(MPI) - Sáng ngày 23/5/2020, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách. Đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố. Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ngoài ra, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của địa phương và đặt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn khác trong cả nước, đồng thời, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển.
Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 04 Chương, gồm 15 Điều, trong đó, đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường).
Đối với thí điểm cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã yêu cầu: “Thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; có cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược”. Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 04 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, gồm:
Đối với điều chỉnh quy hoạch Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho UBND thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch Thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch trong các trường hợp khác làm thay đổi mục tiêu quy hoạch thì vẫn thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật quy hoạch. Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, giao UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng.
Đối với quản lý tài chính - ngân sách, quy định như dự thảo Nghị quyết đảm bảo ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách của thành phố Đà Nẵng phù hợp với tình hình thực tế, tính pháp lý cao hơn và tạo điều kiện cho Thành phố bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Bên cạnh đó, việc quy định chính sách này tại dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW, đó là “nghiên cứu cơ chế điều tiết hợp lý giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương”.
Đồng thời, Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội cho phép các địa phương có điều tiết về Ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Để tạo tính chủ động cho Thành phố trong việc lựa chọn các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tích lũy nhàn rỗi, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Hội đồng nhân dân Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tương tự cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trên cơ sở Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với việc thí điểm tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị và 03 cấp chính quyền ở nông thôn tại thành phố Đà Nẵng như đề xuất của Chính phủ.
|
Đại biểu Quốc hội tham gia phiên thảo luận tại Hội trường. Ảnh: Quochoi |
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thị Mai bày tỏ ủng hộ thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, vì thực tiễn cho thấy việc thực hiện tổ chức chính quyền chung hiện nay đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định, cần có những nghiên cứu, những thử nghiệm, mô hình chính quyền và hệ thống cơ chế, chính sách mới để giúp cho các đô thị rộng đường phát triển. Mấy năm qua, việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù riêng để phát triển thành phố Hồ Chí Minh và Nghị quyết về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội cũng cho thấy đây thực sự là một đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Tuy nhiên, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần được nghiên cứu một cách chủ động, bài bản và đặt trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị và những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Chủ trương thí điểm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nội lực của thành phố Đà Nẵng. Trung ương Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, cơ chế, chính sách dành cho Đà Nẵng, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tại Nghị quyết số 33 ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị. Chính phủ đã có cơ chế đặc thù về đầu tư tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng tại Nghị định số 144. Tuy nhiên, hiện nay sự phát triển của Thành phố đã có dấu hiệu chững lại, không đáp ứng so với lợi thế và yêu cầu của Thành phố. Do vậy, Bộ Chính trị đã tiếp tục ban hành Nghị quyết số 43 về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã đặt ra mục tiêu, yêu cầu rất lớn đối với sự phát triển của thành phố trong thời gian tới. Bộ Chính trị đồng ý xây dựng và thực hiện đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và các quy định của pháp luật.
Việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển của Thành phố và trên cơ sở chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.
Đại biểu tỉnh Quảng Nam Phan Thái Bình cũng bày tỏ quan điểm đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội để ban hành Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9 là hết sức cần thiết. Qua đó, tạo cơ chế cho thành phố Đà Nẵng phát triển, tiếp tục trở thành một đô thị lớn, luôn luôn là một trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Về mô hình thí điểm, Đại biểu bày tỏ hoàn toàn đồng thuận với đề xuất của Đà Nẵng cũng như đề xuất của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Trần Quang Chiểu nhất trí với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp này để thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù khác. Khi nghị quyết này được Quốc hội thông qua để đảm bảo triển khai đồng bộ về cơ chế, chính sách phát triển Đà Nẵng. Đồng thời tập trung nhấn mạnh vào một số vấn đề liên quan đến vấn đề phí, lệ phí; về điều chỉnh quy hoạch Thành phố.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội đã phát biểu ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng như tại dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình. Điều này phù hợp với dân trí, với xu thế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số hiện nay, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư