Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 20/04/2020-18:09:00 PM
Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 11/2020
(MPI) – Ngày 14/4/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2934/VPCP-CN về kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng ý với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến Hội nghị tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế ở Việt Nam. Hội nghị sẽ được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với các địa phương vào tháng 11/2020 tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tại 63 điểm cầu của địa phương.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, chương trình, rà soát báo cáo tham luận để phục vụ cho báo cáo tổng kết tại Hội nghị. Trong đó, cần tập trung đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, xây dựng quan điểm, mục tiêu, đề xuất mô hình, định hướng chính sách của Việt Nam về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trong giai đoạn tới.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT). Kết quả phát triển KCN, KKT về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm... mặc dù mức độ đạt được của các mục tiêu này có khác nhau. Mô hình KCN, KKT đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Những kết quả này là minh chứng khẳng định quyết sách đúng đắn của Đảng trong việc phát triển mô hình KCX, KCN, tiếp đến là KKT cửa khẩu và KKT ven biển. Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ đã thể chế hóa bằng hệ thống luật pháp, chính sách theo hướng thuận lợi, minh bạch và cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc phát triển KCN, KKT thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế. Mô hình KCN, KKT thời gian vừa chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chưa chú trọng nâng cao hiệu quả và đổi mới mô hình phát triển KCN, KKT. Quy hoạch KCN, KKT chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Phát triển KCN, KKT chưa đảm bảo bền vững trên ba khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong KCN, KKT chưa có cải thiện nhiều và chậm được khắc phục. Một số doanh nghiệp không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, phúc lợi, dẫn đến đình công, bãi công; vi phạm pháp luật về môi trường gây bức xúc trong xã hội. Hiệu quả sử dụng vốn NSNN hỗ trợ phát triển hạ tầng KCN, KKT chưa cao, chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào KCN, KKT đến năm 2030 đạt khoảng 2.700 - 3.200 nghìn tỷ đồng và 280 - 330 tỷ USD; Tổng vốn đầu tư thực hiện trong KCN, KKT đến năm 2030 đạt khoảng 1.500 - 2.000 nghìn tỷ đồng và 240 - 290 tỷ USD; Giải quyết việc làm cho 05 - 06 triệu lao động vào năm 2025 và 07 - 08 triệu lao động vào năm 2030; Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 01 ha đất công nghiệp của KCN, KKT thêm khoảng 8 - 10% vào năm 2025 và 15 - 18% vào năm 2030; 40% đến 50% địa phương có KCN xây dựng và bước đầu thực hiện kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái; 08% đến 10% địa phương có KCN định hướng xây dựng thí điểm KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư; Tỷ lệ KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 93 - 95% vào năm 2025 và từ 97 - 100% vào năm 2030; Phấn đấu đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu nhà ở của người lao động trong KCN đến năm 2030.

Theo đó, định hướng trong thời gian tới, phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính. Hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn.

Tiến tới cân bằng trong phát triển KCN, KKT để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định hoặc bám sát trục đường giao thông huyết mạch. Tại một số địa bàn nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, việc phát triển KCN, KKT cần được xem xét chặt chẽ, đặt vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia lên hàng đầu.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN, KKT thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Phát triển KKT cửa khẩu biên gắn liền với việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, ổn định, bền vững giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới; xây dựng các KKT cửa khẩu trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ động lực của khu vực biên giới; bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi trường, ổn định dân cư biên giới và an ninh quốc phòng. Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân và hình thức đối tác công - tư trong xây dựng, phát triển KCN, KKT./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1351
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)