Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 03/02/2020-21:25:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 năm 2020 của thành phố Cần Thơ
I. CÔNG NGHIỆP
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 01 đạt 97,01% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt 94,76%; ngành phân phối điện tăng 17,57%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 3,99% so với cùng kỳ. Do tháng 01 năm nay trùng với Tết Canh Tý, các cơ sở và doanh nghiệp đều nghỉ tết khoảng 10 ngày nên khối lượng sản xuất giảm so với cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có chỉ số giảm như: gạo xay xát giảm 5,13%, thức ăn gia súc giảm 37,35%, thức ăn thủy sản giảm 24,69%, bia lon giảm 26,87%, thuốc lá giảm 37,81%, quần áo may sẵn giảm 38,20%. Tuy nhiên, cũng có một số sản phẩm tăng như: Phi lê đông lạnh tăng 8,80%; sản phẩm in khác tăng 58,47%; thuốc diệt cỏ tăng 22,31%; dược phẩm tăng 13,33%; sản phẩm nhựa gia dụng tăng 28,44%; xi măng tăng 38,30%; đinh vít tăng 17,86%; sửa chữa tàu thuyền tăng 11,06%; tủ gỗ tăng 14,71%; điện thương phẩm tăng 17,57%. Nguyên nhân tăng do nhu cầu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết. Tuy sản lượng tăng không đáng kể nhưng cũng góp phần làm tăng giá trị cho ngành công nghiệp chế biến. Mặt khác, nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến được doanh nghiệp ứng dụng từ đó làm giảm bớt chi phí, với trình độ khoa học công nghệ hiện đại như ngày nay thì những thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã làm thay đổi phương thức quản lý của doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến người tiêu dùng cuối cùng đều được doanh nghiệp quan tâm và phát huy… từ đó giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiệu quả về chi phí và lợi ích cũng được gia tăng như: giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh, lợi ích về môi trường và xã hội…
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 01/2020 là 92,03% so với tháng cùng kỳ. Trong đó, một số sản phẩm có mức tiêu thụ tăng như: Sản phẩm thuỷ sản tăng 33,02%; thuốc lá tăng 16,20%; sản phẩm từ giấy tăng 7,94%; sản phẩm hóa chất tăng 2,16%; dược phẩm tăng 13,79%; sản phẩm từ plastic tăng 6,00%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 7,49%; sản phẩm từ kim loại tăng 16,06%; máy móc thiết bị tăng 13,77%. Một số sản phẩm trên tăng do đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng phục vụ mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán. Mặt khác, chất lượng sản phẩm, kết cấu sản phẩm hợp lý là một lợi thế cạnh tranh sắc bén, nhờ đó mà khối lượng sản phẩm tiêu thụ được tăng lên đáng kể. Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tăng sức mạnh cạnh tranh trong công tác tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp thường hỗ trợ các dịch vụ kèm theo như vận chuyển, bảo hành, hướng dẫn cách sử dụng, giới thiệu… để tạo ra tâm lý thoải mái, yên tâm cho khách hàng khi mua sản phẩm, đồng thời cũng khuyến khích khách hàng tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/01/2020 là 59,20% so với tháng cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 01/2020 tăng 0,64% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,24%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 0,74% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,03%. Số lao động tại các doanh nghiệp không có biến động nhiều, mức tăng giảm không đáng kể.

II. NÔNG LÂM NGHIỆP - THUỶ SẢN

1. Nông nghiệp

1.1. Trồng trọt

- Cây lúa: Đến nay, TP Cần Thơ đã xuống giống ước được 79.244 ha lúa Đông xuân 2020, đạt 99,37% so với kế hoạch (KH: 79.750 ha); so với cùng kỳ năm trước thấp hơn 2.039 ha. Hiện nay toàn thành phố có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm.

Trong cơ cấu giống lúa đã được nông dân gieo trồng trong vụ lúa Đông xuân, thì Giống Jasmin 85: chiếm tỷ lệ cao nhất là 43% so với diện tích gieo trồng (Vụ ĐX năm 2019 giống Jasmin 85 chiếm 37% diện tích gieo trồng), tập trung chủ yếu tại các quận, huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ,…; Giống IR 50404: chiếm tỷ lệ 15% diện tích gieo trồng; Giống OM 5451: chiếm 9%; Giống thơm Đài Loan 8: 23%; Giống RVT: chiếm 3%; Ngoài ra còn có các giống khác chiếm khoảng 7%.

Lúa Đông xuân 2020 chủ yếu giai đoạn đòng đến chín sinh trưởng và phát triển khá tốt; Tuy nhiên trong thời gian xuống giống thời tiết se lạnh vào đêm và sáng sớm rất thuận lợi dịch hại trên lúa xuất hiện; Đây là giai đoạn quan trọng có khả năng sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa, cần được tích cực chăm sóc; Tổng diện tích nhiễm các đối tượng dịch hại là 4.491 ha, thấp hơn so với cùng kỳ 143 ha, chủ yếu diện tích nhiễm rầy nâu, chuột, bệnh đạo ôn lá,... nông dân đang tích cực chăm sóc, phát hiện kịp thời các đối tượng dịch hại, chủ động phòng trị bằng các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương. Ngành Nông nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch hại trên lúa trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020; Tăng cường công tác kiểm tra, dự báo tình hình sâu bệnh, thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện các đối tượng dịch hại và có các biện pháp phòng trị kịp thời.

Hiện nay, lúa trong dân không còn nhiều, lúa vụ Đông xuân 2020 chưa thu hoạch nên tình hình thu mua lúa có phần ổn định, một số thương lái mua lượng lúa còn trữ lại của vụ trước cụ thể giá lúa khô như sau: Giá giống lúa OM: 5.600-5.700 đồng/kg, giá lúa IR 50404: 4.900-5.000 đồng/kg, giá lúa Jasmine 85: 7.500-7.600 đồng/kg.

- Cây hàng năm khác

Đến nay, toàn thành phố gieo trồng cây hàng năm vụ Đông xuân ước đạt 4.173 ha so với cùng kỳ giảm 160 ha; Tập trung chủ yếu những cây phục vụ tết như: Dưa hấu 613 ha, Dưa leo 189 ha, bầu bí mướp 555 ha, Khổ hoa 155 ha...; đã thu hoạch ước được 793 ha rau đậu các loại.

Để phục vụ cho Tết 2020, nông dân các quận, huyện đã chuẩn bị khoảng 1.452 ngàn chậu hoa và kiểng cung cấp cho thị trường TP. Cần Thơ và các tỉnh lân cận; Trong đó, chiếm nhiều nhất là Vạn thọ và Cúc,… Nhìn chung, thị trường hoa Tết năm nay cũng đa dạng chủng loại như năm trước.

Trong tháng, dịch bệnh cây hàng năm khác 68 ha, thấp hơn 25 ha so với cùng kỳ Đông xuân 2019. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời.

- Cây lâu năm: Diện tích cây ăn trái là 20.125 ha, chiếm 92,95% trong tổng diện tích cây lâu năm, ổn định so với năm 2019. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái và triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, cụ thể: HTX Trường Thuận 1, Phong Điền 9,85 ha; Tổ liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Phong Điền 7,55 ha cam, nhãn Ido, vú sữa; HTX Vú Sữa Trường Khương A 45,5 ha; HTX Xoài Lộc Hưng 30,5 ha; HTX Trái Cây Tân Lộc 15,8 ha nhãn; HTX nhãn Nhơn Nghĩa 19,1 ha; cá thể trồng cam tại Tân Thới, Phong Điền 01 ha;... Hiện nay một số cây ăn trái đang vào mùa vụ thu hoạch, nông dân tích cực chăm sóc để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Trong tháng, ảnh hưởng dịch bệnh cây ăn trái khoảng 239 ha; Trong đó, diện tích nhiễm bệnh chổi rồng trên nhãn 191 ha (diện tích nhiễm nặng 11 ha (tỷ lệ bệnh>40%), diện tích nhiễm trung bình 32 ha (tỷ lệ bệnh 20-40%), diện tích nhiễm nhẹ 148 ha (10-20%)). Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.

1.2. Chăn nuôi

Trong tháng, trên địa thành phố không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Đến nay, tình hình dịch tả heo Châu phi đã ổn định và đàn heo phát triển bình thường trở lại. Ngành Nông nghiệp chỉ đạo lực lượng thú y và phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, dịch bệnh; đẩy mạnh công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng...;

Toàn thành phố có 15 cơ sở chăn nuôi sản xuất con giống; Trong đó có 12 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống với khả năng cung cấp gần 5.000 con giống/năm và 03 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống với khả năng cung ứng khoảng 100.000 con giống/năm; Cơ sở nuôi giữ heo đực giống hiện có 10 cơ sở với tổng đàn 35 con. Hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 50.000 liều tinh.

2. Lâm nghiệp

Với vị trí địa lý của thành phố Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp tập trung không còn, các địa phương tiếp tục chăm sóc các cây lâm nghiệp đã trồng, khai thác các cây đủ tiêu chuẩn đưa vào sử dụng; và trồng mới theo các tuyến kinh, xen trong vườn tạp... còn trống để khai thác tiềm năng của đất, vừa tạo cảnh quang, và có sản phẩm tiêu dùng sau này.

3. Thủy sản

Trong tháng, diện tích nuôi thuỷ sản đã thu hoạch, được tiến hành cải tạo để thả nuôi cho vụ mới; Hiện nay giá cá tra giảm sâu ở mức 18.000 – 19.000 đồng/kg, (cá từ 650 – 800 g/con), so với cùng kỳ năm trước giảm khoảng 12.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lỗ 3.500 – 5.000 đồng/kg (giá thành cá tra 22.000 – 24.000 đồng/kg). Giá giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước vì người dân thả nuôi quá nhiều làm cung vượt cầu và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chủ động nguồn cá nguyên liệu tự nuôi và nuôi liên kết với hộ dân, cộng với lượng hàng trong kho có sẵn, cơ bản đáp ứng hợp đồng xuất khẩu, nên doanh nghiệp tạm thời hạn chế thu mua cá tra là nguyên nhân chính dẫn đến giảm giá cá tra. Với tình hình giá như trên người nuôi cá tra hiện nay rất khó khăn.

Hiện nay, có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong tháng giá cá tra giống dao động từ 19.000 – 25.000 đồng/kg giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân – mẫu 30 con/kg giá từ 19.000 – 21.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân – mẫu 70 con/kg giá từ 23.000 – 25.000 đồng/kg.

Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 02 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 ha; 43 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 144 ha; 20 vùng nuôi của 07 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 169,7 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 228,5 ha, bao gồm: 214,75 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,5 ha BAP+ASC.

III. ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN

Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01 năm 2020 được 115,57 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách thành phố thực hiện được 72,42 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện được 43,15 tỷ đồng.

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 01 năm 2020 hiện tại chủ yếu thi công các công trình chuyển tiếp từ năm 2019. Các công trình mới có kế hoạch năm 2020, hiện nay đang thực hiện các thủ tục ban đầu, thêm vào đó tháng 01 năm 2020 trùng vào dịp Tết Canh Tý nên khối lượng thực hiện thấp.

Tình hình thực hiện một số dự án chủ yếu trên địa bàn Thành phố:

Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, Dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 1.087,26 tỷ đồng (đã điều chỉnh). Thực hiện lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 12/2019, thực hiện được 3.362,9 tỷ đồng, đạt 45,82% tổng mức đầu tư toàn dự án.

Dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Mỹ Khánh – Phong Điền), dự án có tổng mức đầu tư là 546,47 tỷ đồng do Ban Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng thành phố làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2019 được giao 13 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân.

Dự án xây dựng Cầu Quang Trung, dự án có tổng mức đầu tư là 227,92 tỷ đồng do Ban ODA làm chủ đầu tư, hiện nay chủ đầu tư và nhà thầu đang khẩn trương thực hiện để dự án kịp thông xe trước Tết nguyên đán phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết.

IV. THƯƠNG MẠI

1. Giá cả thị trường

Thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 01/2020 trên địa bàn thành phố diễn ra khá sôi động. Lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tăng cao, hàng hóa tiêu dùng khá đa dạng, phong phú cả về chủng loại, chất lượng. Việc mua sắm trong dịp đầu năm mới, đón Tết Nguyên đán đang đến gần của người dân tăng mạnh. Giá gas, xăng dầu, lương vùng, giá dịch vụ y tế tăng, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, quần áo, giầy dép, dịch vụ ăn uống, vận tải tăng. Đây là những nguyên nhân chính tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2020 so với tháng trước.

Thực hiện Chương trình bình ổn thị trường năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán năm 2020 theo chỉ đạo của thành phố với 9 nhóm mặt hàng tham gia bình ổn và thời gian thực hiện bình ổn từ ngày 1-11-2019 đến ngày 31-3-2020 được chia làm 2 giai đoạn (giai đoạn 1 từ ngày 1-11 đến 31-12-2019, giai đoạn 2 từ ngày 1-1 đến 31-3-2020. Riêng mặt hàng thịt heo dự trữ theo kế hoạch là 281 tấn (trong đó, giai đoạn 1 là 128 tấn, giai đoạn 2 là 153 tấn).

Có 11 đơn vị đăng ký tham gia với 41 điểm bán lẻ bình ổn, tổng giá trị hàng hóa tham gia bình ổn đạt gần 320 tỉ đồng; trong đó, có 441 tấn thịt heo được các đơn vị đăng ký dự trữ với tổng trị giá hơn 35 tỉ đồng (giai đoạn 1 là 178 tấn tương ứng 14 tỉ đồng; giai đoạn 2 là 263 tấn tương ứng hơn 21 tỉ đồng), tăng 57% so với kế hoạch. Tổng mức dự trữ hàng hóa dịp Tết Dương lịch 2020 và Tết Nguyên đán năm 2020 đạt gần 4.300 tỉ đồng. Trong đó, tập trung một số mặt hàng thiết yếu: gạo, tấm các loại (405.000 tấn), thịt heo (441.000 tấn), thịt bò (31 tấn), thịt gia cầm (132 tấn), trứng gia cầm (1,6 triệu quả), thủy hải sản các loại (2.500 tấn), bánh kẹo, mứt (364 tấn), bia, nước ngọt (293.000 thùng), xăng dầu (104 triệu lít), gas - khí hóa lỏng (24.000 tấn),...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01 năm 2020 tăng 1,32% so với tháng trước; tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tháng 01/2020 có:

+ 09 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá tăng với mức tăng từ 0,24% đến 2,25% so với tháng trước, gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,25%, đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%, may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,35%, nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,89%, thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,13%, giao thông tăng 0,82%, giáo dục tăng 0,53%, văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29%, hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,08%.

+ 02 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số giá giảm với mức giảm từ 0,15% đến 0,19% so với tháng trước, gồm: thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,19%, bưu chính viễn thông giảm 0,15%.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 01 năm 2020 của các nhóm hàng chính

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống

Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,25% so với tháng trước, tăng 12,62% so cùng kỳ năm trước. Cụ thể:

+ Lương thực

Chỉ số giá lương thực trong tháng tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước do giá một số loại gạo nếp, bắp trái, lương thực chế biến tăng nhẹ trong tháng. Nguyên nhân do nhu cầu sử dụng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

+ Thực phẩm

Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,57% so với tháng trước, tăng 16,07% so với tháng 01/2019 do tác động của nhóm thịt gia súc tươi sống tăng 7,81%; nhóm thịt gia cầm tươi sống tăng 4,88%; thịt chế biến tăng 6,55%; trứng các loại tăng 0,43%; thủy sản tươi sống tăng 1,25%; thủy sản chế biến tăng 6,84%; các loại đậu và hạt tăng 0,73%; quả tươi, chế biến tăng 3,52%; nhóm đường, mật tăng 2,14%, bánh, mứt, kẹo tăng 0,96%. Nguyên nhân do nhu cầu mua sắm tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, thêm vào đó chi phí nguyên liệu, nhân công cũng tăng lên nên giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá nhất là các mặt hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên giá nhiều mặt hàng rau tươi, khô và chế biến đang giảm nhẹ so với tháng trước giảm 2,25%, do lượng rau củ về chợ tăng mạnh.

+ Ăn uống ngoài gia đình

Chỉ số giá của nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 2,91% so với tháng trước do một số điểm kinh doanh ăn uống, giải khát tăng giá vì chi phí nhân công, nguyên liệu chế biến tăng cũng như tăng giá phục vụ Tết Nguyên đán.

- Đồ uống và thuốc lá

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 1,05% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá mặt hàng đồ uống không cồn như nước ngọt, nước hoa quả tăng giá, giá một số loại rượu tăng. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này tăng mạnh trong tháng Tết. Trong khi đó giá bia các loại không tăng, lượng tiêu thụ bia có tăng nhưng vẫn giảm nhiều so với năm trước vì nguồn cung đang dư thừa sau khi áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

- May mặc, mũ nón, giầy dép

Chỉ số giá nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm mặt hàng này tăng do mặt hàng quần áo may sẵn nhất là quần áo trẻ em, mũ nón, giầy dép, dịch vụ may mặc tăng giá vì nhu cầu mua sắm, may mặc dịp năm mới tăng mạnh.

- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng

Chỉ số giá nhóm Nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,89% so với tháng trước, tăng 4,30% so với cùng kỳ năm trước, do tác động tăng giá của mặt hàng nhà ở thuê tăng 1,77%, nước sinh hoạt tăng 1,15% so với tháng trước, gas tăng 14,97% so với tháng trước, dầu hỏa tăng 3,8%. Nguyên nhân do nhu cầu vệ sinh, lau dọn nhà cửa tăng nên sử dụng nước sinh hoạt tăng mạnh trong tháng. Từ 01/01/2020 giá gas được điều chỉnh tăng 50.000 đồng/bình, nguyên nhân vì giá gas nhập khẩu theo hợp đồng (CP) tháng 01/2020 ở mức bình quân 577,5 USD/tấn, tăng đến 130 USD/tấn so với tháng 12/2019 và chi phí tăng (vận chuyển, bảo hiểm…). Như vậy, gas đã có 4 tháng tăng giá liên tiếp kể từ tháng 10/2019 với tổng mức tăng là 79.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới đã tăng 242,5 USD/tấn trong thời gian trên. Giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng mạnh trong ngày 31/12/2019 570 đồng/lít sau đó giảm nhẹ 50 đồng/lít vào ngày 15/01/2020, sau 2 đợt điều chỉnh giá dầu hỏa tăng 520 đồng/lít so với giá cuối tháng 12, nguyên nhân do căng thẳng chính trị giữ Mỹ và Iran đã đẩy giá dầu tăng lên. Bên cạnh đó giá một số nhà ở thuê cũng tăng nhẹ trong tháng do điều chỉnh giá cho thuê.

- Thiết bị và đồ dùng gia đình

Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,19% so với tháng trước, tăng 1,93% so với cùng kỳ năm trước, do tác động giảm giá của mặt hàng máy điều hòa nhiệt độ giảm 15,41% so với tháng trước, mặt hàng máy giặt giảm 0,16%, vật phẩm tiêu dùng khác giảm 0,75%, như dụng cụ làm vườn, giấy ăn, xà phòng, sữa tắm giảm. Nguyên nhân các mặt hàng giảm giá là do các cơ sở kinh doanh thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi nhân dịp đầu năm mới. Trong khi đó các mặt hàng gia đình khác tăng giá nhẹ do nhu cầu mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán. Các dịch vụ trong gia đình như sửa chữa thiết bị trong gia đình, thuê người phục vụ, dọn dẹp nhà cửa cũng tăng giá do nhu cầu tăng, chi phí nhân công tăng.

- Thuốc và dịch vụ y tế

Chỉ số giá nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,13% so với tháng trước, tăng 3,48% so với cùng kỳ năm trước do giá dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện được điều chỉnh từ ngày 01/01/2020 theo Nghị Quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố. Giá một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng điều chỉnh tăng giá từ đầu năm.

- Giao thông

Chỉ số giá nhóm Giao thông tăng 0,82% so với tháng trước, tăng 9,59% so với cùng kỳ năm trước do tác động tăng giá của nhóm nhiên liệu tăng 1,13% so với tháng trước, bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 1,11%, dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân tăng 0,56%, dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,49% so với tháng trước. Nguyên nhân do giá xăng, dầu điều chỉnh vào ngày 31/12/2019 giá xăng A95 tăng 110 đồng/lít, xăng E5 tăng 160 đồng/lít, dầu diezen tăng 530 đồng/lít. Ngày 15/01/2020 giá xăng, dầu được điều chỉnh lần 2, xăng A95 giảm 80 đồng/lít, xăng E5 giảm 40 đồng/lít, dầu diezen giảm 50 đồng/lít. Sau 2 đợt điều chỉnh giá xăng A95 tăng 30 đồng/lít so với giá cuối tháng 12, xăng E5 tăng tổng cộng 120 đồng/lít, dầu diezen tăng tổng cộng 480 đồng/lít so với giá cuối tháng 12. Các dịch vụ giao thông công cộng như vé tàu hỏa, vé máy bay, vé ô tô khách cũng tăng trong dịp Tết Nguyên đán do nhu cầu tăng, cũng như thời điểm thu thập giá trùng vào khoảng thời gian điều chỉnh tăng giá dịch vụ phục vụ Tết.

- Bưu chính viễn thông

Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,15% so với tháng trước, giảm 0,18% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do một số điểm kinh doanh thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá một số sản phẩm điện thoại di động nhân dịp đầu năm mới nhằm kích thích nhu cầu mua sắm của người dân.

- Giáo dục

Chỉ số giá nhóm Giáo dục tăng 0,53% so với tháng trước, tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước do giá của nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,62%. Nguyên nhân do giá học nghề trường tư tăng.

- Văn hóa, giải trí và du lịch

Chỉ số giá nhóm Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,96% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá dịch vụ chụp, in tráng ảnh tăng, giá một số đồ chơi trẻ em tăng, giá hoa tươi, cây cảnh tăng vì nhu cầu tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán.

- Hàng hóa và dịch vụ khác

Chỉ số nhóm Hàng hoá và dịch vụ khác tăng 1,08% so với tháng trước, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm trước do tác động tăng giá của nhóm đồ dùng cá nhân tăng 1,64%, dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 1,06%, hiếu hỉ 1,32% chủ yếu tăng ở các sản phẩm chăm sóc cơ thể, đồ trang sức vàng.., các dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng giá do chi phí nhân công tăng, nhu cầu sử dụng dịch vụ trong dịp Tết tăng.

- Chỉ số giá vàng

Chỉ số giá vàng tăng 3,92% so với tháng trước do đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm làm cho giá vàng thế giới tăng lên do bất ổn chính trị giữ Mỹ-Iran, nhu cầu mua sắm vàng dự trữ, cầu may trong tháng Tết tăng. Giá vàng ngày 21/01/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 4.420.000đ/chỉ.

- Chỉ số giá đô la Mỹ

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,04% so với tháng trước. Nguyên nhân là do đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm giá. Giá đô la Mỹ ngày 21/01/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.240 đồng/USD.

2. Nội thương

Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ đầu năm 2020 tiếp tục tăng trưởng khá tốt. Do tháng 01 năm nay trùng với Tết Canh Tý nên sức mua trong dân cư tăng mạnh. Mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố được củng cố, mở rộng và ngày càng phát triển; chất lượng hàng hóa được sản xuất ngày càng cao với bao bì, mẫu mã khá đa dạng, phong phú, đã tạo được lòng tin và đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Hiện trên địa bàn thành phố có 107 chợ truyền thống được phân bố rộng rãi trên địa bàn 09 quận, huyện và 19 siêu thị, Trung tâm thương mại với hơn 135 cửa hàng tiện ích thuộc các công ty, tập đoàn: Vinmart +, Cao Cấp Việt, Satrafood, Co.opfood, Bách Hóa Xanh, Circle K,… đang hoạt động khá hiệu quả, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố trong dịp xuân Canh Tý 2020.

Ước tháng 01 năm 2020, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 13.486,01 tỷ đồng tăng 12,09% so cùng kỳ, trong đó thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất đạt 8.165,08 tỷ đồng tăng 12,57% so cùng kỳ, thành phần kinh tế cá thể đạt 3.800,59 tỷ đồng tăng 11,45% so cùng kỳ, thành phần kinh tế Nhà nước đạt 1.288,51 tỷ đồng tăng 11,98% so cùng kỳ.

Phân theo ngành kinh tế thì ngành Thương nghiệp chiếm 83,49% trong tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 01/2020 đạt 11.259,22 tỷ đồng tăng13,10% so cùng kỳ. Khách sạn nhà hàng ước đạt 891,41 tỷ đồng tăng 2,22% so cùng kỳ. Du lịch lữ hành ước đạt 48,83 tỷ đồng tăng 10,43% so cùng kỳ. Dịch vụ ước đạt 1.286,56 tỷ đồng tăng 10,86% so với cùng kỳ.

V. GIAO THÔNG VẬN TẢI

Trong tháng 01/2020 doanh thu ngành dịch vụ vận tải, kho bãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ có xu hướng tăng nhẹ.

1. Vận tải hàng hoá: Tháng 01 năm 2020, ước vận chuyển 890,85 ngàn tấn hàng hoá tăng 4,51% so cùng kỳ; luân chuyển đạt 147,52 triệu T.Km đạt 103,32% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 01 năm 2020, ước vận chuyển đạt 336,37 ngàn tấn tăng 4,40% so cùng kỳ; luân chuyển 57,62 triệu T.Km đạt 103,06% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển đạt 527,81 ngàn tấn tăng 4,59% so cùng kỳ; luân chuyển 63,23 triệu T.Km đạt 103,32% so cùng kỳ. Đường biển ước vận chuyển đạt 26,67 ngàn tấn tăng 4,33% so cùng kỳ; luân chuyển 26,67 triệu T.Km đạt 103,90% so cùng kỳ.

2. Vận tải hành khách: Tháng 01 năm 2020, ước vận chuyển 6.265,20 ngàn lượt hành khách tăng 3,90% so cùng kỳ; luân chuyển 96,28 triệu lượt HK.Km đạt 102,56% so cùng kỳ.

Chia ra: Đường bộ tháng 01 năm 2020, ước vận chuyển 4.298,99 ngàn lượt HK tăng 3,99% so cùng kỳ; luân chuyển 93,92 triệu HK.Km đạt 102,53% so cùng kỳ. Đường sông ước vận chuyển 1.966,21 ngàn lượt HK tăng 3,71% so cùng kỳ; luân chuyển 2,36 triệu HK.Km đạt 103,63% so cùng kỳ.

3. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải: Tháng 01 năm 2020 doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải ước thực hiện 292,81 tỷ đồng, tăng 15,49% so cùng kỳ. Trong đó: vận tải hành khách thực hiện 88,03 tỷ đồng tăng 16,15%; vận tải hàng hóa thực hiện 148,23 tỷ đồng, tăng 14,16%; kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện 56,55 tỷ đồng, tăng 16,18% so cùng kỳ.

VI. NGÀNH TÀI CHÍNH - TÍN DỤNG

1. Tài chính ngân sách

* Thu ngân sách: Thực hiện đến 20 ngày tháng 01 năm 2020, tổng thu NSNN 923,10 tỷ đồng đạt 5,21% dự toán, trong đó thu nội địa là 855,49 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 159,70 tỷ đồng đạt 6,56% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 172,64 tỷ đồng đạt 10,46% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 131,49 tỷ đồng đạt 11,19% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 69,33 tỷ đồng đạt 6,93% so dự toán. Tính đến 20/01/2020 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 67,46 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 7,31% trong tổng thu ngân sách nhà nước và đạt 3,48% so dự toán.

* Chi ngân sách: Ước đến 20 ngày tháng 01 năm 2020 ngân sách đã chi 648,07 tỷ đồng chiếm 4,85% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 171,17 tỷ đồng, chi thường xuyên 512,90 tỷ đồng.

2. Tín dụng ngân hàng

Vốn huy động đến cuối tháng 01 năm 2020 ước đạt 81.900 tỷ đồng, tăng 0,75% so với đầu tháng. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 80.000 tỷ đồng, chiếm 97,68%, tăng 0,78%, vốn huy động ngoại tệ là 1.900 tỷ đồng, chiếm 2,32%, giảm 0,47% so với đầu tháng; vốn huy động ngắn hạn là 55.300 tỷ đồng chiếm 67,52%, tăng 0,73%, vốn huy động trên 12 tháng là 26.600 tỷ đồng chiếm 32,48%, tăng 0,78% so với đầu tháng.

Tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 01 năm 2020 ước đạt 92.100 tỷ đồng, tăng 0,85% so với đầu tháng. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 87.700 tỷ đồng, tăng 0,76% so đầu tháng, chiếm 95,22% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.400 tỷ đồng, tăng 2,66% so với đầu tháng, chiếm 4,78% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 48.700 tỷ đồng, tăng 0,87% so đầu tháng, chiếm 52,88%, dư nợ cho vay trung dài hạn 43.400 tỷ đồng, tăng 0,82% so đầu tháng, chiếm 47,12% tổng dư nợ cho vay.

Nợ xấu đến cuối tháng 01 năm 2020 ước là 1.150 tỷ đồng, chiếm 1,25% trong tổng dư nợ cho vay.

Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trên địa bàn phổ biến như sau:

- Lãi suất huy động: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2 - 0,8%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,8% - 5,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,5% - 6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,8% - 7,4%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.

- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 7,0% - 9,0%/năm, 9,0% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.

- Lãi suất USD: Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 4,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 5,0% - 6,5%/năm.

VII. TÌNH HÌNH VĂN HOÁ - XÃ HỘI

1. Văn hóa - Thể thao

Thành phố đã tổ chức các công trình, hoạt động, chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí mừng Đảng, mừng Xuân ý nghĩa, thiết thực với nội dung phong phú, đa dạng.

Hoạt động văn hóa:

Đường hoa nghệ thuật: Đường hoa Xuân Canh Tý với chủ đề “Xuân hy vọng” với tổng chiều dài 315 mét. Đường hoa nghệ thuật có tổng số hơn 40 mô hình, tiểu cảnh được tạo bởi hơn 80.000 chậu, giỏ hoa, cây trái các loại. Hàng đêm, có tổ chức chương trình văn nghệ tổng hợp, phục vụ khách tham quan. Thu hút khoảng 414.000 lượt khách tham quan (Trung bình mỗi ngày khoảng 46.000 lượt người tham quan).

Trưng bày chuyên đề “Nét xưa”; triển lãm bộ ảnh với chủ đề “Mừng Đảng quang vinh – Mừng xuân Canh Tý 2020” và hình ảnh hiện vật truyền thống của quân đội, QK9, Đảng bộ chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố về xây dựng nền Quốc phòng toàn dân.

Liên hoan “Ca nhạc, ca cổ, tiểu phẩm xuân” thành phố Cần Thơ lần thứ XI năm 2020: Tại Công viên Bến Ninh Kiều, từ ngày 06/01/2020 đến ngày 09/01/2020 (nhằm ngày 12/12 – 15/12/2019 âm lịch), với 263 diễn viên không chuyên đến từ Trung tâm Văn hóa 9 quận, huyện, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học, các câu lạc bộ năng khiếu, đội nhóm văn nghệ trên địa bàn TP. Cần Thơ, kết quả trao 81 Giấy khen cho các tiết mục đạt giải, trong đó có 06 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba, 35 giải Khuyến khích, thu hút 3.500 lượt người xem.

Chương trình “Sắc xuân miệt vườn”: Từ ngày 10/01 - 14/01/2020, (nhằm ngày 16/12 – 20/12/2019 âm lịch), với sự tham gia của 112 nghệ nhân, 45 loại hình trình diễn, tại Bảo tàng thành phố; Phố Ông Đồ Ngày xuân tại đường Hòa Bình, Trần Quốc Toản và Công viên Tao Đàn. Thu hút khoảng 27.500 lượt khách tham quan trong và ngoài thành phố.

Hội báo Xuân Canh Tý 2020: Từ ngày 17/01/2020 đến ngày 28/01/2020 (nhằm ngày 23/12/2019 đến ngày mùng 4 Tết Canh Tý), tại Thư viện thành phố, Bến tàu du lịch Ninh Kiều và 9 quận, huyện, 72 Thư viện, PĐS xã phường, thị trấn văn hóa tổ chức triển lãm 243 loại báo, tạp chí, ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020, thu hút tổng cộng khoảng 23.100 lượt người xem.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí phục vụ thiếu nhi: Tổ chức, với chủ đề “Em là mầm non của Đảng”, ngày 20/01/2020 (nhằm ngày 26/12/2019 âm lịch), tại Công viên Lưu Hữu Phước và Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận Ninh Kiều.

Chương trình nghệ thuật đón giao thừa “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý 2020”: Vào lúc 20 giờ 00’ ngày 24/01/2020 (nhằm ngày 30/12/2019 âm lịch), tại Công viên Lưu Hữu Phước, tổ chức chương trình nghệ thuật đón giao thừa Xuân Canh Tý với chủ đề “Cần Thơ – Bản hòa ca mùa xuân” với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân và những thành tựu đạt được thành phố Cần Thơ. Chương trình được tổ chức với quy mô hoành tráng, màn hình led và truyền hình trực tiếp trên sóng Phát thanh và Truyền hình TP.Cần Thơ, với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đến từ TP. Hồ Chí Minh. Thu hút 5.000 lượt người xem tại sân khấu công viên Lưu Hữu Phước và hàng chục ngàn lượt khán giả xem trực tiếp qua kênh truyền hình.

Bắn pháo hoa nghệ thuật: Tối ngày 24/01/2020 (nhằm 30/12 âm lịch) thành phố tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại công viên sông Hậu và bắn tầm thấp tại các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Hoạt động thể thao:

Giải Lân - Sư - Rồng toàn quốc, lần thứ VII năm 2020: Từ ngày 14/01 - 18/01/2020 (nhằm ngày 20/12 đến 24/12 âm lịch), tại Công viên Lưu Hữu Phước, có 22 đoàn, với hơn 500 vận động viên đến từ 11 tỉnh thành trên toàn quốc, kết quả: hạng Nhất - TP.Cần Thơ; hạng Nhì - TP. HCM; hạng Ba - Hậu Giang và Bình Dương, thu hút 22.000 lượt người xem.

Giải vô địch đua Xe đạp thành phố Cần Thơ mở rộng “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý 2020”: Ngày 17/01/2020 (nhằm ngày 23/12 âm lịch), tại Công viên Lưu Hữu Phước, có 12 Câu lạc bộ, với 229 vận động viên đến từ 07 quận, huyện và 03 tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết quả: hạng Nhất - quận Bình Thủy, hạng Nhì - huyện Phong Điền, hạng Ba - quận Ninh Kiều, thu hút 15.000 lượt người xem.

Giải Lân - Sư - Rồng thành phố Cần Thơ năm 2020 “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý 2020”: Từ ngày 19/01 - 20/01/2020 (nhằm ngày 25/12 - 26/12 âm lịch), tại Quảng trường huyện Phong Điền, có 12 đoàn, với 250 VĐV đến từ 09 quận huyện, kết quả: hạng Nhất - huyện Phong Điền, hạng Nhì - huyện Cờ Đỏ, hạng Ba - quận Ô Môn, thu hút 10.000 lượt người xem.

Giải đua xe Mô tô 125cc toàn quốc “Tranh Cúp Hoàng Thảo My năm 2020”: Ngày 28/01/2020 (nhằm mùng 4 Tết), tại sân vận động Cần Thơ, có 48 tay đua tham gia, thu hút khoảng 20.000 lượt người xem.

2. Giáo dục

Tổ chức Hội giao lưu “Viết chữ đẹp” cấp thành phố; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố; Hội thi Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi; Giải bóng đá học sinh nam THPT; Hội nghị Cán bộ, công chức năm 2020; Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2019 - 2020.

Tổ chức Lễ Xuất quân đội tuyển học sinh giỏi thành phố Cần Thơ tham dự Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2019-2020; phối hợp tổ chức Hội đồng coi thi Học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2019-2020 tại thành phố Cần Thơ đảm bảo đúng quy chế, an toàn, nghiêm túc.

Các cơ sở giáo dục tăng cường phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông và tổ chức các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Tổ chức thăm, tặng quà cho giáo viên và học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

3. Về Y tế - khám chữa bệnh

Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra. Tuy nhiên trong tháng một số bệnh như: Sốt xuất huyết ghi nhận 184 trường hợp mắc, giảm 190 trường hợp so với tháng trước (374 trường hợp), không có tử vong. Tay chân miệng ghi nhận 116 trường hợp mắc, giảm 161 trường hợp so với tháng trước (277 trường hợp), không có tử vong. Sởi và sốt phát ban nghi sởi ghi nhận 44 trường hợp mắc, giảm 02 trường hợp so với tháng trước (46 trường hợp), không có tử vong. Tiêu chảy 433 trường hợp, giảm 3,13% so với tháng trước.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích số nhiễm HIV phát hiện được 6.480 trường hợp; trong đó, tử vong 2.497 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 3.983 trường hợp. Duy trì điều trị ARV cho 3.294 trường hợp. Tiếp tục duy trì điều trị Methadone cho bệnh nhân, hiện có 378 người đang điều trị.

Hoạt động Y tế dự phòng: Tiếp tục chủ động tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại các quận/huyện.

Phát động toàn dân phòng, chống dịch chủ động tháng 01 năm 2020 để chủ động phòng, chống các dịch bệnh thường xảy ra trong mùa khô nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tả, cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, Zika, tay chân miệng,… bảo vệ sức khỏe cho người dân đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, khỏe mạnh.

Triển khai thực hiện công tác thiết lập và vận hành Đội đáp ứng nhanh để đáp ứng kịp thời, hiệu quả với các dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng theo Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Bộ Y tế.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm ở người; chuẩn bị nhân lực, khu vực khám, cấp cứu, cách ly điều trị, trang thiết bị vật tư y tế, các phương tiện, và thuốc điều trị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.

Tiếp tục thực hiện công tác kiểm dịch y tế quốc tế tại Cảng biển Cần Thơ và Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ.

Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm: Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý và mùa Lễ hội Xuân năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố; tăng cường thanh tra, kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố.

4. Chính sách lao động - xã hội

Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 4.479 lao động. Cấp phép cho 15 lao động là người nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp phép là 07 người; tiếp nhận nội quy lao động của 03 doanh nghiệp và Thỏa ước lao động của 02 doanh nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 1.124 người (Sơ cấp: 274; đào tạo thường xuyên: 849).

Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho 8.405 lượt người. Kết nối việc làm trong nước cho 986 lượt người. Đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 600 lượt người. Tiếp nhận 68 lượt doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thông báo biến động lao động hàng tháng theo quy định. Có 534 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 17,59% so với tháng trước (692 hồ sơ). Tổ chức tập huấn, hội thảo; phối hợp dạy nghề và các hoạt động khác có liên quan trên 599 người dự.

Thực hiện chính sách người có công với cách mạng: hiện có 6.393 Người có công với cách mạng ở thành phố Cần Thơ đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 45 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống. Trong tháng, đã tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết 65 hồ sơ chế độ chính sách.

Công tác Bảo trợ xã hội - Trẻ em và Bình đẳng giới

Trợ cấp thường xuyên cho39.531đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí94,410 triệu đồng. Lập kế hoạch chi trả trợ cấp xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 cho 2.354 hộ nghèo; 39.531 đối tượng bảo trợ xã hội; 160 Cụ từ 100 tuổi trở lên; 1.345 đối tượng sống tại các cơ sở Bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập; tổ chức thăm và tặng quà cho 180 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các Hội và 234 đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội ngoài công lập. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện trợ cấp Tết; thành lập Đoàn đến thăm và tặng quà Tết cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, đối tượng Bảo trợ xã hội, các Hội và cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Rà soát việc cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện tốt các hoạt động chăm lo cho người nghèo và đối tượng Bảo trợ xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020.

Trao 100 suất học bổng cho trẻ em là học sinh nghèo tại hai huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ học bổng cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2019 - 2021”. Vận động trao tặng 20 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, học tốt tại huyện Cờ Đỏ. Trao 100 suất dụng cụ học tập, gồm: cặp da, tập, áo mưa, bút mực, chì màu… cho 100 em học sinh Tiểu học vượt khó học tốt tại các huyện Vĩnh Thạnh, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và quận Ô Môn do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ. Giới thiệu 01 trẻ em đang nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội thành phố Cần Thơ làm con nuôi người nước ngoài. Tổ chức cấp, phát, chi chế độ cho các đối tượng được nuôi dưỡng tại các Hội và cơ sở Bảo trợ xã hội, trong đó có nhiều đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi, không nơi nương tựa; thành lập Đoàn thăm và tặng quà các cơ sở xã hội và Hội đang chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, lang thang, cơ nhỡ.

Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 590 đối tượng. Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Đảm bảo tình hình an ninh, trật tự được giữ vững ổn định, thường xuyên kiểm tra, tuần tra, đảm bảo trực gác 24/24 giờ. Luôn đề cao cảnh giác phòng chống cháy nổ, trực thăm nuôi theo quy định. Duy trì vệ sinh cá nhân hằng ngày cho đối tượng. Tổ chức phục hồi chức năng như: lao động nhẹ, vệ sinh quanh cơ quan, chăm sóc cây xanh tạo cảnh quang xanh, sạch, đẹp có 505 lượt tham gia. Tăng khẩu phần ăn cho 43 đối tượng lão, nhi, đối tượng có sức khỏe yếu. Hướng dẫn đối tượng tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng và trị rối nhiễu tâm trí có 608 lượt tham gia.

Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 82 đối tượng. Tiếp tục thực hiện các mô hình như: Câu lạc bộ Tuổi Hồng; công tác xã hội trong bệnh viện; giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho các đối tượng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội; hỗ trợ tâm lý và giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp cho đối tượng đang sống tại Trung tâm thường xuyên duy trì sinh hoạt, tư vấn, tiếp cận, trợ giúp, kết nối…

Đảm bảo chế độ ăn cho đối tượng và bổ sung dinh dưỡng từ Nguồn trợ giúp như: sữa tươi, mì gói vào các bữa ăn phụ. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: đảm bảo đối tượng được ăn chín, uống sôi; mua thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc; thường xuyên thực hiện việc lưu mẫu thực phẩm sau khi chế biến để có cơ sở xử lý khi có sự cố xảy ra; thay đổi thực đơn hàng ngày cho đối tượng. Duy trì công tác khám và điều trị bệnh thông thường cho đối tượng. Khám và điều trị các bệnh thông thường trên 465 lượt đối tượng.

Tình hình chăm lo, trợ cấp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020

Tình hình chi trả tiền thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Mức cao nhất là 74.600.000 đồng; Mức thấp nhất là 2.500.000 đồng; Mức bình quân là 10.313.000 đồng. Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước: Mức cao nhất là 115.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 500.000 đồng; Mức bình quân là 7.405.000 đồng. Doanh nghiệp dân doanh: Mức cao nhất là 50.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 500.000 đồng; Mức bình quân là 3.988.000 đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Mức cao nhất là 120.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 300.000 đồng; Mức bình quân là 9.506.000 đồng.

Tình hình chi trả trợ cấp; Thăm, tặng quà cho các đối tượng từ nguồn ngân sách: Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, toàn thành phố tổ chức thăm, tặng quà và chi trợ cấp khó khăn cho 64.343 lượt đối tượng với tổng số tiền 52 tỷ 215,4 triệu đồng cho các đối tượng. Cụ thể như sau: Trao quà tặng của Chủ tịch nước cho 9.897 người có công với cách mạng, số tiền 2 tỷ 020 triệu đồng (mức 400.000 đồng/người và 200.000 đồng/người) từ nguồn Ngân sách Trung ương. Thành phố tổ chức 09 đoàn đến thăm, tặng 720 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng, kinh phí 720 triệu đồng) cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tiêu biểu và 180 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng, kinh phí 180 triệu đồng) cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các quận, huyện. Trợ cấp tết cho 10.279 người có công với cách mạng, kinh phí 11 tỷ 306,9 triệu đồng (1.100.000 đồng/người). Trợ cấp tết cho 160 cụ từ 100 tuổi trở lên (1.000.000 đồng/cụ), 2.354 hộ nghèo (900.000 đồng/hộ), 37.929 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng (900.000 đồng/người), 1.345 đối tượng nuôi dưỡng tập trung ở các cơ sở bảo trợ xã hội và Cơ sở Cai nghiện ma túy thành phố (800.000 đồng/người). Các quận, huyện trích từ ngân sách địa phương tổ chức thăm, tặng quà cho 1.349 lượt người có công với cách mạng, hộ cận nghèo và các đối tượng khác, tổng kinh phí: 497,8 triệu đồng.

* Trợ cấp khó khăn đột xuất: huyện Vĩnh Thạnh kịp thời chi trợ cấp từ ngân sách huyện cho 06 hộ có nhà bị cháy trên địa bàn Thị trấn Vĩnh Thạnh (xảy ra rạng sáng ngày 26/01) với số tiền 60 triệu đồng (10 triệu đồng/ hộ).

Công tác vận động xã hội hóa trợ giúp cho các đối tượng: Các địa phương, các tổ chức, đoàn thể vận động xã hội hóa trợ giúp 42.940 phần quà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác với tổng số tiền trên 16 tỷ 590 triệu đồng (bao gồm học bổng, tiền mặt, gạo và các nhu yếu phẩm). Ngoài các phần quà nêu trên, thành phố Cần Thơ được Thành ủy Hà Nội hỗ trợ sửa chữa 150 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, kinh phí 03 tỷ đồng; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vận động xây dựng 40 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng, trị giá 02 tỷ 080 triệu đồng (20 căn nhà, mỗi căn nhà trị giá 54 triệu đồng và 20 căn nhà, mỗi căn nhà trị giá 50 triệu đồng). Tổng kinh phí trợ giúp cho các đối tượng trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020 là 21 tỷ 670 triệu đồng (bao gồm học bổng, tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm và hỗ trợ nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng).

5. Tai nạn giao thông, phòng chống cháy, nổ

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông (từ ngày 15/12/2019 đến 14/01/2020) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 06 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 06 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ giảm 02 vụ, số người chết giảm 04 người, số người bị thương giảm 01 người.

Trong tháng 01 năm 2020 đã xảy ra 04 vụ cháy, nổ, giảm 01 vụ so với cùng kỳ, thiệt hại 138 triệu đồng./.

    Tổng số lượt xem: 929
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)