(MPI) - Quan điểm của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra; phát huy sáng tạo, chung sức, đồng lòng nỗ lực vượt qua khó khăn; quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2020 của cả nước và của từng bộ, ngành, địa phương.
|
Quang cảnh Họp báo. Ảnh: chinhphu.vn |
Đây là nội dung được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020 diễn ra chiều ngày 02/6/2020. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự Họp báo.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, ngày 02/6/2020dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2020 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, thảo luận và quyết định các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Phiên họp diễn ra trong bối cảnh 46 ngày qua chúng ta không có ca nhiễm Covid-19 mới trong cộng đồng, phần lớn ca nhiễm đã ra viện.
Trong tháng 5/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp và làm việc với các doanh nghiệp, địa phương, vùng kinh tế trọng điểm để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ về ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và mới đây là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Xác định việc sớm kiềm chế được dịch bệnh là cơ hội vàng rất quan trọng để Việt Nam vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong điều hành, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, chủ động thu hút đầu tư phát triển, kể cả trong nước và quốc tế.
Tại phiên họp Chính phủ, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, ngay sau khi thực hiện việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, thiết lập trạng thái bình thường mới; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự hào hứng quay trở lại làm việc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa với sức sống mạnh mẽ đã được phát động, các trung tâm du lịch lớn đón đông du khách nội địa. Các hãng hàng không, ngành du lịch bị thiệt nặng nề do Covid-19 đã trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp. Một điều đáng mừng khác là nhiều tỉnh, thành phố có quyết tâm rất cao trong phát triển, phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch Nhà nước năm 2020.
|
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020. Ảnh: chinhphu.vn |
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 5/2020 đã có nhiều chuyển biến tích cực
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg, tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng giảm 0,03% so với tháng 4/2020. Tính chung 5 tháng, CPI bình quân tăng 4,39% so với cùng kỳ.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường. Tính đến ngày 20/5/2020, huy động vốn tăng 1,85%; tín dụng tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Trong tháng, tiếp tục điều chỉnh giảm lần 2 các mức lãi suất điều hành, trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. So với các nước trong khu vực, Việt Nam thực hiện mức giảm lãi suất lớn nhất.
Thu ngân sách Nhà nước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch và chính sách gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; 5 tháng ước đạt 577 nghìn tỷ đồng, bằng 38,2% dự toán năm, giảm 9,2% so với cùng kỳ.
Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng tiến độ; tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường, các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 607,8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,8% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài (FDI) đạt thấp, ước khoảng 13,89 tỷ USD, giảm 17% so cùng kỳ. Giải ngân vốn FDI ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 8,2%.
Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đạt trên 122,2 nghìn tỷ đồng, bằng 25,98% kế hoạch giao (cùng kỳ đạt 23,25%), trong đó giải ngân vốn nước ngoài có chuyển biến tích cực, đạt 12,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2020 cao hơn cùng kỳ năm 2019 nhưng còn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giao chi tiết vốn cho các dự án, vướng mắc giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công và đặc biệt là công tác phối hợp, chỉ đạo điều hành ở một số bộ, ngành, địa phương và ban quản lý dự án còn chậm trễ, thụ động. Do đó, trong thời gian tới, cần thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa công tác giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt cần gắn với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu để có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân hết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do xâm nhập mặn và hạn hán diễn ra gay gắt tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng năng suất lúa bình quân cả nước và diện tích một số cây màu vẫn tăng so với cùng kỳ. Chăn nuôi lợn có tốc độ tái đàn chậm, chăn nuôi gia cầm và bò phát triển tốt. Sản xuất thủy sản và lâm nghiệp phục hồi, sản lượng thủy sản tháng 5 tăng 1,7% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng tăng 2,2%, tuy nhiên ngành thủy sản tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Sản xuất công nghiệp trong tháng có tín hiệu tích cực khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2% so với tháng 4/2020, tuy nhiên tính chung 5 tháng chỉ tăng 1% so với cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất nhiều năm qua, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 2,2% (cùng kỳ tăng 10,9%). Một số sản phẩm chủ lực giảm sâu, như sản xuất ô tô (26,9%), xe máy (15,6%), dầu thô khai thác (13,7%), vải dệt từ sợi nhân tạo (11,4%).
Khu vực dịch vụ từng bước được khôi phục sau giãn cách xã hội, đặc biệt là du lịch nội địa, vận tải. Hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng có dấu hiệu tăng trở lại, tuy nhiên vẫn chưa thực sự sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng tăng 26,9% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng giảm 3,9% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ tăng 8,5%), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng nhẹ nhờ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu, không có biến động về giá, đồng thời người dân có xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng theo hình thức mua sắm trực tuyến.
Xuất, nhập khẩu tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường là đối tác thương mại chính của nước ta. Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 99,4 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 97,5 tỷ USD, giảm 3,8%; xuất siêu 1,9 tỷ USD, trong đó xuất siêu sang EU giảm 22,5%.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng được cải thiện hơn so với tháng 4/2020, với hơn 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1% so với tháng 4/2020 và tăng 0,3% so với cùng kỳ nhưng chỉ bằng 87% so với tháng 3/2020; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (tăng 32,7% so với tháng 4/2020 và tăng 105,4% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch bệnh trong 4 tháng đầu năm là rất lớn, các chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp tháng 4 ở mức thấp nên chưa thể lạc quan ngay với tình hình đăng ký doanh nghiệp có tăng trưởng trong tháng 5. Tính chung 5 tháng, cả nước có trên 48,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,5% về số doanh nghiệp và giảm 16,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.
Tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra
Theo Báo cáo, hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tuy nhiên chúng ta không được chủ quan, tự mãn vì trước mắt nhiệm vụ còn rất khó khăn, nặng nề, tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường. Từ nay đến cuối năm, các cấp, các ngành cần tập trung cao độ, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP, Chỉ thị số 11/CT-TTg và đặc biệt là Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến phức tạp của đại dịch, đổi mới tư duy, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, để có những giải pháp ứng phó kịp thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả của đại dịch, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân. Chủ động nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các kịch bản để sẵn sàng chuẩn bị và ứng phó hiệu quả với các diễn biến mới, tác động của đại dịch Covid-19 cũng như sự suy giảm của các quốc gia là đối tác thương mại - đầu tư chủ yếu của ta cũng như các quốc gia khác, từ đó kịp thời đề xuất các giải pháp chính xác, nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần chuẩn bị tốt công tác sơ kết đánh giá tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm, tập trung tháo gỡ khó khăn, tìm ra những giải pháp hữu hiệu để tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020; chuẩn bị triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, tạo nền tảng vững chắc cho phục hồi và phát triển đất nước trong thời gian tới./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư