(MPI) – Trong chuyến công tác tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, ngày 21/02/2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh Hà Giang.
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đã báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025.
Theo Báo cáo, tỉnh Hà Giang thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế thế giới. Tình hình trong nước và quốc tế có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong điều kiện nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn khó khăn, nợ đọng xây dựng cơ bản lớn; thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... diễn biến bất thường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, chưa đồng bộ; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao... đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, với sự lãnh chỉ đạo sát sao, chủ động, linh hoạt, bằng tinh thần đoàn kết nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và Nhân dân các dân tộc, Hà Giang đạt được những kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, các mục tiêu giai đoạn 2016-2020 cơ bản hoàn thành.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 6,85%, cao hơn mức 6,5% của giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Tỷ trọng khu vực nông lâm nghiệp thuỷ sản giảm từ 33,6% năm 2015 xuống còn 30,3% vào năm 2020; tỷ trọng khu vực công nghiệp xây dựng tăng từ 22,45% năm 2015 lên 25,7% vào năm 2020; tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng từ 43,94% năm 2015 lên 44% vào năm 2020. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện cả nhiệm kỳ đạt trên 45.350 tỷ đồng, tăng 72,8% so với giai đoạn 2011-2015. Tổng sản phẩm bình quân đầu người có mức tăng trưởng khá và ổn định; đến năm 2020 đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015.
Sản xuất nông nghiệp, Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và các cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả; đã xác định rõ 06 cây, con chủ lực, có lợi thế so sánh và khả năng sản xuất trở thành hàng hóa của tỉnh. Trong đó hiện đang tập trung xây dựng và phát triển đối với 03 sản phẩm là Cam sành, Gạo chất lượng cao và Mật ong Bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong trồng trọt, tỉnh Hà Giang đã tích cực áp dụng cơ giới hóa, dồn điền đổi thửa, thực hiện chuyển đổi một phần đất sản xuất cây lương thực (lúa, ngô) kém hiệu quả, không chủ động được nước tưới sang các cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Giá trị thu hoạch bình quân trên ha đất canh tác cây hàng năm đều tăng qua các năm, đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/ha. Trong chăn nuôi đã tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, đồng thời phát triển các gia trại, trang trại theo hướng VietGAHP.
Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, quyết liệt và có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo; đã huy động được nguồn vốn đầu tư cho Chương trình được trên 4.036,954 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa và Nhân dân đóng góp chiếm 30,8%. Đến đến hết năm 2020 có 43 xã đạt chuẩn, tăng 32 xã so với năm 2015. Diện mạo nông thôn có sự thay đổi rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Công tác quy tụ dân cư được triển khai thực hiện quyết liệt; đã ban hành và hoàn thành di chuyển, ổn định cho 4.692 hộ trong Đề án quy tụ dân cư.
Sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá; công nghiệp khai thác đã dần chuyển từ xuất sản phẩm thô sang sơ chế và tinh chế sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Công nghiệp chế biếntập trung vào phát triển các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu nông sản của địa phương như: chè, ván bóc, dược liệu và các sản phẩm vật nuôi khác…; Công nghiệp điện tập trung đầu tư phát triển các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ phát huy lợi thế của tỉnh. Đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng số 40 nhà máy thủy điện hoàn thành và đi vào hoạt động, sản lượng điện phát ra trên 2.850 triệu kWh/năm, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 3.000 tỷ đồng/năm.
Cải cách hành chính được đẩy mạnh, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao chất lượng công vụ. Thực hiện nghiêm túc việc rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính tỷ lệ cắt giảm thời gian trung bình đạt khoảng trên 30%. Tích cực triển khai thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao các chỉ số của tỉnh. Năm 2018, chỉ số PAR Index xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố (tăng 24 bậc so với năm 2015), chỉ số PAPI xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố (tăng 26 bậc so với năm 2015), chỉ số PCI xếp thứ 52/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2015), chỉ số ICT- Index năm 2018 xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2015).
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND, các sở, ngành của Tỉnh đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016- 2020.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2020 chính là thời điểm quan trọng để tỉnh Hà Giang định hình lại xem những gì đạt được, chưa đạt được, tìm ra nguyên nhân để có hướng đi thích hợp trong nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, tỉnh Hà Giang cần làm tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư vào địa phương kết hợp với việc thay đổi cơ cấu, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao áp dụng vào thực tế. Riêng về vấn đề an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội là vấn đề cốt lõi mà Hà Giang đã, đang làm rất tốt, hiệu quả. Những kết quả này đã khẳng định được sự cố gắng, nỗ lực của địa phương, tuy chưa phải là sự bứt phá nhưng thật sự rất ấn tượng và đáng khích lệ.
Bên cạnh những kết quả đạt được tỉnh vẫn có những tồn tại, hạn chế nhất định. Tỉnh cần làm tốt việc đột phá về tạo sinh kế cho người dân bằng việc tranh thủ các nguồn lực, chương trình của trung ương để tạo việc làm, từng bước nâng cao đời sống cho người dân. Đồng tình với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh về phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng hệ thống hồ treo… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn tham mưu và cùng vớicác Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang dâng hương và vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng Liệt sỹ tại Đền thờ các Anh hùng Liệt sỹ
tại điểm cao 468 |
Trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng các thành viên đoàn công tác đã đến kiểm tra hoạt động tại Khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thủy; Dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại xã Thanh Thủy; Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ tại điểm cao 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên); Dâng hoa, dâng hương, viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; Thăm một số khu di tích lịch sử trên địa bàn xã Thanh Thủy, như: Thôn Làng Ping, Hang Dơi, thôn Cốc Nghè… Tại đây, Bộ trưởng đã tặng quà, động viên cán bộ và Nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, đồng thời có ý thức bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư