Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Naomichi MUROOKA cho biết, gần đây sự quan tâm đến thực phẩm sạch tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đây là tiềm năng lớn của thị trường trong nước.
|
Ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam. (Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/Vietanm+) |
Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển giá trị lượng thực thực phẩm, với quy mô thị trường lớn và giá trị xuất khẩu cao, nhất là khi Việt Nam đang tích cực tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Đây là các ý kiến được đưa ra tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư nhằm phát triển chuỗi giá trị thực phẩm do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội sáng 14/1.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Naomichi Murooka, Phó Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam cho biết, gần đây sự quan tâm đến thực phẩm sạch tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đây là tiềm năng lớn của thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-châu Âu (EVFTA), điều này đang mở ra triển vọng mới cho ngành thực phẩm ở Việt Nam.
Thời gian qua, Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị thực phẩm của Việt Nam. Điều này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Nhật Bản trong nông nghiệp.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, nông nghiệp Việt Nam liên tục có bước tăng trưởng khá trong những năm gần đây.
Đặc biệt, năm 2019 tổng giá trị xuất khẩu nông nghiệp đạt mức kỷ lục với 41,3 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn.
“Nếu như trước đây người nông dân Việt Nam làm nông nghiệp chỉ đáp ứng nhu cầu đủ ăn và tiêu dùng thì giai đoạn này người nông dân muốn làm giàu từ nông nghiệp. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân và ngành nông nghiệp giai đoạn tới phải đạt được mục tiêu này,” ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, mặc dù xuất khẩu nông nghiệp tăng trưởng khá nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định như mới chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô; 80% sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu, logo và nhãn hiệu; công tác dự báo thị trường và thống kê còn yếu, giá cả không ổn định.
Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là quy mô hộ gia đình, còn ít doanh nghiệp tham gia, ít chuỗi giá trị; thiếu liên kết giữa doanh nghiệp quy mô lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, tổ chức nông dân. Ngoài ra, việc áp dung khoa học tiên tiến vào sản xuất chế biến, bảo quản vẫn còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực cần tăng cường hợp tác quốc tế trong thời gian tới, và cần sự hợp tác chia sẻ từ Nhật Bản nhất là trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, xây dựng sàn giao dịch thương mại, sàn giao dịch hàng hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao…
Trong khuôn khổ “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản (2015-2019),” hai nước đã triển khai các hoạt động hợp tác chặt chẽ nhằm tăng năng suất và giá trị gia tăng nông nghiệp Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đang trong tiến trình rà soát kết quả hợp tác của các chương trình/dự án đã và đang triển khai, cũng như Chương trình hợp tác Công-Tư đã hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản triển khai tầm nhìn nêu trên.
Khảo sát Thu thập số liệu về hợp tác theo chiến lược mở rộng kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp đã được JICA tiến hành từ tháng 6/2019, với khu vực khảo sát là toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung vào các vùng thí điểm gồm i) Hà Nội, ii) Thành phố Hồ Chí Minh, iii) tỉnh Nghệ An, iv) tỉnh Lâm Đồng, v) thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lân cận, trong đó có tỉnh Bến Tre, cũng như các vùng thí điểm dự kiến trong tương lai, trong đó có vi) tỉnh Sơn La./.