(MPI Portal) - Đây là nội dung chính của Hội thảo đóng góp ý kiến về “Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng ngày 26/7, tại Hà Nội.
Thứ trưởng Đặng Huy Đông và bà Seiko Sato, Giám đốc điều phối danh mục đầu tư và hoạt động dự án Chương trình Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty cùng các cơ quan thông tấn báo chí.
Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg nhằm mục tiêu hoàn thiện hơn nữa quy định về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) theo hướng đẩy mạnh đa dạng hóa của chủ sở hữu DNNN. Bên cạnh đó, Dự thảo Quyết định là việc làm phù hợp với định hướng giải pháp đã nêu tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
|
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại Hội thảo . Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Theo bài phát biểu của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, Quyết định 14/2011/QĐ-TTg được triển khai trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái kéo dài, thị trường tài chính, bất động sản và chứng khoán khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam vẫn khẳng định quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu, sắp xếp DNNN; đảm bảo DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội quốc phòng, an ninh, thực hiện được vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh như vậy, việc sửa đổi Quyết định 14/2011/QĐ-TTg đang gặp những thách thức cơ bản như phương pháp tiếp cận và về thời hạn hiệu lực của Quyết định. Hiện tại, việc tiếp cận Quyết định vẫn theo phương pháp truyền thống, xem đây là Quyết định chỉ đưa ra các tiêu chí, danh mục phân loại. Từ đó, dựa vào các tiêu chí, danh mục phân loại để thực hiện phân loại và xác định phương án sắp xếp DNNN do mình quản lý, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Seiko Sato cho rằng, Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg là việc làm cần thiết. Ngân hàng Thế giới vui mừng được hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thực hiện Dự thảo này. Theo bà Seiko Sato cải cách DNNN là quá trình lâu dài. Vì vậy, để thực hiện công việc này một cách hiệu quả cần có lộ trình rà soát, đánh giá lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
|
Bà Seiko Sato phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Bên cạnh đó, bà Seiko Sato cho rằng, nhà nước không còn tham gia những lĩnh vực mà tư nhân có thể đảm nhận được mà chỉ giữ vai trò trong những ngành nghề quan trọng. Ngân hàng Thế giới mong mong muốn Chính phủ Việt Nam có được sự điều phối chặt chẽ, nhất quán và mạnh mẽ để xúc tiến thực hiện quá trình này. Vì đây là công việc quan trọng trong quá trình cải cách mà Việt Nam đặt ra để có thể trở thành nước thu nhập trung bình, giảm tình trạng phân tán trong quản lý DNNN.
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình bày một số nội dung sửa đổi Quyết định 14/2011/QĐ-TTg liên quan đến quan điểm, mục tiêu xây dựng tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Điểm mới của Dự thảo Quyết định gồm quy định cụ thể về lộ trình thực hiện sắp xếp theo các tiêu chí; tổ chức thực hiện; kết cấu Dự thảo; thu hẹp danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn; loại bỏ một số ngành, lĩnh vực ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Xây dựng các tiêu chí, danh mục phân loại DNNN sẽ có tác động đến việc điều chỉnh cơ cấu sở hữu nhà nước, phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, từng thời kỳ với mục đích cuối cùng là sử dụng vốn Nhà nước một cách có hiệu quả nhất. Quan điểm xây dựng tiêu chí, danh mục phân loại DNNN đảm bảo mục tiêu chiến lược về an ninh quốc phòng, an sinh xã hội; dẫn dắt sự phát triển của các thành phần kinh tế; điều tiết kinh tế vĩ mô.
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Theo Quyết định 14/2011/QĐ-TTg, việc phân loại DNNN dựa trên 02 nhóm tiêu chí là ngành, lĩnh vực và quy mô/công suất hoạt động. Phân loại các doanh nghiệp thực hiện theo 02 nhóm doanh nghiệp gồm: 19 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 27 ngành, lĩnh vực mà Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần khi thực hiện cổ phần hóa.
Tuy nhiên, theo Dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 14/2011/QĐ-TTg, các tiêu chí về phân loại DNNN được phân chia thành 04 nhóm căn cứ trên tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước. Cụ thể, danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; danh mục Nhà nước nắm giữ trên 75% tổng số cổ phần; danh mục Nhà nước nắm giữ từ trên 65%-75% tổng số cổ phần; danh mục Nhà nước nắm giữ từ trên 50%-65% tổng số cổ phần.
Dự thảo Quyết định đã loại một số ngành khỏi danh mục các ngành, lĩnh vực do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, bao gồm: Quản lý, khai thác cảng biển loại I; Quản lý khai thác cảng hàng không; Sản xuất thuốc lá điếu; Quản lý, duy tu công trình đê điều, phân lũ và phòng chống thiên tai; Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Loại bỏ một số ngành, lĩnh vực ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ vốn chi phối do quy định pháp luật chuyên ngành khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư trong các ngành đó hoặc không thuộc đối tượng của Quyết định về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN. Cụ thể: Sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm; Sản xuất xi măng lò quay có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn//năm; Sản xuất giấy in báo, giấy viết chất lượng cao; Bảo hiểm; Sản xuất phim khoa học, phim thời sự, phim tài liệu và phim cho thiếu nhi.
|
Đại biểu tham dự Hội thảo tham gia ý kiến. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal) |
Hội thảo cũng được nghe đại diện các Bộ, ngành và Tổng công ty: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam,…đưa ra những bình luận, đánh giá về nội dung Dự thảo. Các đại biểu tham dự về cơ bản đồng ý với nội dung và kết cấu của Dự thảo. Dự thảo đã mạnh dạn đưa ra một số ngành khỏi danh mục các ngành, lĩnh vực ra khỏi danh sách do Nhà nước nắm giữ 100% vốn và ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ vốn chi phối.
Các vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến phương pháp tiếp cận về rà soát, phân loại sắp xếp DNNN; về tỷ lệ Nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa; về tính khả thi trong đề xuất cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích và về tổ chức thực hiện Quyết định.
Theo đại diện của Petrolimex, Dự thảo Quyết định nhằm đẩy mạnh công tác cổ phần hóa chứ không xác định ranh giới thành lập hay không thành lập. Dự thảo cần làm rõ hơn để thúc đẩy việc cổ phần hóa DNNN, tránh sự nhầm lẫn chỉ quan tâm đến vấn đề những lĩnh vực nhà nước nắm giữ và những lĩnh vực tư nhân được tham gia. Quyết định cần xác định quy mô DNNN.
Hội thảo cũng được nghe ông Loso Judijianto, Quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới trình bày kinh nghiệm về cải cách và phân loại DNNN của Indonesia.
Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh, Hội thảo là dịp để các đại biểu tham dự đề xuất những cách thức triển khai để đảm bảo Dự thảo Quyết định mới có thể phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần đẩy nhanh, mạnh hơn nữa công cuộc cải cách, đổi mới DNNN tại Việt Nam./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư