(MPI Portal) – Nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế và cơ hội đầu tư của vùng Tây Bắc, ngày 03/4 tại thành phố Tuyên Quang, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Bắc năm 2013. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì Hội nghị.
|
Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Từ năm 2008, các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức đã tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc. Đây là diễn đàn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng trao đổi về chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hơn các nguồn vốn cho phát triển vùng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Tây Bắc là địa bàn chiến lược về chính trị, an ninh và quốc phòng, nơi đây chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế, trong đó phải kể tới tiền năng về khoáng sản, xây dựng thủy điện, sản xuất nông-lâm nghiệp, thương mại và du lịch…
Với vị trí chiến lược quan trọng, trong thời gian qua, Vùng Tây Bắc được Đảng, Chính phủ quan tâm đặc biệt và có nhiều chính sách đầu tư, ưu đãi nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ đã giành một lượng vốn khá lớn tập trung vào vùng, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, các dự án Quốc gia, các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, các hỗ trợ có mục tiêu khác và thông qua các dự án, chương trình trong chương trình hành động của Chính phủ. Nhiều dự án quốc gia đã và đang triển khai đầu tư tại đây – là tiền đề cho việc phát triển Vùng.
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo khó nhất cả nước, có rất nhiều nguyên nhân khiến Tây Bắc đói nghèo, trong đó phải kể tới cơ sở hạ tầng yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông, nguồn lực còn hạn chế…
Để tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng Tây Bắc cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tập chung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ và từng bước hiện đại. Mặt khác cũng cần phát huy những lợi thế về nông, lâm nghiệp, tập trung thu hút đầu tư và xây dựng vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biết các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cũng cần được chú trọng.
Tính đến cuối năm 2012, huy động vốn trên địa bàn Tây Bắc đạt hơn 76.210 tỷ đồng, tăng khoảng 38% so với cuối năm 2011 và cao hơn mức tăng chung của cả nước. Trong 02 tháng đầu năm 2013, huy động vốn trên địa bàn có giảm nhẹ (giảm 0,9%). Mặc dù huy động vốn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 69% dư nợ cho vay trên địa bàn khu vực Tây Bắc.
Về hoạt động tín dụng, theo ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn khu vực Tây Bắc đến cuối năm 2012 đạt 110.052 tỷ đồng, tăng 16,34% so với năm 2011.
Bên cạnh tín dụng thương mại, tín dụng chính sách và bảo đảm an sinh xã hội cũng là một điểm sáng trong hoạt động của ngành ngân hàng những năm gần đây. Ðến cuối năm 2012, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội tại khu vực Tây Bắc đạt 22.986 tỷ đồng.
|
Hội nghị thu hút trên 1000 đại biểu tham dự. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Với sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, sự đồng hành hợp tác, góp sức của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu tham dự Hội nghị đều tin tưởng rằng tiềm năng thế mạnh của Tây Bắc sẽ được đánh thức và khai thác hiệu quả, khu vực sớm có bước chuyển mình nhanh chóng và phát triển xứng tầm trong tương lai.
Tại Hội nghịđã diễn ra lễ trao Giấy chứng nhậnđầu tưcho 26 dự án với tổng giá trịkhoảng 16.700 tỷđồng, kýcam kết và thoảthuận hợp tácđầu tư14 dựán với trên 8.400 tỷđồng. 6 ngân hàng thương mại đã đồng ý cấp tín dụng trên 20.000 tỷ đồng cho các dự án và hơn 543 tỷ đồng được các đơn vị, công ty hỗ trợ lĩnh vực an sinh xã hội cho vùng Tây Bắc./.
Khu vực Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và một số huyện phía tây tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa với diện tích tự nhiên của Vùng khoảng 109.245 km2, chiếm một phần ba diện tích của cả nước. Dân số của Vùng khoảng 12 triệu người, chiếm 13,5% dân số của cả nước. |
Đức Trung
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư