Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 24/12/2019-21:05:00 PM
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác phòng, chống tham nhũng (Xem tin ảnh)
(MPI) – Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ngày 24/12/2019, Đoàn kiểm tra, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về công tác phòng, chống tham nhũng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, mấu chốt trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước, xây dựng cơ chế chặt chẽ, không có kẽ hở để phòng chống thất thoát và lãng phí.

Trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ liên quan đến công tác PCTN thì có nội dung về thể chế như xây dựng kế hoạch, đầu tư, thống kê, đây đều là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Hiện nay, đấu thầu cũng là vấn đề lớn và còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thực thi. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác tham nhũng, vấn đề lãng phí, cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng thể chế một cách chặt chẽ, không sơ hở mà vẫn khơi thông được nguồn lực đầu tư và không để phát sinh các mầm mống tham nhũng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện nay, tình trạng chuyển giá trong quá trình thực hiện dự án cũng được dư luận quan tâm rất nhiều, khi không làm chặt chẽ từ đầu vào thì đã hình thành tài sản giả tạo ngay từ khâu đầu tư ban đầu, ảnh hưởng đến khấu hao tài sản cố định, ảnh hưởng thuế, quyền lợi của nhà nước và dẫn đến lỗ nhưng về bản chất thì nhà đầu tư lại là lỗ giả, lãi thật. Hiện nay, dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát PCTN, thất thoát lãng phí.

Trình bày Báo cáo tóm tắt công tác PCTN của Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao các đơn vị nghiêm túc thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN, Ban Cán sự đảng đã ban hành các văn bản để chỉ đạo việc thực hiện công tác PCTN; lãnh đạo, chỉ đạo việc xử lý trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng;…

Về kết quả xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để PCTN đã đạt được những kết quả tích cực, nổi bật là trong các lĩnh vực về quản lý đầu tư công, quản lý đấu thầu, quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi, quản lý đầu tư và doanh nghiệp, quản lý quy hoạch, quản lý các khu kinh tế, kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Trong đó, về quản lý đầu tư công, để khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 và thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại đầu tư công, hoàn thiện thể chế nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả đầu tư công, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư công số 36/2019/QH14.

Về quản lý đấu thầu, tiếp tục nghiên cứu, rà soát kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định mới cho phù hợp với yêu cầu quản lý. Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật quản lý đấu thầu, đẩy mạnh công tác đấu thầu qua mạng, kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, các nhân trong quá trình tham gia đấu thầu.

Về quản lý đầu tư và doanh nghiệp, Bộ tiếp tục xây dựng, sửa đổi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, trong đó có nhiều nội dung thể chế hóa những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, góp phần phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Trong công tác quản lý đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam ra nước ngoài, Bộ đã xây dựng và ban hành chương trình xúc tiến đầu tư Quốc gia và chương trình xúc tiến đầu tư của Bộ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các vấn đề liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, tổng hợp kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến thuế, hải quan, giấy phép lao động,…

Kết quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ để PCTN, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ thường xuyên theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương thông qua công tác báo cáo, nắm bắt tình hình, trao đổi nghiệp vụ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Bộ cũng đã thành lập những đoàn công tác liên ngành do các đồng chí Lãnh đạo Bộ làm Trưởng đoàn làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh thúc đẩy giải ngân đầu tư công, rà soát báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật thuộc phạm vi hướng dẫn của Bộ. Hướng dẫn Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung vào một số nội dung thanh tra chuyên ngành về kế hoạch và đầu tư.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đăng Trương cho biết, pháp luật đấu thầu đã tiệm cận với các quy định chung của quốc tế, việc thực thi có bước tiến nhưng vẫn có tình trạng thông thầu và để phát hiện xử lý thì khó khăn vì các gói thầu khi kiểm tra đã hoàn thành trong quá khứ. Khi đã phân cấp các Bộ, ngành, địa phương tự tổ chức giám sát và thanh tra nhưng thực tế còn rất hình thức, nhiều Bộ không kiểm tra, dẫn đến tình trạng phát hành hồ sơ nhưng nhà thầu không mua được hồ sơ mời thầu. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, Bộ đã ban hành các biểu mẫu trong thực hiện, chuẩn hóa các bước trong lựa chọn nhà thầu, tăng cường đấu thầu điện tử nhằm giảm thiểu việc xảy ra kiện cáo và tính cạnh tranh cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực xây dựng các quy định mới nhằm tăng cường công khai minh bạch trong đấu thầu; công khai năng lực của các nhà thầu, danh sách các nhà thầu vi phạm…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Hào Hùng nhấn mạnh đến các nội dung liên quan đến công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và cho biết, trong năm 2019, Bộ đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền 04 luật, trong đó 01 Luật đã thông qua và báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến 03 dự án Luật gồm: Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật PPP. Các dự án Luật được xây dựng một cách có hệ thống nhằm thể chế hóa, đảm bảo tính minh bạch, khả thi, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, đây cũng là cơ sở để PCTN…

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh đến các điểm mới của Luật đầu tư công và ý nghĩa của Luật trong việc PCTN. Đặc biệt, Luật này được sửa đổi nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công gắn với tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.

Phát biểu tại buổi làm việc, quyền Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Khắc Minh đánh giá cao sự phối hợp tích cực, chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình làm việc với Đoàn kiểm tra. Đồng thời nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ đã tham mưu tốt trong việc xây dựng thể chế, chính sách, đưa ra nhiều đề xuất tốt nhằm khắc phục các lỗ hổng có thể gây tiêu cực, tham nhũng. Trong nội bộ, Bộ thực hiện tốt các giải pháp của Đảng, Nhà nước về PCTN. Trên cơ sở Kế hoạch PCTN của Bộ, một số đơn vị ban hành chương trình PCTN của mình. Đây là điểm sáng mà ít nơi làm được.

Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc phát biểu
tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Kết luận tại buổi làm việc, Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đánh giá, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác PCTN cả trong nội bộ và trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Đồng thời, quan tâm, chỉ đạo quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về PCTN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu ban hành và ban hành nhiều văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế - xã hội và PCTN.

Công tác PCTN trong lĩnh vực đầu tư công rất khó nhưng Bộ đã rất nỗ lực vượt qua, từ lĩnh vực đầu tư công, đấu thầu, đầu tư, thanh tra… Bộ cũng đã quan tâm đến công tác thanh tra nội bộ, quan tâm và nghiêm túc trong công tác PCTN nội bộ, xác định những lĩnh vực có nguy cơ PCTN cao để có giải pháp phòng ngừa thực hiện, xử lý.

Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về PCTN. Đồng thời, tiếp tục tăng cường xây dựng quy định, thể chế thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là thực hiện thanh tra chuyên đề. Tập trung ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng tham nhũng vặt. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra giám sát của Đảng… Nhìn chung, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Bộ đã vượt qua, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục đóng nhiều hơn nữa cho công tác PCTN, từ đó đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cảm ơn những đánh giá của Đoàn kiểm tra nói chung và của Bí Thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nói riêng và nhấn mạnh, đây là cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm quy báu, từ đó góp phần nâng cao hơn nữa công tác PCTN. Đồng thời nhấn mạnh đến tư duy, tầm nhìn của Bộ trong việc xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, đưa ra các mô hình mới… trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa cơ chế xin cho, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực đấu thầu, đầu tư công nhằm cường tính công khai minh bạch, PCTN, tiêu cực, lãng phí…/.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 5906
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)