Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 04/05/2020-14:05:00 PM
Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của tỉnh Thừa Thiên - Huế

I. TÌNH HÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI THÁNG 04 VÀ 04 THÁNG ĐẦU NĂM 2020

1. Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 03/02/2020 về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 60/KH-UBND ngày 28/02/2020 triển khai Chương trình hành động số 69-CTr/TU. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các đề án: Đề án xây dựng Bộ tiêu chí về thành phố Trực thuộc Trung ương cho đô thị có tính chất đặc thù di sản; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án mở rộng địa giới thành phố Huế; Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.

Đến nay, UBND tỉnh đã trình Tỉnh ủy ban hành các Nghị quyết về: Đề án Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện đang tập trung hoàn chỉnh các đề án, chuẩn bị trình xin ý kiến HĐND tỉnh và các cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Về lập nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 25/3/2020 (do trong bối cảnh dịch Covid-19). Đến nay, tỉnh đã tiếp thu góp ý của các Bộ, ngành Trung ương và hoàn thiện hồ sơ theo quy định trình Thủ tướng phê duyệt.

2. Kết quả thực hiện trên các ngành, lĩnh vực

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tình hình và kết quả thực hiện cụ thể trên các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau: Một số chỉ tiêu chủ yếu thực hiện Quý I và ước thực hiện 04 tháng đầu năm 2020:

STT

Chỉ tiêu chủ yếu

TH Qúy I/2020

Ước TH 4 tháng đầu năm

Ước TH

So cùng kỳ

So KH 2020

1

Tổng vốn đầu tư thực hiện (tỷ đồng )

4.132,8

5.606,6

101,3%

20,8%

2

Thu ngân sách (tỷ đồng)

2.276,6

2.700,0

111,2%

35,5%

3

Chỉ số phát triển công nghiệp IIP (%)

103,3%

101,7%

4

Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ (tỷ đồng)

10.505,5

12.675,5

89,8%

27,5%

5

Doanh thu du lịch (tỷ đồng)

730,5

859,1

55,1%

16,5%

6

Giá trị xuất khẩu (triệu USD)

182,8

248,07

70,9%

23,6%

a) Tình hình sản xuất, kinh doanh

- Lĩnh vực dịch vụ

+ Hoạt động du lịch: Trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch ước đạt 940 nghìn lượt, giảm 46% so với cùng kỳ; khách lưu trú ước đạt 426,9 nghìn lượt, giảm 45,6%; trong đó: khách quốc tế ước đạt 230,1 nghìn lượt, giảm 42,5%. Doanh thu du lịch ước đạt 859 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên các hoạt động du lịch đều tạm dừng, các cơ sở lưu trú toàn tỉnh đã dừng đón khách du lịch.

+ Hoạt động thương mại, giá cả: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên nhu cầu mua sắm, tiêu dùng xã hội giảm mạnh so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội 4 tháng đầu năm ước đạt 12.675,5 tỷ đồng, giảm 11%; trong đó: kinh doanh bán lẻ hàng hóa đạt 10.395,7 tỷ đồng, chiếm 82% và giảm 3,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 1.417 tỷ đồng, chiếm 11% và giảm 39%.

+ Hoạt động xuất nhập khẩu:

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 04/2020 ước đạt 65,26 triệu USD, giảm 20,6% so với tháng trước và giảm 55,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 248 triệu USD, giảm 29,1% so với cùng kỳ; ước đạt 23,6% kế hoạch. Trong đó, xơ sợi chiếm 20% tỷ trọng xuất khẩu, giảm 47,4%; hàng may mặc chiếm 36% giảm 49%; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 17,5%, tăng 12,8%. Một số doanh nghiệp dệt may chuyển sang sản xuất mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu để duy trì hoạt động sản xuất và giải quyết việc làm cho lao động.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 04/2020 ước đạt 33,7 triệu USD, tăng 15,1% so với thực hiện tháng 03/2020 và giảm 29,7% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 04 tháng đầu năm ước đạt 126,9 triệu USD, giảm 24,4% so với cùng kỳ, đạt 21% so với kế hoạch (trong đó nguyên phụ liệu dệt may chiếm 72%, giảm 24,6%).

+ Hoạt động tín dụng: Dự ước đến cuối tháng 4/2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 49.300 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Tiền gửi tiết kiệm ước đạt 37.300 tỷ đồng, tăng 2,6%,tiền gửi thanh toán ước đạt 11.250 tỷ đồng, giảm 0,1%. Dư nợ tín dụng toàn tỉnh ước đạt 51.300 tỷ đồng, tăng 1,5% so với đầu năm. Nợ xấu toàn tỉnh dự ước ở mức 1.040 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng là 2,03%.

+ Hoạt động vận tải: Trong 04 tháng đầu năm, vận tải hành khách ước đạt 6.157,5 nghìn lượt khách, giảm 24,3% so với cùng kỳ; vận tải hàng hóa ước đạt 3.841,5 nghìn tấn, giảm 10,2%. Doanh thu vận tải, kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính chuyển phát ước đạt 869,49 tỷ đồng, giảm 12,2%.

- Lĩnh vực công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm ước tăng 1,7% so vời cùng kỳ, cụ thể:

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 8,9%: Sản lượng Quặng inmenit 5.082 tấn; đá xây dựng đạt 216,5 ngàn m3, tăng 2,9%; đá vôi nguyên liệu đạt 446,7 ngàn m3, giảm 1,3%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,8%: Nhiều sản phẩm có sản lượng sản xuất tăng như: sợi các loại 25,8 ngàn tấn, tăng 4,2%; quần áo lót 116 triệu cái, tăng 2,7%; dăm gỗ 200 nghìn tấn, tăng 11%; tôm đông lạnh 1.259 tấn, tăng 11,1%; xi măng 837 nghìn tấn, tăng 3,5%; vỏ lon nhôm 4,6 nghìn tấn, tăng 15,6%…; một số sản phẩm giảm như: bia chai 25,3 triệu lít, giảm 2,0%; bia lon 31,5 triệu lít, giảm 5,8%; khuôn đúc bằng kim loại màu 32,6 tấn, giảm 35,7%.

Ngành sản xuất, phân phối điện, nước đá giảm 11,3%: Điện sản xuất 251 triệu kwh, giảm 18,3%; điện thương phẩm 558,2 triệu kwh, tăng 3,2%.

Ngành cấp nước và thu gom rác thải tăng 4,8%: Trong đó, nước uống đạt 16,7 triệu m3, tăng 5,6%.

- Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp

Trồng trọt: Diện tích lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đã gieo cấy 28.667 ha đạt 100% kế hoạch; đến nay lúa đã trổ, chín khoảng 28.157 ha, đã thu hoạch khoảng 50 ha. Các loại cây trồng cơ bản ổn định diện tích: Rau các loại 3.171 ha, Ngô 1.021 ha, Lạc 2.816 ha. Tuy nhiên, vào ngày 12/4/2020 đến ngày 13/4/2020 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa lớn trên diện rộng, đã có khoảng 4.155 ha lúa bị ngập phải tiêu úng (Phú Vang 4.055 ha, Hương Thủy 100 ha), khoảng 10.769 ha lúa bị đỗ ngã (Phong Điền 1.990 ha, Quảng Điền 1.496 ha, Hương Trà 973 ha, Hương Thuỷ 1.622 ha, Phú Vang 3.995 ha, Phú Lộc 364 ha, thành phố Huế 329 ha); đến ngày 18/4/2020 các địa phương đã hoàn thành xong việc tiêu úng, ước diện tích lúa bị thiệt hại trên 30% là hơn 2.400 ha (trong đó có trên 150 ha thiệt hại trên 70%).

Chăn nuôi: Tổng đàn lợn hiện có hiện có 137.830 con, giảm 14,7% so với cùng kỳ; tổng đàn trâu 19.420 con, giảm 5,1%; đàn bò 31.860 con, giảm 7,9%; đàn gia cầm 3.986 nghìn con, tăng 31,4% (đàn gà 3.249 nghìn con, tăng 47,2%). Về công tác tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi: Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 26.000 con lợn được nuôi tái đàn, trong đó, các doanh nghiệp và trang trại lớn tái nuôi 393 con lợn nái, 19.950 con lợn thịt, chiếm 78% số lợn tái đàn. Công tác tiêm phòng, kiểm soát dịch bệnh, giết mổ được triển khai thực hiện tốt.

Thủy sản: Sản lượng thủy sản ước đạt 13.860 tấn, tăng 4,5%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 11.533 tấn, tăng 3,5%; sản lượng nuôi trồng đạt 2.3271 tấn, tăng 10%. Ngoài ra, đã có 36 ha nuôi tôm bị bệnh (bệnh đốm trắng 17,6ha, các bệnh khác 18,5ha) tập trung ở các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền.

Lâm nghiệp: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng mới 3.570 ha rừng, tăng 6,1% so với cùng kỳ. Sản lượng gỗ rừng trồng khai thác 188.866m3, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Đã tiến hành gieo ươm khoảng 20 triệu cây giống chuẩn bị cho kế hoạch trồng rừng trong năm; tiến hành chăm sóc rừng 1.062 ha, khoán quản lý bảo vệ rừng khoảng 170.000 ha.

b) Tình hình đầu tư và xây dựng: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giáhiện hành trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm ước đạt 5.606,6 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch năm, tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Phân theo cấp quản lý: Vốn do Trung ương quản lý 1.503,7 tỷ đồng, bằng 22,5% kế hoạch, giảm 2,4%; vốn do địa phương quản lý 4.102,9 tỷ đồng, bằng 20,2% kế hoạch, tăng 2,8%.

Phân theo nguồn vốn: Vốn thuộc ngân sách Nhà nước 1.158,4 tỷ đồng, bằng 20 % kế hoạch, tăng 23%; vốn tín dụng đạt 2.416,4 tỷ đồng, bằng 22% kế hoạch, giảm 2,3%; vốn đầu tư của doanh nghiệp và dân cư 1.466,1 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch, tăng 3%; vốn viện trợ 406,7 tỷ đồng, bằng 24,4% kế hoạch, tăng 5,6%; vốn đầu tư nước ngoài 159 tỷ đồng, bằng 6,4% kế hoạch, giảm 49,7%.

Nguồn vốn đầu tư chủ yếu tập trung vào các dự án chuyển tiếp. Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý tiếp tục đầu tư vào những dự án trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Sản phụ khoa bệnh viện TW Huế; Khu kinh tế quốc phòng A So, A Lưới; Trung tâm phục hồi chức năng đoàn 41 Huế; Đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân; bể bơi Trung tâm hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh; Học viện Âm Nhạc Huế; Nhà hát Sông Hương;…Các dự án trọng điểm quốc gia BT và BOT tiếp tục được hoàn thiện và thi công nhanh: Dự án La Sơn - Túy Loan; hầm Hải Vân giai đoạn II. Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, đã khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

Tính đến ngày 31/3/2020, tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 mới đạt 11,2% kế hoạch; trong đó: vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương đạt 23,9% kế hoạch, vốn các chương trình mục tiêu từ ngân sách trung ương đạt 16,4% kế hoạch, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia đạt 6,9% kế hoạch, vốn trái phiếu chính phủ đạt 55,4% kế hoạch, vốn nước ngoài (ODA) đạt 1,5% kế hoạch, vốn từ nguồn thu di tích để lại cho đầu tư đạt 7,9% kế hoạch.

Nguồn vốn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư vào các dự án gấp rút hoàn thiện để đưa vào sử dụng: Dự án phức hợp Manor Crown; Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An. Nhiều dự án chuyển tiếp được đẩy nhanh tiến độ để đưa vào hoạt động: Các nhà máy thủy điện ALin B1, ALin B2, Rào Trăng 3; Dự án Movenpic Resort Lăng Cô. Bên cạnh đó, đã quyết liệt hỗ trợ, đôn đốc 15 dự án khởi công mới trong năm; đến nay, đã có 02 dự án khởi công mới: dự án chung cư thương mại Minh Linh tại Khu đô thị Đông Nam Thủy An; dự án nhà máy chế biến cát, bột thạch anh ít sắt chất lượng cao (Huế Premium Silica).

Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu thực hiện các dự án chuyển tiếp: Dự án Laguna giai đoạn 2; Dự án Khu nghỉ dưỡng của Công ty Minh Viễn; Hạ tầng khu công nghiệp của Công ty cổ phần Hello quốc tế Việt Nam; Dự án Nhà máy dệt Sunjin AT&C Vina; dự án Nhà máy chế xuất Billion Max Việt Nam; Nhà máy xử lý rác thải Phú Sơn; Nhà máy của Công ty Kanglongda;…

Công tác bồi thường và hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế (giai đoạn 1) đã cơ bản hoàn thành. Đến nay, đã khởi công xây nhà ở theo mẫu cho 25 hộ nghèo thuộc diện di dời với chính sách hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.

c) Tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Từ đầu năm đến ngày 17/4/2020, có 196 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 3.212 tỷ đồng, tăng 05 doanh nghiệp và tăng 1,57 lần về vốn. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại có 81 doanh nghiệp, giảm 27%. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động là 215 doanh nghiệp, tăng 30%; giải thể 23 doanh nghiệp, giảm 01 doanh nghiệp. Số hộ kinh doanh đăng ký thành lập từ đầu năm đến nay là 1.216 hộ; lũy kế đến nay 47.216 hộ, trong đó, hộ kinh doanh có kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm là 6.553 hộ, chiếm 14% tổng số hộ.

Đã thu hút 03 dự án đầu tư mới gồm: 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI-Anh quốc) về lĩnh vực công nghệ thông tin với tổng số vốn đăng ký 0,06 triệu USD và 02 dự án trong nước với vốn đăng ký 2.775 tỷ đồng; trong đó Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty CP Công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt 2.655 tỷ đồng. Đã điều chỉnh 6 dự án trong đó 02 dự án giãn tiến độ, 01 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 176,4 tỷ đồng. Thu hồi 01 dự án đầu tư xây dưng Chợ đầu mối Phú Hậu.

Công tác bổ sung danh mục dự án kêu gọi đầu tư và công bố thông tin dự án kêu gọi đầu tư được quan tâm, đến nay, đã công bố thông tin gần 70 dự án, trong đó có 50 dự án được công bố thông tin chi tiết sẵn sàng kêu gọi đầu tư.

d) Thu chi ngân sách Nhà nước

Thu ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 423 tỷ đồng, giảm 30% so cùng kỳ. Thu ngân sách lũy kế 04 tháng đầu năm ước đạt 2.700 tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán, tăng 11% so với cùng kỳ (do chuyển phần thu năm 2019 nộp sang năm 2020); trong đó: thu nội địa đạt 2.554 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 11%; thu thuế xuất nhập khẩu đạt 138 tỷ đồng, bằng 27,4% dự toán, giảm 2,5%.

Chi ngân sách nhà nước ước đạt 3.047 tỷ đồng, bằng 25% dự toán, trong đó: Chi đầu tư 762 tỷ đồng, đạt 18% dự toán, chi thường xuyên 2.114 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán.

3. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

Do ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động văn hóa - xã hội, nhiều hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao bị hoãn hoặc tạm dừng. Chương trình lễ hội Festival Huế lần thứ XI - năm 2020 với chủ đề “Di sản Văn hoá với hội nhập và phát triển - Huế luôn luôn mới” đã được chuyển thời gian tổ chức vào ngày 28/8/2020 đến ngày 02/9/2020.

Về giáo dục và đào tạo: Do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, nên các cấp học, bậc học trên địa bàn toàn tỉnh đều được nghỉ học để phòng, chống và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh từ ngày 04/02/2020 đến nay (riêng học sinh THPT có đi học lại 01 tuần từ ngày 02/3 đến ngày 07/3/2020). Trong thời gian đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành giáo dục tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại các đơn vị trường học; đồng thời, tổ chức triển khai dạy học trên truyền hình tỉnh (TRT) dành cho học sinh lớp 9 và 12. Về chất lượng 02 mặt giáo dục học kỳ I năm học 2019 - 2020, cấp THCS: 20,32% học sinh xếp loại giỏi về học lực và 86,7% xếp loại tốt về hạnh kiểm; cấp THPT: 14,59% học sinh xếp loại giỏi về học lực và 73,7% xếp loại tốt về hạnh kiểm. Đại học Huế đang tích cực chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2020 với chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến 13.755 chỉ tiêu cho 143 ngành đào tạo đại học của 13 trường, khoa, phân hiệu trực thuộc.

Về y tế: Nghiêm túc quán triệt và tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành việc khai báo y tế toàn; thành lập 05 chốt kiểm soát y tế tại các cửa ngõ “ra vào” tỉnh để đo thân nhiệt nhằm kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập địa bàn; ngoài bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và các Trung tâm y tế tuyến huyện, đã trưng dụng thêm 08 cơ sở để làm khu cách ly tập trung nhằm phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Đến nay, các cấp, các ngành và các địa phương đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh Covid-19, đã điều trị khỏi bệnh và ra viện 04 bệnh nhân, toàn tỉnh hiện không có người nhiễm dịch Covid-19.

Về khoa học và công nghệ: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý công nghệ trên bàn tỉnh. Hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,...Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 10 đơn đăng ký nhãn hiệu trong đó 05 văn bằng bảo hộ được cấp. Tăng cường thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra đo lường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại 02 siêu thị, 05 chợ, 32 cơ sở kinh doanh hàng hóa (trong đó có 23 cửa hàng kinh doanh xăng dầu). Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Trong 04 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 2.607 lao động. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số lượng lao động bị ngừng việc đến tháng 4 gần 7.000 lao động, trong đó có khoảng 2.500 được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 người từ các nơi khác trở về địa phương (trong đó, hơn 6.000 người trở về từ Lào đã hết thời gian cách ly tập trung), hiện có 341 lao động là người nước ngoài đang làm việc, trong đó có 54 lao động là người Trung Quốc và từ 00 giờ, ngày 18/3/2020 đến nay đã thực hiện tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19.

Phong trào Ngày Chủ nhật xanh tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ, triển khai rộng khắp với nhiều biện pháp nhằm phòng, chống lây lan của dịch bệnh Covid-19 tại nhiều địa điểm di tích, địa điểm tâm linh và danh lam thắng cảnh, các cơ quan, trường học và các khu dân cư: dọn vệ sinh, trồng cây xanh, đồng thời phun thuốc khử trùng, tiêu độc,…

4. Cải cách hành chính

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong 4 tháng đầu năm, đã duy trì và tiến hành rà soát lại bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương: Rà soát quy trình nội bộ, quy trình điện tử; đồng thời, thực hiện toàn bộ quy trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đối với các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ban, ngành chuyên môn cấp tỉnh.

Tiến hành công bố Danh mục TTHC chuẩn hóa một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Văn hóa Thể thao, Sở Du lịch, UBND cấp huyện và cấp xã; công bố TTHC thay thế trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện.

Mối quan hệ giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện với các tổ chức, công dân được cải thiện đáng kể, thông qua các biện pháp như: cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về TTHC; TTHC được rà soát, sửa đổi, bãi bỏ theo hướng đơn giản hóa, thuận tiện cho người dân và các tổ chức; việc giải quyết các TTHC ngày càng nhanh gọn, khoa học, thân thiện, hiệu quả.

5. Công tác đối ngoại, quốc phòng - an ninh

Công tác đối ngoại: Nhiều đoàn khách nước ngoài tạm hoãn các chương trình làm việc ở Huế; các đoàn phóng viên nước ngoài đến hoạt động dè dặt hơn; các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng giảm mạnh; các buổi họp định kỳ gặp mặt kiều bào bị hoãn lại; đoàn đi công tác nước ngoài của Lãnh đạo tỉnh nhằm tìm kiếm cơ hội, xúc tiến đầu tư, tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác không thể triển khai theo kế hoạch. Công tác xuất, nhập cảnh được kiểm soát chặt chẽ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quốc phòng, an ninh: Đã triển khai nhiệm vụ quốc phòng, an ninh năm 2020. Toàn tỉnh, có hơn 1.300 thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, các địa phương đã tổ chức chu đáo, nhanh gọn lễ giao nhận quân năm 2020, đảm bảo đúng yêu cầu và được kiểm soát chặt chẽ trong phòng dịch Covid-19. Đã xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn tuyệt đối công sở và an ninh trật tự tại các địa điểm công cộng, khu dân cư, các địa bàn trọng điểm. Tăng cường các biện pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống cháy nổ; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. An toàn giao thông: Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 03 tiêu chí; từ đầu năm đến ngày 14/4/2020, đã xảy ra 73 vụ tai nạn và va chạm giao thông, giảm 32 vụ so với cùng kỳ; làm chết 34 người, giảm 36 người; bị thương 58 người, giảm 21 người.

II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 11/CT-TTG, NGÀY 04/3/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CẤP BÁCH THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI ỨNG PHÓ VỚI DỊCH COVID-19

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 94/KH-UBND, ngày 08/4/2020 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/03/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Kết quả đạt được cụ thể:

1. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 94 của UBND tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để thống nhất ý chí, hành động và tạo sự đồng thuận trong xã hội.

2. Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 15/4/2020 về tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, tiến hành thành lập Ban chỉ đạo các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban; đến nay, toàn tỉnh đang khẩn trương rà soát các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách; riêng các nhóm đối tượng đã xác định rõ như: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019) thì đang tiến hành ngay việc chi trả, hỗ trợ và sẽ hoàn thành trong hạ tuần tháng 4/2020.

3. Về thực hiện một số chính sách hỗ trợ khác theo chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương:

- Thực hiện giảm giá điện theo chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 973/QĐ-UBND, ngày 14/4/2020 về việc miễn, giảm giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với các đối tượng theo quy định có hợp đồng của Công ty CP cấp thoát nước Thừa Thiên Huế.

- Tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thương mại, thanh toán điện tử: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1000/QĐ-UBND, ngày 16/4/2020 phê duyệt Đề án Thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 nhằm đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao chất lượng, tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ (POS), giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Các ngân hàng trên địa bàn đã triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngày 12/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về Quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Hiện có 254 khách hàng (gồm 50 doanh nghiệp) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ được cơ cấu là 432,7 tỷ đồng; 673 khách hàng (gồm 258 DN) được miễn, giảm lãi với dư nợ được miễn, giảm là 1.692 tỷ đồng; 258 khách hàng (gồm 111 DN) được cho vay mới để khôi phục sản xuất với doanh số cho vay lũy kế từ 23/1/2020 là 1.063,7 tỷ đồng. Ngoài ra, có 332 khách hàng (gồm 50 DN) đang được các chi nhánh NHTM trình cấp có thẩm quyền xem xét cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và cho vay mới với dư nợ 921,3 tỷ đồng. Có 47 khách hàng (hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác) vay tại NHCSXH tỉnh được giãn nợ với dư nợ là gần 01 tỷ đồng.

4. Về cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh:

- Để chủ động trong phòng, chống và ngăn chặn, kiểm soát tình hình dịch Covid-19, tỉnh đã bố trí 27 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để phòng, chống dịch (trong đó, tỉnh 24 tỷ đồng; các huyện, thị xã, thành phố 03 tỷ đồng) và tạm cấp 173 tỷ đồng (đợt 1) từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã và thành phố Huế để bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.

- Xây dựng và vận hành hiệu quả việc khai báo trực tuyến và tổng hợp tự động tình hình thiệt hại do dịch Covid-19 trên trang website ddci.thuathienhue.gov.vn để chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

- Chủ động xây dựng phương án hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân tiêu thụ một số sản phẩm nông sản do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Sử dụng Sàn thương mại điện tử Kinh tế hợp tác cho nhiều mục tiêu vừa hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản cho người dân, vừa triển khai phương án phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; đồng thời, hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử của tỉnh. Trên tinh thần tự nguyện, khuyến khích cán bộ công nhân viên chức, bà con nhân dân tích cực tham gia mua sắm trực tuyến qua địa chỉ sau:https://kinhtehoptac.com, https://dongba.vn.

- Tăng cường tuyên truyền thông tin đến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động trên địa bàn về tình hình diễn biến dịch bệnh và các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát dịch bệnh để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động yên tâm, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

5. Về huy động các nguồn lực xã hội hóa: Trong công tác phòng, chống dịch đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, các nhà hảo tâm ủng hộ, đóng góp thông qua các kênh với số tiền gần 08 tỷ đồng; gần 16.000 kg gạo và nhiều hiện vật như: khẩu trang, mỳ tôm, nước rửa tay, rau quả,…để hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn và phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Tập trung ưu tiên các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 đảm bảo hài hòa 3 mục tiêu đó là: phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và sẵn sàng để thúc đẩy phát triển kinh tế

Các cấp, các ngành và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh về việc phòng, chống dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo “Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống dịch Covid 19” tổ chức giao ban trực tuyến thường xuyên với các Sở, ngành, địa phương để nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động xử lý, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công khai, minh bạch thông tin trên các phương tiện truyền thông liên quan đến tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng. Kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi xuyên tạc, đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 tạo môi trường ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế,...

2. Tập trung ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Tập trung xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành Trung ương. Trước mắt, tập trung rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của Chính phủ để hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để sót đối tượng, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách trên địa bàn.

Tiếp tục vận hành hiệu quả phần mềm hỗ trợ công tác thu thập thông tin, đánh giá tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 qua ứng dụng công nghệ thông tin đối với các Sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã,...trên địa bàn để chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời có giải pháp hỗ trợ về cơ chế, chính sách.

3. Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới

Tập trung hoàn chỉnh các Đề án để trình HĐND tỉnh và các cơ quan Trung ương: Đề án Xây dựng TT Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù đối với TT Huế; Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường; Đề án xây dựng Bộ tiêu chí về thành phố Trực thuộc Trung ương cho đô thị có tính chất đặc thù di sản; Đề án xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế,…

Tiếp tục triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050, trong đó chú trọng triển khai tích hợp các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực vào trong quy hoạch tỉnh TT Huế phù hợp với mô hình đô thị khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Triển khai Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ động làm việc, phối hợp các bộ, ngành Trung ương bám sát các nội dung kiến nghị tại Thông báo số 55/TB-VPCP, ngày 20/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với tỉnh[16]. Tiến hành đánh giá tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2016 - 2020; xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Xây dựng lại kịch bản về tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh. Chủ động xây dựng kịch bản phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ “Hậu Covid-19”.

4. Tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp phát triển hạ tầng đẩy mạnh phát triển sản xuất và các dự án cấp thiết trong nguồn lực có hạn. Rà soát lại mức độ cần thiết các dự án vốn ngân sách địa phương khởi công mới năm 2020. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm. Thực hiện việc điều chuyển nguồn vốn đầu tư công cho công trình, dự án khác nếu chủ đầu tư không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát giãn tiến độ, khởi công 11 công trình, dự án chưa thực sự cần thiết. Trong năm 2020, tập trung ưu tiên nguồn lực tiếp tục triển khai đề án di dời các hộ dân khu vực I di tích Kinh thành Huế, di dời đất quốc phòng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và hộ dân sinh sống tại khu vực Mang Cá) và các dự án cải thiện môi trường nước: Hoàn thành di dời các hộ thuộc khu vực Thượng thành và ổn định dân cư tại khu tái định cư Hương Sơ, An Hòa; hoàn thành di dời, giải tỏa, tái định cư khoảng 2.500 hộ dân thuộc khu vực Eo Bầu, hộ Thành hào và tuyến Phòng lộ; hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật phục vụ đầu tư khu tái định cư Bắc Hương Sơ, khu vực 3, 4, 5, 6, 7 và 8; đảm bảo việc bàn giao đất tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ dân ảnh hưởng di dời xây dựng nhà ở trong năm 2020,…Tập trung ưu tiên tạo điều kiện hỗ trợ để khởi công các dự án ngoài ngân sách và đẩy mạnh tiến độ đầu tư các dự án trong ngân sách để giải ngân vốn.

Tập trung hỗ trợ, giám sát, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư: Sân gôn Thiên An, Khu du lịch sinh Biển Hải Dương (Eco Park), BRG; Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình (Tập đoàn Văn Phú); Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Phú Sơn, dự án sản xuất găng tay và sợi polyethylen, Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của Công ty cổ phần công nghiệp chế tạo ô tô Bách Việt,...Hỗ trợ triển khai các dự án Trung ương trên địa bàn: Cao tốc Cam Lộ - La Sơn, dự án hầm đường bộ Hải Vân (4 làn xe), mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài,....

Tiếp tục thi công hoàn thành các tuyến đường trong đô thị và kết nối với các địa phương trên địa bàn: đường Đào Tấn nối dài, đường Thủy Phù - Vinh Thanh, đường Phú Mỹ - Thuận An, đường Chợ Mai - Tân Mỹ, đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc...

Rà soát, giám sát tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND. Tiếp tục bổ sung, điều chỉnh quy định trình tự, thủ tục thực hiện, giám sát, quản lý dự án đầu tư và xây dựng không sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn theo Nghị định số: 25/2020/NĐ-CP, ngày 28/02/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư; hoàn thành quy chế Phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; triển khai thực hiện quy trình liên thông thẩm định dự án đầu tư giữa các sở, ngành chuyên môn.

Lập thủ tục sử dụng vốn kết dư dự án cải thiện môi trường nước thành phố Huế; lập thủ tục bổ sung quy hoạch và chuẩn bị đầu tư tuyến đường ven biển, cầu Nguyễn Hoàng qua sông Hương và đường Vành đai 3,...để thực hiện các dự án đầu tư công cho giai đoạn 2021-2025. Điều chỉnh quy hoạch mỏ cát trắng huyện Phong Điền, quy hoạch phân khu Khu B - đô thị mới An Vân Dương, quy hoạch phân khu Khu tổ hợp dịch vụ khu vực lân cận Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài,…

Triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đô thị biển Vinh Xuân, Phú Vang; thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang; khu du lịch sinh thái Bãi Chuối; khu phi thuế quan Chân Mây; khu vực phía Nam trục trung tâm khu du lịch Lăng Cô; Phú Bài 4 (giai đoạn 2); dự án Khu dân cư phía Bắc phường An Hòa - Hương Sơ, thành phố Huế và xã Hương Vinh - Hương Toàn, thị xã Hương Trà; Khu đô thị sinh thái Thanh Tiên, xã Phú Mậu - Phú Dương - Phú Thượng, huyện Phú Vang; Khu D - Đô thị mới An Vân Dương; xây dựng vùng đầm phá Tam Giang–Cầu Hai; Khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng ven biển tại xã Vinh Hải và Vinh Hiền, huyện Phú Lộc; Phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà; Khu du lịch sinh thái Hồ Khe Ngang, thị xã Hương Trà; khu vực phía Bắc trục trung tâm Khu du lịch Lăng Cô đến khu vực núi Giòn; Khu vực trung tâm tiếp vận hàng hóa và thương mại dịch vụ đầu mối; Khu F - Đô thị mới An Vân Dương (khu vực Tố Hữu nối dài); Khu tổ hợp nghỉ dưỡng sinh thái, bảo tàng thiên nhiên và sân golf, huyện Phong Điền; Khu du lịch sinh thái Ngũ Hồ, huyện Phong Điền.

5. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác

Tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án. Rà soát về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, để xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước; dự báo nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; có biện pháp hỗ trợ đảm bảo nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và phương án tổ chức sản xuất, phân phối, lưu thông, cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; củng cố thị trường nội địa, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ. Tập trung vào công tác phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản suất kinh doanh,...

Xây dựng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ giữa năm 2020.

Thực hiện Đề án phát triển công nghiệp nông thôn và Chương trình đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã,...trong bối cảnh thị trường nông sản đang bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Chỉ đạo thu hoạch vụ Đông Xuân 2019 - 2020; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2020. Chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang mô hình nuôi sinh học. Đẩy mạnh tái đàn lợn sau khi công bố hết dịch tả lợn Châu Phi. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tái cơ cấu thủy lợi. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Chỉ đạo công tác phòng, chống hạn, mặn, phòng chống cháy rừng, cháy nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư tập trung,…

6. Đẩy mạnh phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch

Chuẩn bị sẵn sàng các gói kích cầu du lịch để triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục phát triển ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; trước mắt, rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Festival Huế 2020. Xây dựng Đề án và quảng bá thương hiệu Huế - Kinh đô ẩm thực, Phước Tích-Hương xưa làng cổ,...Tiếp tục triển khai Đề án Không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi. Xây dựng Đề án “Đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động Bảo tàng gắn với phát triển Du lịch”, “Chính sách phát triển Bảo tàng tư nhân”. Mở rộng kết nối đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu với không gian văn hóa nghệ thuật đường Lê Lợi, cầu Trường Tiền, khu vực các tuyến đường ở Đại Nội.

7. Thực hiện điều hành thu chi ngân sách hiệu quả

Tập trung ưu tiên các nhóm giải pháp nhằm tăng thu ngân sách như: (1) Đấu giá, đầu thầu các dự án trọng điểm; (2) Rà soát quỹ đất vàng, có giá trị lớn (các khu đất, trụ sở trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi,…) để định giá tài sản theo giá thị trường và thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất; (3) đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất (1 lần) các dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các dự án nghĩa trang Hương An viên, nghĩa trang Thủy Dương; (4) Đôn đốc triển khai các dự án đầu tư công để tăng thu vãng lai trên địa bàn (thuế VAT).

Điều chỉnh, cơ cấu lại nguồn thu, chi ngân sách. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 10/4/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp điều hành chi chặt chẽ, phù hợp với khả năng thu ngân sách địa phương; trong đó, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên; không bổ sung chi thường xuyên, trừ trường hợp đặc biệt, cấp bách. Xây dựng các kịch bản khi nguồn thu ngân sách nhà nước không đảm bảo do tác động của dịch Covid-19 theo thứ tự ưu tiên.

8. Về các lĩnh vực văn hóa - xã hội

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tuyên truyền về danh hiệu “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”. Tiếp tục xây dựng Thừa Thiên Huế “Xanh - Sạch - Sáng”, “Thành phố bốn mùa hoa”, phong trào Ngày Chủ nhật xanh. Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ hội Festival Huế 2020.

Về giáo dục và đào tạo: Tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo an toàn để học sinh, sinh viên khi đi học trở lại. Chủ động xây dựng kế hoạch học bù, đảm bảo chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước. Tổ chức học trực tuyến mở rộng đối với các cấp học (nếu học sinh chưa đi học trở lại do dịch Covid-19). Phấn đấu tỷ lệ học sinh có điểm trung bình thi THPT Quốc gia tăng từ 05 đến 07 bậc so với năm 2019.

Về y tế: Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa dịch Covid-19. Thực hiện nghiêm việc phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch hiệu quả. Chủ động phương án chuyển Bệnh viên TW Huế - cơ sở 2 trở thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong trường hợp số bệnh nhân lây nhiễm cao. Đầu tư trang thiết bị y tế cho từ 3-6 Trạm Y tế thuộc ba vùng I, II, III (theo Quyết định số 4667/2014/QĐ-BYT) để thực hiện thí điểm theo Quyết định 4389/QĐ-BYT, ngày 11/07/2018 về việc phê duyệt danh mục trang thiết bị cho Trạm Y tế xã mô hình điểm phục vụ. Triển khai và vận hành có hiệu quả việc tạo lập, quản lý hồ sơ điện tử, quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; thực hiện Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập. Xây dựng cơ sở y tế “Xanh-Sạch-Đẹp” hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân.

Tăng cường thông tin, kết nối cung - cầu lao động nhằm ổn định sản xuất. Tổ chức rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Triển khai phát huy vai trò chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo lộ trình. Tăng cường hạ tầng phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh, tiến tới hình thành đô thị thông minh. Tập trung triển khai hạ tầng và các dịch vụ Đô thị thông minh tại Trung tâm Giám sát điều hành Đô thị thông minh của tỉnh và xây dựng Hệ sinh thái trong 05 lĩnh vực: Giáo dục, Y tế, Du lịch, Giao thông, Môi trường.

9. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đảm bảo quốc phòng, an ninh

Tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2011 - 2020. Tập trung xây dựng, hoàn thiện chính quyền điện tử, hoàn thiện các quy trình vận hành Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh, Trung tâm Hành chính công cấp huyện. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động và tổng kết tình hình thực hiện Đề án Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã.

Đẩy mạnh CCHC gắn liền với ứng dụng CNTT và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015, tăng cường tiếp nhận, giao trả trực tuyến TTHC mức độ 3, mức độ 4, tạo lập hồ sơ, tài khoản trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Rà soát và giải quyết sớm các thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho những dự án lớn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, huy động mọi nguồn vốn xã hội vào sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị chậm giải quyết các thủ tục hành chính để tồn đọng kéo dài. Phấn đấu 01 tháng triển khai thực hiện 01 dự án có trị giá từ 100 tỷ trở lên.

Triển khai đồng bộ hệ thống quản lý văn bản, đảm bảo kết nối, liên thông bốn cấp; xây dựng hình ảnh "chính quyền thân thiện, phục vụ". Có kế hoạch cải thiện các chỉ số PAR-Index và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) phấn đấu vị trí trong top 10 của cả nước. Tăng cường quản lý công tác tổ chức bộ máy và siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn tỉnh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hoàn thành Đề án “Hợp nhất các thiết chế Văn hóa - Thông tin cấp xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm tổ chức thành công các ngày lễ, sự kiện lớn trong năm: Festival Huế 2020, bảo vệ an toàn ASEAN 2020, Đại hội Đảng các cấp tiến tới./.


Cục Thống kê tỉnh Thừa Thiên - Huế

    Tổng số lượt xem: 832
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)