Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/04/2020-12:16:00 PM
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020 (Xem tin ảnh)
(MPI) – Ngày 01/4/2020, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2020. Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới điểm cầu của 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc Phiên họp. Ảnh: MPI

Phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết một lòng, quyết tâm chống dịch đạt kết quả tốt đẹp. Thủ tướng nêu rõ, việc cách ly xã hội là tình huống pháp lý, không trái pháp luật để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, không phải là phong tỏa xã hội, do vậy phải duy trì hàng hóa lưu thông, sản xuất an toàn nhất là các hàng hóa thiết yếu. Bảo đảm làm việc tại nhà bình thường, chất lượng tốt, đặc biệt phải đảm bảo an toàn, sức khỏe của Nhân dân.

Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới công bố ngày 31/3/2020, Việt Nam kinh tế đứng vững trước khó khăn, không gục ngã mà còn tăng trưởng cao, GDP quý I/2020 ước tính tăng 3,82% là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng đây là mức cao nhất so với các nước Việt Nam có số liệu. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, đặc biệt người nghèo và người thất nghiệp, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và dự thảo Nghị quyết sẽ được thảo luận tại phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Trong 15 ngày tới là thời điểm quyết định để ngăn chặn dịch covid-19. Nếu quyết liệt thực hiện cách ly xã hội sẽ hạn chế được tổn thất về tính mạng người dân. Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã nêu. Các cấp, các ngành phải tập trung sức chỉ đạo thực hiện quyết liệt những giải pháp có thể có để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Đặc biệt, khi đây là lần đầu tiên Chính phủ họp thường kỳ trực tuyến, đổi mới phong cách làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc nhanh hơn, tốt hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: MPI

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tình hình thực hiện Nghị Quyết 01/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg và tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2020 và trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19.

Về đánh giá bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, so với số đã báo cáo, kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch, gồm: tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo là khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo là khoảng 7,9%). Ngoài ra, có 04 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn, gồm: tỷ lệ xuất siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4,21% (số đã báo cáo là 0,4%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 33,9% GDP (số đã báo cáo là 33,8%); tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 2,93% (số đã báo cáo là 3,12%); tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90% (số đã báo cáo là 89%).

Đánh giá chung, năm 2019, bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố không thuận; trong nước, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đây là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội. Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện, chỉ ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2020, tốc độ tăng GDP quý I/2020 ước đạt 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, ước chỉ tăng 0,08% (cùng kỳ tăng 2,68%). Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng nhẹ, đạt khoảng 5,15% (cùng kỳ tăng 9%), trong đó, ngành chủ lực là công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 7,12%. Khu vực dịch vụ ước tăng 3,27% (cùng kỳ tăng 6,5%), là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó một số ngành có tỷ trọng đóng góp lớn giảm như: dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 11,04%; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,9%... Trong 2 tháng đầu năm 2020 mặc dù số ngày làm việc không nhiều nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh còn cầm chừng do mới bị ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc. Tháng 3, tình hình đã nghiêm trọng hơn, nhiều ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp, nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống gần như dừng hẳn hoạt động. Qua đợt cao điểm phòng, chống dịch, khó khăn có thể tiếp tục kéo dài sang tháng 4 và tháng 5.

Về giá cả, lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2020 ước tăng 5,56%, chủ yếu là do giá thịt lợn tăng cao (58,81%), giá rau xanh tăng 4,14% và giá các mặt hàng thuốc y tế, điện sinh hoạt và nước sinh hoạt đều tăng. Lạm phát cơ bản bình quân quý I/2020 tăng 3,05% so với cùng kỳ.

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 367,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2%, thấp hơn cùng kỳ, trong đó, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (bao gồm FDI) đạt thấp, ước khoảng 8,55tỷ USD, chỉ bằng 79,1%so với cùng kỳ, giải ngân vốn FDI ước đạt 3,85 tỷ USD, bằng 93,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do tác động của chính sách hạn chế di chuyển và nhà đầu tư nước ngoài trì hoãn các quyết định đầu tư mới, mở rộng đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực, ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2019 về tỷ lệ nhưng số vốn giải ngân nhiều hơn. Tuy nhiên, công tác giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của một số cơ quan, đơn vị vẫn còn chậm. Còn 31 Bộ, cơ quan trung ương và 57 địa phương chưa giao chi tiết hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 được giao.

Nhìn chung, dịch Covid-19 đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế - xã hội, nếu dịch kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đình trệ sản xuất trong nước, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội và dự kiến sẽ có từ 250-400 nghìn lao động bị mất việc làm tùy vào mức độ bùng phát của dịch, áp lực lạm phát tăng cao, khả năng hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Qua nghiên cứu, rà soát và dự báo tình hình, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 đã đề ra sẽ gặp rất nhiều thách thức và có nhiều khả năng không đạt mục tiêu 6,8%. Trong trường hợp dịch Covid-19 kéo dài, có thể đến hết quý II, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế sẽ chịu tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32%, giảm 1,48 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Trường hợp dịch được khống chế trong quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%, giảm 1,75 điểm phần trăm so với mục tiêu.

Huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội,hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp

Quỹ tiền tệ Thế giới (IMF) hạ dự báo tăng trưởng năm 2020, trong đó dự báo một loạt các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm như Mỹ (-2%), Đức (-3,4%), Pháp (-3,9%), Anh (-3,1%),... Ngày 27/3, IMF cũng cảnh báo dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái với mức độ trầm trọng tương đương thậm chí lớn hơn so với năm 2009, đồng thời cho rằng những giải pháp tài khóa, tiền tệ riêng lẻ của các quốc gia có thể không giúp đối phó được với quy mô toàn cầu và mức độ phức tạp của cuộc suy thoái.

Kinh tế Việt Nam năm 2020 đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn. Các cấp, các ngành đã khẩn trương triển khai đồng bộ 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đề ra tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài, các giải pháp đề ra cần mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn với phương châm “phòng, chống dịch là ưu tiên hàng đầu; duy trì các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức cầm cự và chống chịu trong thời gian dịch còn diễn ra là cấp bách; chuẩn bị tốt các điều kiện, tận dụng tốt thời cơ để phục hồi nhanh ngay sau dịch là quan trọng”, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang phục hồi nhanh hoạt động kinh tế, gần đạt mức bình thường trước khi dịch bùng phát.

Nguyên tắc chung khi xây dựng và thực hiện các giải pháp là nhằm giải quyết “nhiệm vụ kép”, vừa ưu tiên phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững ổn định xã hội. Huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm sức khỏe Nhân dân, an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả đầu tư công, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và ổn định xã hội. Các chính sách hỗ trợ phải nhanh, dễ làm, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả, áp dụng phù hợp với từng giai đoạn, công khai, minh bạch. Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và diễn biến của kinh tế thế giới, giữ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tranh thủ cơ hội để phục hồi nhanh trở lại.

Nhiệm vụ trước mắt trong đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 là cần tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, trí lực, nguồn lực về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý cho Nhân dân.

Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ đạo tại các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về dịch Covid-19, đồng thời cần bảo đảm cung cấp đủ các yêu cầu về lương thực, thực phẩm, thuốc, trang thiết bị y tế và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo dịch không trung thực, né tránh, trốn cách ly, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp tuyên truyền sai sự thật về dịch Covid-19.

Cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp, người lao động, nhóm yếu thế, đối tượng xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn, sớm giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, hạn chế tối đa việc đầu cơ, găm hàng để tăng giá lợn thịt, lợn giống. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa. Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời.

Điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI

Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động

Trình bày về dự thảo Nghị quyết Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 43/TB-VPCP ngày 29/3/2020, kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ: Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết dựa trên 04 nguyên tắc chủ yếu. Một là, hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Hai là, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Ba là, việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Bốn là, ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này.

Có 06 nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ thêm (ngoài mức trợ cấp thường xuyên) 500.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người có công với cách mạng (1,135 triệu người) đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là hộ nghèo (984.000 hộ), hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019.

Hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp. Người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động.

Hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho đối tượng là hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4-6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm. Trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 02 chính sách hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết này thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.

Ngoài ra, có 02 chính sách hỗ trợ đặc thù và cho áp dụng quy trình đơn giản hóa tạo điều kiện người lao động được gửi hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đó là người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên (kể cả lao động ngừng việc). Đồng thời, cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 03 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng. Như vậy, tổng số tiền dự kiến trong Nghị quyết khoảng 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng (khoảng 1,52 tỷ USD).

Tại phiên họp, Chính phủ thảo luận về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025; Báo cáo về giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội…/.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 16123
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)