Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 28/05/2020-15:47:00 PM
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến dự án Luật PPP
(MPI) - Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng ngày 28/5/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Luật được xây dựng nhằm thu hút các nguồn lực từ xã hội, khu vực tư nhân, cả trong nước và nước ngoài để đầu tư, hình thành các cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội của đất nước, kể cả của các địa phương và của các ngành, trong khi ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp và hạn chế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: MPI

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến sâu sắc và có giá trị của các đại biểu Quốc hội, qua đó nhằm giúp cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời nhấn mạnh, đây là dự thảo Luật mới, rất khó, phức tạp và kinh nghiệm quốc tế cho thấy mỗi một nước có một kiểu khác nhau, có nhiều nước không có luật nhưng hệ thống pháp luật của các nước rất đồng bộ và đầy đủ. Tuy nhiên, khi chúng ta chưa có hệ thống một cách đồng bộ và chặt chẽ thì nên có một luật riêng để đảm bảo quản lý chặt chẽ và thu hút được nguồn lực này.

Việc xây dựng Luật phải đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất, phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của nhà nước. Thứ hai, đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn, hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư. Thứ ba, phải tiệm cận, tiếp cận được các thông lệ tốt của quốc tế. Đây là yêu cầu đặt ra đối với Luật này bởi nếu chỉ nghiêng về vấn đề của nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia và nếu chỉ nghiêng nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của nhà nước thì cũng không được. Do vậy, vấn đề này khi xây dựng Luật, cơ quan soạn thảo và các chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo được các mục tiêu nêu trên.

Về lĩnh vực đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một vấn đề rất khó và mới, hệ thống pháp luật của chúng ta chưa đầy đủ và đồng bộ nên chủ yếu tập trung thu hút vào những lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội đủ lớn vì để chuẩn bị cho một dự án về PPP mất rất nhiều thời gian và công sức, không phải như một dự án đầu tư bình thường. Do vậy, nếu lĩnh vực nào cũng thực hiện theo hình thức PPP sẽ bị tràn lan và không tập trung, thiếu tính hiệu quả, khả thi và cũng phải đảm bảo được cả nguồn lực tham gia của nhà nước cũng như sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Nếu dự án ở các lĩnh vực không có khả năng thu từ các dịch vụ thì cũng không thể hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư.

Trên cơ sở thực tiễn tổng kết của 20 năm qua, cũng như ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã thiết kế tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với sự phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, trong đó có cả dự án điện nhằm tiếp tục thực hiện thu hút 18 dự án đang triển khai cũng như 10 dự án đang được chuẩn bị. Điều này cũng phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, ngoài 5 lĩnh vực chính này Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép bổ sung một điều là Thủ tướng Chính phủ có quyền xem xét, quyết định một số trường hợp đặc biệt phát sinh trong quá trình triển khai để có thể bổ sung vào lĩnh vực đầu tư PPP nếu thấy cần thiết với một quy trình hết sức chặt chẽ đã được quy định tại luật này để đảm bảo chủ động và linh hoạt trong quá trình điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Về cơ chế chia sẻ rủi ro và phần tăng, giảm doanh thu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là cơ chế mang tính cách mạng, hết sức đặc biệt của Luật này và nếu không có được các cơ chế này sẽ không thể hấp dẫn được các nhà đầu tư. Qua ý kiến của các đại biểu cho thấy cơ bản các đại biểu cũng thống nhất với phương án chia sẻ theo doanh thu chứ không phải chia sẻ theo lỗ, lãi. Điều này đã được nghiên cứu và thảo luận, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, bảo đảm phản ánh và kiểm soát được tình hình tài chính của doanh nghiệp. Nếu chúng ta kiểm soát qua doanh thu thì chúng ta kiểm soát đảm bảo thuận lợi hơn. Nếu chúng ta kiểm soát bằng lỗ, lãi thì đây là một vấn đề rất khó, vì chúng ta không thể kiểm soát được quá trình hoạt động và lỗ, lãi của doanh nghiệp, do vậy Chính phủ kiến nghị tính theo phương án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề Kiểm toán nhà nước, dự án PPP là một dự án có mục tiêu công và nguồn đầu tư là công tư nên nó không hẳn là một dự án đầu tư công như chúng ta hiểu. Đây là một đặc thù rất khác nên chúng ta phải xây dựng một luật riêng như vậy. Do vậy, dự án này được thực hiện qua hợp đồng giữa một bên là nhà nước, cơ quan đại diện có thẩm quyền và một bên là doanh nghiệp. Như vậy cần phải có Kiểm toán nhà nước nhưng quan trọng là nội dung, thời điểm kiểm toán và chúng tôi thống nhất là chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước.

Theo dự thảo Luật, quy định về việc kiểm toán gồm: kiểm toán nhà nước và chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách nhà nước; tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công; Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước; Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng làm rõ vấn đề liên quan đến dự án BT, đây là vấn đề trong quá trình soạn thảo có rất nhiều các ý kiến khác nhau. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ, nếu có thiết kế theo hình thức BT trong luật này thì phải bổ sung các điều khoản hết sức chặt chẽ.

Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: MPI

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nhìn chung, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đóng góp nhiều ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, về quy mô, lĩnh vực đầu tư của dự án PPP; vai trò của kiểm toán cũng như từng giai đoạn tham gia của kiểm toán; cơ chế chia sẻ rủi ro; tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà nước; hợp đồng xây dựng chuyển giao BT; lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu, ưu đãi và đảm bảo đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ đạo Ủy ban Kinh tế cũng như cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 3115
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)