(MPI) – Theo Báo cáo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới sụt giảm trong 4 tháng đầu năm giai đoạn 2015-2020. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng năm 2020 là 1.126.164 tỷ đồng, giảm 20,4% so với cùng kỳ năm 2019. Có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019, trong đó có 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ 2019.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Để thích ứng với dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm: đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.
Giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động trong thời điểm hiện nay đang được nhiều doanh nghiêp áp dụng, với tỷ lệ cao nhất 44,7%; có 17,0% doanh nghiệp thực hiện giải pháp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống; có 7,7% doanh nghiệp thực hiện giải pháp tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào. Tiếp đến, các doanh nghiệp lựa chọn các giải pháp: Chuyển đổi sản phẩm chủ lực và đẩy mạnh thương mại điện tử cũng được một bộ phận doanh nghiệp lựa chọn, với tỷ lệ 5,4% và 3,9%.
Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường có thị trường đa dạng và tiềm lực kinh tế vững chắc hơn so với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vì vậy, tỷ lệ doanh nghiệp lớn áp dụng 5 giải pháp trên đều cao hơn so với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, tỷ lệ này giảm dần theo quy mô của doanh nghiệp. Theo loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI có quy mô doanh nghiệp trung bình lớn hơn so với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, vì vậy hai khu vực doanh nghiệp này cũng áp dụng 5 giải pháp với tỷ lệ cao hơn so với khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Nếu dịch kéo dài đến hết quý II, dự kiến cả nước có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động; nếu dịch kéo dài đến hết quý III, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng lên 160 nghìn; đến hết quý IV tăng lên 205 nghìn doanh nghiệp.
Theo quy mô, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động cao nhất với 23,6%. Theo loại hình doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ tạm ngừng hoạt động ở mức cao nhất, cùng đạt 20,3%. Theo ngành kinh tế, khu vực dịch vụ có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động cao nhất với 22,1%. Trong khu vực dịch vụ, tỷ lệ trên đạt rất cao ở các nhóm ngành ăn uống, lưu trú và du lịch, với tỷ lệ lần lượt là 54,0%; 51,1% và 49,5%.
Qua kết quả khảo sát của 126.565 doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế, ở tất cả các địa phương, Tổng cục Thống kê dự báo: Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến cuối quý II/2020, ước tính có 134 nghìn doanh nghiệp cả nước phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản; trong đó, có hơn 98 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ và gần 35 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng phải tạm ngừng hoạt động; theo quy mô doanh nghiệp: Có gần 130 nghìn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ phải tạm ngừng hoạt động.
Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết quý III/2020, doanh nghiệp gặp khó khăn càng trở nên nghiêm trọng, ước tính sẽ có hơn 160 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoặc phá sản và con số này tiếp tục tăng nhanh lên hơn 205 nghìn doanh nghiệp nếu dịch kéo dài đến hết quý IV.
Những khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh thu quý I/2020 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp giảm mạnh xuống còn 74,1% so với cùng kỳ năm 2019 và ước tính 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu sẽ tiếp tục giảm xuống chỉ bằng 69,6% so với cùng kỳ.
Theo quy mô doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ là hai nhóm có sự sụt giảm doanh thu mạnh nhất. Dự kiến doanh thu quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 của hai nhóm doanh nghiệp này chỉ đạt 59,9% và 61,4%. Dự kiến 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của các nhóm doanh nghiệp hoạt động trong các ngành sau sẽ giảm mạnh, cụ thể:Ngành đại lý du lịch chỉ bằng 44,0% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ này ở các ngành:Giáo dục và đào tạo: 47,6%; lưu trú: 56,0%, ăn uống: 59,7% và hàng không: 76,5%.
Kinh tế bị đình trệ kéo theo nhu cầu về lao động của khu vực doanh nghiệp sụt giảm, ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động. Qua số liệu khảo sát, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tính đến hết quý I/2020, có tới 21,6% lao động bị mất việc làm; 7,5% lao động phải tạm nghỉ việc không lương; 9,0% lao động bị giảm lương và 22,8% lao động bị giãn việc/nghỉ luân phiên.
Theo quy mô doanh nghiệp, lao động bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 của nhóm doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị tác động bởi dịch chỉ đạt mức 70,0%, do đây là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và tỷ lệ doanh nghiệp không thể tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao hơn so với nhóm doanh nghiệp có quy mô lớn. Dự báo sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4, khi đó tỷ lệ lao động bình quân 4 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 65,0% so với cùng kỳ năm 2019. Lao động của nhóm doanh nghiệp quy mô lớn bình quân quý I chỉ bằng 82,9% so với cùng kỳ năm 2019, ước tính bình quân 4 tháng đầu năm 2020 lao động sẽ giảm xuống chỉ bằng 79,0% so với 4 tháng đầu năm 2019. Lực lượng lao động của nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi có tới 13,3% và 12,6% lao động tạm thời phải nghỉ việc không lương; 12,7% và 11,4% lao động bị giảm lương. Các doanh nghiệp quy mô vừa cũng có 10,9% lao động phải nghỉ không lương và 12,3% giảm lương. Xu hướng này ở các doanh nghiệp quy mô lớn được cải thiện hơn, chỉ có 5,7% lao động phải nghỉ không lương và 7,8% lao động bị giảm lương.
Theo loại hình doanh nghiệp: khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tỷ lệ lao động nghỉ việc nhiều nhất là 28,7%; tiếp theo là khu vực doanh nghiệp Nhà nước với 25,9% và khu vực doanh nghiệp FDI với 23,3%. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp FDI có mức lương ổn định nhất so với các khu vực doanh nghiệp còn lại, chỉ 13,8% doanh nghiệp FDI áp dụng giải pháp cho lao động nghỉ không lương và 10,7% doanh nghiệp áp dụng giải pháp giảm lương nhân viên; trong khi tỷ lệ doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và giảm lương ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 18,4% và 23,1%; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 21,8% và 19,2%.
Theo ngành kinh tế, một số ngành công nghiệp trọng điểm cũng đang đối mặt với việc cắt giảm lao động, lao động của quý I/2020 trong ngành da giày chỉ bằng 70,1% so với cùng kỳ năm 2019; ô tô chỉ bằng 78,2%, may mặc: 84,1%, điện tử: 89,2%. Tỷ lệ này ở một số ngành dịch vụ như ngành ăn uống: 61,5%, lưu trú: 72,1% và hàng không: 83,4%. Lao động của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống đang bị ảnh hưởng rất nặng nề khi lao động bị sụt giảm mạnh, đi kèm với số lao động tạm nghỉ việc không lương hoặc bị giảm lương ở mức cao. Có tới 36,2% lao động ngành lưu trú và 33,8% lao động ngành ăn uống đang phải nghỉ không lương tại thời điểm hiện nay; cùng với đó là 26,9% lao động ngành lưu trú và 18,9% lao động ngành ăn uống bị giảm lương. Ngành hàng không tuy chỉ có 5,9% lao động phải nghỉ việc không lương, nhưng ngành này lại có tới 94,9% lao động bị giảm lương, bên cạnh đó cũng có một bộ phận không nhỏ lao động của ngành này đang phải áp dụng giải pháp giãn việc/nghỉ luân phiên, lên tới 64,7% số doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong thời gian tới, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy nhanh tiến độ, thủ tục giải ngân hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, bao gồm: Nâng cao tính khả thi của các giải pháp hỗ trợ, nâng cao khả năng tiếp cận của doanh nghiệp tới gói hỗ trợ: cắt giảm thủ tục, giấy tờ chứng minh, xét duyệt; ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể, minh bạch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong phổ biến kịp thời công văn hướng dẫn cụ thể về đối tượng áp dụng, mức độ áp dụng và quy trình thực hiện tới từng doanh nghiệp; Tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp thời gian này để doanh nghiệp tập trung vào phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh; hiện tại một số doanh nghiệp vẫn nhận được công văn yêu cầu thanh tra, kiểm toán doanh nghiệp trong tháng 5 tới; Mở rộng phạm vi nhóm ngành và đối tượng được hưởng ưu đãi; Triển khai hệ thống cổng thông tin quốc gia đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực để doanh nghiệp có thể tiến hành đăng ký và nộp hồ sơ xét duyệt qua mạng, hạn chế việc đi lại, có thể nhận và gửi công văn đến cơ quan hải quan nhanh chóng và thuận tiện; Có quy định chung về tiêu chí xác định biên độ giảm lãi, quy trình thực hiện, thẩm định và xét duyệt; Hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp trả lương cho người lao động, giúp doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động có tay nghề/trình độ chuyên môn cao./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư