Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 31/03/2020-20:57:00 PM
Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I và dự báo quý II năm 2020
(MPI) – Theo Báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I và dự báo quý II năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng được tiến hành hằng quý với hơn 6.600 doanh nghiệp được chọn mẫu để khảo sát, đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời trong kỳ điều tra quý I/2020 đạt 89%.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Hoạt động sản xuất kinh doanh

Trong quý I/2020, có 18,8% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 33,7% đánh giá giữ ổn định và 47,5% cho rằng khó khăn hơn so với quý IV/2019. Dự báo quý II/2020 có 18,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 34,8% nhận định giữ ổn định và 46,9% đánh giá khó khăn hơn.

Theo hình thức sở hữu, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khả quan hơn so với hai khu vực còn lại, với 19,4% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 tốt hơn so với quý IV/2019; 33,9% nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 46,7% doanh nghiệp cho rằng hoạt động khó khăn hơn;khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực doanh nghiệp FDI) có 13,0% doanh nghiệp nhận định tốt hơn, có 31,9% giữ ổn định và 55,1% khókhăn hơn, khu vực doanh nghiệp nhà nước có 10,6% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 34,1% giữ ổn định và 55,3% hoạt động kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo quý II/2020, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 19,0% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 34,5% doanh nghiệp giữ ổn định và 46,5% khó khăn hơn so với quý I/2020, tỷ lệ của khu vực doanh nghiệp FDI là 12,1% tốt hơn, 38,1% giữ ổn định và 49,8% khó khăn hơn, khu vực doanh nghiệp nhà nước là 11,8% tốt hơn, 34,1% giữ ổn định và 54,1% khó khăn hơn.

Theo ngành hoạt động, doanh nghiệp xây dựng nhà các loại đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2020 so với quý IV/2019 với 19,5% đánh giá tốt hơn, 32,6% giữ ổn định và 47,9% khó khăn hơn, doanh nghiệp hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng có 19,1% nhận định tốt hơn, 35,7% giữ ổn định và 45,2% khó khăn hơn, doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng với 17,0% đánh giá tốt hơn, 32,9% giữ ổn định và 50,1% khó khăn hơn.

Dự báo quý II/2020, doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng nhận định khả quan hơn so với các ngành còn lại với 19,9% dự báo tốt hơn, 35,3% dự báo giữ ổn định và 44,8% khó khăn hơn, tỷ lệ này của doanh nghiệp xây dựng nhà các loại là 19,2% tốt hơn, 33,0% giữ ổn định và 47,8% khó khăn hơn, doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng có 14,3% tốt hơn, 37,4% giữ ổn định và 48,3% khó khăn hơn.

Hỗ trợ của hệ thống hành chính Nhà nước

Theo các doanh nghiệp xây dựng nhận định trong quý I/2020, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống hành chính nhà nước tương đối ổn định so với quý IV/2019, có 25,6% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn, 57,9% nhận định giữ ổn định và 16,5% nhận định khó khăn hơn.

Khu vực doanh nghiệp FDI có nhận định khả quan hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của hệ thống hành chính nhà nước với 84,4% doanh nghiệp nhận định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước ổn định và thuận lợi hơn (65,8% giữ ổn định và 18,6% thuận lợi hơn), 15,6% khó khăn hơn, tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 83,6% (57,4% giữ ổn định và 26,2% thuận lợi hơn), 16,4% khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp nhà nước là 70,6% (50,6% giữ ổn định và 20,0% thuận lợi hơn), 29,4% khó khăn hơn.

Trong những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 đến nay đã lan rộng và trở thành đại dịch của thế giới. Hiện nay tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp. Theo nhận định của các doanh nghiệp xây dựng trong quý I/2020 tình hình sản xuất kinh doanh không mấy khả quan với 52,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tốt hơn, 47,5% nhận định khó khăn hơn.

Các doanh nghiệp dự báo quý II/2020 tình tình hoạt động sản xuất kinh doanh khả quan hơn với 53,1% doanh nghiệp dự báo tình hình giữ ổn định và tốt hơn, có 46,9% dự báo khó khăn hơn. Có thể đánh giá nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp dựa trên một số chỉ số cân bằng như: Chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh, chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí, chi phí nguyên, vật liệu, nhân công và chỉ số cân bằng về nhu cầu sử dụng lao động.

Theo đó, chỉ số cân bằng về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý I/2020 so với quý IV/2019 là -28,7% (18,8% doanh nghiệp nhận định tốt hơn và 47,5% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng quý II/2020 so với quý I/2020 là -28,6% (18,3% doanh nghiệp dự báo tốt hơn và 46,9% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn).

Chỉ số cân bằng về biến động tổng chi phí cho hoạt động xây dựng quý I/2020 so với quý IV/2019 là 28,7% (47,5% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,8% doanh nghiệp nhận định giảm), chỉ số này quý II/2020 so với I/2020 có xu hướng giảm với 27,5% (48,2% doanh nghiệp đánh giá tăng và 20,7% doanh nghiệp đánh giá giảm).

Chỉ số cân bằng về chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp quý I/2020 là 28,6% (47,1% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,5% nhận định giảm), dự báo quý II/2020 là 28,0% (48,3% doanh nghiệp dự báo tăng và 20,3% dự báo giảm), chỉ số của chi phí nhân công trực tiếp quý I/2020 là 23,8% (42,3% doanh nghiệp nhận định tăng và 18,5% nhận định giảm) và dự báo quý II/2020 là 23,9% (43,7% doanh nghiệp dự báo tăng và 19,8% dự báo giảm).

Chỉ số cân bằng về tăng và giảm quy mô lao động quý I/2020 so với quý IV/2019 là 3,5% (23,6% doanh nghiệp nhận định tăng và 20,1% nhận định giảm). Sang quý II/2020 chỉ số cân bằng về tăng và giảm quy mô lao động có xu hướng giảm so với quý I/2020 với -2,0% (21,9% doanh nghiệp dự báo tăng và 23,9% dự báo giảm). Điều này phản ánh rõ trước những khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cũng có xu hướng thu gọn quy mô sản xuất và cắt giảm lao động để giảm chi phí sản xuất.

Theo nhận định của các doanh nghiệp xây dựng, tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn, để thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hành chính, giảm các thủ tục rườm rà, chồng chéo làm mất thời gian của doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác giao dịch hành chính điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ban ngành để giảm số lượng báo cáo của doanh nghiệp.

Đồng thời, hệ thống hóa toàn diện, đầy đủ và cụ thể bằng văn bản luật đối với các chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thay đổi chính sách bảo hiểm phù hợp hơn đối với các lao động thời vụ làm việc trong các doanh nghiệp xây dựng. Đảm bảo cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng, tạo điều kiện thuận lợicho doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng, tài chính,giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảmthủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1848
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)