(MPI) - Ngày 14/4/2020, các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN theo hình thức họp trực tuyến và ra Tuyên bố của Hội nghị về ứng phó dịch bệnh Covid-19. Hội nghị cấp cao do Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
|
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn |
Ưu tiên an sinh của người dân trong nỗ lực tập thể ASEAN phòng chống dịch Covid-19
Tại Hội nghị, các đại biểu tái khẳng định quyết tâm và cam kết, trên tinh thần một ASEAN “Gắn kết và chủ động thích ứng”, duy trì đoàn kết và cùng nhau hành động một cách quyết liệt nhằm kiểm soát sự lây lan, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với đời sống của người dân, nền kinh tế và xã hội khu vực. Đồng thời kêu gọi đẩy mạnh một Cộng đồng ASEAN quan tâm và sẻ chia, nơi mà các quốc gia thành viên ASEAN hỗ trợ lẫn nhau trong giai đoạn khó khăn này.
Tiếp nối các nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN và của Cộng đồng ASEAN, tuyên bố Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN thể hiện quyết tâm tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác y tế công cộng nhằm kiểm soát đại dịch và bảo vệ người dân, gồm trao đổi kịp thời, minh bạch thông tin về tình hình thực tại và các biện pháp ứng phó đại dịch của các quốc gia thành viên; chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong nghiên cứu và phát triển dịch tễ học, điều trị lâm sàng, nghiên cứu, phát triển vắc-xin và thuốc chống vi-rút; nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng của các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế.
Ưu tiên an sinh của người dân trong nỗ lực tập thể của ASEAN phòng chống dịch Covid-19 và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho công dân của các quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng bởi đại dịch tại các quốc gia thành viên hoặc nước thứ ba. Khuyến khích triển khai hiệu quả Tài liệu hướng dẫn của ASEAN về hỗ trợ khẩn cấp của cơ quan ngoại giao ASEAN tại nước thứ ba cho công dân ASEAN trong tình huống khủng hoảng.
Tăng cường truyền thông đại chúng hiệu quả và minh bạch bằng nhiều hình thức, gồm cập nhật kịp thời chính sách của các nước, các thông tin về sức khỏe cộng đồng và an toàn, đính chính các thông tin sai lệch và nỗ lực giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Khuyến khích kênh hợp tác thông tin ASEAN tăng cường hợp tác chống thông tin sai lệch và tin tức giả mạo, cũng như xây dựng Tài liệu hướng dẫn và một nền tảng chung để thúc đẩy chia sẻ thông tin kịp thời trong ASEAN.
Tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó dịch Covid-19
Tuyên bố cũng khẳng định lại cam kết trong hành động và phối hợp chính sách để giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội do đại dịch, bảo đảm an sinh của người dân và duy trì ổn định kinh tế - xã hội. Giao các Bộ trưởng và quan chức kinh tế thực hiện Tuyên bố ngày 10/3/2020 về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó dịch Covid-19. Cụ thể, duy trì cam kết mở cửa thị trường ASEAN cho thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN với mục đích bảo đảm an ninh lương thực, trong đó tận dụng hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tăng cường khả năng phục hồi, sự phát triển bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, nhất là thực phẩm, hàng hóa, thuốc men, vật tư y tế và các vật dụng cần thiết khác. Thực hiện các biện pháp thích hợp để thúc đẩy lòng tin và nâng cao sự ổn định của kinh tế khu vực thông qua các chính sách kích cầu, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm yếu thế.
Hợp tác bảo đảm an toàn xã hội cho người dân, ngăn chặn sự suy thoái và mất ổn định xã hội do tác động tiêu cực của đại dịch, tiếp tục nỗ lực kiến tạo và triển khai hệ thống cảnh báo rủi ro và phản ứng nhanh để giảm thiểu các khả năng rủi ro và nâng cao năng lực tự cường cho nhóm yếm thế. Khuyến khích xây dựng kế hoạch phục hồi sau đại dịch để chia sẻ các bài học kinh nghiệm, khôi phục kết nối ASEAN, ngành du lịch, hoạt động kinh doanh và hoạt động xã hội thường ngày của ASEAN, ngăn chặn khả năng suy thoái kinh tế.
Giao các Bộ trưởng và quan chức kinh tế bảo đảm duy trì kết nối chuỗi cung ứng, nhất là giữa các quốc gia thành viên ASEAN, tạo thuận lợi cho lưu chuyển nhu yếu phẩm, gồm các vật tư y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác; bảo đảm hạ tầng thiết yếu mở gồm hàng không, đường bộ và đường biển cho giao dịch thương mại; không áp đặt các biện pháp hạn chế không cần thiết đối với hàng hoá, gồm vật tư y tế, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác, phù hợp các quyền và nghĩa vụ được quy định bởi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các quy định của luật pháp quốc tế. Hỗ trợ tái phân bổ các quỹ hiện có; khuyến khích các đối tác của ASEAN hỗ trợ tài chính và kỹ thuật trong hợp tác chống dịch Covid-19, gồm cả đề xuất thành lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư