Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 09/06/2020-10:59:00 AM
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5 năm 2020

I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 5/2020

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Với việc thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống dịch, được các tổ chức quốc tế, các quốc gia đánh giá cao, tạo được niềm tin cho nhân dân. Các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại, góp phần giải quyết việc làm, từng bước phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đây là chìa khóa để khởi động lại guồng quay hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 09/5/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế; các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”. Sự quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ cùng với tác động tích cực của hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch trong thời gian qua đã mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở sự khởi sắc của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2020.

Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2020 là 10.728 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 112.720 tỷ đồng, tăng 0,3% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2019. So sánh với tháng 4/2020 (thời điểm dịch bệnh ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp và cả nước thực hiện giãn cách xã hội), số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký tăng lần lượt 36,1% và 20,1%. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2020 là 91.455 người, tăng 27,0% so với tháng 4/2020 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019 (trong khi tháng 5/2019 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018).

- Phân theo lĩnh vực hoạt động

Sau giai đoạn số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường bị chững lại do dịch bệnh Covid-19, tháng 5/2020 đã đón nhận những tín hiệu tích cực với việc 16/17 ngành nghề kinh doanh có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với tháng 4/2020. Trong đó, đáng chú ý là những ngành chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã có sự gia tăng đáng kể như: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 238 doanh nghiệp (tăng 80,3%); Hoạt động dịch vụ khác với 71 doanh nghiệp (tăng 77,5%), Giáo dục và đào tạo với 228 doanh nghiệp (tăng 68,9%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí với 68 doanh nghiệp (tăng 65,9%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống với 380 doanh nghiệp (tăng 47,9%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác với 492 doanh nghiệp (tăng 28,8%). Khai khoáng là lĩnh vực duy nhất có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm so với tháng 4/2020 với 53 doanh nghiệp (giảm 1,9%).

Những ngành nghề chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 5/2020 như Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 3.607 doanh nghiệp (chiếm 33,6%); Xây dựng có 1.435 doanh nghiệp (chiếm 13,4%) và Công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.406 doanh nghiệp (chiếm 13,1%) đều có sự gia tăng về số doanh nghiệp thành lập mới so với tháng 4/2020 với tỷ lệ lần lượt là 32,9%; 34,1% và 24,0%.

Có thể nói việc bước đầu kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 ở nước ta đã cởi bỏ những nút thắt về tâm lý cho các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, niềm tin vào những chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ đã tăng lên, nhờ đó mà các doanh nghiệp đã có thể lên những kế hoạch mới nhằm nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển sau đại dịch.

- Phân theo địa bàn hoạt động

Trong tháng 5/2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với tháng 4/2020 trên cả 6 khu vực, cụ thể: Tây nguyên có 514 doanh nghiệp (chiếm 4,8% cả nước, tăng 73,1%); Đồng bằng Sông Cửu Long có 862 doanh nghiệp (chiếm 8,0% cả nước, tăng 55,9%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 1.567 doanh nghiệp (chiếm 14,6% cả nước, tăng 50,8%); Trung du và Miền núi phía Bắc có 449 doanh nghiệp (chiếm 4,2% cả nước, tăng 35,2%); Đông Nam Bộ có 4.248 doanh nghiệp (chiếm 39,6% cả nước, tăng 35,1%) và Đồng bằng Sông Hồng có 3.088 doanh nghiệp (chiếm 28,9% cả nước, tăng 22,5%).

Về số vốn đăng ký thành lập mới, có 5/6 khu vực có lượng vốn đăng ký tăng so với tháng 4/2020. Đặc biệt đáng chú ý, khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc với số vốn đăng ký 6.750 tỷ đồng, tăng đến 162,7%; khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (15.773 tỷ đồng, tăng 74,0%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (8.608 tỷ đồng, tăng 61,6%). Tỷ lệ tăng này tập trung chủ yếu ở các tỉnh như: Lai Châu (tăng 2155,6%), Hòa Bình (633,8%), Vĩnh Long (575,5%), Long An (444,9%), Quảng Nam (412,4%) và Hậu Giang (405,6%). Đây là những địa phương có số vốn đăng ký doanh nghiệp trong tháng 4/2020 khá thấp do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, các địa phương này là những địa phương thuộc nhóm có nguy cơ dịch bệnh thấp nên việc giãn cách xã hội đã được nới lỏng sau ngày 15/4/2020. Do đó, doanh nghiệp tại các địa phương này đã nhanh chóng bắt tay vào những kế hoạch kinh doanh mới và quay trở lại đầu tư kinh doanh một cách mạnh mẽ.

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2020 là 5.056 doanh nghiệp, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32,7% so với tháng 4/2020. Tương tự như tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 5/2020 cũng tăng so với tháng 4/2020 ở 16/17 ngành nghề kinh doanh. Trong đó đáng lưu ý là các ngành chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh đều có số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí với 54 doanh nghiệp (tăng 145,5%); Giáo dục và đào tạo với 173 doanh nghiệp (tăng 88%); Hoạt động dịch vụ khác với 82 doanh nghiệp (tăng 86,4%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 91 doanh nghiệp (tăng 51,7%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác với 270 doanh nghiệp (tăng 33,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống với 244 doanh nghiệp (tăng 24,5%).

Có thể thấy rằng ảnh hưởng của dịch bệnh lên hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất rõ nét, tuy nhiên đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp nhạy bén sẽ chuyển trạng thái từ “đóng băng” sang nắm bắt ngay những thời cơ mới để phát triển. Đây là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế, làm tiền đề cho một sự phát triển bền vững hơn. Trong thời gian khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy rất tốt những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đó là tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động có các giải pháp tự cứu mình. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực của dịch bệnh như áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…

2. Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Mặc dù bức tranh doanh nghiệp thời điểm hiện tại đã và đang có một số tín hiệu tích cực, những mảng màu tươi sáng đến từ số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng song song với đó là sự tiếp tục gia tăng đáng kể của số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Mặc dù số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã có sự cải thiện so với tháng 4/2020 nhưng vẫn ở mức cao. Điều này đã thể hiện tác động dai dẳng của dịch bệnh Covid-19 đến cộng đồng doanh nghiệp.

2.1. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 5/2020 là 3.342 doanh nghiệp, giảm 18,9% so với tháng 4/2020 nhưng vẫn tăng 43,7% so với cùng kỳ năm 2019. 15/17 ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm. Các ngành nghề vốn chịu tác động lớn của dịch bệnh đều có xu hướng giảm mạnh về số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí với 26 doanh nghiệp (giảm 58,7%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống với 255 doanh nghiệp (giảm 40%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 31 doanh nghiệp (giảm 32,6%); Giáo dục và đào tạo với 74 doanh nghiệp (giảm 26%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác với 219 doanh nghiệp (giảm 23,2%); Hoạt động dịch vụ khác với 56 doanh nghiệp (giảm 15,2%). Bên cạnh sự gia tăng của số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời cũng như kế hoạch kích cầu tại nhiều ngành nghề mà trong đó nổi bật có du lịch, lĩnh vực có tác động đến nhiều ngành nghề dịch vụ khác.

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể trong tháng 5/2020 là 3.083 doanh nghiệp, tăng 47,6% so với tháng 5/2019 và tăng 42,3% so với tháng 4/2020; Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 962 doanh nghiệp, giảm 9,8% so với tháng 5/2019 và giảm 1,8% so với 4/2020. Những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trong những tháng đầu năm vẫn tiếp tục thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng số lượng doanh nghiệp chờ giải thể và giải thể, số liệu này sẽ có xu hướng giảm dần trong dài hạn khi mà dịch bệnh Covid-19 đã hoàn toàn được kiểm soát.

2.3. Doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Trong tháng 5/2020, số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 3.473 doanh nghiệp, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Những doanh nghiệp này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký.

II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2020

1. Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường

Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp những tháng đầu năm 2020 cho thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Thể hiện ở sự giảm sút về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký và sự gia tăng mạnh mẽ của số doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, so sánh số liệu 5 tháng đầu năm với giai đoạn 4 tháng đầu năm và Quý I năm 2020, có thể nhận thấy những sự giảm sút này đang có xu hướng đổi chiều. Trong thời gian sắp tới, nếu kịch bản kiểm soát dịch trong nước và quốc tế diễn biến theo chiều hướng tích cực thì dự kiến đây sẽ là bước đà thuận lợi cho việc phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp.

1.1. Doanh nghiệp thành lập mới

Trong 5 tháng đầu năm 2020 cả nước có 48.324 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ này thấp hơn so với tỷ lệ giảm của kỳ 4 tháng đầu năm 2020 khi so sánh với kỳ 4 tháng đầu năm 2019 (giảm 13,2%). Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 11,5 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2019 (4 tháng 2020 giảm 17,9% so với 4 tháng 2019). Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn tiếp tục có xu hướng thu hẹp quy mô trong ngắn hạn để đảm bảo an toàn cho đồng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 5 tháng năm 2020 là 1.375.363 tỷ đồng (giảm 17,0% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 557.943 tỷ đồng (giảm 16,7%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 817.420 tỷ đồng (giảm 17,2%) với 15.064 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.

Những tháng đầu năm 2020, tổng lượng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động giảm so với cùng kỳ năm trước cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng lớn bởi tình hình phức tạp và ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh Covid-19. Sang tháng 5, các chỉ tiêu đã có nhiều sự cải thiện, doanh nghiệp đã bắt đầu mạnh dạn trong việc nắm bắt những cơ hội, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, những ảnh hưởng của dịch bệnh trong Quý I và tháng 4 vẫn là rất lớn, vì thế số liệu trong 5 tháng đầu năm vẫn ghi nhận những sự sụt giảm. Nếu trong những tháng tới, tình hình dịch bệnh Covid-19 không có diễn biến xấu thì trong dài hạn, khi doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ trở lại, con số này sẽ có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đầu năm 2020 là 407.186 lao động, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2019.

- Phân theo lĩnh vực hoạt động:

Có tới 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 38,5%); Hoạt động dịch vụ khác (giảm 38,4%); Kinh doanh bất động sản (giảm 29,7%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 25,7%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh trong giai đoạn này.

Ở xu hướng ngược lại, 02 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 5 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm 2019 là Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 928 doanh nghiệp (tăng 95,0%) và Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 794 doanh nghiệp (tăng 5,6%). Một nguyên nhân giải thích cho việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập ở 02 ngành kinh doanh này là bởi vì đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, vì vậy bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Phân theo địa bàn:

Sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến doanh nghiệp trên khắp cả nước trở nên rõ nét khi mà 5/6 khu vực trên toàn quốc ghi nhận sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 19.869 doanh nghiệp (chiếm 41,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 245.333 tỷ đồng (chiếm 44,0% cả nước), giảm 11,5% về số doanh nghiệp và giảm 30,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh, có 11.897 doanh nghiệp (chiếm 75,0% của khu vực và chiếm 30,8% cả nước) với số vốn đăng ký là 197.841 tỷ đồng (chiếm 80,6% của khu vực và chiếm 35,5% cả nước), giảm 12,9% về số doanh nghiệp và giảm 33,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019.

Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 14.567 doanh nghiệp (chiếm 30,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 186.683 tỷ đồng (chiếm 33,5% cả nước), giảm 11,5% về số doanh nghiệp và tăng 11,3% về số vốn so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 9.422 doanh nghiệp (chiếm 64,7% của khu vực và chiếm 19,5% cả nước) với số vốn đăng ký là 142.620 tỷ đồng (chiếm 76,4% của khu vực và chiếm 25,6% cả nước), giảm 12,5% về số doanh nghiệp và tăng 33,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019.

Trung du và miền núi phía Bắc có mức độ giảm thấp nhất về số lượng doanh nghiệp thành lập mới với 2.041 doanh nghiệp (chiếm 4,2% cả nước), giảm 0.9% và số vốn đạt 21.459 tỷ đồng (chiếm 3,8%), giảm 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Phân theo quy mô vốn:

Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng với 42.283 doanh nghiệp (chiếm 89,6%, giảm 9,8% so với cùng kỳ 2019). Một điểm đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở mọi quy mô vốn đều đang có sự giảm sút, cụ thể: Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng là 2.549 doanh nghiệp (chiếm 5,3%, giảm 14,9% so với cùng kỳ 2019); Số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô từ 20 – 50 tỷ đồng là 1.370 doanh nghiệp (chiếm 2,8%, giảm 9,5% so với cùng kỳ 2019); số doanh nghiệp đăng ký thành lập với quy mô vốn từ 50 -100 tỷ đồng là 566 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 23,4% so với cùng kỳ 2019) và số doanh nghiệp đăng ký thành lập ở quy mô trên 100 tỷ đồng là 556 doanh nghiệp (chiếm 1,2%, giảm 25,6% so với cùng kỳ năm 2019).

1.2. Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Theo ghi nhận hàng năm thì khoảng thời gian những tháng đầu năm thường là lúc các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới, do đó, tỷ lệ doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thời gian này sẽ cao nhất. Tuy nhiên, các tháng đầu năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên đa số doanh nghiệp lựa chọn chần chừ, nghe ngóng thông tin để có thể đưa ra phương án tối ưu nhất. Sang tháng 5, tình hình dịch bệnh ở nước ta đã được kiểm soát tốt, các doanh nghiệp bắt đầu khởi động lại việc sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm nay là 21.707 doanh nghiệp, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2020 tập trung chủ yếu ở các ngành: Bán buôn, bán lẻ (7.815 doanh nghiệp, chiếm 36,0%, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019); Xây dựng (3.226 doanh nghiệp, chiếm 14,9%, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2019); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.693 doanh nghiệp, chiếm 12,4%, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2019).

2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Tình hình doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm đã thể hiện rõ xu hướng của doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đó là xu hướng chờ đợi, “đóng băng” hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng “ngủ đông” để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay “đóng cửa” doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Từ đầu tháng 5, cả nước đã chuyển từ thế “tĩnh” sang “động”, khởi động lại nền kinh tế và bắt đầu quá trình phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kép. Tuy nhiên, quãng thời gian này chưa đáng kể nên tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 5 tháng đầu năm vẫn có chiều hướng tăng.

Trong 5 tháng đầu năm 2020, có 48.621 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 8,6% so với cùng kỳ 2019), bao gồm: 26.008 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 36,4%), 16.548 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 14,5%), 6.065 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 4,8%). Trung bình mỗi tháng có 9.724 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

2.1. Doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Theo dữ liệu lịch sử thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của 5 tháng hàng năm trong giai đoạn 2015-2019 không có sự đột biến với mức trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 5 tháng đầu năm 2020 là 26.008 doanh nghiệp, tăng 36,4% với cùng kỳ năm 2019. Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 5 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu ý là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 16/17 lĩnh vực, bao gồm: (1) Bán buôn; bán lẻ; (2) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (3) Dịch vụ lưu trú và ăn uống; (4) Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; (5) Giáo dục và đào tạo; (6) Hoạt động dịch vụ khác; (7) Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; (8) Kinh doanh bất động sản; (9) Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; (10) Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; (11) Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; (12) Sản xuất phân phối, điện, nước, gas; (13) Thông tin và truyền thông; (14) Vận tải kho bãi; (15) Xây dựng; (16) Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.

Trong đó, một số lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 là: Kinh doanh bất động sản (717 doanh nghiệp, tăng 88,7%); Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (226 doanh nghiệp, tăng 72,5%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (1.623 doanh nghiệp, tăng 57,3%); Giáo dục và đào tạo (481 doanh nghiệp, tăng 48,5%) Hoạt động dịch vụ khác (369 doanh nghiệp, tăng 47,6%); Dịch vụ việc làm; du lịch (1.543 doanh nghiệp, tăng 46,4%); và Vận tải kho bãi (1.503 doanh nghiệp, tăng 28,7%). Đây là các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh Covid-19.

Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Đồng bằng Sông Hồng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất với 8.726 doanh nghiệp (chiếm 33,6% cả nước, tăng 33,7%); tiếp đến là Đông Nam Bộ với 8.857 doanh nghiệp (chiếm 34,1%, tăng 41,3%).

2.2. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể

Trong 5 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp chờ giải thể là 16.548 doanh nghiệp, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ (6.092 doanh nghiệp, chiếm 36,8%); Xây dựng (1.854 doanh nghiệp, chiếm 11,2%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.903 doanh nghiệp, chiếm 11,5%).

Đông Nam Bộ là khu vực có số lượng doanh nghiệp chờ giải thể lớn nhất (6.627 doanh nghiệp, chiếm 40,0%); tiếp đến là khu vực Đồng bằng sông Hồng (3.388 doanh nghiệp, chiếm 20,5%) và khu vực Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung (3.502 doanh nghiệp, chiếm 21,2%).

2.3. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 5 tháng đầu năm 2020 là 6.065 doanh nghiệp, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019.

9/17 ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng. Các lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 là Kinh doanh bất động sản; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội và Giáo dục và đào tạo với tỷ lệ tăng lần lượt là 52,0%; 35,1% và 28,5%.

Phân theo vùng lãnh thổ, 02 vùng có số lượng doanh nghiệp giải thể trong 5 tháng đầu năm 2020 tăng so cùng kỳ năm 2019 là: Đồng bằng sông Hồng (1.528 doanh nghiệp, tăng 12,4%) và Đông Nam Bộ (2.639 doanh nghiệp, tăng 12,8%).

Khu vực Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp giải thể thấp nhất với 163 doanh nghiệp (chiếm 2,7% cả nước, giảm 38,7%). Đồng bằng Sông Cửu Long có 620 doanh nghiệp (chiếm 10,2% cả nước, giảm 36,5%) và Trung du và miền núi phía Bắc có 240 doanh nghiệp (chiếm 4,0%, giảm 38,3%).

2.4. Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

Trong 5 tháng đầu năm 2020, trên cả nước có 17.436 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 8,0% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Những doanh nghiệp này có thể đang hoạt động, đã chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan nhà nước hoặc đã ngừng hoạt động nhưng không đăng ký./.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 5993
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)