Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/01/2020-20:06:00 PM
Chính phủ luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp (Xem tin ảnh)
(MPI) - Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã tổ chức Diễn đàn với chủ đề “Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững”. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt năm 2019 với nhiều kỳ vọng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua và là dịp để các bên ngồi lại để cùng đánh giá những kết quả đã đạt được và đưa ra những định hướng nhằm thắt chặt mối liên kết giữa cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI

Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung và hiệu quả của vốn đầu tư nói riêng.

Tuy nhiên, phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững. Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng các bon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bởi nhà nước đặt ra mục tiêu nhưng lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu là doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2019 có thể coi là năm “bứt phá” trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra (6,8%), thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.

Theo đánh giá, đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tỷ trọng FDI trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên 21,8% năm 2017 và hơn 20% năm 2018. Tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài cũng tăng đáng kể: Từ 1,8 tỷ USD trong giai đoạn 1994-2000 lên 23,7 tỷ USD trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Năm 2018, đóng góp gần 298 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,9% tổng thu NSNN. Doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho khoảng 4,51 triệu lao động trực tiếp và 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng

Trong những năm gần đây, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, áp dụng công nghệ mới, tự động hóa, sử dụng kỹ thuật rô-bốt, các phầm mềm và công nghệ thiết kế, điều khiển chuyên dụng trong sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ hiệu quả đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt, phát triển đáng kể về quy mô doanh nghiệp, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã có chiến lược sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội. Đây là một tín hiệu đáng mừng, là một xu thế hiện hữu đang diễn ra trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn. Hơn 100 Tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Đã có những công đoạn sản xuất công nghệ cao được thực hiện ở Việt Nam. Tỷ lệ cung ứng thành phẩm, bán thành phẩm của doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp ĐTNN trong một số ngành, lĩnh vực như xe máy, điện tử gia dụng, công nghiệp công nghệ cao, điện tử tin học, viễn thông, ô tô và thiết bị đồng bộ khá cao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực, sáng tạo của Chính phủ, Cộng đồng doanh nghiệp, người dân để biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển nhanh và bền vững. Trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế lan tỏa sâu rộng, cần phải nhận thấy những xu hướng mới sẽ tác động đến phương thức, ý tưởng kinh doanh mới trong tương lai của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tầng lớp trung lưu Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng.

Điều này sẽ thay đổi cấu trúc tiêu dùng của nền kinh tế, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới mà các doanh nghiệp cần năng động, sáng tạo đón đầu. Xu hướng thay đổi công nghệ, mối quan tâm xã hội và toàn cầu hóa là những động lực mới cho phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo,… Đồng thời cũng là cơ sở cho những thay đổi về quản lý của Chính phủ nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, khơi nguồn sự sáng tạo, mang tính cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, cơ quan Việt Nam tiếp thu để tham khảo hoàn chỉnh các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại, đầu tư,… Đối với những kiến nghị cụ thể, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp thu, giải quyết trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp

Để chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 05 nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối “thông minh”, hiệu quả, qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.

Thứ hai, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực cùng phát triển. Thời gian qua, lần đầu tiên, doanh nghiệp ở cả ba khu vực có các Nghị quyết riêng của Đảng để thúc đẩy phát triển, đó là: Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 12-NQ/TW năm 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng chính sách tại các Nghị quyết này, nhằm tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp.

Thứ ba, phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng các mô hình kinh doanh mới, bền vững, tăng năng suất lao động, áp dụng các công nghệ xanh trong sản xuất, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Thứ tư, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ kiến tạo phát triển cơ sở hạ tầng cho sự đổi mới, thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ năm, tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Trước hết là hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo. Không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Sắp tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

Tại Diễn đàn này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhiều lợi thế về tiềm lực tài chính, công nghệ, đội ngũ nhân sự… cần phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt trong việc đầu tư, lựa chọn công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo để hướng tới phát triển bền vững. Từ đó tạo ra thị trường, cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sản xuất, cung ứng các sản phẩm trung gian, dịch vụ phụ trợ...

Chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế Việt Nam trong những thập niên tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò là nhà kiến tạo phát triển, VN luôn coi các nhà đầu tư nước ngoài là những công dân của người nước ngoài. Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) sẽ tiếp tục là một kênh đối thoại chính sách quan trọng và hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI

Năm 2019: Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực

Phát biểu tại Diễn đàn, Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione chúc mừng Chính phủ đạt được kết quả năm 2019, Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, với việc mở rộng tăng cường xuất khẩu, tiêu dùng, khu vực tư nhân tiếp tục cho thấy sự tự tin của họ cùng với sự phát triển của đất nước. Vai trò rất lớn, đặc biệt khu vực FDI. Chúng ta đã bước vào thập kỷ mới, trong một bầu trời thực sự rất u ám nhưng Việt Nam là điểm sáng, thập kỷ mới có nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, những tháo gỡ cho Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhấn mạnh những điểm chính mà tôi tin trằng nó sẽ là bước đóng góp cho pt đến năm 2025.

Ông Ousmane Dione nhấn mạnh đến vấn đề chất lượng của thể chế, tăng cường thể chế, thúc đẩy công nghệ, tăng cường số hóa, chất lượng giải trình được nâng cao. Để có thể thực hiện yếu tố này, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách để hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2035, trong đó khu vực FDI và khu vực tư nhân cần có đóng góp tích cực hơn. Đồng thời nhấn mạnh đến chất lượng hạ tầng, xương sống của hành lang kinh tế, để đảm bảo thực hiện theo yêu cầu cần duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển về cơ sở hạ tầng giúpViệt Nam phát triển nhanh. Chất lượng về vốn nhân lực, chất lượng đại học để tiếp tục thúc đẩy, tăng cường hơn nữa chất lượng giáo dục của Việt Nam trong thời gian tới. Nâng cao chất lượng nhân lực, giáo dục, cải cách thể chế để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để vượt qua khó khăn, mang lại sự phát triển của Việt Nam. Khu vực tư nhân, FDI, doanh nghiệp trong nước là động lực quan trọng, cần phải tận dụng cơ hội từ dân số vàng. Khu vực tư nhân là động lực, trí tuệ nhân tạo, làm sao để chúng ta có sản phẩn “made in Việt Nam”. Đồng thời, Chính phủ cần phải hành động và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục, các quy trình. VBF sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh (MPI)

Cộng đồng doanh nghiệp hi vọng năm 2020 sẽ là mùa chim làm tổ, mùa kết hôn của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Vũ Tiến Lộc khẳng định, việc tương tác giữa VBF với các Bộ, ngành không chỉ diễn ra tại 02 hội nghị, mà còn diễn ra thường xuyên thông qua các buổi làm việc của tổ công tác, đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Chúng ta đã thống nhất Việt Nam đã có những thành công trong phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn khó khăn của năm 2019. Việt Nam đã trở thành ngôi sang đang lên trong bầu trời kinh tế thế giới về phát triển, hội nhập và cải cách. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2020, theo dự báo vẫn chưa có những dấu hiệu khởi sắc và đà giảm tốc của nền kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục, là nền kinh tế có độ mở cao thì nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng đáng kể.

Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng rằng, trong năm 2020 động lực tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục có dấu hiệu tốt chủ yếu đến từ cải cách thể chế và đơn giản thủ tục hành chính. Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, những cải cách của Chính phủ phải tập trung vào những điểm nghẽn bắt đầu từ những xung đột pháp luật về kinh doanh và quá trình thực thi để đảm bảo nhất quán. Điều cộng đồng lo lắng là quy trình và thủ tục hành chính để thực hiện các dự án đạng chậm lại, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến kết quả đầu tư và kết quả tăng trưởng trong những năm sắp tới, do vậy vấn đề này cần phải được khắc phục sớm. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị, một trong những chương trình hành động của Chính phủ là xử lý 25 điểm nghẽn đầu tư kinh doanh như doanh nghiệp đã kiến nghị. Chính phủ đã thành lập tổ công tác để giải quyết các xung đột trong kinh doanh và thành lập tổ công tác thúc đẩy cải cách thể chế.

Năm 2020 là năm rất quan trọng của Việt Nam, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 50-NQ/TW, Chính phủ đã đề ra chương trình hành động với mục tiêu cắt giảm 20% các thủ tục hành chính và chi phí tài chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Những con số ngắn gọn được ông Vũ Tiến Lộc đề cập đến đó là Cộng đồng doanh nghiệp đề nghị bắt đầu thực hiện “Chương trình 25” đó là tập trung xử lý 25 điểm chồng chéo của pháp luật. Đó là thực hiện “Chương trình 20” cắt giảm 20% các thủ tục hành chính, các chi phí liên quan đến TTHC trong sản xuất kinh doanh. Thứ ba là “Chương trình 50” triển khai thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ông Vũ Tiến Lộc hi vọng VBF đã đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình là diễn đàn đối thoại của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước với Chính phủ Việt Nam thì bây giờ VBF sẽ tiếp tục là bà mối, lực lượng tiên phong trong thực hiện kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Cộng đồng doanh nghiệp hi vọng năm 2020 sẽ là mùa chim làm tổ, mùa kết hôn của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.

Tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, qua ba phiên thảo luận sôi nổi, các Hiệp hội doanh nghiệp và các nhóm công tác của Diễn đàn đã có những ý kiến tham luận và kiến nghị rất xác đáng và tâm huyết đối với các cơ quan Chính phủ, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp: mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần doanh nghiệp song cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất và đồng bộ để đạt được các mục tiêu chiến lược. Các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Hoàn thiện thể chế về đầu tư, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị nhiều vấn đề liên quan tới Luật chuyển giao công nghệ, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật quy hoạch, Luật đấu thầu, Bộ luật Lao động, Luật đất đai, Luật an ninh mạng... Đây đều là những lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp.

Về thuế và hải quan, việc vận dụng các quy định, chính sách ở địa phương vẫn tồn tại một số khó khăn, bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phạm vi kiểm tra sau thông quan chồng chéo, vấn đề thuế GTGT đối với hàng hóa giao nhận ngoài Việt Nam; Vướng mắc về hoạt động thương mại của các doanh có vốn đầu tư nước ngoài;...

Về điện và năng lượng, ưu tiên năng lượng tái tạo trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Tăng cường sử dụng khí ga tự nhiên như “phụ tải cơ bản phù hợp nhất” cho năng lượng tái tạo, Xây dựng môi trường pháp lý và thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân vào hoạt động sản xuất năng lượng sạch và sử dụng năng lượng hiệu quả. Xây dựng môi trường pháp lý và hỗ trợ thu hút đầu tư sản xuất năng lượng sạch không nối lưới quy mô nhỏ hơn.

Về cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng một cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu quả. Một số vấn đề liên quan tới dự thảo Luật PPP như bảo lãnh, phân chia rủi ro, lựa chọn nhà đầu tư.

Về nông nghiệp, triển khai nông nghiệp thông minh và hợp tác với các quốc gia để xây dựng nền nông nghiệp thông minh có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới.

Về giáo dục và đào tạo, Việt Nam cần cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục bậc Đại học để đưa nền giáo dục phù hợp với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển nguồn nhân lực quốc gia tập trung vào việc học tập suốt đời và các kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ và kỹ năng giao tiếp và ứng xử cho tất cả sinh viên. Về du lịch, cần đa dạng hpóa danh sách điểm đến của Việt Nam Phát triển lực lượng lao động du lịch trong tương lai và đào tạo lại các nhân viên cũ.

Trong quá trình thảo luận, đại diện các Bộ, ngành cũng đã có những ý kiến phản hồi và trao đổi cụ thể, chi tiết, qua đó làm rõ hơn các nội dung mà các bên cùng quan tâm, đặt ra yêu cầu cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khư vực đầu tư nước ngoài để nâng cao hiệu quả hợp tác về đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao nội dung đóng góp của các Nhóm công tác, của cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Đặc biệt hôm nay chúng ta được lắng nghe nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về những định hướng lớn cũng như nội dung việc mà các Bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần phải tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng hợp các ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp và nội dung chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đồng thời sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để xử lý hiệu quả các kiến nghị, trình cấp có thẩm quyền tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3262
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)