Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 18/04/2020-08:18:00 AM
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
(MPI) – Ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với ý nghĩ kết nối các đại diện tiêu biểu người Việt trên khắp thế giới cùng tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Chiến lược 4.0, mang lại cơ hội tiếp cận hiệu quả cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ , ngày 19/8/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ Công bố Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam.
Ảnh:
(MPI)

Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2020 của Bộ Chính trị với mục tiêu tổng quát là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra, trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ.Trong đó, tập trung đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động thuộc phạm vi quản lý, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, nâng cao hiệu quả và đưa công tác tuyên truyền về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đi vào chiều sâu, phù hợp với từng nhóm đối tượng, phổ biến, nhân rộng kịp thời các mô hình thí điểm, các điển hình tiên tiến. Tận dụng triệt để công nghệ số để thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển các mô hình và hoạt động kinh tế mới dựa trên các nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, đồng thời ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội. Đảm bảo cho doanh nghiệp tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà luật không cấm, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mô hình, hoạt động kinh tế mới và kinh tế truyền thống.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi các quy định về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho các hoạt động thu hút vốn, mua cổ phần, mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ; các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia.

Xây dựng cơ chế quản lý linh hoạt, phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát để triển khai thí điểm sau đó nhân rộng đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng gây rủi ro cao. Việc triển khai thí điểm, thử nghiệm phải xác định rõ phạm vi không gian và thời gian.

Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong dự báo, phân tích chính sách, soạn thảo, ban hành, tổ chức, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm cơ chế phản hồi thông tin, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động tham gia vào các khuôn khổ pháp lý khu vực và toàn cầu để phát triển kinh tế số. Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế. Xây dựng hành lang pháp lý cho định danh số và xác thực điện tử quốc gia; thiết lập khung danh tính số quốc gia. Đồng thời, nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện khung pháp lý về giao dịch điện tử, xây dựng các cơ sở, hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Có cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra, khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại Việt Nam trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia, khuyến khích các công ty đa quốc gia đặt các cơ sở nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan xây dựng và sớm đưa vào hoạt động Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghiệp cao Hòa Lạc theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Phát triển mạng lưới sáng tạo Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập năm 2018.

Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, rà soát, đề xuất phương án cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ độc lập. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ tốt của thế giới. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Nghiên cứu xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với việc xây dựng và vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo, khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp, công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam.

Đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn thiện luật pháp, chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng nâng cao tiêu chuẩn công nghệ, khuyến khích hình thức liên doanh và tăng cường liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp dựa trên nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước, hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư mạo hiểm có vốn nước ngoài.

Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan theo dõi thông tin về xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính sách, kinh nghiệm của các nước về tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Nghị quyết cũng nêu rõ, Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc tới tất cả các thôn, làng, trường học, bệnh viện, trung tâm cộng đồng, bảo đảm tính liên tục và dự phòng. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác cho chuyển đổi số.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia. Hình thành hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia, các Trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ và thống nhất. Coi dữ liệu là tài nguyên và nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành các hệ thống dữ liệu tin cậy, ổn định của Nhà nước và doanh nghiệp, xây dựng năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, chế tạo thiết bị, phát triển các ứng dụng trong nước phục vụ quá trình chuyển đổi số và kinh tế số.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu cơ bản ở các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu kết hợp phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Tiếp tục thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ dựa trên nền tảng số, Internet và không gian mạng./.




File đính kèm:
NQ50.signed.pdf
Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1100
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)