Theo báo Bưu điện Tài chính của Canada ngày 4/4, Nhật Bản đang chuẩn bị đầu tư trực tiếp hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên ở miền Tây Canada, một phần trong kế hoạch nhằm giành được nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn để thay thế điện hạt nhân.
Mô hình mới này của Nhật Bản có thể làm "nóng" cuộc chạy đua của các quốc gia châu Á trong việc giành các dự án tài nguyên và cơ sở hạ tầng năng lượng ở miền Tây Canada, mà cho đến nay Trung Quốc vẫn dẫn đầu.
Phát biểu với báo giới, Tổng giám đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, Tadashi Maeda, cho biết nước này đã sẵn sàng bắt đầu thảo luận với các cơ quan chính phủ và tư nhân tại Canada để hỗ trợ việc xây dựng các tuyến đường ống và cảng xuất khẩu LNG, phục vụ riêng cho thị trường Nhật Bản. Ông Maeda nói: "Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị thực hiện một khoản đầu tư chiến lược nhằm phát triển một thị trường hàng hóa cho khí đốt tự nhiên, một thị trường linh hoạt và minh bạch hơn, nhằm lấp đầy khoảng trống của nhu cầu cơ sở hạ tầng." Tokyo hy vọng có thể bắt đầu nhập khẩu LNG của Canada vào năm 2020.
Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu năng lượng trầm trọng sau thảm họa động đất và hạt nhân 2 năm trước đây, khiến nước này phải tránh xa điện hạt nhân vì những quan ngại an toàn. Ông Maeda cho biết chỉ còn 2 trong số 50 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản vẫn đang hoạt động. Để bù sản lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân cung cấp, Nhật Bản đang tiến hành việc triệt để tiết kiệm năng lượng và tăng đáng kể việc nhập khẩu LNG.
Song, kế hoạch trên đang khiến kim ngạch nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản tăng vọt do giá LNG châu Á tương đối đắt, so với giá khí đốt tự nhiên của Bắc Mỹ kể từ sau khi phát hiện các vỉa khí đốt đá phiến lớn. Nhật Bản đang cố gắng xây dựng một ngành khí đốt tự nhiên liên kết dựa trên giá khí đốt Bắc Mỹ, xây dựng cơ sở hạ tầng và quảng cáo khí đốt tới khách hàng.
Ông Maeda là một trong số hàng chục người tham dự hội nghị đầu tiên của giới lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ của châu Á và Bắc Mỹ tại Canada để xây dựng một ngành năng lượng, liên kết các nguồn cung cấp năng lượng Bắc Mỹ và các thị trường châu Á, nơi nhu cầu năng lượng đang tăng cao.
Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ Trung Đông và Nga và mong muốn tạo dựng các mối quan hệ năng lượng với Canada và Mỹ để học hỏi các công nghệ năng lượng mới và giá dầu khí dựa trên thị trường.
Ông Maeda cho biết Nhật Bản cũng đang tìm cách nhập khẩu khí đốt của Mỹ nhưng muốn tạo dựng quan hệ đối tác năng lượng với Canada hơn, vì chi phí vận chuyển LNG từ bờ biển phía Tây Canada thấp hơn. Đầu tư của Chính phủ Nhật Bản vào Canada có thể có nằm dưới nhiều hình thức như liên quan đến một côngxoócxium các công ty năng lượng Nhật Bản, được lợi từ việc bảo lãnh vốn vay của chính phủ, hoặc có thể liên quan đến đầu tư trực tiếp của chính phủ.
Các công ty Nhật Bản đã tham gia vào ngành công nghiệp LNG non trẻ ở miền Tây Canada . Sáu cảng xuất khẩu LNG dự kiến được xây dựng ở bờ biển phía Bắc tỉnh British Columbia. Nhưng Chính phủ Nhật Bản đang muốn đóng một vai trò trực tiếp bởi vì lợi ích của các công ty Nhật Bản không phải lúc nào cũng trùng với lợi ích của chính phủ. Ví dụ, các công ty được tự do bán LNG cho các thị trường, trong khi Tokyo muốn mua được càng nhiều LNG của Canada càng tốt.
Ông Maeda cũng nói rõ rằng chiến lược LNG này khác với gói kích thích kinh tế được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vừa công bố và đầu tư trực tiếp của Chính phủ Nhật Bản sẽ không gây ra phản ứng dữ dội tại Canada như vụ công ty Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mua lại công ty Nexen./.