(MPI) – Ngày 11/3/2020, tại cuộc họp Ban Điều hành lần thứ 25, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) đã phê duyệt khoản viện trợ không hoàn lại 30,2 triệu USD cho Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam” (SACCR).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Cơ quan thẩm quyền quốc gia của Quỹ GCF được Chính phủ giao và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xây dựng đề xuất với Quỹ GCF. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia các hoạt động đối thoại và hợp tác với Quỹ GCF về cấu trúc chính sách và cơ hội hỗ trợ Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư phát triển ít phát thải.
Tại Hội nghị Toàn cầu các cơ quan thẩm quyền quốc gia (NDA) của Quỹ GCF diễn ra tại Hàn Quốc năm 2018, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đã làm việc với Quyền Giám đốc Điều hành Quỹ GCF Javier Manzanares nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và GCF.
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội nghị NDA của Quỹ GCF diễn ra ngày 08/10/2018, tại Hàn Quốc. Ảnh: (MPI)
|
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị GCF xem xét cung cấp viện trợ không hoàn lại cho các dự án nhằm tăng cường quản lý hiệu quả nguồn nước và tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hộ nông dân nghèo khu vực miền trung Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, giảm phát thải khí nhà kính ở khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, Dự án SACCR lần này là dự án thứ 04 do Quỹ GCF tài trợ cho Việt Nam. Kể từ năm 2017 Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên Thế giới nhận được tài trợ không hoàn lại cho 04 dự án với số tiền là 146,5 triệu USD. Dự án nhằm mục tiêu hiện đại hóa hệ thống tưới tiêu, cải thiện an ninh nguồn nước và sinh kế, tăng cường kiến thức về rủi ro khí hậu, áp dụng kỹ thuật nông nghiệp có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, tiếp cận thông tin khí hậu nông nghiệp và thông tin thị trường.
Dự án SACCR do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện trong 06 năm và cùng với khoản vay của ADB sẽ trực tiếp mang lại lợi ích cho hơn 222.400 người dân ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa.
Ngoài ra, hơn 335 nghìn người dự kiến sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ tăng cường năng lực thông qua đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường tiếp cận thông tin về rủi ro khí hậu và phổ biến rộng rãi, thực hành tốt nhất về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ Dự án, các lớp tập huấn tại đồng ruộng dành cho nông dân sẽ đào tạo về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông dân nghèo cũng sẽ được đào tạo về kế hoạch kinh doanh nhỏ, bao gồm hỗ trợ tiếp cận tín dụng và liên kết với thị trường.../.
Quỹ GCF được thành lập năm 2010 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP16) tại Cancun, Mê-hi-cô nhằm huy động các nguồn tài trợ cho đầu tư phát triển ít phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.
|