Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 17/01/2020-17:13:00 PM
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng PPP hiệu quả ở Việt Nam

Toàn cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: VGP
Hiện nay, Việt Nam rất khó huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác, đồng thời bảo đảm hài hoà lợi ích các bên.

Đây là một nội dung trao đổi tại buổi Toạ đàm Phương thức đầu tư Hợp tác công tư (PPP) - kinh nghiệm quốc tế và ý nghĩa chính sách đối với quản lý tài chính ngân sách tại Việt Nam do Bộ Tài chính tổ chức vừa qua.

Diễn đàn kinh tế Thế giới công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018, trong đó Việt Nam xếp thứ 79 trong số 137 quốc gia trên thế giới về chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung. Chỉ có 20% đường bộ của Việt Nam được trải nhựa, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác như Malaysia, Ấn Độ và Indonesia.

Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030.

Bà Lynn Tho, đại diện Công ty Kiểm toán Ernst & Young đánh giá, trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn hẹp, việc kêu gọi vốn tư nhân đầu tư là một trong những giải pháp nhằm gia tăng nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, Việt Nam rất khó huy động vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng, do đó, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng, cao nhất ở Đông Nam Á và cao hơn Ấn Độ. Vì vậy, Việt Nam cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng với các quốc gia khác.

Việt Nam có quy mô nền kinh tế còn chưa lớn, khả năng tích lũy hạn chế dẫn đến việc duy trì đầu tư ở mức độ cao cho kết cấu hạ tầng ảnh hưởng đến bảo đảm cân đối vĩ mô, đến phát triển chung của toàn nền kinh tế. Đồng thời, việc đầu tư lớn cho kết cấu hạ tầng dẫn đến gây áp lực đối với trần nợ công cao; việc tiếp cận các nguồn vốn vay giá rẻ như ODA giảm cũng gây áp lực lên vấn đề nợ công.

Theo ông Ousmane Dione,Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư mang lại nhiều lợi ích khác nhau, nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi triển khai; trong đó, rủi rõ tài khóa là vấn đề quan trọng nhất, cần phải làm rõ.

Bởi nhiều khi các bên hiểu đầu tư theo hình thức đối tác công tư là cách thức để có được cơ sở hạ tầng miễn phí, hay cách hiểu khác là cơ chế vượt qua thách thức về tài chính, công cụ để hiện thực hóa đầu tư công thường dành cho cơ sở hạ tầng lớn, công cộng…

Hơn nữa, thực tế ở Việt Nam cho thấy, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo.

Chỉ nói riêng lĩnh vực giao thông, các chính sách phí trong lĩnh vực giao thông chưa hoàn thiện, chưa có mức phí hoàn vốn cho đường cao tốc, đường thủy nội địa, đường sắt, hàng hải, hàng không là những trở ngại lớn.

Các chuyên gia kiến nghị, bên cạnh việc phải nâng cao được vai trò của Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ của thúc đẩy các hình thức đối tác.

Đại diên WB cũng lưu ý: Việc huy động nguồn vốn trong nước tạo ra những hạn chế trong việc thẩm định dự án cơ sở hạ tầng để có thể tài trợ mà không cần bảo đảm. Các dự án lớn có thể vượt quá khả năng cấp vốn của thị trường trong nước. Trong khi đó, nguồn vốn PPP từ nước ngoài sẽ tiếp cận được đến nhiều tổ chức tín dụng lớn hơn và chuyên sâu hơn, có thể đảm nhận được các dự án lớn, giảm toàn bộ chi phí tài chính nhờ lãi suất USD thấp. Việc cạnh tranh giữa các nhà đầu tư nước ngoài cũng giúp Việt Nam quản lý tài khoá tốt hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, chuyên gia cho biết, Hàn Quốc có chính sách đảm bảo doanh thu tối thiểu bằng cách hỗ trợ tài chính ban đầu, sau khi PPP tăng trưởng nhanh chóng, Hàn Quốc thay thế bằng Chương trình chia sẻ rủi ro doanh thu, hỗ trợ tài chính 30-50% tổng chi phí dự án.

Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ cam kết bảo lãnh doanh thu tối thiểu cho các dự án giao thông, thực hiện thanh toán theo dịch vụ cho các dự án bệnh viện; cam kết nhận nợ đối với bên cho vay trong trường hợp chấm dứt hợp đồng.

Ông Sanjay Grover, Văn phòng hợp tác công-tư, ADB cho rằng cơ chế chia sẻ rủi ro chỉ nên áp dụng cho các dự án khả thi, chỉ sử dụng khi cần thiết hoặc khi đảm bảo hiệu quả chi phí và áp dụng đa dạng các hình thức hỗ trợ của Chính phủ sẽ hiệu quả hơn.

Trao đổi với các chuyên gia quốc tế về các “luật chơi” mà Việt Nam đang hoàn thiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết,Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì đầu tư xây dựng Luật Đối tác công tư trình Quốc hội cho ý kiến.

Về những vấn đề liên quan tới tài chính - ngân sách, Bộ Tài chính đánh giá: Dự thảo Luật đã kế thừa các quy định tại Nghị địnhsố63/2018/NĐ-CPcủa Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, như: hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, công trình phụ trợ, góp vốn để hỗ trợ xây dựng công trình. Bên cạnh đó, dự thảo Luật có quy định mới về cơ chế chia sẻ doanh thu. TheoThứ trưởng,cơ chế chia sẻ rủi ro thông qua chia sẻ doanh thu có tác động đến nghĩa vụ dự phòng của ngân sách nhà nước, tuy nhiên, nghĩa vụ này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và chưa được quy định rõ ràng, cụ thể trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. “Trường hợp phải sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, về nguyên tắc phải tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước và phải được Quốc hội phê duyệt”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà khẳng định./.

Anh Minh
Chinhphu.vn

    Tổng số lượt xem: 724
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)