(MPI) – Ngày 25/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và xin ý kiến thảo luận về các nghị định hướng dẫn Luật PPP. Tham dự Hội nghị có 60 điểm cầu tại các bộ, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố, đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống chủ trì Hội nghị.
|
Thứ trưởng Võ Thành Thống phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Võ Thành Thống cho biết, tại Việt Nam mô hình PPP được bắt đầu thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định số 77/CP về BOT đối với nhà đầu tư trong nước. Qua 20 năm, theo báo cáo của Chính phủ, Việt Nam đã triển khai được 336 dự án PPP. Những dự án PPP còn có một số hạn chế, tồn tại nhưng các công trình có được từ dự án PPP thực tế đã góp phần tích cực vào hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và một số công trình phục vụ cho nhu cầu của người dân. Với sự lãnh đạo sát sao của Quốc hội, Chính phủ, dự án Luật PPP đã được nghiên cứu, xây dựng và hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Dự án Luật PPP đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV vào tháng 6/2020, với tỷ lệ tán thành cao 92,75%. Đến nay, khung pháp lý về PPP đã được hoàn thiện ở mức cao nhất là luật. Đây là Luật mới, với nhiều nội dung khó nhưng đã được thông qua ngay từ lần đầu tiên sẽ tạo tiền đề cho thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, cũng như tạo lập hành lang pháp lý để các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm dịch vụ công.
Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi Luật được ban hành Chính phủ phải ban hành 03 nghị định để hướng dẫn Luật. Bên cạnh nghị định hướng dẫn cơ chế về quản lý tài chính dự án PPP do Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng 02 nghị định là Nghị định hướng dẫn chung về PPP và Nghị định hướng dẫn Luật PPP về lựa chọn nhà đầu tư trước khi Luật có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
Thứ trưởng Võ Thành Thống đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị quan tâm đóng góp ý kiến vào lĩnh vực và quy mô đầu tư PPP; hội đồng thẩm định dự án PPP; chấm dứt hợp đồng dự án PPP; cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu; vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP; giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư PPP; trường hợp áp dụng sơ tuyển quốc tế; quy định chuyển tiếp, lựạ chọn nhà đầu tư trong các pháp luật có liên quan.
Tại Hội nghị, giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật PPP, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Quỳnh Lê cho biết, Luật PPP gồm 11 Chương và 101 Điều, với 10 điểm mới. Cụ thể, về lĩnh vực đầu tư, Luật PPP khu biệt lĩnh vực, tập trung nguồn lực để thực hiện các lĩnh vực nhất định, tránh đầu tư tràn lan gây rủi ro ở cấp độ quốc gia. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân. Về quy mô đầu tư, Luật hướng tới các dự án có quy mô lớn, trong đó, tối thiểu 100 tỷ đối với các dự án ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và tối thiểu 200 tỷ với các dự án tại các địa bàn khác.
Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, trong đó: Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; Hội đồng thẩm định liên ngành sẽ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi do Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; Hội đồng thẩm định cấp cơ sở sẽ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Vốn nhà nước trong dự án PPP sẽ được sử dụng để chuẩn bị đầu tư để chi trả chi phí của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, đơn vị chuẩn bị dự án PPP, bên mời thầu thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; chi trả chi phí của Hội đồng thẩm định dự án PPP, đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP, vốn này được bố trí từ vốn đầu tư công hoặc nguồn vốn hợp pháp khác và được tính để chi trả phần giảm doanh thu, đối với dự án PPP được cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu, vốn nhà nước được sử dụng để chi trả và phần vốn này được sử dụng từ nguồn ngân sách dự phòng trung ương (đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng quyết định chủ trương đầu tư) hoặc nguồn dự phòng ngân sách địa phương (đối với dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư). Tỉ lệ của vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.
Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, theo Luật, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
|
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: MPI |
Tham gia ý kiến thảo luận về một số nội dung của 02 nghị định hướng dẫn Luật PPP, có đại biểu cho rằng, nên chia dự án theo các lĩnh vực, không nên chia theo tổng mức đầu tư. Về hội đồng thẩm định dự án, có ý kiến cho rằng nên thành lập một hội đồng cố định đối với dự án để trách điều chỉnh nhiều lần. Quy định về tăng doanh thu dự án chưa được nhắc đến, cơ chế giám sát nên quy định cụ thể trong nghị định hướng dẫn Luật chứ không áp dụng chung theo Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 về giám sát và đánh giá đầu tư. Các nhà đầu tư cũng bày tỏ băn khoăn về điều khoản chuyển tiếp đối với chia sẻ tăng giảm doanh thu. Đồng thời, về cơ chế chia sẻ tăng giảm doanh thu, các đại biểu cũng đề nghị giải thích thuật ngữ về thay đổi chính sách…
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu Nguyễn Đăng Trương làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu quan tâm về quy mô dự án, vấn đề chuyển tiếp, thành lập hội đồng thẩm định, cơ chế chia sẻ rủi ro, điều kiện đấu thầu quốc tế. Đồng thời cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu về các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các cơ quan, hiệp hội xây dựng nội dung của 2 Nghị định này và sau khi có dự thảo nghị định sẽ tiếp tục gửi xin ý kiến./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư