Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 01/06/2020-19:16:00 PM
Tạo khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU
(MPI) - Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 01/6/2020, thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này (Phán quyết EVIPA) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp thường trực theo Hiệp định.

Do vậy, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc ban hành Nghị quyết này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo hộ đầu tư phù hợp với quy định của Hiệp định. Đồng thời, bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán, đúng lộ trình cam kết của Việt Nam về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định.

Nghị quyết này cần đáp ứng các yêu cầu như bảo đảm tối đa lợi ích của Việt Nam khi thực hiện Nghị quyết, tránh mở rộng cam kết cho các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. Bảo đảm tính khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết có 3 Điều. Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết. Theo đó, Nghị quyết này quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định.

Điều 2 quy định về công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA. Khoản 1 quy định chung về cơ chế công nhận và cho thi hành Phán quyết EVIPA. Theo đó, Tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này. Khoản 2 quy định về cơ chế đặc thù áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn sau thời gian này đối với Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam. Theo đó, trong thời gian này, Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam được công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết và trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị quyết. Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện Điều 2 của Nghị quyết; Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA, thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam và việc kéo dài thời gian chuyển tiếp nêu tại Điều 2.

Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đối với các bên tranh chấp, các quy định của Nghị quyết này góp phần thực hiện các quyền của các bên tranh chấp một cách đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Đối với Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết không tạo ra một cơ chế mới để nhà đầu tư kiện nhà nước Việt Nam, không tăng rủi ro thua kiện của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với 21 nước thành viên EU. Đối với tranh chấp đầu tư phát sinh từ các Hiệp định này, việc công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài được thực hiện theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài (Công ước New York năm 1958). Việt Nam cũng đã tham gia Công ước New York năm 1958 và những nội dung của Công ước này đã được nội luật hóa tại các Chương 35 và 37 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Do đó, việc ban hành Nghị quyết không làm phát sinh nghĩa vụ mới về tài chính đối với Việt Nam trong trường hợp Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do thua kiện. Tuy nhiên, để đảm bảo thi hành Nghị quyết, cần tổ chức đào tạo và nâng cao năng lực đội ngũ thẩm phán cũng như các cơ quan thi hành pháp luật để thực hiện có hiệu quả chức năng công nhận và cho thi hành Phán quyết, đáp ứng yêu cầu thực thi Hiệp định.

Đối với hệ thống pháp luật, các quy định của Nghị quyết đảm bảo tính ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam, không yêu cầu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Trọng tài thương mại...

Đối với môi trường đầu tư kinh doanh, việc ban hành Nghị quyết sẽ tạo khung pháp lý đầy đủ và có hiệu quả hơn nữa cho việc bảo hộ đầu tư của nhà đầu tư EU tại Việt Nam cũng như nhà đầu tư Việt Nam tại các nước thành viên EU, đồng thời góp phần củng cố niềm tin của các doanh nghiệp vào tính hấp dẫn, an toàn và thân thiện của môi trường đầu tư tại Việt Nam./.

Mai Phương
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5490
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)