Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 15/05/2020-20:07:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Giám đốc USAID tại Việt Nam nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam (Xem tin ảnh)
(MPI) - Ngày 15/5/2020, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam - Ông Michael Greene nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam theo Thoả thuận khung có giới hạn phạm vi (LSGA) đã được hai bên ký kết vào ngày 15/4/2020.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc Michael Greene tại buổi làm việc. Ảnh: MPI

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Michael Greene cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã dành thời gian đón tiếp Đoàn và chia sẻ ấn tượng với những biện pháp, chiến lược ứng phó trước đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam cũng như các biện pháp, chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không chỉ trong hiện tại mà còn có các chính sách dài hơi để hỗ trợ hậu dịch Covid-19. Mục tiêu hợp tác của USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam do vậy hai bên cần tiếp tục có các giải pháp để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19.

Giám đốc Michael Greene cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của các cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dưới sự dẫn dắt và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã phối hợp rất chặt chẽ với USAID để xây dựng và hoàn thiện Thoả thuận khung có giới hạn phạm vi (LSGA) mà hai bên đã ký trực tuyến cách đây đúng một tháng (ngày 14/5/2020). Hai bên cũng đã và đang phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vưc tư nhân Việt Nam (IPS-C), đây là một trong 2 nội dung chính của Thoả thuận khung.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam được cộng đồng quốc tế và người dân trong nước đánh giá cao về cách tiếp cận, cách tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả và chi phí thấp trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch, chưa có trường hợp tử vong, các ca nhiễm mới đều từ nước ngoài về, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đạt được kết quả này là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chấp hành, ủng hộ, đồng thuận đoàn kết của người dân. Cùng với đó là tính ưu việt của y tế công của Việt Nam.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới và việc phục hồi này cần rất nhiều thời gian. Quốc gia nào có hành động và giải pháp đúng, kịp thời và quyết liệt thì quốc gia đấy sẽ nhanh chóng thoát khỏi, giảm thiệt hại và nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế. Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó, điều này thể hiện qua việc tăng trưởng giảm, xuất khẩu giảm, sản xuất bị gián đoạn, doanh nghiệp đình trệ, giải thể, đóng cửa, ngừng hoạt động, giảm đăng ký mới.

Trước tình hình đó, Việt Nam tập trung hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, người lao động để doanh nghiệp có thể cầm cự, vượt qua giai đoạn khó khăn này, giữ được lao động, duy trì sản xuất. Cùng với đó là thực hiện các giải pháp về an sinh xã hội, hỗ trợ những người yếu thế bị tác động lớn nhất. Đối với doanh nghiệp, để đồng hành và hỗ trợ họ, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục hành chính về vấn đề pháp lý, về tiếp cận đầu tư, xây dựng, đất đai một cách nhanh nhất để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Về dòng tiền, Chính phủ đã sử dụng các công cụ về chính sách tiền tệ, giãn, hoãn lãi suất các khoản vay và vay mới. Sắp tới Việt Nam sẽ miễn giảm thêm một số loại thuế, phí để giảm các khó khăn cho doanh nghiệp. Đồng thời, sẽ ban hành nghị quyết mới về miễn, giảm thuế.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI

Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, chủ động xây dựng các kịch bản để phục hồi nền kinh tế và sẽ có những quyết sách đối với các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước khi dịch giảm dần và khi thế giới hết dịch để bật trở lại, chủ động nắm bắt các cơ hội và tham gia vào các “cuộc chơi” mới với các cấu trúc mới được hình thành sau dịch.

Việt Nam cũng nhận thức được rằng sẽ có rất nhiều cơ hội như có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư, nguồn nhân lực, thị trường tốt và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với khả năng xuất khẩu lớn… Tuy nhiên bên cạnh cơ hội là những thách thức không nhỏ, đó là yếu kém nội tại của nền kinh tế chậm được khắc phục, cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng chậm, việc ký hiệp định nhiều cũng chưa phải là tốt khi doanh nghiệp trong nước không nắm bắt được cơ hội… Đây là những thách thức và cơ hội đan xem mà Việt Nam cần vượt qua. Trước tình hình đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng các kịch bản và chính sách để phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 và mong muốn USAID phối hợp để có những nghiên cứu, đề xuất thật trúng, thật đúng cho Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về thỏa thuận hợp tác đã ký giữa hai bên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là một thỏa thuận rất tốt. Đồng thời, đánh giá cao các cán bộ của hai bên trong công tác chuẩn bị rất nhanh, tích cực và hiệu quả, đúng với vấn đề mà Việt Nam quan tâm, nâng cao năng lực của khu vực tư nhân để đón làn sóng đầu tư mới lan tỏa sang và doanh nghiệp có năng lực vươn lên, chiếm lĩnh cơ hội do các hiệp định thương mại đầu tư mang lại, trong đó cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp có năng lực để chuyển đổi số, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh.

Đồng thời, cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mà không cần phải có tài sản thế chấp. Cùng với đó, đẩy nhanh việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đổi mới, hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo càng sớm càng tốt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Giám đốc Michael Greene đánh giá cao những quyết sách của Chính phủ Việt Nam cũng như chính sách hỗ trợ người dân trước dịch Covid-19 để không ai bị bỏ lại phía sau. Đây là thời điểm tuyệt vời khi Việt Nam đã có những chính sách kịp thời để ứng phó với dịch Covid-19. Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nhiều chuỗi cung ứng sẽ có sự chuyển dịch sang các quốc gia khác, do vậy, Việt Nam cần phải chuẩn bị kỹ về cơ sở hạ tầng, hoàn thiện xây dựng các chính sách vĩ mô để tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư, Giám đốc Michael Greene nhấn mạnh./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 3447
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)