(MPI) – Ngày 27/3/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chủ trì phiên họp Ban soạn thảo và Tổ biên tập về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
 |
Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Tại Phiên họp, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày những nội dung chính của Dự thảo Nghị quyết và cho biết quy định tại Điều 51 Luật đầu tư công số 39/2019/QH14, nguyên tắc bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho chương trình, dự án phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật đầu tư công, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vào tháng 10/2020. Để có căn cứ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ, cơ quan trung ương, các cấp chính quyền địa phương, từ đó tổng hợp, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của quốc gia cần sớm ban hành nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện Luật đầu tư công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết này đã tạo được cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ và hoàn chỉnh để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác phân bổ và sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, chống thất thoát, lãng phí, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư công.
Việc áp dụng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 đã góp phần thúc đẩy cơ cấu lại đầu tư và cơ cấu lại các ngành, vùng lãnh thổ; cơ bản đảm bảo tương quan hợp lý giữa phát triển kinh tế-xã hội và an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương, vùng miền núi, biên giới, hải đảo và các vùng khó khăn khác.
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 còn một số hạn chế như việc phân loại ngành, lĩnh vực đầu tư tại Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 gồm 20 ngành, lĩnh vực và 21 chương trình mục tiêu nhưng vẫn chưa cụ thể hóa hết các nội dung của từng lĩnh vực. Số lượng chương trình mục tiêu quá nhiều tạo áp lực cân đối NSNN. Khi lựa chọn các dự án đầu tư khởi công mới để đưa vào kế hoạch, các cấp, các ngành gặp khó khăn do chưa có phương pháp mang tính khoa học để đánh giá, so sánh mức độ cần thiết, tính hiệu quả giữa các dự án và khả năng triển khai của từng dự án nên việc lựa chọn dự án chưa thực sự tối ưu.
Phân bổ tổng nguồn đầu tư phát triển của cả nước, đặc biệt là nguồn ngân sách trung ương trong 5 năm cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa theo thông lệ quốc tế, chưa xác định chi tiêu cơ sở và chi tiêu mới. Việc không quy định nguyên tắc bố trí vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài dẫn tới lúng túng trong thực hiện, …
Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, phù hợp với căn cứ pháp lý và tình hình thực tiễn, đáp ứng được đòi hỏi khách quan của công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025. Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật đầu tư công và tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn NSNN.
Nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết về phân loại ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư nguồn NSNN thống nhất với việc phân loại, ngành, lĩnh vực quy định tại Luật NSNN; Quy định các nguyên tắc chung phân bổ vốn, phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSTW và phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSTW cho các địa phương.
Mục đích việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là căn cứ cho việc lập kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, bảo đảm việc phân bổ vốn đúng mục tiêu, tránh đầu tư phân tán, dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN; nâng cao tính công khai, minh bạch, tăng cường hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Việc xây dựng Nghị quyết dựa trên những quan điểm cơ bản là tuân thủ các quy định của Luật đầu tư công và Luật NSNN. Các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn phải nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; quy hoạch cấp quốc gia, các quy hoạch vùng, tỉnh, ngành được phê duyệt. Nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, chống đầu tư dàn trải, thất thoát và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN, góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kế thừa các ưu điểm, kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư nguồn NSNN cho giai đoạn 2021-2025.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung góp ý cho Dự thảo, trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền. Theo dự kiến, dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp tới để làm cơ sở cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị quyết và đang tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình cấp thẩm quyền theo quy định./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư