Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 25/04/2020-15:41:00 PM
Tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020
(MPI) - Ngày 24/4/2020, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh chủ trì buổi Họp báo. Tham dự có đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đại diện các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê và các cơ quan thông tấn báo chí.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh chủ trì buổi Họp báo.
Ảnh: MPI

Tại buổi Họp báo, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê Vũ Thị Thu Thủy đã báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020. Theo Báo cáo, tình hình lao động việc làm quý I và 4 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố như thay đổi chính sách quản lý rủi ro về thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra sự khủng hoảng về y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế và thị trường lao động trên toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 xuất hiện từ cuối tháng 01/2020 đã tác động lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động dẫn đến tình trạng tham gia thị trường lao động giảm, thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên. Lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động trẻ tuổi và lao động cao tuổi là những nhóm dễ bị tổn thương do dịch Covid-19.

Theo kết quả Điều tra lao động việc làm quý I năm 2020, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với khoảng 75.4% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động, giảm từ 1,2 đến 1,3 điểm phần trăm so với quý IV/2019 và so với cùng kỳ năm 2019. Thất nghiệp tăng lên, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây. Tốc độ tăng thu nhập của người lao động so với cùng kỳ năm trước chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng thu nhập của quý I năm 2019 so với quý I năm 2018. Lực lượng lao động giảm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ vẫn ở mức thấp. Lao động có việc làm giảm so với quý trước và cùng kỳ năm trước, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ thanh niên không đi học và không đi làm có xu hướng tăng. Thu nhập của người lao động tăng nhưng tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2019 sụt giảm đáng kể.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4 năm 2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất (hơn 1,2 triệu lao động), tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ (hơn 1,1 triệu lao động) và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (gần 740 nghìn lao động).

Khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong đó, khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã, trong khi đó, đa số lao động bị ảnh hưởng của các ngành “bán buôn, bán lẻ” và “dịch vụ lưu trú và ăn uống” hiện đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%.

Tính đến giữa tháng 4 năm 2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là các lao động tạm nghỉ việc (chiếm gần 59%), tiếp đến là lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên (chiếm gần 28%) và lao động bị mất việc (chiếm gần 13%). Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất (đều chiếm trên 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng tại mỗi ngành). Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác (chiếm gần 20% tại mỗi ngành).

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: MPI

Có khoảng 84.8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Khoảng 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: Cắt giảm lao động, lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động. Trong đó, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất với gần 40% doanh nghiệp thực hiện. Có trên 28% doanh nghiệp thực hiện giải pháp cắt giảm lao động.

Bên cạnh các giải pháp tác động tiêu cực tới người lao động, 5,3% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng cho biết đã tranh thủ thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động. Đây là phản ứng chủ động, tích cực và đáng ghi nhận của doanh nghiệp nhằm thích ứng với bối cảnh mới, chung tay cùng Chính phủ và người lao động từng bước vượt qua thách thức của dịch bệnh.

Theo báo cáo, tác động của dịch bệnh đến tình hình sản xuất kinh doanh và người lao động, các khó khăn vẫn có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Do vậy, việc triển khai thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người lao động là cấp thiết, giúp vực dậy nền kinh tế nói chung, thị trường lao động và doanh nghiệp nói riêng./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2549
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)