(MPI) - Phát biểu tại phiên họp trực tuyến Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 21/4/2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Chủ tịch Hội đồng thẩm định cho biết, việc xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch không chỉ mang ý nghĩa thực hiện theo quy định của pháp luật mà có vai trò quan trọng trong việc giúp địa phương xác định đúng các phương hướng và giải pháp phát triển, đảm bảo quốc phòng an ninh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam, là địa phương có thế mạnh để phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp và lâm nghiệp. Cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, nguồn lực dồi dào, có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích, lịch sử với truyền thống văn hóa đặc sắc lâu đời. Đây là cơ hội, điều kiện để tỉnh Lạng Sơn thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh kinh tế, cải thiện các lĩnh vực xã hội, tăng cường hoạt động đối ngoại.
|
Toàn cảnh tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch Phụ trách UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, ngay sau khi Luật quy hoạch được ban hành, Tỉnh xác định công tác lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu nhằm cụ thể hóa các chiến lược, quy hoạch của quốc gia, của vùng, đồng thời xây dựng định hướng phát triển của Tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nhiệm vụ quy hoạch Tỉnh được lập trên cơ sở cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn của trung ương, bám sát tình hình thực tế, điều kiện, tiềm năng, thế mạnh và những đặc điểm riêng về khả năng phát triển của Tỉnh trong kỳ quy hoạch nhằm đảm bảo nhiệm vụ quy hoạch của Tỉnh có tính khả thi cao nhất. Sau khi quy hoạch được phê duyệt sẽ là điều kiện để Tỉnh triển khai các bước tiếp theo. Quan điểm nhiệm vụ lập quy hoạch phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, phù hợp với nguồn lực của Tỉnh, đảm bảo tính khả thi, đồng thời đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực liên quan, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tạo nền tảng phát triển trong tương lai. Đồng thời đưa ra các quan điểm, mục tiêu phát triển của Tỉnh cũng như định hướng phân bố không gian có tính chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Phương pháp thực hiện lập quy hoạch theo quy định của Luật quy hoạch, trong đó nhấn mạnh phương pháp tiếp cận tích hợp, lồng ghép, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tham gia lập quy hoạch.
Các nội dung đề xuất tập trung nghiên cứu sâu về phát triển mạnh mẽ ngành thương mại, dịch vụ, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành trung tâm hạ tầng giao thông và đô thị. Phát triển ngành kinh tế dựa trên các ngành lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của Tỉnh.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lạng Sơn là cơ quan được giao chủ trì xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Dự thảo được trình bày tại phiên họp, mục tiêu lập quy hoạch của Tỉnh là xây dựng khung phát triển về không gian, tạo nền tảng cơ sở cho xây dựng, kết nối đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các loại hình quy hoạch. Đây cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nhằm phát triển nhanh và bền vững. Đưa ra các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để đẩy nhanh việc thực hiện các khâu đột phá, là cơ sở xác định các chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.
Việc xây dựng quy hoạch nhằm loại bỏ các quy hoạch chồng chéo, cản trở đầu tư phát triển trên địa bàn, bảo đảm công khai minh bạch, công bằng trong huy động, tiếp cận cũng như phát huy tối đa các nguồn lực phát triển. Đồng thời, giải quyết các vấn đề xung đột không gian và định hướng cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, trên cơ sở huy động hợp lý các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài. Nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh, tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các vùng và địa phương, bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao mức sống của người dân.
Tỉnh Lạng Sơn đưa ra các mục tiêu cụ thể theo các nhóm về kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường với các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết, gồm thực hiện tái cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên; phát triển kinh tế - xã hội gắn với khát vọng vươn lên. Tỉnh cũng đưa ra các khâu đột phá dự kiến như phát triển khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng; đầu tư kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và đô thị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; khai thác tối đa các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
|
Chuyên gia Ngô Công Thành phát biểu tại phiên họp. Ảnh: MPI |
Tham gia phản biện, chuyên gia Ngô Công Thành, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Hồ sơ trình thẩm định được chuẩn bị đầy đủ, tuân thủ theo quy định của Luật quy hoạch và các văn bản có liên quan. Đồng thời nhấn mạnh, Báo cáo đánh giá quy hoạch thời kỳ trước cần bổ sung một số nội dung như quy hoạch sử dụng đất, rà soát lại các căn cứ để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và lược bỏ các văn bản không liên quan.
Cấu trúc nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch đã bám sát quy định của Luật quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch. Tuy nhiên, cần chỉnh sửa, bổ sung về quan điểm, mục tiêu, dự báo triển vọng, các tiêu chí cách thức xác định để lựa chọn một số ngành quan trọng, có sức lan tỏa lớn, làm động lực cho phát triển của Tỉnh và tập trung nguồn lực đầu tư.
Về tiêu đề các nội dung quy hoạch cần chuẩn xác theo Luật quy hoạch, các nội dung đề xuất phải tương thích với nội dung quy hoạch; cần xác định yêu cầu để phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan liên quan để thực hiện; phải xác định được các dự án ưu tiên đầu tư trong thời kỳ quy hoạch thuộc thẩm quyền của Tỉnh và đề xuất giải pháp nguồn lực…
Đại diện đơn vị giúp việc Cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đinh Trọng Thắng trình bày bản nhận xét về nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và cho biết, việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh Lạng Sơn được thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật quy hoạch. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của quy hoạch thời kỳ trước, thực tiễn phát triển của Tỉnh trong thời gian qua, các yếu tố tác động trong và ngoài nước, Báo cáo thuyết minh cần đưa ra các yêu cầu xây dựng định hướng, chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh thời kỳ 2021-2030 để làm cơ sở lập quy hoạch.
Việc lập quy hoạch phải thống nhất, đồng bộ với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng văn hóa, tinh thần của người dân, đặc biệt là dân tộc thiểu số và miền núi. Về dự báo triển vọng, cần bổ sung dự báo triển vọng của ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ trên địa bàn Tỉnh.
Đồng thời đề nghị tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu, rà soát lại các nội dung đề xuất tích hợp, đảm bảo đầy đủ các nội dung liên quan đến quy hoạch thuộc các ngành, lĩnh vực trên địa bàn Tỉnh để thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước. Hiện việc lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng cũng đang được triển khai và chưa được phê duyệt, do đó, trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh Lạng Sơn cần chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với các cơ quan lập quy hoạch cấp cao hơn để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14.
Nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được 19/19 thành viên Hội đồng tham dự thống nhất thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, hoàn thiện.
Phát biểu tại phiên họp, ông Hồ Tiến Thiệu cảm ơn ý kiến quý báu của các chuyên gia, thành viên Hội đồng và khẳng định, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện, đảm bảo đủ cơ sở để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ mới được thực hiện theo Luật quy hoạch và đặc biệt là trong bối cảnh các quy hoạch cao hơn đang tiến hành xây dựng do vậy Tỉnh cũng gặp những khó khăn nhất định trong quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch Tỉnh thời kỳ tới, tuy nhiên đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các chuyên gia, thành viên Hội đồng.
|
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu cũng như công tác chuẩn bị Hồ sơ trình thẩm định của tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời nhấn mạnh, tỉnh Lạng Sơn có vai trò, vị trí quan trọng, có sức lan tỏa lớn đối với các địa phương lân cận thông qua việc phát triển kinh tế đường biên, kinh tế cửa khẩu. Đây cũng là nơi trung chuyển, tiếp nhận hàng hóa của các địa phương và tổ chức công tác xuất khẩu hàng hóa. Do vậy, tỉnh Lạng Sơn cần đặc biệt quan tâm đến giao thông kết nối để có quy hoạch không gian phù hợp, toàn diện.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đề nghị, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Hội đồng, chuyên gia, tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu, tiếp thu các nội dung phù hợp với điều kiện, đặc điểm của Tỉnh, hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền theo quy định./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư