sinh sản và cây giống như lúa, ngô, dứa, chuối… kèm theo vật tư nông nghiệp cho năm đầu tiên và tập huấn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Hiện vẫn còn hơn 1,8 nghìn tổ nhóm sinh kế duy trì hoạt động. Một số mô hình kinh tế hộ đang mang lại hiệu quả rất cao như nuôi heo rừng lai, nuôi dê bách thảo, nuôi bò cỏ…
Để đạt được những kết quả nêu trên, Vụ trưởng Trần Duy Đông đánh giá cao sự nhiệt tình, tâm huyết, đoàn kết và trách nhiệm của các Ban Quản lý dự án từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã. Đồng thời, ghi nhận sự hỗ trợ tích cực trong quá trình chuẩn bị, triển khai Dự án và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn tiếp theo vì mục tiêu Giảm nghèo và Phát triển bền vững cho các tỉnh nghèo tại Việt Nam./.
Đức Trung
Bộ Kế hoạch và Đầu tư