(MPI) - Để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, ngày 11/8/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì buổi làm việc về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chủ yếu và tình hình đầu tư công ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Tham dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công Thương.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 thực hiện theo các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, bám sát các dự kiến trình Đại hội Đảng các cấp về các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025 (trong đó có các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu về tài chính, ngân sách, đầu tư); Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công Thương trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch 2021-2025. Theo Báo cáo, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt từ 30-35%; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 đạt khoảng 85%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 gấp trên 3 lần năm 2010. Cơ cấu các ngành công nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành công nghiệp. Quy mô các mặt hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu được mở rộng. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây, nhập khẩu được kiểm soát tốt…
Về tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, theo Báo cáo, hằng năm, Bộ Công Thương được triển khai và giải ngân tương đối tốt. Hệ thống cơ sở vật chất tại các đơn vị sử dụng nguồn vốn hạ tầng, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, chương trình mục tiêu được hoàn thiện đã tạo chuyển biến căn bản đáp ứng điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn, phục vụ mục tiêu phát triển nhân lực. Năng lực phục vụ nghiên cứu được đầu tư tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh…
Về xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương tập trung vào các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; giao thông; công nghệ thông tin,…
|
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại làm việc. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh đến các nguyên nhân phát triển công nghiệp chưa tương xứng với điều kiện và hội nhập sâu rộng hiện nay như thiếu nguồn lực thực hiện, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo. Trình độ nhân lực, công nghệ còn hạn chế dẫn đến thiếu sự kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, nhận thức chung về phát triển công nghiệp chưa đồng bộ, khung chính sách chỉ mới dừng ở cấp Nghị định, chưa có luật về công nghiệp, trong khi gốc rễ phát triển thương mại là công nghiệp. Do vậy, phải tháo gỡ vấn đề bằng việc luật hóa, có luật riêng về lĩnh vực công nghiệp để đảm bảo khung pháp lý, mang lại hiệu quả.
Liên quan đến đề xuất dự án xây dựng Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và phía Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, mục tiêu các Trung tâm này nhằm tạo thị trường công nghệ phục vụ các doanh nghiệp, tạo động lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây cũng là phương thức, cách thức tổ chức để đưa công nghệ vào trong từng ngành, lĩnh vực.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò, nỗ lực, cố gắng của Bộ Công Thương, quản lý nhiều ngành và lĩnh vực, liên quan đến nhiều cơ quan. Đồng thời nhấn mạnh đến kết quả thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian qua. Về tính kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục tham gia chuỗi sản xuất bằng cách mua cổ phần M&A của các doanh nghiệp FDI, chiếm lĩnh công nghệ, thị trường, chuỗi giá trị. Đồng thời, thực hiện việc mua lại các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài và tham gia sở hữu để tạo ra giá trị lớn hơn cho nền kinh tế.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Về công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi hiện nay là phải quan tâm thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để làm nền tảng đột phá, nâng cao trình độ của doanh nghiệp Việt Nam. Tập trung vào R&D, cơ cấu các ngành, lĩnh vực từ các chiến lược, quy hoạch đối với một số ngành công nghiệp chủ yếu tạo nền tảng để lập hệ sinh thái, tham gia chuỗi giá trị; khuyến khích một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Việt Nam dẫn dắt một số ngành công nghiệp, tự tạo ra được sân chơi và tham gia chuỗi giá trị, chuyển từ made in Vietnam thành made by Vietnam. Cùng với đó, chú ý phát triển thương mại điện tử, thị trường trong nước, chuyển đổi số và chuyển đổi sản xuất thông minh trên nền tảng công nghệ mới của của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước mắt tập trung nâng cấp, cải thiện công nghệ hiện có để cải thiện năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Trong thời gian tới, hai Bộ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để có những giải pháp chính sách phát triển ngành công nghiệp, góp phần phát triển nhanh và bền vững của đất nước bởi muốn phát triển phải dựa vào công nghiệp.
Đối với các dự án do Bộ Công Thương đề xuất, liên quan đến xây dựng Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và phía Nam, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đây là những vấn đề cần thiết nhưng cần phải nghiên cứu kỹ, bài bản, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tính khả thi và khả năng thành công; phải tính đến việc vận hành cũng như hiệu quả của Trung tâm mang lại, đáp ứng nhu cầu của hệ sinh thái và kết nối được với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyến định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02/10/2019) nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ./.
Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư