(MPI) - Ngày 23/7/2020, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCIF) phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Dịch Covid-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam”.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Minh Trang (MPI) |
Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến các hộ gia đình dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo, do vậy đòi hỏi cần có những giải pháp đúng hướng. Hội thảo nhằm công bố đánh giá “Tác động kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam và triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020”.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo, sự linh hoạt của Chính phủ và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19 và giảm thiểu những tác hại về mặt kinh tế - xã hội của đại dịch.
Bên cạnh đó, Trưởng đại diện UN WOMEN Việt Nam Elisa Fernandez cho rằng, nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe và kinh tế - xã hội của đại dịch Covid-19 có thể sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả thu được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây. Báo cáo đánh giá tại Hội thảo sẽ đóng góp một cách hiệu quả cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng những giải pháp phù hợp với những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời bảo vệ và phát huy những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc NCIF Lưu Quang Khánh cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế. Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khiến tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009 … hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm. Là một nền kinh tế mở và phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam không tránh khỏi những thiệt hại lớn mặc dù Việt Nam đã khá thành công trong việc kiểm soát dịch. Kể từ đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam đã đứng trước những thách thức rất lớn, các báo cáo gần đây cho thấy, thu nhập của người lao động bị sụt giảm nghiêm trọng. Mục tiêu ổn định đời sống cho người dân, ổn định sự phát triển cho doanh nghiệp, nền kinh tế là mục tiêu quan trọng nhất trong thời gian tới. Các giải pháp, định hướng của Chính phủ trong giai đoạn này đều xoay quanh mục tiêu này.
Cũng tại Hội thảo, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, NCIF Trần Toàn Thắng đã có bài trình bày về “Dịch Covid-19: Bối cảnh thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020”. Bài trình bày tập trung vào một số vấn đề đó là xu hướng, diễn biến của kinh tế thế giới trung và dài hạn, những xu hướng đó ảnh hưởng như thế nào trong thời gian tới, …
Báo cáo trình bày tại Hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị giúp Chính phủ điều chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư