1. Sản xuất công nghiệp
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện tháng 3 tăng 1,26% so tháng trước và tăng 8,36% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,63%; ngành phân phối điện tăng 5,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 10,30%.
Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước thực hiện quý I năm 2020 tăng 4,60% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng thấp so với cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,16%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,69%, ngành phân phối điện tăng 3,63%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 5,01%. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá như: Phi lê đông lạnh tăng 43,22%; gạo xay xát tăng 6,62%; thức ăn cho thủy sản tăng 12,32%; sản phẩm in khác tăng 31,88%; thuốc diệt cỏ tăng 5,37%; dược phẩm tăng 1,40%; sản phẩm nhựa gia dụng tăng 17,65%; xi măng tăng 55,78%; máy gieo hạt tăng 44,03%; tủ gỗ tăng 5,75%; điện thương phẩm tăng 3,63%; nước sinh hoạt tăng 5,81%. Tuy nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng một số doanh nghiệp đã chủ động được nguồn nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất bình thường do doanh nghiệp đã dự trữ được nguồn nguyên liệu trước thời điểm có dịch và để hoàn thành các hợp đồng đã ký trước nên doanh nghiệp đã tận dụng được nguồn nguyên liệu này cho việc sản xuất kinh doanh và không bị phụ thuộc vào sự biến động giá cả hay thiếu hụt của nguồn nguyên liệu khi có dịch bệnh xảy ra. Đặc biệt, sản phẩm gạo tăng do vào mùa thu hoạch vụ lúa Đông xuân và việc xuất khẩu cũng thuận lợi do việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không còn tập trung thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã không ngừng đào tạo kỹ năng xây dựng chiến lược marketing và mở rộng kênh phân phối nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng phần nào đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, một số sản phẩm có chỉ số giảm như: Thức ăn gia súc giảm 46,50% do dịch tả heo Châu Phi đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi nên người chăn nuôi chưa tái đàn ồ ạt dẫn đến tiêu thụ thức ăn gia súc giảm nhà máy cũng hạn chế sản xuất, tuy nhiên dịch bệnh đã được kiểm soát ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân tái đàn trở lại dự báo trong những tháng tới tình hình sản xuất sẽ khả quan hơn; bia lon giảm 31,94% do ảnh hưởng của Nghị định 100 của Chính Phủ về việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên người dân hạn chế gặp gỡ và tụ tập đông người dẫn đến nhu cầu tiêu thụ ít, khối lượng sản xuất ít; quần áo may sẵn giảm 55,52% do nhu cầu về trang phục sau tết giảm mạnh; Các sản phẩm thuốc lá, bao bì… giảm do chịu sự ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu, nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao, mặt khác do thị trường có tính cạnh tranh gay gắt, giá cả nguyên liệu đầu vào thường xuyên biến động ảnh hưởng đến việc xây dựng giá thành sản phẩm, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tháng 3/2020 tăng 7,70% so với tháng cùng kỳ. Nhìn chung 3 tháng chỉ số tiêu thụ tăng 1,39% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành có mức tiêu thụ tăng như: xay xát gạo tăng 9,90%; sản xuất giấy tăng 16,68%; in ấn tăng 31,88%; sản xuất thuốc trừ sâu tăng 4,76%; dược phẩm tăng 1,2%; sản xuất sản phẩm từ plastic tăng 6,88%; sản xuất xi măng tăng 55,78%.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/3/2020 là 91,72% so với tháng cùng kỳ.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tháng 3/2020 tăng 0,94% so với tháng trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,03%, doanh nghiệp Ngoài Nhà nước tăng 1,06% và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 0,57%. Nhìn chung, số lao động ở các doanh nghiệp có mức tăng nhẹ, không có biến động và không làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tại doanh nghiệp.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I/2020 cho thấy: Có 44,68% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 28,72% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý II/2020 so với quý I/2020, có 23,40% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 32,98% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 9,57% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Qua kết quả điều tra cho thấy đa số các doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, khối lượng sản xuất giảm, đơn hàng xuất khẩu cũng giảm, do chịu sự ảnh hưởng chung của tình hình thế giới hiện nay.
Tháng 03, ước cấp mới đăng ký kinh doanh cho 53 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 240,612 tỷ đồng. Quý I/2020, cấp mới đăng ký kinh doanh cho 280 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 1.188 tỷ đồng; đạt 17,5% KH về số doanh nghiệp và đạt 9,5% KH về số vốn đăng ký mới; giảm 28,93% về số vốn doanh nghiệp và giảm 67,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời gian này, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh như hỗ trợ cho các doanh nghiệp được sử dụng các nguồn vốn ưu đãi để được hưởng lãi suất thấp để doanh nghiệp chủ động nguồn vốn nhập hàng hóa, nguyên liệu dự trữ sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế… để giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Qua đó để thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần cải cách thủ tục hành chính, hải quan cho doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất, đầu tư các cụm công nghiệp để có quỹ đất mở rộng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa thị trường.
Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn cần phối hợp với các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ đến công tác phòng chống dịch ngay trong doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp cần linh hoạt lựa chọn, tìm kiếm các thị trường mới mang tính ổn định cao hơn, mặt khác đầu tư nghiên cứu để xâm nhập sâu hơn vào những thị trường đang có. Trong nỗ lực mở rộng thị trường mới thay thế cho thị trường truyền thống, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường có nhiều tiềm năng, tìm hiểu sâu về nhu cầu, thị hiếu về các tiêu chuẩn kỹ thuật của những thị trường mới này. Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về bao bì, nhãn mác... để nhận được những tín hiệu khả quan từ các thị trường mới. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống, thời điểm này doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua hệ thống thương mại điện tử để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cần quan tâm đến nguồn lao động, chăm lo sức khoẻ để họ an tâm làm việc, đồng thời tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao tay nghề. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng sản phẩm của nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm mức phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
a. Nông Nghiệp
- Trồng trọt:
+ Cây lúa: TP Cần Thơ đã xuống giống ước được 79.264 ha lúa Đông xuân 2020, đạt 99,37% so với kế hoạch (KH: 79.750 ha); So với cùng kỳ năm trước thấp hơn 2.019 ha (chuyển qua cây lâu năm khoảng 1.500 ha, cây hàng năm khác 104 ha, xây dựng nhà ở, công trình công cộng khoảng 415 ha,…). Nguyên nhân diện tích giảm: Do hầu hết quận, huyện nông dân nên vườn trồng cây ăn trái, cây hàng năm khác trên nền đất gò khó giữ nước hoặc diện tích đất trồng lúa không hiệu quả hay bị chuột cắn phá và chuyển đổi sang mục đích xây dựng nhà ở, công trình công cộng,... Cụ thể ở Huyện Cờ Đỏ giảm 902 ha, chủ yếu là trồng cây lâu năm ở xã Thới Hưng giảm 841 ha; Huyện Phong Điền giảm 451 ha lúa sang trồng cây ăn trái,...; Quận Bình Thủy giảm hơn 214 ha chuyển qua cây ăn trái 109 ha, cây hàng năm khác 21 ha, đất quy hoạch đô thị 84 ha,..; Quận Ô Môn giảm 203 ha lúa chuyển sang trồng cây ăn quả như sầu riêng 120 ha, cây dưa hấu 30 ha, rau nhút 20 ha,… và làm đường giao thông đi qua phường Trường Lạc thu hồi đất phục vụ các dự án công trình ở địa phương; Quận Thốt Nốt diện tích lúa vụ Đông xuân giảm 280 ha chuyển sang trồng cây ăn trái tập trung phường Tân Lộc, Trung Nhất, Thuận Hưng, Tân Hưng…
Ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì cánh đồng lớn với 119 cánh đồng, tổng diện tích 31.563,84 ha, với 22.381 hộ tham gia, trong đó, có 336 ha VietGAP và 100 ha GlobalGAP, tập trung ở các quận huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Thới Lai và Phong Điền. Thành phố chú trọng đẩy mạnh phát triển hệ thống sản xuất giống lúa 3 cấp, hiện có 124 cơ sở, hộ sản xuất và cung ứng lúa giống với năng lực cung ứng 52.700 tấn/năm.
Hiện nay, lúa Đông xuân chủ yếu giai đoạn chín, nông dân đang tích cực thu hoạch. Tính đến ngày 11/3/2020, toàn Thành phố đã thu hoạch ước đạt 77.119 ha, đạt 97% so với diện tích gieo trồng, chậm hơn 2.836 ha so với cùng kỳ; Dự kiến cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020 lúa Đông xuân trên địa bàn thành phố thu hoạch dứt điểm. Năng suất vụ lúa Đông xuân 2020 ước khoảng 71,36 tạ/ha, so vụ lúa Đông xuân 2019 tăng 2,55%; bằng 2 tạ/ha; Sản lượng ước đạt 565.626 tấn, tăng so với cùng kỳ 4 tấn.
Nguyên nhân Năng suất và sản lượng tăng:
Do thời tiết thuận lợi, nước rút sớm nên xuống giống sớm hơn cùng kỳ năm 2019, đồng loạt, tuân thủ đúng lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp khuyến cáo, đã né được rầy, tránh được các loại dịch bệnh và tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn; Tuy lũ không lớn, nhưng phần lớn diện tích xuống giống của các quận, huyện đều chủ động được lượng nước cần thiết cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa nên lúa phát triển tốt; tăng cường áp dụng các mô hình tưới tiết kiệm.
Ngành chức năng cử cán bộ kỹ thuật của thành phố, quận, huyện xuống tận xã, phường bám chặt đồng ruộng chỉ đạo, hướng dẫn nông dân từ lúc xuống giống cho đúng lịch thời vụ và chăm sóc lúa đúng kỹ thuật. Thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, tưới nước tiết kiệm, sử dụng các chế phẩm sinh học và công nghệ sinh thái trong quản lý sâu rầy,… nhằm tạo điều kiện cho cây lúa khỏe chống chịu được sâu bệnh và giảm được lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
Đến nay, toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 95% diện tích lúa Đông Xuân. Nhìn chung, nông dân rất thuận lợi vừa rút ngắn được thời gian thu hoạch, vừa giảm được chi phí và tổn thất trong quá trình thu hoạch.
Giá lúa vào thời điểm tháng 01/2020 dao động 4.500 – 5.000 đồng/kg tùy loại; đến cuối tháng 02/2020, giá lúa tăng trung bình 100-200đ/kg. Lúa Đông xuân hiện tại còn chủ yếu tại huyện Vĩnh Thạnh với giá lúa tươi tại ruộng như sau: giống IR50404 4.200-4.700 đồng/kg, giống OM5451 4.600-4.900 đồng/kg, Jasmine85 4.900-5.200 đồng/kg và Đài Thơm 8 4.900-5.300 đồng/kg.
Trên những chân ruộng đã thu hoạch lúa Đông xuân, ngành Nông nghiệp vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa kém hiệu quả; Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh trên đồng ruộng và giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ, đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ Đông xuân và Hè thu ít nhất 3 tuần; chỉ đạo xuống giống tập trung, đồng loạt theo lịch thời vụ trên từng khu vực, từng cánh đồng, không xuống giống kéo dài, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen; Đây là vụ lúa Hè thu được dự báo sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do hạn, mặn đang diễn biến khốc liệt; như thời tiết trời nắng nóng, đồng ruộng dễ bị khô nước nên nông dân không chỉ lo phải tốn chi phí bơm tưới nước mà còn lo cỏ dại và lúa cỏ có điều kiện phát triển mạnh (chi phí dự kiến tăng ít nhất từ 200.000-300.000 đồng/công so với vụ đông xuân). Tính đến ngày 11/03/2020 toàn thành phố đã xuống giống lúa Hè thu sớm ước được 50.005 ha đạt 66% so với kế hoạch (KH: 75.330 ha), nhanh hơn 537 ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung tại các quận, huyện: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh. Nhìn chung, các trà lúa Hè thu đang chủ yếu ở giai đoạn mạ, phát triển khá tốt. Tuy nhiên, trên một số trà lúa có bù lạch, ốc bươu vàng... xuất hiện với mật số thấp. Dự kiến lịch thời vụ gieo sạ lúa Hè thu đợt 2 từ ngày 26/3 đến ngày 3/4/2020.
+ Cây hằng năm khác: Ước đến cuối tháng 3/2020, diện tích gieo trồng cây hằng năm khác vụ Đông xuân ước đạt 8.730 ha, so cùng kỳ năm 2019 tăng 30,53%, bằng 2.042 ha. Cụ thể từng nhóm cây như sau:
Nhóm cây ngô và cây lương thực có hạt khác: Diện tích gieo trồng ước đạt 369 ha, so cùng kỳ tăng 76 ha. Nguyên nhân tăng là do chuyển đổi mục đích cây trồng.
Nhóm cây lấy củ có chất bột: Diện tích gieo trồng ước đạt 22 ha ổn định so với cùng kỳ năm trước, nhưng có sự chuyển đổi loại cây là trồng thêm khoai mỡ và khoai môn.
Nhóm cây có hạt chứa dầu: Diện tích gieo trồng ước đạt 2.086 ha, so cùng kỳ tăng 1.635 ha; Tập trung chủ yếu ở cây mè diện tích gieo trồng khoảng 2.061 ha, tăng 1.634 ha ở quận Ô Môn và Thốt Nốt. Nguyên nhân diện tích cây mè năm nay tăng là do diện tích lúa Đông xuân thu hoạch sớm và dự báo năm nay hạn hán thiếu nước nên bà con nông dân chủ động xuống giống cây mè, vì cây mè là cây chịu hạn rất tốt và giá bán sản phẩm mè năm 2019 nằm ở mức cao khoảng 50.000đ/kg nên bà con yên tâm xuống giống.
Nhóm cây rau, đậu các loại và hoa: Diện tích gieo trồng ước đạt 5.983 ha, so cùng kỳ năm trước tăng 270 ha ở một số nhóm cây, rau các loại tăng 265 ha; (trong đó: rau lấy lá tăng 230 ha; dưa lấy quả tăng 146 ha; rau lấy củ rễ tăng 52 ha..). Nguyên nhân: Do giá bán sản phẩm một số loại cây ổn định, bà con tận dụng những diện tích đất nằm ven đường, lối đi, để trồng các loại rau màu phục vụ gia đình và xuất bán.
Nhóm cây hoa các loại: Tăng 05 ha là do bà con trồng một số loại hoa như cúc, vạn thọ. Nguyên nhân do những năm gần đây nhu cầu sử dụng hoa để trang trí trong dịp Tết tăng cao, lợi nhuận đem lại từ trồng hoa ổn định. Bên cạnh đó, đầu ra được nhiều cơ sở bao tiêu, người dân yên tâm sản xuất nên lượng sản xuất hoa tăng hơn so với năm trước.
Đến ngày 11/3/2020, toàn TP ước thu hoạch khoảng 3.912 ha cây hằng năm khác chậm hơn 257 ha so với cùng kỳ; Năng suất không biến động nhiều so vụ Đông xuân năm trước.
Tổng diện tích nhiễm dịch hại trên cây lúa vụ Hè thu và các loại cây hàng năm khác khoảng 10.974 ha. Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
+ Cây lâu năm: Diện tích cây ăn trái khoảng 20.125 ha, chiếm 92,95% trong tổng diện tích cây lâu năm, ổn định so với năm 2019. Ngành Nông nghiệp tiếp tục vận động nông dân khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh; Với định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, hiện nay đã xây dựng được 12 vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái và triển khai kế hoạch xây dựng vùng sản xuất vú sữa, xoài và nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện nay có 58 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái (32 cơ sở vừa sản xuất và kinh doanh và 26 cơ sở kinh doanh giống cây ăn trái) với năng lực cung ứng 650.000 cây/năm.
Ảnh hưởng dịch bệnh cây ăn trái khoảng 277 ha; Trong đó diện tích nhiễm bệnh chổi rồng trên nhãn 204 ha (diện tích nhiễm nặng 15 ha (tỷ lệ bệnh>40%), diện tích nhiễm trung bình 36 ha (tỷ lệ bệnh 20-40%), diện tích nhiễm nhẹ 153 ha (10-20%)); Tuy nhiên, dịch bệnh đã được kiểm soát, xử lý bằng các giải pháp kỹ thuật kịp thời nên đã khống chế sự bùng phát trên diện rộng.
* Tình hình xâm nhập mặn và dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn
- Hướng xâm nhập mặn vào thành phố Cần Thơ chủ yếu theo hướng từ sông Hậu (do thủy triều đẩy mặn từ biển vào dọc theo sông Hậu). Mặn chủ yếu xuất hiện trong các đợt triều cường và ảnh hưởng đến các quận, huyện có vị trí địa lý nằm cặp theo sông Hậu (giáp với tỉnh Hậu Giang) như quận Cái Răng; xâm nhập mặn đã vào sâu 65 km, sâu hơn 13 km so với năm 2016 và độ mặn 3,5‰ lên đến rạch Cái Cui (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng vào lúc 07 giờ sáng ngày 10/02/2020) và xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu thuộc địa bàn quận Cái Răng. Hiện tại sản xuất nông nghiệp chưa bị thiệt hại. Ðể chủ động ứng phó, thành phố yêu cầu các sở, ngành và quận, huyện giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất phù hợp nhất.
Trong tháng 02, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc gặp khó khăn trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất, tiêu thụ của người dân do không bán được sản phẩm. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc: mít, thanh long, xoài, dưa hấu gặp nhiều khó khăn về giá và tiêu thụ (Dưa hấu giá từ 7.000đ/kg-12.000đ/kg giảm còn 3.000đ/kg; mít thái từ 50.000đ/kg giảm còn 15.000đ/kg, thanh long ruột đỏ từ 41.000đ/kg giảm còn 2.000đ/kg), nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân chương trình Giải cứu nông sản Việt Nam được đồng loạt tiến hành, sau đợt giải cứu một số mặt hàng nông sản do không xuất khẩu được ở tháng trước thì ở tháng 3 các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu, mít…giá đã cao trở lại mức trước khi giải cứu, đến nay tình hình xuất khẩu nông sản đã khả quan hơn. Bên cạnh đó, mặt hàng thủy sản (cá tra) cũng bị ảnh hưởng nặng nề, thương lái thu mua hạn chế. Tổng diện tích gieo trồng dưa hấu trên địa bàn thành phố là 1.083 ha và đã thu hoạch 428 ha. Diện tích dưa hấu gieo trồng trên địa bàn và chủ yếu là dưa hấu bán tết và phục vụ thị trường trong nước nên phần lớn được thu hoạch trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 nên ít ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Chăn nuôi:
Trong quý I/2020, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo, lở mồm long móng, dịch tả heo Châu Phi trên gia súc và dịch cúm gia cầm. Trước tình hình lây lan dịch bệnh Covid-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật, nhất là đối với dịch bệnh Cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
Tình hình chăn nuôi của thành phố Cần Thơ tại thời điểm tháng 3/2020, tổng đàn heo 100 ngàn con giảm 19% so với cùng kỳ; đàn gia cầm 1.894 ngàn con, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân: do bệnh dịch tả heo Châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh, đặc biệt giảm nhiều trên đàn heo nái và heo nọc, thời tiết nắng nóng, khô hạn, nên vịt chạy đồng không có chỗ chăn thả dẫn đến tổng đàn gia cầm giảm.
Toàn thành phố có 15 cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm. Trong đó có 12 cơ sở chăn nuôi heo sản xuất con giống với khả năng cung cấp trên 5.000 con giống/năm và 03 cơ sở chăn nuôi vịt sản xuất con giống với khả năng cung ứng khoảng 100.000 con giống/năm; Cơ sở nuôi giữ heo đực giống hiện có 10 cơ sở với tổng đàn 35 con. Hàng năm sản xuất và tiêu thụ khoảng 50.000 liều tinh. Bên cạnh đó giá heo giống hiện đang ở mức khoảng 90.000đ/kg. Nhưng hiện nay heo giống ít được bán do chủ hộ nuôi để lại tự nuôi heo thịt.
Để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt do dịch tả heo Châu Phi, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo thu nhập và đời sống của người sản xuất. Đến nay, người chăn nuôi đủ điều kiện theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát được dịch bệnh đã thực hiện tái đàn heo đạt khoảng 80% tổng đàn heo của thành phố và ngành thú y tiếp tục hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, chuyển đổi chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương. Giá heo hơi đang ở mức cao 75.000đ/kg - 80.000đ/kg, nguyên nhân do bệnh dịch tả heo Châu Phi nên tổng đàn giảm mạnh, giá thức ăn cũng dao động từ 20.000 - 21.000đ/kg.
b. Lâm nghiệp
Với vị trí địa lý và đặc điểm tình hình kinh tế của TP Cần Thơ hiện nay, diện tích trồng cây lâm nghiệp không còn, bà con nông dân chỉ trồng cây phân tán ở những vùng đất nhỏ lẻ ven các tuyến lộ giao thông nông thôn. Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân ở các quận, huyện chăm sóc các cây đã trồng trong những năm trước, vận động xã hội hóa trồng cây nhân dân năm 2020. Triển khai Kế hoạch Tổ chức “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2020, phối hợp địa phương chọn điểm tổ chức lễ phát động và thực hiện kế hoạch xã hội hóa tổ chức lễ “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” 19/5/ 2020.
c. Thủy sản
Trong quý I năm 2020, Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 1.882 ha, giảm 38 ha, so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, diện tích nuôi cá tra thâm canh, bán thâm canh ước đạt 533 ha, giảm 10,87%, bằng 65 ha; Lồng bè 335 cái, tăng 2 cái so cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân giảm:
Đầu năm 2020, ngành cá tra chịu thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc giảm 50% trong 2 tháng đầu năm do gián đoạn và ách tắc trong khâu vận chuyển, kho bãi, nên doanh nghiệp tạm thời hạn chế thu mua cá tra là nguyên nhân chính dẫn đến giảm giá cá tra. Hiện tại, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 17.000 – 17.500 đồng/kg (kích cỡ 700 – 900 g/con) giảm khoảng 1.500 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 23.700 – 24.400 đồng/kg. Vì vậy người dân chưa yên tâm thả nuôi vụ mới. Với tình hình giá như trên người nuôi cá tra hiện nay rất khó khăn.
Diện tích nuôi cá trê, cá rô giảm so với cùng kỳ năm 2019 vì các mô hình này gây ô nhiễm nguồn nước nên ngành Nông nghiệp không khuyến khích tiếp tục đầu tư.
Số lồng, bè tăng do các hộ dân thuộc khu quy hoạch tại quận Thốt Nốt chuyển qua cồn Tân Lộc bắt đầu nuôi cá chim trắng trở lại, những lồng bè nhỏ lẻ và những lồng bè đã tạm ngưng hoạt động được bán lại cho những hộ nuôi với quy mô lớn hơn.
Sản lượng thuỷ sản quý I năm 2020 toàn TP Cần Thơ ước đạt 35.563 tấn, so với cùng kỳ 2019 giảm 8,78%, bằng 3.421 tấn, (sản lượng từ nuôi trồng thủy sản ước đạt 35.101 tấn, sản lượng khai thác ước đạt 462 tấn); Trong đó sản lượng cá tra nuôi thâm canh, bán thâm canh đạt 33.162 tấn (giảm 8,87% so cùng kỳ 2019), chiếm khoảng 94,59% sản lượng cá các loại của toàn TP.
Hiện nay xuất hiện rải rác các bệnh gan thận mủ, phù đầu, xuất huyết trong các ao nuôi cá tra, đặc biệt các ao ương cá giống và ao mới thả giống.
Hiện nay, có 199 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ. Cung cấp nhu cầu nuôi của thành phố và các tỉnh lân cận. Trong quý giá cá tra giống dao động từ 22.000 – 25.000 đồng/kg, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân – mẫu 30 con/kg giá từ 22.000 – 23.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân – mẫu 70 con/kg giá từ 24.000 – 25.000 đồng/kg.
Hiện tại các công ty chế biến thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ có khuynh hướng xây dựng vùng nuôi tập trung để ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy chế biến. Ngành Nông nghiệp đang chú trọng phát triển các mô hình nuôi theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa thủy sản. Đến nay, có 02 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 ha; 43 hộ tham gia liên kết sản xuất với các nhà máy với diện tích 144 ha; 20 vùng nuôi của 07 doanh nghiệp tham gia nuôi cá tra với diện tích 169,7 ha và tổng diện tích nuôi thủy sản ATTP theo tiêu chuẩn đạt 228,5 ha, bao gồm: 214,75 ha VietGAP (trong đó có 17 ha BMP+ASC) và 13,5 ha BAP+ASC.
Trong quý I/2020, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã thực hiện chức năng quản lý nhà nước, khuyến cáo nông hộ tuân thủ lịch thời vụ, chuyển giao các tiến bộ của khoa học đến nông hộ, giúp người sản xuất nâng cao năng suất - chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân trong điều kiện có nhiều yếu tố khách quan không thuận lợi như giá tiêu thụ sản phẩm không ổn định... tác động đến sản xuất. Sự liên kết giữa “một số nhà” đã có bước cải thiện, sự tác động của thị trường trong và ngoài nước đã tạo ra những cơn sốt bất lợi cho người sản xuất cũng như cho doanh nghiệp chế biến lẫn tiêu dùng.
3. Đầu tư, xây dựng
a. Tình hình thực hiện vốn đầu tư
Ước thực hiện vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý tháng 3 năm 2020 được 339,36 tỷ đồng. Trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 41,12 tỷ đồng, Vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 38,18 tỷ đồng, vốn nước ngoài ODA 28,99 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết thực hiện được 55,27 tỷ đồng, nguồn vốn khác thực hiện được 28,24 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp huyện được 147,56 tỷ đồng.
Vốn đầu tư thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 03 tháng đầu năm 2020 được 898,51 tỷ đồng đạt 14,49% kế hoạch năm. Trong đó vốn cân đối ngân sách thành phố thực hiện được là 99,98 tỷ đồng đạt 10,66% kế hoạch năm, vốn trung ương hỗ trợ đầu tư theo mục tiêu thực hiện được 109,66 tỷ đồng đạt 27,64% kế hoạch năm, vốn nước ngoài ODA 67,04 tỷ đồng đạt 4,83% kế hoạch năm, vốn xổ số kiến thiết 152,43 tỷ đồng đạt 19,92% kế hoạch năm, nguồn vốn khác thực hiện được 69,16 tỷ đồng đạt 9,43% kế hoạch năm, vốn ngân sách cấp huyện được 400,25 tỷ đồng đạt 20,23% kế hoạch năm.
+ Thực hiện vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý 3 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch năm, nguyên nhân là do: công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều vướng mắc; công tác giải ngân nguồn vốn ngân sách khá thấp, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn đối ứng thực hiện từ đơn vị thi công.
+ Vốn nhà nước Trung ương quản lý gồm dự án nâng cấp trường Đại Học Cần Thơ giai đoạn 2015 – 2020, tổng mức đầu tư là 2.250 tỷ đồng, dự án được bố trí vốn kế hoạch năm 2020 từ đầu năm, hiện nay đang thi công.
+ Vốn ngoài nhà nước chủ yếu là doanh nghiệp của địa phương, hộ dân cư và những dự án do liên doanh giữa các tổng công ty, tập đoàn trong nước được cấp phép đầu tư, xây dựng trên địa bàn thành phố nhưng tiến độ triển khai chậm một số dự án chưa triển khai, cụ thể dự án Khu đô thị mới Phường An Bình (Khu 1, khu 2) do Liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát; Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 - CTCP; Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Đông Á làm chủ đầu tư, dự án Công viên vĩnh hằng Miền Tây do Công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư Bông Sen Vàng làm chủ đầu tư.
* Tình hình thực hiện các công trình chủ yếu của thành phố
- Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, dự án có tổng mức đầu tư 7.339,33 tỷ đồng, được thực hiện bằng nguồn vốn ODA, do Ban quản lý ODA thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư. Kế hoạch vốn năm 2020 được giao 1.584,66 tỷ đồng. Thực hiện lũy kế từ đầu dự án đến cuối tháng 2/2020, thực hiện được 3.445,2 tỷ đồng, đạt 46,95% tổng mức đầu tư toàn dự án. Theo nhận định từ đơn vị thi công và chủ đầu tư, dự án luôn có nguồn vật liệu dự trữ, vì vậy tiến độ thi công dự án không bị ảnh hưởng bởi những bất ổn của thị trường do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
- Dự án xây dựng các hệ thống cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn để phòng chống, khắc phục hạn hán, xâm ngập mặn và ứng phó biến đổi khí hậu, dự án có tổng mức đầu tư là 120,91 tỷ đồng do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư, được thực hiện bằng nguồn vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu, kế hoạch vốn năm 2020 được bố trí 84 tỷ đồng, dự án đang khẩn trương thực hiện để kịp thời hỗ trợ người dân trong mùa khô.
- Dự án nạo vét, nâng cấp hệ thống kênh tạo nguồn, giữ ngọt, kiểm soát mặn tuyến Thắng Lợi 1 – Bốn Tổng, dự án có tổng mức đầu tư là 81,45 tỷ đồng do Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư, được thực hiện bằng nguồn vốn trung ương hỗ trợ theo mục tiêu, kế hoạch vốn năm 2020 được giao 45 tỷ đồng, chủ đầu tư đã triển khai thực hiện để kịp thời hỗ trợ người dân.
Để hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ bản năm 2020 đề nghị các chủ đầu tư, sở, ngành phải tập trung giải quyết dứt điểm các hồ sơ, thủ tục đầu tư chưa hoàn thành. Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng trình tự. Đẩy mạnh công tác giám sát các dự án đầu tư, nhất là các dự án có vốn đầu tư lớn các chủ đầu tư phải đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh thi công, thanh toán vốn.
b. Kết quả hoạt động xây dựng
Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng trên địa bàn giá hiện hành quý I năm 2020 thực hiện được 3.315,71 tỷ đồng tăng 12,08% so với cùng kỳ, trong đó khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện được 1.592,28 tỷ đồng tăng 21,09% so với cùng kỳ, khu vực loại hình khác thực hiện được 1.722,95 tỷ đồng tăng 4,84% so với cùng kỳ.
Ước thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng theo giá so sánh quý I năm 2020 thực hiện được 2.294,30 tỷ đồng tăng 11,71 so với cùng kỳ, trong đó công trình nhà ở thực hiện được 1.258,41 tỷ đồng, công trình nhà không để ở thực hiện được 570,87 tỷ đồng, công trình kỹ thuật dân dụng thực hiện được 365,72 tỷ đồng hoạt động xây dựng chuyên dụng thực hiện được 99,3 tỷ đồng.
Tình hình thực hiện giá trị sản xuất ngành xây dựng 3 tháng đầu năm có tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng năm 2019 (tăng 12,73% theo giá hiện hành), song các đơn vị xây lắp vẫn còn nhiều khó khăn do quý I năm 2020 trùng vào dịp Tết Nguyên đán, các công trình nghỉ Tết dài và dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình xây dựng. Hoạt động xây dựng của các doanh nghiệp quý I năm 2020 hầu hết là các công trình chuyển tiếp từ năm 2019, rất ít công trình khởi công trong quý.
Để tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp xây dựng làm tốt trong năm 2020 kiến nghị.
- Ủy ban nhân dân thành phố và các ban ngành liên quan tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn thành phố nhận thi công những công trình thuộc nguồn vốn ngân sách do thành phố quản lý.
- Chỉ đạo các chủ đầu tư sớm khởi công các công trình xây dựng cơ bản đã có kế hoạch trong năm 2020, tranh thủ những tháng mùa khô đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo khối lượng thi công như kế hoạch đề ra.
- Ban phòng chống dịch bệnh Sars-CoV-2 của thành phố thực hiện tốt công tác phòng dịch, để người lao động yên tâm làm việc.
- Ngân hàng có chính sách ưu đãi về lãi suất, giảm lãi suất hoặc gia hạn thêm thời gian thu hồi vốn đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh.
4. Giá cả thị trường
Thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố vẫn ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không có tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, chỉ một số ít người dân mua lương thực, thực phẩm tích trữ vì hạn chế đến nơi đông người nên mua hàng hóa để dùng dần. Nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, các chợ khá dồi dào, giá nhiều loại hàng hóa tương đối ổn định, giá thịt gia súc vẫn còn ở mức cao, sức mua có giảm so với những ngày chưa có dịch bệnh. Các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống tập trung cũng như dịch vụ du lịch, khách sạn bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch bệnh Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2020 giảm 0,77% so với tháng trước; tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 0,89% so với tháng 12 năm 2019, chỉ số giá bình quân 3 tháng đầu năm tăng 6,33% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,24%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,18%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; Giáo dục tăng 0,05%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27%. Có 4 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,31%; Thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,03%; Giao thông giảm 5,42%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,45%. Có 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ có chỉ số không đổi so với tháng trước: May mặc, mũ nón và giày dép; Bưu chính viễn thông.
Chỉ số giá tiêu dùng quý I/2020 tăng 2,64% so với quý IV/2019, tăng 6,33% so với quý I/2019 và tăng 17,17% so với kỳ gốc 2014.
So với quý trước (quý IV/2019), trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,47%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,26%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,61%; Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,40%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,73%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,82%; Giáo dục tăng 0,55%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,52%. Có 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá: Giao thông giảm 2,71%; Bưu chính viễn thông giảm 0,11%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%.
Diễn biến giá tiêu dùng tháng 3 và quý I năm 2020 của các nhóm hàng chính
- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống
Chỉ số giá tháng 3/2020 giảm 1,31% so với tháng trước, so với cùng tháng năm trước tăng 11,26%, tăng 1,50% so với tháng 12 năm trước. Chỉ số giá quý I/2020 tăng 5,47% so với quý trước, tăng 11,94% so với cùng kỳ năm trước.
+ Lương thực
Chỉ số giá lương thực trong tháng 3 tăng 0,37% so với tháng trước, tăng 2,20% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,56% so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá quý I/2020 tăng 0,23% so với quý trước. Nguyên nhân do giá một số loại gạo nếp, bắp trái, lương thực chế biến tăng do nhu cầu trong quý tăng so với quý trước, nguồn cung sau Tết giảm, chi phí sản xuất như nhân công, vật tư nông nghiệp tăng. Nhiều diện tích lúa Đông xuân 2019 - 2020 ở đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc do thu hoạch sớm tránh mặn, giá lúa tăng và năng suất ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiều sản phẩm lương thực chế biến tăng giá như mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền do tác động của dịch Covid-19 nhu cầu mua dự trữ của người dân tăng, giá nguyên liệu, nhân công tăng làm tăng chi phí sản xuất sản phẩm.
+ Thực phẩm
Chỉ số giá nhóm thực phẩm trong tháng 3 giảm 1,93% so với tháng trước, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,98% so với tháng 12 năm trước, chỉ số giá quý I/2020 tăng 6,24% so với quý trước, tăng 14,53% so với quý cùng kỳ năm trước.
Do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm và ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm: giá thịt heo giảm 5,56%; giá thịt bò giảm 0,28%; nội tăng động vật giảm 3,51% so với tháng trước. Tuy nhiên giá các mặt hàng này vẫn đang ở mức cao so với tháng 12 năm trước mặc dù dịch tả heo Châu Phi đã được kiểm soát, nguồn cung hiện đang dần ổn định, nhưng so với cùng kỳ năm 2019 tổng số lợn của cả nước vẫn giảm 23%, giá thịt heo tăng 32,41%; giá thịt bò tăng 4,11%; nội tạng động vật tăng 18,94% so với quý trước.
Giá thịt gia cầm tươi sống giảm 3,29% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, giá sau Tết giảm. Tuy nhiên giá thịt gia cầm tươi sống quý I/2019 tăng 4,93% so với quý trước do giá thịt gia cầm tươi sống trong quý tăng mạnh trong dịp Tết, do tác động tăng giá của thịt heo kéo theo một bộ phận người dân chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm thịt khác thay thế thịt heo, nhu cầu tiêu dùng tăng lên.
Giá thịt chế biến trong tháng giảm 0,32% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm, giảm hơn so với tháng trước. Tuy nhiên giá các sản phẩm thịt chế biến trong quý tăng 18,82% so với quý trước do tác động của giá thịt gia súc tươi sống tăng cao và do tác động của giá Tết. Giá thịt hộp, sản phẩm chế biến khác tăng 4,11% so với tháng trước do tác động của dịch bệnh nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng.
Giá trứng gia cầm các loại trong tháng giảm 6,57% so với tháng trước, giảm 3,37% so với quý trước do thị trường tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung từ các trang trại chăn nuôi khá dồi dào.
Giá thủy sản tươi sống giảm 2% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủy sản gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên giá các mặt hàng thủy sản tươi sống vẫn tăng 0,63% so với quý trước do ảnh hưởng của giá Tết cũng như chi phí sản xuất tăng, giá cá nguyên liệu, giá thức ăn thủy sản, giá nhân công tăng.
Giá rau tươi trong tháng giảm 0,30% so với tháng trước, giá rau tươi giảm 2,59% so với quý trước nguyên nhân do nguồn cung một số loại rau dồi dào trong tháng cũng như trong quý làm giá các mặt hàng rau này giảm sâu như đậu que, dưa leo, bắp cải, rau muống giá giảm sâu trong tháng 1, sau Tết, trong tháng 3 giá các mặt hàng rau như bắp cải, rau muống, củ cải, bí đao, rau gia vị tươi, khô như hành lá, hành củ, tỏi giảm hơn so với tháng trước.
Giá một số loại trái cây giảm 1,06% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào như: quả có múi (cam, quýt) giảm 0,47%, xoài giảm 0,83%. Tuy nhiên nhìn chung giá các mặt hàng trái cây tươi vẫn tăng 0,24% so với quý trước do nhu cầu tiêu dùng một số loại trái cây phục vụ Tết Nguyên đán tăng mạnh đã đẩy giá các sản phẩm này tăng cao trong dịp Tết.
+ Ăn uống ngoài gia đình
Chỉ số giá của nhóm dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tháng 3 giảm 0,76% so với tháng trước, tăng 12,40% so với tháng cùng kỳ năm trước, tăng 3,57% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân giá nhiều dịch vụ ăn uống đã giảm giá so với tháng trước do giá thực phẩm giảm sau Tết, bên cạnh đó nhu cầu của người dân cũng giảm mạnh do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều địa điểm kinh doanh ăn uống ế ẩm, tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên do giá thịt lợn, thịt bò và rau tươi các loại vẫn còn đang duy trì ở mức cao làm cho giá suất ăn ở quán bình dân tăng 9,44%, uống ngoài gia đình tăng 0,79% so với quý trước, tác động làm chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình quý I/2020 tăng 7,09% so với quý trước.
- Đồ uống và thuốc lá
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá trong tháng 3 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 1,07% so với cùng tháng năm trước, tăng 0,26% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 tăng 0,26% so với quý trước. Nguyên nhân giá một số loại thuốc hút tăng do việc kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới bởi dịch Covid-19 làm nguồn cung các loại thuốc lá nhập khẩu giảm mạnh. Nhu cầu sử dụng bia, rượu, nước ngọt trong tháng Tết tăng mạnh đã tác động làm tăng giá một số sản phẩm như rượu mạnh, nước ngọt, nước hoa quả so với quý trước.
- May mặc, mũ nón, giày dép
Chỉ số giá nhóm May mặc, mũ nón, giày dép không tăng so với tháng trước, tăng 0,89% so với cùng tháng năm trước, tăng 0,40% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 tăng 0,61% so với quý trước, tăng 0,88% so với quý cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm hàng này tăng trong quý do giá nhiều sản phẩm may mặc, dịch vụ may mặc tăng trước, trong và sau Tết Nguyên đán do nhu cầu tiêu dùng tăng, chi phí nhân công tăng, nguyên liệu may mặc tăng.
- Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng
Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,18% so với tháng trước, tăng 7,17% so với cùng kỳ năm trước, tăng 5,25% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 tăng 4,40% so với quý trước, tăng 5,96% so với quý cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do tác động tăng giá của nhóm nhà thuê nguyên căn tăng giá từ đầu năm mới. Tuy tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến việc học của sinh viên, việc kinh doanh của các cơ sở nhưng hiện nay giá thuê nhà trọ sinh viên, cũng như nhà nguyên căn để ở, để kinh doanh vẫn chưa giảm. Dự kiến giá các sản phẩm nhà thuê sẽ giảm trong những tháng tới nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nhiều cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa trả lại mặt bằng do thua lỗ, các chủ cho thuê giảm giá hỗ trợ sinh viên, hỗ trợ người thuê gặp khó khăn do dịch bệnh tác động. Do tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, khô hạn nặng, xâm nhập mặn nên việc tiêu thụ điện, nước của người dân trong tháng cũng tăng cao hơn so với tháng trước.
Bên cạnh đó có một số mặt hàng khác giá trong tháng giảm so với tháng trước như vật liệu xây dựng giảm 0,24%; gas và các loại chất đốt khác giảm 2,73% đã kéo chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và vật liệu xây dựng không tăng cao. Chỉ số nhóm vật liệu xây dựng trong tháng giảm là do giá một số loại xi măng, sắt thép giảm giá. Giá gas, giá dầu hỏa trong tháng giảm mạnh. Tuy nhiên việc giá gas tăng mạnh trong tháng 1/2020 đã tác động làm cho chỉ số giá gas và các loại chất đốt quý I/2020 tăng 7,55% so với quý trước.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình
Chỉ số nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08% so với tháng trước, tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,79% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 tăng 0,73% so với quý trước, tăng 2,23% so với quý cùng kỳ năm trước. Do tác động tăng giá của mặt hàng đồ điện, máy giặt, giường tủ, bàn ghế, đồ dùng nấu ăn, đồ dùng trong nhà... do chi phí sản xuất, chi phí nhân công, chi phí nhập khẩu của nhiều mặt hàng tăng trong năm mới. Các dịch vụ trong nhà giá tăng mạnh trong tháng cũng như trong quý như sửa chữa máy móc thiết bị, sửa chữa, bơm gas máy lạnh, tủ lạnh, thuê người giúp việc theo giờ, theo tháng cũng tăng giá do giá nhân công tăng.
Do thời tiết nắng nóng, nhu cầu giải nhiệt tăng, việc tiêu thụ các sản phẩm máy lạnh, tủ lạnh tăng mạnh, tuy nhiên các đơn vị kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá, miễn phí vật tư, miễn phí vận chuyển, lắp đặt để thu hút khách hàng đối với các sản phẩm máy lạnh, tủ lạnh.
- Thuốc và dịch vụ y tế
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế giảm 0,03% so với tháng trước, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,10% so với tháng 12 năm trước do giá mặt hàng kim tiêm giảm giá so với tháng trước.
Chỉ số giá quý I/2020 của nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,82% so với quý trước, tăng 4,13% so với quý cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh từ ngày 01/01/2020 theo Nghị Quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố.
- Giao thông
Chỉ số giá nhóm Giao thông giảm 5,42% so với tháng trước, giảm 2,34% so với cùng tháng năm trước, giảm 7,42% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 giảm 2,71% so với quý trước, tăng 4,21% so với quý cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do tác động tiêu cực của dịch bệnh nên nhu cầu sử dụng năng lượng, xăng dầu trên thế giới giảm mạnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu trong tháng cũng như trong quý. Dịch bệnh đã tác động mạnh đến tình hình kinh doanh vận tải trên cả nước.
- Bưu chính viễn thông
Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông quý I/2020 giảm 0,11% so với quý trước, giảm 0,12% so với quý cùng kỳ năm trước do tác động giảm giá của các sản phẩm điện thoại di động so với quý trước.
- Giáo dục
Chỉ số giá nhóm giáo dục trong tháng tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,58% so với tháng 12 năm trước do giá một số đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng giá so với tháng trước do chi phí nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng.
Chỉ số giá nhóm giáo dục quý I/2020 tăng 0,55% so với quý trước, tăng 4,36% so với quý cùng kỳ năm trước nguyên nhân do việc tăng giá học phí đầu năm của một số trường dạy nghề tư nhân, giá một số đồ dùng học tập và văn phòng phẩm tăng giá trong quý.
- Văn hóa, giải trí và du lịch
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,45% so với tháng trước, tăng 0,54% so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,01% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá văn hóa, giải trí và du lịch quý I/2020 giảm 0,43% so với quý trước, tăng 1,13% so với quý cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhu cầu đi lại, du lịch giảm mạnh, hoạt động của các cơ sở kinh doanh lưu trú, du lịch lữ hành, các khu, điểm du lịch lớn của thành phố số lượng khách đến tham quan, du lịch giảm mạnh do khách hàng hủy tour, hủy phòng, hủy tiệc, hủy các dịch vụ vui chơi khác rất nhiều.
- Hàng hóa và dịch vụ khác
Chỉ số nhóm hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,27% so với tháng trước, tăng 3,23% so với cùng tháng năm trước, tăng 1,66% so với tháng 12 năm trước; chỉ số giá quý I/2020 tăng 1,52% so với quý trước, tăng 3,43% so với quý cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng chủ yếu ở mặt hàng phục vụ cá nhân tăng như các mặt hàng chăm sóc cơ thể, túi xách, va ly, ví, vàng trang sức tăng do chi phí sản xuất đầu năm tăng, dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế thế giới đã đẩy giá vàng tăng cao. Các dịch vụ cắt tóc, gội đầu cũng tăng giá so với quý trước do nhu cầu trong quý tăng mạnh.
- Chỉ số giá vàng
Chỉ số giá vàng tăng 3,60% so với tháng trước, tăng 24,39% so với cùng kỳ năm trước, tăng 10,60% so với tháng 12 năm 2019, giá vàng quý I/2020 tăng 6,54 so với quý trước, tăng 20,60% so với quý cùng kỳ năm trước. Vàng tăng do nhu cầu ngày Thần Tài và ngày lễ Valentine tăng, nhưng nguyên nhân chính là do tác động tiêu cực từ sự bùng phát của dịch Covid-19, trong bối cảnh chỉ số chứng khoán ở nhiều thị trường đều giảm điểm mạnh, vàng được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều nước trên thế giới. Giá vàng ngày 21/3/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 4.455.000đ/chỉ.
- Chỉ số giá đô la Mỹ
Chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,07% so với quý trước, tăng 0,09% so với quý cùng kỳ năm trước. Giá đô la Mỹ ngày 21/3/2020 trên địa bàn thành phố dao động quanh mức 23.290 đồng/USD.
5. Thương mại, dịch vụ
a. Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ
Quý I năm 2020 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 37.314,92 tỷ đồng tăng 9,89% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù có tăng nhưng tốc độ tăng không cao so với năm 2019 (tăng 12,09% so với cùng kỳ) do một số nguyên nhân chính như sau:
- Tháng 1 trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng mạnh, tăng 12,10% so với cùng kỳ; sức mua trong dân giảm trong tháng 2 giảm 11,84% so với tháng trước, tăng 8,67% so với cùng kỳ do tháng sau Tết nên nhu cầu tiêu dùng chưa cao; sang tháng 3 do nhu cầu dự trữ lương thực khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp nên doanh thu đã tăng trở lại, tăng 2,54% so với tháng trước, tăng 13,43% so với cùng kỳ. Quý I năm 2020 doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 31.084,89 tỷ đồng tăng 11,41 so với cùng kỳ (quý I/2019 tăng 12,41% so cùng kỳ năm 2018). Một số nhóm hàng tăng mạnh như: lương thực và thực phẩm, đồ dùng gia đình (trong đó mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn tăng rất cao do nhu cầu khi có dịch bệnh xảy ra), tuy nhiên cũng có một số nhóm hàng giảm như: sách báo và văn phòng phẩm do học sinh nghỉ học dài ngày để phòng tránh dịch bệnh nên doanh thu thấp. Các doanh nghiệp, đại lý phân phối bia có doanh thu trong quý I/2020 giảm trên 30% do Nghị định 100 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm giao thông đường bộ.
- Ước quý I/2020 doanh thu lưu trú ăn uống và du lịch đạt 2.616,60 tỷ đồng giảm 4,01% so với cùng kỳ (quý I/2019 tăng 13,39% so với cùng kỳ năm 2018), đây là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra: khách du lịch trong và ngoài nước đến thành phố Cần Thơ bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 2, tháng 3 tình hình khách du lịch tiếp tục giảm so với cùng kỳ, cụ thể, tháng 02 năm 2020 doanh thu của các địa điểm du lịch như Mỹ Khánh, Cồn Sơn số lượt khách đến tham quan giảm hơn 50%, hơn 50% khách hủy tour trong 02 tháng đầu năm; các tour du lịch lữ hành của các công ty du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ cũng bị hủy nhiều vào đầu tháng 2 và tháng 3 do tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm tăng nhiều trong tháng 3 ở nhiều địa phương trên cả nước. Bên cạnh việc dịch bệnh xảy ra làm cho nhu cầu ăn uống ngoài gia đình giảm còn nguyên nhân nữa là do Nghị định 100 nên một số nhà hàng, quán ăn có rượu bia giảm mạnh, nhiều cơ sở ăn uống phải tạm ngừng kinh doanh trong quý I/2020 do doanh thu giảm rất mạnh.
- Ước quý I/2020 doanh thu ngành dịch vụ đạt 3.613,43 tỷ đồng tăng 8,55% so với cùng kỳ, một số ngành tăng như: dịch vụ kinh doanh bất động sản, dịch vụ y tế, doanh thu xổ số kiến thiết. Tuy nhiên có một số lĩnh vực giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19: Dịch vụ giáo dục và đào tạo là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, hầu hết các cơ sở dạy học trên địa bàn đều cho học sinh nghỉ học từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số cơ sở nhỏ có thể sẽ giải thể hoặc cho nhân viên nghỉ việc để giảm bớt các chi phí mặt bằng, tiền lương; Dịch vụ vui chơi giải trí cũng bị ảnh hưởng nhiều do người dân hạn chế tụ tập những nơi đông người; Các cơ sở karaoke, massage, dịch vụ ăn uống doanh thu cũng giảm mạnh do bị ảnh hưởng từ dịch bệnh; Các dịch vụ khác như sửa chữa đồ dùng dụng cụ gia đình, dịch vụ phục vụ cá nhân khác cũng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nên doanh thu cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
b. Giao thông vận tải
Tình hình vận tải trong tháng 3/2020 trên địa bàn Thành phố Cần Thơ có những diễn biến như sau: Nhìn chung, tiếp tục chịu ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang trở nên phức tạp hơn từ đầu tháng 3 đến nay đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của các ngành nói chung và ngành vận tải nói riêng, nên doanh thu một số ngành dịch vụ vận tải, kho bãi trên địa bàn thành phố Cần Thơ có xu hướng giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ chủ yếu giảm ở nhóm vận tải hành khách đường bộ và đường thuỷ. Ước tính tháng 3 năm 2020, tổng doanh thu vận tải của địa phương đạt được 223,29 tỷ đồng với mức tăng nhẹ 0,65% so với cùng kỳ năm 2019 đây là mức tăng thấp nhất trong hơn 5 năm trở lại đây (trong đó: nhóm vận tải chịu tác động mạnh nhất là nhóm Vận tải hành khách giảm 1,51% và dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm 7,36%; riêng vận tải hàng hóa tăng 5,19%). Ước quý I/2020 doanh thu vận tải đạt 733,59 tỷ đồng tăng 0,06% so với cùng kỳ (quý I/2019 doanh thu vận tải tăng 7,47% so cùng kỳ năm 2018).
- Vận tải hành khách
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra khá phức tạp kể từ đầu tháng 3 đến nay khi có những ca nhiễm mới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của người dân, nhất là việc di chuyển đi lại ngày càng hạn chế hơn, đây là nguyên nhân chính làm giảm doanh thu các cơ sở hoạt động vận tải hành khách cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng. Từ đầu tháng 3 đến nay các cơ sở hoạt động vận tải cho thuê xe nhất là đối với các dòng xe 16, 29 và 45 chỗ ngồi đã giảm mạnh, do người dân đã huỷ những chuyến đi không cần thiết trong mùa dịch, cộng thêm khi ca nhiễm Covid-19 thứ 17 xuất hiện tại Hà Nội và một số du khách trên cùng chuyến bay bị nhiễm. Thì người dân địa phương hạn chế và e ngại hơn nếu đi du lịch đến các chỗ đông người. Do đó nhằm đảm bảo sức khoẻ của cá nhân cũng như sức khoẻ chung của cộng đồng, nhiều người đã chấp nhận huỷ các chuyến đi đã đặt trước đó. Ước tính lượt hành khách vận chuyển trong tháng 3/2020 đạt được 4.766,02 ngàn hành khách giảm 10,56% so với tháng trước, giảm 2,22% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 74,83 triệu HK.km giảm 13,88% so với tháng trước, giảm 1,03% so với cùng kỳ năm 2019. Quý I/2020 ước vận chuyển 16.277,68 ngàn HK giảm 5,64% so với cùng kỳ, luân chuyển 264,06 triệu HK.km giảm 3,25% so với cùng kỳ (quý I năm 2019 vận chuyển HK tăng 1,58% so cùng kỳ; luân chuyển tăng 1,54% so cùng kỳ năm 2018).
Cụ thể như sau:
Ước tháng 3/2020 Vận tải hành khách đường bộ đạt 3.168,28 ngàn HK, luân chuyển được 72,98 triệu HK.km; so với cùng kỳ vận chuyển giảm 0,52% và luân chuyển giảm 0,82%. Vận tải hành khách đường thủy ước đạt 1.597,74 ngàn HK, luân chuyển đạt 1,85 triệu HK.km; so với cùng kỳ vận chuyển và luân chuyển giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 5,43% và 8,69%; nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng bởi nguồn dịch Covid – 19 trong giai đoạn bùng phát trở lại vào đầu tháng 3 vừa qua, nên lượng khách du dịch trong và ngoài nước đến Cần Thơ cũng giảm mạnh, vận tải hành khách đường thủy chủ yếu lượng khách tham quan các điểm như Chợ Nổi Cái Răng, các vườn du lịch sinh thái… thường là khách các tỉnh miền Bắc và khách du lịch quốc tế (đặc biệt trong những ngày gần đây du khách ở các tỉnh miền Bắc đến tham quan tại các điểm du lịch trên rất ít và khách quốc tế cũng tương tự, nên điều đó ảnh hưởng rất nhiều đối với ngành vận tải hành khách trên địa bàn Tp Cần Thơ).
- Vận tải hàng hóa
Riêng doanh thu vận tải hàng hóa tuy có ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhưng mức ảnh hưởng nhẹ hơn so với vận tải hành khách, trong tháng ước doanh thu đạt được 113,94 tỷ đồng tăng 5,19% so với cùng kỳ; riêng so với tháng trước doanh thu vận tải hàng hoá giảm 0,61%. Ước tính lượng hàng hóa vận chuyển tháng 3/2020 đạt được 666,77 ngàn tấn, luân chuyển ước đạt 98,46 triệu tấn.km; (trong đó vận chuyển ngoài nước là 13,33 ngàn tấn, luân chuyển ngoài nước được 13.33,33 ngàn tấn.km; so với cùng kỳ vận chuyển giảm 13,70% và luân chuyển giảm 13,80%); so với cùng kỳ vận chuyển trong tháng tăng 3,16% và luân chuyển tăng 0,19%. Quý I/2020 ước vận chuyển 2.245,56 ngàn tấn tăng 2,54% so với cùng kỳ, luân chuyển 330,61 triệu tấn.km tăng 0,70% so với cùng kỳ.
Cụ thể như sau:
Hàng hóa vận tải đường bộ trong tháng 3/2020 ước đạt được 266,69 ngàn tấn, luân chuyển được 50,54 triệu tấn.km; so với cùng kỳ năm trước vận chuyển tăng 3,33% và luân chuyển tăng 2,48%. Hàng hóa vận tải đường sông ước đạt 386,45 ngàn tấn, luân chuyển được 34,59 triệu tấn.km; so với cùng kỳ năm trước vận chuyển tăng 3,75% và luân chuyển tăng 3,28%. Hàng hóa vận chuyển đường biển ước đạt 13,33 ngàn tấn, luân chuyển ước đạt 13,33 triệu tấn.km; so với cùng kỳ năm trước vận chuyển giảm 13,70% và luân chuyển giảm 13,80%.
- Doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải
Nhìn chung doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải trong tháng 3/2020 ước đạt 39,05 tỷ đồng giảm mạnh so với cùng kỳ với mức giảm là 7,36%. Nguyên nhân doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải giảm chủ yếu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế du lịch đến một số địa phương có đường bay, nên trong tháng doanh thu các đại lý bán vé máy bay trên địa bàn thành phố Cần Thơ giảm mạnh.
6. Tài chính, ngân hàng
a. Tài chính ngân sách
* Thu ngân sách: Thực hiện đến 20 ngày tháng 3/2020, tổng thu NSNN 3.282,37 tỷ đồng đạt 18,51% dự toán, trong đó thu nội địa là 2.746,68 tỷ đồng với các nguồn thu chủ lực như thu thuế khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 471,96 tỷ đồng đạt 19,38% dự toán, thu từ doanh nghiệp nhà nước 425,44 tỷ đồng đạt 25,78% so dự toán, thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 324,7 tỷ đồng đạt 27,63% so dự toán, thuế thu nhập cá nhân 250,43 tỷ đồng đạt 25,04% so dự toán. Tính đến 20/3/2020 hoạt động thu thuế hải quan ước đạt 236,02 tỷ đồng đạt 12,18% so dự toán.
* Chi ngân sách: Ước đến 20 ngày tháng 3/2020 ngân sách đã chi 3.316,99 tỷ đồng chiếm 23,50% dự toán, bao gồm hoạt động chi đầu tư phát triển 2.022,21 tỷ đồng, chi thường xuyên 1.250,37 tỷ đồng.
b. Tín dụng ngân hàng: Vốn huy động đến cuối quý I năm 2020 ước đạt 81.100 tỷ đồng, giảm 0,24% so với đầu quý. Trong đó, vốn huy động VNĐ là 78.900 tỷ đồng, chiếm 97,29%, giảm 0,61%, vốn huy động ngoại tệ là 2.200 tỷ đồng, chiếm 2,71%, tăng 15,24% so với đầu quý; vốn huy động ngắn hạn là 53.600 tỷ đồng chiếm 66,09%, giảm 2,36%, vốn huy động trên 12 tháng là 27.500 tỷ đồng chiếm 33,91%, tăng 4,19% so với đầu quý.
Tổng dư nợ cho vay đến cuối quý I năm 2020 ước đạt 91.900 tỷ đồng, tăng 0,63% so với đầu quý. Trong đó dư nợ cho vay VNĐ đạt 87.200 tỷ đồng, tăng 0,18% so đầu quý, chiếm 94,89% trong tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay ngoại tệ đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 9,66% so với đầu quý, chiếm 5,11% trong tổng dư nợ cho vay; Phân theo thời hạn dư nợ cho vay ngắn hạn là 48.000 tỷ đồng, giảm 0,58% so đầu quý, chiếm 52,23%, dư nợ cho vay trung dài hạn 43.900 tỷ đồng, tăng 1,98% so đầu quý, chiếm 47,77% tổng dư nợ cho vay.
Nợ xấu đến cuối quý I năm 2020 ước là 1.500 tỷ đồng, chiếm 1,63% trong tổng dư nợ cho vay.
Lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn chấp hành đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trên địa bàn phổ biến như sau:
- Lãi suất huy động: Lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng phổ biến mức 0,2 - 0,8%/năm; lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,8% - 5,0%/năm; lãi suất huy động từ 6 đến 12 tháng phổ biến 5,5% - 6,8%/năm, kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,8% - 7,4%/năm tùy theo từng loại kỳ hạn.
- Lãi suất cho vay: Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường từ 7,0% - 9,0%/năm, 9,0% - 11%/năm đối với trung, dài hạn.
- Lãi suất USD: Lãi suất huy động thực hiện theo quy định là 0%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến ngắn hạn 4,0% - 4,5%/năm, trung dài hạn 5,0% - 6,5%/năm.
7. Các vấn đề xã hội
a. Tình hình đời sống dân cư
Trong dịp Tết Nguyên đán, công tác chăm lo Tết cho các hộ dân cư là nội dung được TP Cần Thơ quan tâm và thực hiện tốt, nhất là các đối tượng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và hộ cận nghèo. Với mục tiêu đảm bảo không hộ nghèo nào là không có Tết, các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ tích cực triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể TP Cần Thơ đã tổ chức nhiều chương trình, giúp các gia đình chính sách, hộ nghèo vui Xuân, đón Tết. Trong quý I/2020 tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã ảnh hưởng đến đời sống dân cư trên địa bàn thành phố.
- Đời sống cán bộ, công nhân viên chức, người lao động hưởng lương:
Nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh và người lao động an tâm làm việc vào dịp Tết năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 11/SLĐTBXH-LĐ ngày 03 tháng 01 năm 2020 đề nghị Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Ủy ban nhân dân quận, huyện phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các công việc: Hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chi trả tiền lương, tiền thưởng cho người lao động, lưu ý việc chi trả tiền lương và các chế độ đối với người lao động theo quy định của Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020; Chủ động nắm tình hình, diễn biến quan hệ lao động trong các doanh nghiệp để có giải pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời các phát sinh tranh chấp lao động, không để ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Quý I năm 2020, tình hình chi trả tiền thưởng Tết Nguyên đán cho người lao động: Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Mức cao nhất là 74.600.000 đồng; Mức thấp nhất là 2.500.000 đồng; Mức bình quân là 10.313.000 đồng. Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước: Mức cao nhất là 115.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 500.000 đồng; Mức bình quân là 7.405.000 đồng. Doanh nghiệp dân doanh: Mức cao nhất là 50.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 500.000 đồng; Mức bình quân là 3.988.000 đồng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: Mức cao nhất là 120.000.000 đồng; Mức thấp nhất là 300.000 đồng; Mức bình quân là 9.506.000 đồng.
Nhìn chung, đời sống cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương trên địa bàn TP Cần Thơ trong quí I năm 2020 tương đối ổn định nhờ vào chính sách thưởng Tết của Doanh nghiệp với công nhân, người lao động và hỗ trợ của UBND thành phố với cán bộ, công chức và người lao động. Mặc dù tiền lương, thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, tuy nhiên trong tình hình giá cả tăng cao như hiện nay, thì thu nhập của đại đa số người lao động vẫn còn tương đối khó khăn. Một số vấn đề về đời sống của công nhân, người lao động cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn: về nhà ở tại các khu công nghiệp, tiền lương và thu nhập, bảo hiểm xã hội, nơi sinh hoạt văn hoá, cơ sở nuôi dạy trẻ,… vẫn cần sớm có hướng giải quyết về mặt lâu dài cho công nhân và người lao động.
Đời sống dân cư khu vực nông thôn: Trong quý I/2019 đời sống dân cư khu vực nông thôn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dẫn đến thu nhập của người dân khu vực nông thôn bị ảnh hưởng do giá bán một số sản phẩm nông nghiệp bị giảm khá sâu. Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã thực hiện khuyến cáo nông hộ chuyển giao các tiến bộ của khoa học đến nông hộ, giúp người sản xuất nâng cao năng suất - chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận cho nông dân trong điều kiện có nhiều yếu tố khách quan không thuận lợi như giá tiêu thụ sản phẩm không ổn định... tác động đến sản xuất.
b. Công tác an sinh xã hội
- Lao động việc làm: Trong tháng, thành phố Cần Thơ giải quyết việc làm cho 4.195 lao động (Cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 59), lũy kế từ đầu năm đã giải quyết việc làm cho 13.825 lao động, giảm 1.246 so với cùng kỳ năm 2019 (do ảnh hưởng dịch bệnh Covid - 19). Cấp phép cho 06 lao động là người nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp phép là 05 người; tiếp nhận nội quy lao động của 02 doanh nghiệp và Thỏa ước lao động 05 doanh nghiệp. Tiếp nhận và thẩm định cấp Giấy xác nhận khai báo sử dụng máy thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động tại 03 doanh nghiệp tổng số 20 thiết bị.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên một số lao động nước ngoài của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ chưa thể quay trở lại để tiếp tục thực hiện công việc, các kế hoạch được đề ra từ đầu năm bị tạm hoãn lại và chưa thể thực hiện đúng theo tiến độ. Tuy nhiên nắm bắt được tình hình dịch bệnh Covid-19, các đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp nhân sự thay thế cho các nhân sự là lao động nước ngoài chưa thể quay trở lại làm việc do ảnh hưởng của dich bệnh Covid-19 và chuẩn bị sẵn các kế hoạch, chương trình, công việc để có thể thực hiện ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt. Một số lao động nước ngoài chưa thể quay lại Việt Nam vẫn duy trì kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tại Việt Nam và thực hiện các công việc tư vấn, hỗ trợ từ xa thông qua các kênh liên lạc từ xa và sẵn sàng quay trở lại để tiếp tục thực hiện công việc khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng phương án cách ly cũng như theo dõi tình hình sức khỏe đối với các lao động nước ngoài khi quay trở lại làm việc và báo cáo với các cơ quan, ban ngành hỗ trợ khi cần thiết.
Đến nay trên địa bàn thành phố có 85 cơ sở giáo dục nghề nghiệp giảm 01 cơ sở (do đang tạm dừng hoạt động). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển mới và đào tạo nghề cho 3.880 người (Sơ cấp: 447; Đào tạo thường xuyên: 3.433), đạt 7,76% so với kế hoạch đề ra (giảm 2,64% so với cùng kỳ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19).
Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ tư vấn nghề nghiệp, việc làm, quan hệ lao động cho 6.358 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 20.179 lượt người, đạt 13,59% kế hoạch năm). Kết nối việc làm trong nước cho 334 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 1.494 lượt người, đạt 10,67 % kế hoạch năm). Đào tạo nghề và kỹ năng lao động cho 425 lượt người (lũy kế từ đầu năm 2020 là 1.775 lượt người, đạt 25,36% kế hoạch năm). Tiếp nhận 125 lượt doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động thông báo biến động lao động hàng tháng theo quy định, (lũy kế từ đầu năm 2020 là 305 lượt, đạt 25,42% so với kế hoạch năm). Có 677 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 46% so với tháng trước (463 hồ sơ). Tổ chức dạy kỹ thuật pha chế, đồ họa, thợ phụ tóc và các hoạt động khác có liên quan trên 108 người dự.
- Công tác giảm nghèo: Nhiều chính sách, giải pháp giảm nghèo được lồng ghép, triển khai thực hiện có hiệu quả cùng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, giúp cho nhiều hộ nghèo, người nghèo phát triển kinh tế hộ gia đình. Các địa phương trong thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức đối thoại chính sách giảm nghèo.
Trong quý I năm 2020 TP Cần Thơ đã chi trả trợ cấp xã hội trong dịp Tết năm 2020 cho: 2.354 hộ nghèo. Chỉ đạo các quận, huyện cập nhật dữ liệu hộ nghèo, hộ có đối tượng bảo trợ xã hội. Rà soát việc cấp thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và thực hiện tốt các hoạt động chăm lo cho người nghèo.
Thành phố tổ chức 09 đoàn đến thăm, tặng 720 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng, kinh phí 720 triệu đồng) cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách tiêu biểu và 180 phần quà (mỗi phần quà trị giá 1.000.000 đồng, kinh phí 180 triệu đồng) cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các quận, huyện.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể vận động xã hội hóa trợ giúp 42.940 phần quà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác với tổng số tiền trên 16 tỷ 590 triệu đồng (bao gồm học bổng, tiền mặt, gạo và các nhu yếu phẩm).
- Thực hiện chính sách người có công với cách mạng: Hiện có 6.346 Người có công với cách mạng ở thành phố Cần Thơ đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên hơn 10 tỷ đồng; trong đó có 43 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống.
Phối hợp địa phương bàn giao nhà tình nghĩa; đề xuất thực hiện mức vận động hỗ trợ nhà ở cho Người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở là 70 triệu đồng/căn nhà; tổng hợp Danh sách hộ nghèo thuộc gia đình chính sách Người có công với cách mạng do Phòng Lao động - Thương binh Xã hội các quận, huyện báo còn 13 hộ nghèo (huyện Phong Điền: 04 hộ, huyện Thới Lai: 06 hộ và quận Ô Môn: 03 hộ); tổng hợp đề nghị Cục Người có công xem xét xác lập 10 hồ sơ Liệt sĩ.
- Công tác Bảo trợ xã hội: Trợ cấp thường xuyên cho 39.985 đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí 17,98 tỷ đồng.
Trung tâm Bảo trợ xã hội quản lý 588 đối tượng. Hướng dẫn, tư vấn cho thân nhân, gia đình có nhu cầu xin bảo lãnh về gia đình tiếp tục quản lý và điều trị trên 03 lượt người. Đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm và tổ chức nấu ăn hàng ngày cho đối tượng đủ chất dinh dưỡng, hợp vệ sinh. Đảm bảo tình hình an ninh, trật tự được giữ vững ổn định, thường xuyên kiểm tra, tuần tra, đảm bảo trực gác 24/24 giờ. Duy trì vệ sinh cá nhân hằng ngày cho đối tượng. Hướng dẫn 625 lượt đối tượng tập vật lý trị liệu.
Trung tâm Công tác xã hội nuôi dưỡng 81 đối tượng (tăng 01, giảm 01). Tiếp tục thực hiện các mô hình như: Câu lạc bộ Tuổi Hồng; công tác xã hội trong bệnh viện… cho đối tượng đang sống tại Trung tâm thường xuyên duy trì sinh hoạt. Thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm: đảm bảo đối tượng được ăn chín, uống sôi; mua thực phẩm tươi sống, đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc; thường xuyên lưu mẫu thực phẩm sau khi chế biến; thay đổi thực đơn hàng ngày cho đối tượng.
Đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng dịch bệnh: thực hiện tẩy trùng, diệt khuẩn các phòng ở của đối tượng 2 lần/tuần, bằng Cloramin B; hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay đúng cách, vệ sinh đồ dùng cá nhân, sử dụng khẩu trang. Khám và điều trị thường xuyên cho 450 đối tượng bệnh thông thường.
c. Giáo dục
Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2019-2020 thành phố Cần Thơ đạt: 01 giải Nhất, 08 giải Nhì, 08 giải Ba, 11 giải Khuyến khích (so với năm học 2018-2019 tăng 05 giải Nhì, 03 giải Ba và 03 giải Khuyến khích).
Chuẩn bị các điều kiện triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông: rà soát trình độ chuyên môn, quản lý của đội ngũ nhà giáo để tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ đảm bảo đủ năng lực triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông; đón tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đảm bảo “Tết đoàn kết, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, an toàn”.
Các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tăng cường vệ sinh trường lớp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Sử dụng một số trang mạng trong việc tổ chức cho học sinh học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Trong quý I, công nhận 03 trường đạt chuẩn quốc gia năm 2020 (01 trường mầm non, 02 trường tiểu học). Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia hiện có là 327/455 trường, tỷ lệ 71,86% (Mầm non: 116/175 trường, tỷ lệ 66,28%; Tiểu học: 141/176 trường, tỷ lệ 80,11%; Trung học cơ sở: 50/68 trường, tỷ lệ 73,53%; Trung học phổ thông: 20/36 trường, tỷ lệ 55,55%).
d. Về Y tế
Tình hình dịch bệnh ổn định, không có vụ dịch nguy hiểm xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên trong quý một số bệnh như: Covid-19 chưa ghi nhận trường hợp mắc; Sốt xuất huyết lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 191 trường hợp mắc, giảm 12 trường hợp so cùng kỳ (203 trường hợp), không có tử vong; Tay chân miệng lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 70 trường hợp mắc, giảm 79 trường hợp so cùng kỳ (149 trường hợp), không có tử vong; Sởi và sốt phát ban nghi sởi lũy tích từ đầu năm đến nay ghi nhận 172 trường hợp mắc, tăng 136 trường hợp so cùng kỳ (36 trường hợp), không có trường hợp sởi dương tính, không có tử vong.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Thành lập Ban Chỉ đạo của ngành y tế phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn thành phố.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và Trung tâm y tế quận/huyện thành lập các đội phản ứng nhanh sẵn sàng giám sát Covid-19 kịp thời phát hiện và giám sát các trường hợp nghi ngờ, các trường hợp cách ly theo quy định.
Công bố các danh sách các bệnh viện có khả năng tiếp nhận điều trị viêm phổi do vi rút Corona trên địa bàn thành phố Cần Thơ và đăng tải trên Website của Sở Y tế, cụ thể: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi thành phố Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ.
Thường xuyên cập nhật và triển khai các quyết định, hướng dẫn về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Tập huấn cập nhật phác đồ điều trị và phương pháp giám sát dịch tễ về vi rút Corona cho các đơn vị y tế trên địa bàn.
Rà soát và đề xuất bổ sung nhu cầu trang thiết bị - thuốc - vật tư tiêu hao (theo định mức hướng dẫn của Bộ Y tế) phục vụ công tác phòng chống dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các các bệnh viện được giao điều trị bệnh Covid-19.
Kịp thời cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam; các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh. Cụ thể:
Ngành Y tế đã triển khai thực hiện: 300 pano tuyên truyền “Các biện pháp phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)”; 200.000 tờ rơi tuyên truyền “Những điều cần biết để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)”... Tiến hành lắp đặt pano tại các trường học, cơ sở y tế và các sở, ban ngành trên địa bàn thành phố. Các cơ sở y tế tăng cường truyền thông cách dự phòng lây nhiễm đến bệnh nhân và thân nhân người bệnh.
Thực hiện truyền thông tại tất cả trường học, cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chương trình tọa đàm trực tiếp với chủ đề “Chủ động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV” vào 20 giờ ngày 08/02/2020, đồng thời thực hiện và phát thông điệp mỗi ngày trên đài về hướng dẫn phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Các doanh nghiệp như: Viettel và Vinaphone hỗ trợ 20.000 tin nhắn miễn phí về truyền thông phòng chống dịch bệnh; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang cùng đồng hành hỗ trợ ngành Y tế TP Cần Thơ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (tương đương 3 tỷ đồng bao gồm kinh phí truyền thông và 01 máy đo thân nhiệt).
Quản lý và giám sát y tế các lao động người nước ngoài được cấp phép trên địa bàn; quản lý tư vấn giám sát y tế đối với các khách người nước ngoài còn lưu trú tại Cần Thơ; kiểm dịch y tế quốc tế tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ và các bến tàu xe du lịch quốc tế.
Phun thuốc khử trùng cho 455/455 trường học trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ tập huấn và cung cấp các thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh cho ngành giáo dục theo phân cấp từng tuyến quận, huyện.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS: Lũy tích đến thời điểm báo cáo, số nhiễm HIV phát hiện được 6.557 trường hợp; Trong đó, tử vong 2.502 trường hợp, số nhiễm HIV còn sống 4.055 trường hợp (trong đó quản lý được 3.644 trường hợp và không xác định 411 trường hợp). Duy trì điều trị ARV cho 3.382 trường hợp, điều trị Methadone cho 374 trường hợp.
Công tác khám chữa bệnh: Công suất sử dụng giường tại các tuyến đạt 90,61%.
Các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt quy chế chuyên môn, đảm bảo các quy trình kỹ thuật trong khám chữa bệnh đồng thời tăng cường công tác khám chữa bệnh và quản lý quỹ BHYT. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân; đảm bảo đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí giường bệnh, phương tiện và đội ngũ y bác sĩ để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra và phải đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch trong những ngày Tết.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thực hiện công tác khám phát hiện, phân loại người bệnh ngay từ khi người bệnh đến đăng ký khám: phân luồng và bố trí buồng khám riêng đối với người bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính (ho, sốt...); đặc biệt lưu ý khi có yếu tố dịch tễ của người bệnh có tiền sử đi qua vùng có dịch bệnh lưu hành trong vòng 14 ngày.
e. Văn hóa, thể thao
- Văn hóa: Tổ chức 13 hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2020) và “Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân Canh Tý 2020”.
Thực hiện chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đã tạm dừng 11 hoạt động văn hóa văn nghệ, từ tháng 02/2020 (Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2020; Lễ giỗ lần thứ 148 của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa; Lễ giỗ Đức y tổ Hải Thượng Lãng Ông Lê Hữu Trác; Lễ giỗ đồng đội Anh hùng, liệt sĩ Biệt động thành phố Cần Thơ; Chương trình Sân chơi tài tử tại Cầu đi bộ (tối thứ Sáu); Chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ tại bến Ninh Kiều (tối thứ Bảy); Chương trình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử định kỳ tại chợ nổi Cái Răng (sáng thứ Bảy và Chủ nhật); Sân chơi giao lưu âm nhạc; ĐCTT; Sinh hoạt của các CLB; Chương trình sân khấu cải lương định kỳ “Dạ cổ cầm thi”).
Công nhận 01 đơn vị đạt danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” phường An Khánh, quận Ninh Kiều. Đến nay, toàn thành phố có 84/85 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu văn hóa trong Phong trào “TDĐKXDĐSVH” (trong đó có 41 “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, 34 “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”).
Bảo tàng thành phố phục vụ 101.398 lượt khách tham quan tại Bảo tàng và Trạm vệ tinh ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam và các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố, đạt 28,9% kế hoạch năm. Thực hiện 77 hồ sơ khoa học của 109 hiện vật, đạt 54,5 kế hoạch năm. Thực hiện kế hoạch giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường năm học 2019 – 2020. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tăng cường và chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Trong quý I/2020, đón 90.851 lượt khách tham quan tại các di tích trong toàn thành phố (36 di tích), giảm khoảng 115.359 lượt khách so với cùng kỳ quý I/2019.
Hệ thống thư viện toàn thành phố bổ sung 3.200 quyển sách, đạt 11% kế hoạch năm; phục vụ 744.000 lượt người đọc, đạt 25% kế hoạch năm và 1.392.600 lượt sách báo. Tổng kết Hội báo Xuân và Cuộc thi Ấn phẩm Xuân Canh Tý 2020. Sở VHTTDL phối hợp Sở GDĐT tổ chức sơ khảo cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị tham dự “Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách”, tại TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tổ chức - Liên hoan, Hội thi, Hội diễn: Tổ chức Liên hoan “Ca nhạc, Ca cổ, Tiểu phẩm xuân” thành phố Cần Thơ lần thứ XI năm 2020, từ ngày 06 - 10/01/2020, tại Công viên Bến Ninh Kiều, thu hút 3500 lượt người xem, kết quả trao 06 giải Nhất, 17 giải Nhì, 23 giải Ba và 35 giải Khuyến khích; phối hợp Thành Đoàn tổ chức Liên hoan Tiếng hát Học sinh Sinh viên năm 2020.
Nhà hát Tây Đô tổ chức, phối hợp tổ chức biểu diễn 19 suất, đạt 38% kế hoạch năm; phục vụ khoảng 11.800 lượt người xem, đạt 47,2% kế hoạch năm.
- Thể dục, thể thao:
Tổ chức Giải Lân - Sư - Rồng toàn quốc, lần thứ VII năm 2020; Giải vô địch đua xe đạp thành phố Cần Thơ mở rộng; Giải Lân - Sư - Rồng thành phố Cần Thơ năm 2020; Giải đua xe Mô tô 125cc toàn quốc (mùng 4 Tết).
Tham dự Đại hội Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VIII - Vĩnh Long năm 2020: Môn Cờ vua đạt 06 HCV - 04 HCB - 06 HCĐ; Môn Kickboxing: 01 HCV - 02 HCB - 03 HCĐ; tham dự Giải Cờ vua đồng bằng sông Cửu Long mở rộng, tại tỉnh Đồng Tháp, đạt 01 HCĐ. Tổng số Huy chương đạt từ đầu năm đến nay là 23 huy chương các loại (07 HCV - 06 HCB - 10 HCĐ).
Tạm dừng 05 giải TDTT (giải vô địch trẻ, học sinh môn Bơi TP. Cần Thơ năm 2020 (thời gian tổ chức theo KH ban đầu là từ 05/3 - 07/3/2020); Giải vô địch trẻ, học sinh môn Cờ vua TP. Cần Thơ năm 2020 (thời gian tổ chức theo KH ban đầu là từ 05/3 - 07/3/2020); Giải vô địch trẻ, học sinh môn Vovinam TP. Cần Thơ năm 2020 (thời gian tổ chức theo KH ban đầu là từ 05/3 - 07/3/2020); Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân trên địa bàn TP. Cần Thơ năm 2020 (thời gian tổ chức theo KH ban đầu là từ 22/3/2020); Giải vô địch Bóng chuyền bãi biển nữ châu Á năm 2020 (thời gian tổ chức theo KH ban đầu là từ 20/4 - 23/4/2020)).
f. Tai nạn giao thông
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố Cần Thơ tình hình tai nạn giao thông 03 tháng năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 14/3/2020) trên địa bàn thành phố đã xảy ra 16 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người, bị thương 03 người. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ giảm 08 vụ, số người chết giảm 11 người, số người bị thương giảm 11 người./.