Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 08/07/2020-18:08:00 PM
Tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019

Ảnh minh họa. Nguồn: MPI
(MPI) – Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 118 Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty nhà nước và Tập đoàn kinh tế nhà nước, ngày 02/7/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 4276/BKHĐT-QLĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện hoạt động đấu thầu năm 2019.

Đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng trưởng mạnh với số lượng gói thầu đạt hơn 39.547 gói

Năm 2019, cả nước có tổng số 283.400 gói thầu được thực hiện (tăng 1,13% so với năm 2018), với tổng giá gói thầu 734.698,467 tỷ đồng (tăng 51.268,269 tỷ đồng tương đương 1,07% so với năm 2018) và tổng giá trúng thầu 693.731,019 tỷ đồng (tăng 46.054,876 tỷ đồng tương đương với tăng 1,07% so với năm 2018), chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu 40.967,448 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 5,58% (năm 2018 tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,26%).

Cụ thể, đối với các gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển, có tổng số 217.432 gói thầu (chiếm 76,7%) sử dụng vốn nhà nước cho mục tiêu đầu tư phát triển (gồm cả vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ) được thực hiện với tổng giá gói thầu 497.515,303 tỷ đồng chiếm 67,72%
(năm 2018 chiếm 60,73%) và tổng giá trúng thầu 472.597,959 tỷ đồng chiếm 68,13% (năm 2018 chiếm 60,9%), tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,01% (năm 2018 tỷ lệ tiết kiệm 4,98%).

Đối với các gói thầu sử dụng vốn nhà nước để duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, có 65.968 gói thầu sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước được thực hiện với tổng giá gói thầu 237.183,164 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 32% về giá trị, tổng giá trúng thầu 221.133,060 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 6,77% (năm 2018 là 5,68%).

Về đấu thầu qua mạng, theo thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, đấu thầu qua mạng tiếp tục tăng trưởng mạnh với số lượng gói thầu đạt hơn 39.547 gói với tổng giá gói thầu hơn 120.321 tỷ đồng, trong đó, đến hết năm 2019 có 30.158 gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu trên mạng với tổng giá trúng thầu khoảng 87.587 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 5,63% (năm 2018 đạt 7,15%) cao hơn so với đấu thầu truyền thống.

So với năm 2018, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng năm 2019 tăng hơn 2 lần (39.547/19.000 gói thầu), tổng giá gói thầu tăng gần 3 lần (120.321/46.840 tỷ đồng), tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm giảm so với năm 2018 (7,15%). Như vậy, đấu thầu qua mạng xét về số lượng đạt 34,2%, về giá trị đạt 20,8% (vượt chỉ tiêu giá trị theo yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 là 15%).

Về mua sắm tập trung, tổng giá gói thầu thực hiện theo phương thức mua sắm tập trung 20.702,466 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng gần 2,87% tổng giá gói thầu trên cả nước) và tổng giá trúng thầu 18.296,137 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm cao gấp gần 2 lần so với tỷ lệ tiết kiệm chung của cả nước đạt 11,62%.

Lựa chọn nhà đầu tư

Năm 2019, cả nước có tổng số 403 dự án với 166.784 tỷ đồng, gồm 29 dự án đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư khoảng 7.834 tỷ đồng và 374 dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng mức đầu tư khoảng 158.950 tỷ đồng.

Như vậy, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, thông qua đấu thầu các dự án đầu tư PPP, dự án đầu tư có sử dụng đất, nguồn vốn tư nhân đã được huy động đáng kể để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng cũng như nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua các dự án đầu tư xây dựng công trình có mục đích kinh doanh.

Số lượng dự án PPP giảm 61 dự án (tương đương 67,77%) so với năm 2018, số đơn vị triển khai thực hiện dự án PPP giảm từ 24 đơn vị (năm 2018) xuống còn 14 đơn vị (năm 2019). Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư có sử dụng đất năm 2019 tăng 30 dự án (tương đương 8,7%) nên tổng vốn đầu tư huy động thông qua 2 loại dự án này tăng 12.608 tỷ đồng (tương đương 8,18%) so với năm 2018.

Số lượng dự án PPP được triển khai thực hiện chủ yếu tập trung ở các tỉnh An Giang (7 dự án), Thanh Hóa (4 dự án), Bình Phước (3 dự án), Hà Nam (3 dự án), Thái Nguyên (3 dự án). Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được triển khai khá phổ biến trên phạm vi cả nước (34 địa phương), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa (53 dự án), Hải Dương (47 dự án), Hà Nam (40 dự án), Phú Thọ (25 dự án).

Năm 2019, mặc dù tỷ lệ chỉ định nhà đầu tư các dự án PPP đã giảm nhưng tỷ lệ này ở các dự án đầu tư có sử dụng đất lại tăng cao, dẫn đến tổng số dự án áp dụng hình thức này vẫn còn ở mức khá cao. Trong tổng số 276 dự án đã xác định được hình thức lựa chọn nhà đầu tư (22 dự án PPP và 254 dự án đầu tư có sử dụng đất), số dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư chiếm tỷ lệ 61% (chỉ định nhà đầu tư đối với dự án PPP là 50%, trong đó BT là 100%; đối với dự án đầu tư có sử dụng đất là 62%).

Trong năm 2018, trên cả nước thực hiện 90 dự án PPP (trong đó có 51 dự án BT), năm 2019, số lượng dự án PPP được thực hiện giảm xuống còn 29 dự án (trong đó có 11 dự án BT). Như vậy, các dự án PPP trong đó có các dự án BT nói riêng đều giảm đáng kể (giảm 80%, tương đương 40 dự án).

Trên tổng số 14 Bộ và 63 tỉnh thành gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 14 đơn vị cung cấp thông tin về dự án PPP và 34 đơn vị cung cấp thông tin về dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện năm 2019. Tuy nhiên, qua rà soát trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, ngoài các đơn vị nộp báo cáo, có 13 đơn vị đã đăng tải thông tin về dự án PPP và 20 đơn vị đã đăng tải thông tin trên về dự án đầu tư có sử dụng đất nhưng không cung cấp thông tin./.

Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Tổng số lượt xem: 1987
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)