(MPI) - Ngày 22/7/2020, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tham dự buổi làm việc.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tổng quan về tình hình ký kết và thực hiện các FTA và cho biết, theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đàm phán các nội dung về đầu tư, mua sắm của Chính phủ trong tất cả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời chủ trì đàm phán về mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ hợp tác nội khối ASEAN. Đến nay, Bộ đã chủ trì đàm phán 10 Hiệp định về đầu tư và thương mại dịch vụ trong khuôn khổ các FTA của Việt Nam, trong đó 08 Hiệp định đã có hiệu lực và 02 Hiệp định chưa có hiệu lực. Bên cạnh đó, Bộ đã chủ trì đàm phán nội dung về đầu tư và mua sắm của Chính phủ trong 07 FTA khác.
Ngoài việc tổ chức đàm phán FTA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình cấp có thẩm quyền thông qua Kế hoạch thực hiện các hiệp định này theo quy định của pháp luật về điều ước quốc tế trong từng thời kỳ. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Quyết định số 409/QĐ-BKHĐT ngày 04/4/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thuộc Bộ để triển khai thực hiện Hiệp định.
Bộ đã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện cam kết với nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị, hội thảo; giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông của Bộ; giải đáp, hướng dẫn áp dụng trực tiếp cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và các cam kết có liên quan.
Đánh giá tác động tích cực của các FTA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, FTA góp phần đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Việt Nam, tạo thế cân bằng trong quan hệ với các đối tác lớn, đẩy mạnh quá trình liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên luật lệ.
Về kinh tế vĩ mô và thể chế, chính sách, việc ký kết và thực hiện các FTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.
Các FTA giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, góp phần khai thác tốt hơn các cơ hội từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong ngắn hạn, tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào phi thuế quan có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP. Trong dài hạn, việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, gia tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam và sự cải thiện năng suất là những nhân tố chính tác động mạnh đến tăng trưởng GDP, thương mại và những tác động này sẽ được cộng hưởng bởi việc cắt giảm thuế quan. Việc tham gia các FTA có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động.
Đồng thời, các cam kết trong FTA khẳng định quyết tâm đổi mới, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.
Do vậy, việc thực hiện các cam kết trong FTA là động lực để Việt Nam đẩy mạnh cải thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách, năng lực quản trị, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, việc ký kết và thực hiện các FTA sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ từ các nước đã có FTA với Việt Nam mà còn từ các nước khác nhằm tận dụng lợi thế của Việt Nam về tiếp cận thị trường các nước đối tác FTA, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: quochoi.vn |
Trong bối cảnh nhiều quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển hướng đầu tư, giảm sự lệ thuộc vào một số quốc gia nhất định thì các FTA sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư đang chuyển hướng, đồng thời hạn chế việc suy giảm nguồn vốn FDI theo xu hướng chung của thế giới…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến các thách thức của việc thực hiện FTA và cho rằng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải thực hiện những giải pháp đồng bộ, toàn diện để có thể phát huy tối đa những lợi ích từ các FTA.
Theo đó, về phía Nhà nước, cần thực hiện các nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến thông tin về FTA và thị trường các nước đối tác; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định; kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Về phía doanh nghiệp, bên cạnh những biện pháp từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua các FTA.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra các kiến nghị cụ thể. Thứ nhất, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục thực hiện các hoạt động đối ngoại để thúc đẩy các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU để Hiệp định này sớm có hiệu lực và thay thế các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương đã được ký từ những năm 1990.
Thứ hai, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tòa án nhân dân tối cao để ban hành các văn bản pháp luật thi hành các FTA để các hiệp định này được đưa vào cuộc sống, đảm bảo hiệu quả và thực chất.
Thứ ba, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, ủng hộ đối với việc tham gia các điều ước quốc tế cần thiết cho việc thực hiện các FTA, như tham gia Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác (Công ước ICSID).
Cuối cùng là Quốc hội tiếp tục đồng hành với Chính phủ và các Bộ ngành trong việc nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với sự cần thiết và cơ hội, thách thức của việc tham gia các FTA./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư