(MPI) – Phát biểu tại Hội nghị Công bố kết quả và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 diễn ra ngày 19/12/2019, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương nhấn mạnh, thông tin về điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có ý nghĩa thiết thực và quan trọng, là bằng chứng tin cậy, là căn cứ quan trọng để phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ TW
phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI |
Đặc biệt, đây là số liệu đầu vào cho quá trình xây dựng dự thảo các Văn kiện phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII và Đại hội đảng bộ các cấp. Đồng thời, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương và Lãnh đạo các địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam Nao-mi Ki-ta-ha-ra, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam Chang-hee Lee và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Ngày 11/7/2019, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương đã tổ chức Hội nghị công bố sơ bộ kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, khẳng định cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã thành công tốt đẹp, đạt nhiều kết quả quan trọng, đã có nhiều đổi mới, cải tiến về phương pháp, cách thức tổ chức triển khai, giúp rút ngắn đáng kể về thời gian thu thập, xử lý thông tin và công bố sớm kết quả.
Xác định những quan điểm, mục tiêu, giải pháp trước mắt và tầm chiến lược lâu dài
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, số liệu từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình dân số, nhân khẩu học, chất lượng dân số, thực trạng giáo dục, chăm sóc y tế, sức khỏe, di cư, đô thị hóa, giải quyết việc làm, nhà ở và nhiều vấn đề xã hội khác một cách đầy đủ và chi tiết hơn. Một mặt, giúp đánh giá được cả cơ hội, tiềm năng, triển vọng cũng như những khó khăn, thách thức của các lĩnh vực liên quan đến dân số và nhà ở cũng như của toàn nền kinh tế, từ đó xác định những quan điểm, mục tiêu, giải pháp cần tập trung giải quyết trước mắt và cả ở tầm chiến lược lâu dài.
Về khía cạnh dân số và phát triển, quy mô dân số đạt 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ. Tỷ trọng dân số từ 15 đến 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, nhưng tốc độ già hóa dân số Việt Nam đang tăng mạnh. Đòi hỏi, phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa phải tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực “vàng” cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật lao động sửa đổi, trong đó, chính sách nổi bật nhất là tăng tuổi nghỉ hưu, thể hiện một quyết tâm chính trị mạnh mẽ, tầm nhìn dài hạn trong việc xử lý vấn đề già hóa dân số. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm tận dụng cơ hội của thời kỳ “dân số vàng”, phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nâng cao năng suất lao động, nhất là đối với thanh niên, giới trẻ trong cơ cấu dân số Việt Nam.
Phát triển nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi và quan trọng của chiến lược phát triển đất nước
Về vấn đề nguồn nhân lực, đây là nội dung cốt lõi và quan trọng của chiến lược phát triển đất nước. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế khi tỷ lệ lao động đã được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ đạt thấp, khoảng 23,1%; tỷ trọng người lao động có kỹ năng cao chỉ chiếm khoảng 11% tổng số lao động có trình độ cao. Lao động phổ thông và lao động giản đơn chiếm tỷ trọng còn lớn.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh và đòi hỏi tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi giá trị toàn cầu là một thách thức lớn và cần phải nhanh chóng xây dựng và thực hiện các chính sách đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo kỹ năng, giáo dục nghề nghiệp, năng lực thực hành, gắn kết giữa đào tạo và tuyển dụng...
Về lao động, việc làm, kết quả tổng điều tra cho thấy cơ cấu thị trường lao động Việt Nam đang có sự dịch chuyển tích cực, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên lao động làm việc trong các ngành dịch vụ đã cao hơn ngành nông nghiệp.
Để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động trong bối cảnh mới, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội, chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi phương thức tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng thông minh hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và năng lực cạnh tranh cao hơn. Đồng thời, áp dụng phổ biến các phương thức kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, thanh toán điện tử... Thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới kết hợp với khuyến khích và hỗ trợ phát triển các công ty công nghệ trong nước. Hỗ trợ nâng cao kỹ năng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tiếp cận, áp dụng các công nghệ, các mô hình quản lý và kinh doanh phổ biến trong thời kỳ cách mạng công nghệ đang bùng nổ mạnh mẽ.
Giáo dục, đào tạo đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, có thể đạt và vượt một số mục tiêu về giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên của Chiến lược giáo dục giai đoạn 2011-2020 nhưng vẫn còn nhiều khía cạnh cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của đất nước, ngoài việc đào tạo về kiến thức cần trang bị thêm các kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo để xây dựng nguồn nhân lực có khả năng thích nghi với cạnh tranh và sự thay đổi liên tục của thị trường lao động toàn cầu, đặc biệt là thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Vì hạnh phúc của người dân
Về y tế và chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là sức khỏe của bà mẹ và trẻ em ngày càng được nhà nước và xã hội quan tâm. Tuy nhiên, thách thức đối với lĩnh vực này là giải quyết sự mất cân đối về chất lượng dịch vụ giữa các vùng miền, giữa các nhóm dân số khác nhau và gánh nặng ngày càng gia tăng trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số tăng mạnh. Đến nay, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% dân số cả nước. Điều này đòi hòi phải có tư duy và tầm nhìn dài hạn về chính sách phát triển hệ thống y tế và các mô hình chăm sóc sức khỏe dân số, nhất là đối với người cao tuổi.
Về vấn đề di cư và đô thị hóa, đây vừa là mặt tích cực của phát triển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị động lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nhưng cũng là thách thức, tạo thêm sức ép đối với cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, an sinh xã hội ở các khu đô thị, gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa khu vực thành thị và nông thôn. Điều này đặt ra bài toán phải triển khai ngay và nhanh các giải pháp xây dựng và quản lý các thành phố, đô thị theo hướng đổi mới sáng tạo, xây dựng thành phố thông minh, lấy người dân làm trung tâm, lấy công nghệ làm phương tiện để đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, với mục tiêu làm cho tất cả người dân được hưởng thành quả và vì hạnh phúc của người dân.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: MPI |
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 còn nhiều thông tin quan trọng và hữu ích khác phục vụ cho quá trình nghiên cứu, tham mưu, xây dựng và thực thi chính sách phát triển chung của quốc gia và của các ngành, lĩnh vực. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong rằng các tổ chức, cá nhân, nhất là các Bộ, ngành, địa phương sử dụng thật triệt để và hiệu quả nguồn dữ liệu quý giá này, đảm bảo xây dựng chính sách dựa trên cơ sở bằng chứng, căn cứ tin cậy.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết phối hợp chặt chẽ và đồng hành cùng tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc khai thác, sử dụng nguồn dữ liệu này. Đồng thời, giao Tổng cục Thống kê cung cấp đầy đủ thông tin, cơ sở dữ liệu Tổng điều tra và hướng dẫn sử dụng cụ thể, chủ trì biên soạn các chuyên khảo của Tổng điều tra dân số và nhà ở nhằm đưa ra bức tranh rõ nét về từng lĩnh vực phục vụ cho các nhà quản lý, xây dựng chính sách và đông đảo người sử dụng.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ năm ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện.
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhân khẩu học của trên 96,2 triệu người là nhân khẩu thực tế thường trú tại gần 26,9 triệu hộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019. Để bổ sung thông tin đánh giá những biến động về nhân khẩu học như tình hình sinh, chết, di cư của người dân, thông tin về lao động việc làm, điều kiện sống của các hộ dân cư và một số thông tin khác, điều tra mẫu trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được thực hiện với quy mô mẫu 9% hộ dân cư trên cả nước (khoảng 8,2 triệu người sinh sống tại hơn 2,3 triệu hộ dân cư).
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn của Tổng điều tra giúp nâng cao chất lượng thông tin, minh bạch quá trình sản xuất thông tin thống kê, rút ngắn thời gian xử lý để công bố sớm kết quả Tổng điều tra và tiết kiệm kinh phí so với các cuộc điều tra và Tổng điều tra theo phương pháp điều tra truyền thống./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư