Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/02/2020-18:17:00 PM
Sách trắng hợp tác xã Việt Nam dự kiến được công bố vào cuối tháng 3/2020 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Tiếp nối thành công của Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì biên soạn và công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam thường niên. Ngày 20/02/2020, Thứ trưởng Võ Thành Thống chủ trì cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan thuộc Bộ thống nhất một số nội dung của Sách trắng.
Thứ trưởng Võ Thành Thống chủ trì cuộc họp. Ảnh: MPI

Hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng nhất của kinh tế tập thể, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng (từ Đại hội lần thứ IV): “Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”, “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt”. Phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển hợp tác xã nói riêng đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong những năm qua, với sự chỉ đạo sát sao, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều chính sách, Nghị quyết được ban hành và đi vào cuộc sống như Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Các Nghị quyết số 19/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020, cùng với sự phát triển của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã và đang từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trình bày Báo cáo biên soạn Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam năm 2020. Ảnh: MPI

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích lâm, đơn vị được giao chủ trì xây dựng Sách trắng đã báo cáo về tình hình biên soạn Sách trắng hợp tác xã năm 2020. Đồng thời cho biết, hiện có ba nguồn thông tin để biên soạn Sách trắng, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Nội dung dự kiến của Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 gồm: Những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm: Bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; Tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 cả nước; Bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 các địa phương.

Do đây là năm đầu tiên biên soạn và công bố Sách trắng hợp tác xã Việt Nam trong khi có nhiều nguồn thông tin, số liệu còn chênh lệch, do vậy, Tổng cục Thống kê dự kiến sử dụng các biểu số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gồm số hợp tác xã đang hoạt động; số hợp tác xã thành lập mới; số thành viên hợp tác xã. Chỉ tiêu số hợp tác xã trong tất cả các biểu cũng như các chỉ tiêu liên quan quy định là tổng hợp từ hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh.

Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 dự kiến có hơn 20 biểu số liệu về hợp tác xã phân theo quy mô lao động, ngành kinh tế và số liệu hợp tác xã của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có số hợp tác xã đang hoạt động đến thời điểm ngày 31/12 theo địa phương; số hợp tác xã đang hoạt động, có kết quả sản xuất kinh doanh đến thời điểm ngày 31/12 theo quy mô lao động, theo ngành kinh tế; số hợp tác xã hoạt động; lao động của hợp tác xã; thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã; hiệu suất sử dụng lao động trong hợp tác xã; nguồn vốn, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế của hợp tác xã; tỷ lệ hợp tác xã kinh doanh có lãi, lỗ;…

Tham gia thảo luận, các đại biểu tập trung vào các nội dung liên quan đến kết cấu, các nguồn thông tin sử dụng biên soạn Sách trắng; thống nhất nguồn thông tin cũng như các khái niệm, giải thích từ ngữ… nhằm thống nhất một số chỉ tiêu được đưa ra tại Dự thảo. Các ý kiến của các đại biểu bày tỏ nhất trí với cách tiếp cận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các chỉ tiêu được đưa ra tại Dự thảo. Đồng thời đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian ngắn đã chủ động, phối hợp tốt với các Bộ, ngành liên quan để đưa ra được bức tranh tổng thể về tình hình hợp tác xã với những đánh giá rất cụ thể, sát với tình hình thực tế hiện nay.

Đồng thời đề nghị Dự thảo thể hiện “đậm nét” hơn về kinh tế hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản theo tinh thần Nghị quyết 32/2016/QH14 ngày 23/11/2016 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đối với từng chỉ tiêu, ngoài việc phân tổ nên có chỉ tiêu về ngành kinh tế, để thuận tiện trong việc so sánh chỉ tiêu kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực…

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Thành Thống đánh giá cao các ý kiến trao đổi thắng thắn, trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm của các đại biểu. Qua các ý kiến cho thấy sự đồng thuận, thống nhất cao về các nội dung của Dự thảo như kết cấu, nguồn thông tin, các khái niệm, tiêu chí phân loại hợp tác xã (số lượng hợp tác xã đang hoạt động; hợp tác xã tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; hợp tác xã thành lập mới; hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh).

Năm 2021, Tổng cục Thống kê tổ chức Tổng điều tra kinh tế, phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, thống nhất số lượng hợp tác xã và các khái niệm, nội hàm, hệ thống chỉ tiêu cần thu thập, tổng hợp và biên soạn Sách trắng hợp tác xã thường niên, đảm bảo tính thống nhất giữa các Bộ, ngành.

Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị Tổng cục Thống kê, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020 được công bố theo đúng dự kiến (cuối tháng 3/2020). Việc ban hành Sách trắng hợp tác xã Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương.

Kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, kinh tế tập thể, hợp tác xã còn là tổ chức phát huy tính tự chủ của người dân, tạo điều kiện để người dân được hưởng thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước một cách công bằng, bình đẳng./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 2369
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)