(MPI) – Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội tại phiên thảo luận Tổ diễn ra chiều ngày 08/6/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng điều quan trọng nhất là có giải pháp đúng, kịp thời, đủ mạnh và phải thực hiện cho được, tranh thủ các cơ hội, vượt qua được các thách thức để mang lại kết quả cao nhất.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó có phân tích rõ về tình hình quốc tế, tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế, xã hội; Về những vấn đề nổi lên của tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2020; Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2020, đồng thời các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế ở từng khu vực, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chống thất thoát trong đầu tư công… trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với việc sản xuất kinh doanh.
Tham gia thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, song năm 2019 kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối đồng bộ tất cả các mục tiêu đã được Quốc hội đề ra. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Nguyễn Chí Dũng tham gia thảo luận tại Tổ số 07 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Tuyên Quang, Thái Bình, Ninh Thuận và Quảng Trị.
Về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, các đại biểu tập trung cho ý kiến về thực hiện chính sách tài khóa năm 2018; công tác quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế, chấp hành nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế; kết quả thực hiện chi ngân sách nhà nước năm 2018, tập trung vào một số khoản chi như: chi đầu tư phát triển, chi cho một số lĩnh vực quan trọng (giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, sự nghiệp kinh tế, chi lương hưu và bảo đảm an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia) và chi chuyển nguồn; việc kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách; hiệu quả quản lý ngân sách; việc chấp hành các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; việc phân bổ, điều chỉnh dự toán, quyết toán một số khoản chi đầu tư của các Chương trình mục tiêu nằm ngoài đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc thực hiện quyết toán theo các phụ lục đính kèm Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ và một số vấn đề khác.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình mục tiêu quốc gia; quan điểm, nguyên tắc, phân công nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn, tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia; nội dung, giải pháp, đề xuất nguồn lực và sự phù hợp, tính khả thi các dự án, tiểu dự án cụ thể trong Chương trình mục tiêu quốc gia; vấn đề quản lý, hạn chế, chấm dứt tình trạng di cư tự phát; về phát triển làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi;…
|
Toàn cảnh phiên thảo luận của Tổ 07. Ảnh: quochoi.vn
|
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Sinh bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung đánh giá của Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020. Đồng thời cho rằng, về nhiệm vụ giải pháp, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa đầu tư kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin. Hiện nay, đầu tư để nền kinh tế phát triển theo hướng kinh tế số thì sự quan tâm của Nhà nước chưa theo kịp và thực tế cho thấy, hạ tầng phần cứng chủ yếu là do doanh nghiệp làm, còn cơ sở dữ liệu thì các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương đều có cơ sở dữ liệu rất tốn kém nhưng không kết nối dẫn đến vừa thừa vừa thiếu. Do vậy, theo Đại biểu, Chính phủ cần quan tâm làm tốt việc này.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Hoàng Bình Quân đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội năm 2019, đặc biệt là chỉ tiêu về GDP và tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là những chỉ tiêu quan trọng mang tính chi phối, là nguồn mạch cho sự phát triển kinh tế. Do đó, việc vượt kế hoạch đề ra ở cả hai chỉ tiêu này là điều rất quan trọng, cần được phân tích sâu hơn để thấy được sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành liên quan. Kết quả huy động vốn xã hội đạt 33,9% cũng là dấu hiệu tích cực bởi huy động được vốn xã hội cho sinh lực của nền kinh tế là rất quan trọng.
Đại biểu Hoàng Bình Quân cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến một số tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa chú trọng đến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là sa mạc hóa ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, cũng như xâm nhập mặn Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khi nền kinh tế của nước ta nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn và những vấn đề này ảnh hưởng lớn đến ngành này, do đó, nếu không được quan tâm xử lý sẽ ảnh hưởng đến phát triển.
Đại biểu Hoàng Bình Quân cũng cho rằng, hậu dịch Covid-19 sẽ là bức tranh khác về kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà của toàn thế giới.. Việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng là hoàn toàn đúng đắn, quan trọng và cần thiết, bởi điều chỉnh chỉ tiêu sẽ giúp rõ ràng trong phân bổ nguồn lực cũng như điều tiết, điều hành thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để bù đắp cho sự thiếu hụt động lực tăng trưởng, trong đó ưu tiên những dự án giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, hạ tầng, tăng cường công nghệ thông tin. Đồng thời, cần tổ chức nghiên cứu để có chương trình cụ thể để thích ứng với tình hình khi chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có sự thay đổi và đón dòng vốn đầu tư.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Tuân đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung hạn chế về sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong những tháng đầu năm 2020 bởi tác động của dịch Covid-19; đánh giá sâu hơn thế mạnh, hiệu quả trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành trong lĩnh vực nông nghiệp, các vấn đề sản phẩm có sản lượng chiếm tỷ trọng cao, việc tăng giá đối với sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giá thịt lợn; vấn đề xử lý môi trường trong nông nghiệp và xử lý rác thải nông thôn; tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, bạo lực học đường, bảo vệ trẻ em phụ nữ.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuân đề nghị cần có thêm đánh giá về tình hình năm 2020 và nhận diện cơ hội thách thức trong năm nay và các năm tiếp theo để có lộ trình phòng chống, không thể chủ quan với dịch. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo chỉ đạo điều hành, gỡ nút thắt trong quản lý đất đai, giải ngân vốn đầu tư công; cơ chế đẩy nhanh các giải pháp cơ cấu ngành sản xuất công nghiệp bù đắp phát triển.
|
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn |
Làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 chúng ta hoàn thành nổi bật tất cả các chỉ tiêu đề ra, đưa ra bức tranh hết sức tích cực. Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới cũng như mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội của con người. Ở trong nước, với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của người dân và xã hội, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến du lịch, giảm nhu cầu, giảm xuất nhập khẩu. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 xấu, tháng 5 có khởi sắc nhưng tình hình tháng 6 đang được dự báo còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã theo dõi hết sức chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, liên tục đưa ra giải pháp, các gói hỗ trợ, trước hết là hướng đến nhóm đối tượng là gia đình có công với Cách mạng, đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ người lao động, giãn hoãn các khoản phải nộp, phải thu và hiện đang hướng đến miễn giảm các khoản phải nộp với mục tiêu giúp doanh nghiệp duy trì, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, tham gia vào mạng lưới sản xuất, thị trường sau đó các doanh nghiệp sẽ phục hồi, không bị phá sản.
Về dự báo tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình trong nước và thế giới sẽ còn nhiều khó khăn khi chưa có vacxin, chưa có thuốc đặc trị dịch bệnh Covid-19. Trong bối cảnh Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhưng trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì chỉ tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước. Về xuất nhập khẩu, nhu cầu các mặt hàng cũng như các đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp đều bị giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của người lao động. Trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới có dự báo mức tăng trưởng kinh tế âm, nhưng Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng dương. Chính phủ đã tính toán, đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Do đó, Chính phủ đã cân nhắc mọi mặt và quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Đây vẫn là mức rất cao nhưng đặt mục tiêu thấp thì không còn động lực phấn đấu bởi tinh thần của chúng ta là cố gắng ở mức cao nhất. Điều quan trọng nhất là làm thế nào để có giải pháp đúng, kịp thời, đủ mạnh và phải thực hiện cho được để tranh thủ các cơ hội, vượt qua được các thách thức để mang lại kết quả cao nhất.
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định phải thực hiện tất cả các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, các nghị định, nghị quyết hằng tháng, quý, nghị quyết chuyên đề và gần đây nhất là Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 với rất nhiều nhiệm vụ cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương và nếu hoàn thành hết các giải pháp đề ra là rất tốt. Theo đó, trước mắt tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp, giải ngân nhanh và hết vốn đầu tư công, mục tiêu đề ra là trên 90-95%.
Cùng với đó, phải tranh thủ sự dịch chuyển hiện nay về đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng chiến lược, quyết sách về thu hút đầu tư có chọn lọc với việc đưa ra các tiêu chí cụ thể như công nghệ cao, giá trị gia tăng, vốn trên diện tích đất, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam;… Đặc biệt, phải hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Bởi thực tế doanh nghiệp trong nước hiện nay yếu về năng lực cạnh tranh, về vốn, mặt bằng, công nghệ, lao động, thị trường… đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như hiện nay. Do vậy, cần phải có các giải pháp giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tranh thủ được cơ hội từ các hiệp định FTA mang lại; cần phải có các nghiên cứu để doanh nghiệp Việt Nam không bị phá sản, hạn chế phá sản, hạn chế sự thâu tóm của doanh nghiệp nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nghiên cứu và xây dựng chiến lược, báo cáo Chính phủ để có quyết sách thu hút đầu tư có chọn lọc trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, phải kích cầu đầu tư, tiêu dùng nội địa, tập trung vào các dự án quan trọng, dự án trọng điểm để phục hồi nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong giai đoạn tới, đạt được nhiều mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Về giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình quý I và 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, mặc dù chưa đạt như kỳ vọng nhưng đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với cùng kỳ, giá trị tuyệt đối cao hơn. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng. Để đẩy mạnh đầu tư công, Chính phủ đã đề ra giải pháp là gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá thi đua khen thưởng trong năm đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao và sẽ được công bố đầy đủ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư