(MPI Portal) - Ngày 30/7/2013, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo thường kỳ, thông báo tình hình phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2013.
|
Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ tháng 7/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã trình bày những nét chính về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013. Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2013 đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, tạo cơ sở để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2013.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2013 tăng 0,27%.
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục chuyển biến tích cực, đến 25/7/2013 ước tăng 5,02% (cùng kỳ 7 tháng đầu năm 2012 tăng 1,2%). Tín dụng tăng, lãi suất giảm cùng các biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế... đã góp phần tích cực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tình hình xuất nhập khẩu tích cực là một tín hiệu thể hiện sản xuất kinh doanh trong nước đang phục hồi. Tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 72,74 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân ODA đạt khá. Vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đầu năm ước đạt 6,65 tỷ USD, tăng 6,4% với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký ước đạt 11,91 tỷ USD, tăng 19,6%. Giải ngân ODA đạt 2,55 tỷ USD (đạt 59,3% kế hoạch năm).
Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 4,5%, quý II tăng 6% và tháng 7/2013 tăng 7%; tính chung 7 tháng tăng 5,2%. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì đà phát triển.
Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được tích cực triển khai. Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu đã đạt một số kết quả bước đầu.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 5 tháng đầu năm 2013 tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4%. Tốc độ tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến tích cực, nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều lĩnh vực chuyển biến, tăng trưởng còn chậm, chưa vững chắc. Lạm phát tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ tăng. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, phục hồi chậm, nợ xấu tuy giảm nhưng còn cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.Tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa gạo, thủy sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá giảm, sức mua giảm, chính sách bảo hộ thương mại của một số thị trường lớn. Thu ngân sách vẫn còn khó khăn, mức hụt thu còn cao, cân đối ngân sách chưa vững chắc. Tai nạn giao thông tăng và còn diễn biến phức tạp. Tình trạng cháy nổ xảy ra nhiều với gần 1.500 vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đời sống của hộ nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.
Đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7%, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, cái khó bao trùm chính là tổng cầu yếu, sức mua kém. Nhằm giải quyết vấn đề trên, trong khoảng 3 năm phải đặt mục tiêu điều hành tài chính, tiền tệ, ngân hàng phải bám mục tiêu dài hạn hơn, kiềm chế lạm phát dưới 7%, duy trì tăng trưởng nhích dần lên từ 5-7%. Không nên tập trung kiềm chế ngay lạm phát xuống mức thấp mà phải giữ ổn định, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho những bước tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá điện đang được người dân hết sức quan tâm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết tăng ngay giá điện, thì đầu vào một số ngành sản xuất vốn sức cạnh tranh yếu thì lại mất sức cạnh tranh. Nhiều năm nay không thể điều chỉnh ngay giá điện được mà phải có lộ trình. Lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn nhiều năm nay và lộ trình tăng còn căn cứ vào nhiều yếu tố, đặc biệt là CPI.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng chậm, diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp đã được đề ra từ đầu năm, trong đó kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả nhằm tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới./.
Phương Linh
Cổng Thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư