(MPI) – Ngày 20/8/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lần 2 Triển khai các nội dung đã trao đổi tại Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Nhật Bản dưới sự đồng chủ trì của Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng và Tổng phụ trách Việt Nam của Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (MUFG) Takeshi Masuyama.
|
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: MPI |
Hội thảo nhằm cập nhật các nội dung mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, tác động trực tiếp đến môi trường và cơ hội mở rộng thị trường đầu tư tại Việt Nam gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng điện; môi trường; tăng cường sử dụng năng lượng điện tái tạo; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tham dự Hội thảo về phía Việt Nam có đại diện một số đơn vị của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và một số đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Nhật Bản có đại diện 5 doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản tại Việt Nam là Công ty TNHH Hitachi Asia Việt Nam; Công ty cổ phần TEPCO Power Grid Co., Ltd; Công ty TNHH JFE Engineering; Công ty cổ phần JERA; Công ty TNHH Tư vấn và Holding JX NipponOil & Energy Việt Nam và 5 điểm cầu của doanh nghiệp tại Nhật Bản.
|
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, từ năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng MUFG và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức thành công 6 buổi Tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là một trong những kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn về môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam cũng như giúp Chính phủ Việt Nam cải thiện môi trường, đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI có chất lượng cao vào Việt Nam. Để triển khai chất lượng các vấn đề đã được trao đổi tại các buổi đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức các buổi đối thoại chuyên đề để giải quyết cụ thể các đề xuất của doanh nghiệp.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng mong muốn tại Hội thảo các bên trao đổi thẳng thắng về những vấn đề quan tâm, cũng như nghiên cứu những đề xuất của phía Nhật Bản trong quá trình xây dựng chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan. Đồng thời, mong muốn thông qua những cơ chế đối thoại thực chất này, trong thời gian tới Ngân hàng MUFG tiếp tục là một cầu nối quan trọng, phối hợp với Việt Nam trong việc thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản và cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam.
|
Tổng Phụ trách Việt Nam - Ngân hàng MUFG Takeshi Masuyama phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Phụ trách Việt Nam - Ngân hàng MUFG Takeshi Masuyama bày tỏ vinh dự khi Ngân hàng MUFG được kết hợp cùng Ngân hàng VietinBank để thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Để thúc đẩy dòng vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam cũng như giải quyết những vướng mắc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam, giữa hai nước đã triển khai rất nhiều kênh đối thoại giữa Chính phủ với Chính phủ, Chính phủ với doanh nghiệp. Hội thảo là một trong những kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản hiểu rõ hơn về môi trường và chính sách đầu tư của Việt Nam.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đề nghị đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng xử lý rác thải, đánh giá tác động môi trường, xin giấy phép xây dựng để giảm thời gian cho từng khâu, từ đó rút ngắn thời gian cho toàn bộ quá trình thực hiện chuẩn bị đầu tư, đề xuất đơn giản hóa thủ tục xin giấy phép xử lý chất thải có hại cho công ty có vốn nước ngoài, các biện pháp để đơn giản hóa việc giải phóng mặt bằng. Đồng thời, đề xuất sử dụng Lưới năng lượng thông minh trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng tái tạo nhằm cải thiện vấn đề môi trường, đề xuất sử dụng hệ thống truyền tải và phân phối điện thông minh, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác vận hành nhà máy điện hiện tại…
Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tương đối khả quan. Tổng vốn đăng ký cấp mới của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 18,82 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ năm 2019, cơ bản là do các thương vụ M&A giảm đến 56,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt 9,46 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 4,7 tỷ USD, tăng tương ứng 14,4% và 37,7% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam hiện đang là điểm đến của các nhà đầu tư với gần 33 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 380 tỷ USD từ 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 4.500 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 60 tỷ USD./.
Thúy Quyên
Bộ Kế hoạch và Đầu tư