Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/07/2020-15:58:00 PM
Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới
(MPI) – Ngày 10/7/2020, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới. Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh chủ trì Hội thảo.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù còn nhiều thách thức, khó khăn, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp dẫn đến đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi. Đồng thời nhấn mạnh đến những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao do vậy cũng chịu nhiều hệ lụy cả trực tiếp và gián tiếp từ đại dịch thể hiện ở suy giảm tăng trưởng, xuất khẩu tăng chậm dần, hoạt động của doanh nghiệp, tình hình lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, kích thích phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và chưa có vắc xin đặc trị, việc phòng chống dịch để giảm thiểu hệ lụy đối với kinh tế, duy trì cải cách kinh tế cần thích ứng với bối cảnh bình thường, thúc đẩy cải cách song hành với tiến trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là ở những vấn đề mới như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn … là những vấn đề đang đặt ra.

Tại Hội thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM Nguyễn Anh Dương tóm tắt Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020: Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới” và đưa ra một số nhận định về cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 cũng như một số định hướng chính sách nhằm phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.

Theo Báo cáo, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 1,81%, thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây là mức tăng cao so với các nước trong khu vực châu Á. Khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, song khả năng duy trì trở nên khó khăn hơn kể từ tháng 4. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm, 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,4% ...

Theo ông Nguyễn Anh Dương cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế, xử lý hiệu quả rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới.

Cũng tại Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM trình bày những điểm cải cách mới của Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 thay thế Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 được xây dựng dựa trên nguyên tắc và mục tiêu nhằm nâng cao khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp để đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN-4.

Luật Doanh nghiệp có 10 chương, 218 điều, trong đó, những cải cách quan trọng nhất của Luật này bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; Tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI

Tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Luật Doanh nghiệp lần này sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chug, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến đánh giá về thực trạng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020, cập nhật triển vọng kinh tế năm 2020 với các thảo luận chính sách về thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, thu hút nguồn vốn FDI; nhận định về dự báo tăng trưởng kinh tế và các kịch bản; sức chống chịu và cơ hội mới do Covid-19 mang lại trong thay đổi tư duy, thúc đẩy phát triển kinh tế số; …

Kết luận Hội thảo, Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh đánh giá cao các chuyên gia, đại biểu đã tích cực thảo luận, đóng góp ý kiến theo tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới. Đồng thời cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cần tập trung tái cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cơ cấu nền kinh tế, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong bối cảnh hậu dịch Covid-19 cũng như thực hiện các Hiệp định FTA đã ký kết./.

Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1073
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)