Ngày 6/4, lãnh đạo Bồ Đào Nha - gồm Tổng thống Anibal Cavaco Silva, Thủ tướng Pedro Passos và Bộ trưởng Tài chính Vitor Gaspar - đã họp khẩn cấp để thảo luận về quyết định trước đó một ngày của Tòa án Hiến pháp nước này bác bỏ một số chi tiết trong ngân sách quốc gia năm 2013.
Trong thông báo sau cuộc họp, Tổng thống Silva khẳng định Chính phủ phải thực hiện những điều kiện liên quan sứ mệnh dân chủ đang đảm nhận. Về phần mình, Lisbon khẳng định quyết tâm tôn trọng cam kết với các chủ nợ - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đồng thời tuyên bố sẽ tìm cách đạt sự đồng thuận cần thiết để bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Người phát ngôn Chính phủ Luis Marques Guedes cho biết Lisbon tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp, nhưng phải cảnh báo người dân Bồ Đào Nha về những nguy cơ mà phán quyết này có thể gây ra, hàm ý việc Tòa án Hiến pháp ra phán quyết ngay trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính EU về gia hạn các khoản nợ đáo hạn cho Bồ Đào Nha.
Theo quan chức này, Chính phủ đã đề nghị tổ chức một cuộc điều trần trong ngày hôm nay (7/4) trước Tổng thống Silva vì quyết định của Tòa án Hiến pháp có thể khiến người đứng đầu Nhà nước khó phê chuẩn nhanh chóng các chi tiết nói trên.
Bồ Đào Nha đang thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nghiêm ngặt để đổi lấy gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro (khoảng 101 tỷ USD) từ EU và IMF. Năm ngoái, Quốc hội nước này đã thông qua ngân sách 2013 nhằm tiết kiệm 5,3 tỷ euro, chủ yếu thông qua biện pháp tăng thuế.
Tuy nhiên, ngày 5/4 vừa qua, Tòa án Hiến pháp khẳng định một số biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong ngân sách năm 2013 như hủy tháng lương thứ 14, giảm trợ cấp thất nghiệp và tiền dưỡng bệnh là "vi hiến."
Theo ước tính chính thức, tăng trưởng kinh tế của Bồ Đào Nha sẽ giảm 2,3% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao kỷ lục./.