(MPI) – Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1109/QĐ-TTg ngày 24/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, soạn thảo Nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Dự thảo Nghị định và Tờ trình đang được xin ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tại Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá Doanh nghiệp nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Doanh nghiệp nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước; xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước (thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/9/2015 của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Việc rà soát, xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP là cần thiết để thực hiện bốn mục tiêu. Một là, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2015/NĐ-CP nhằm điều chỉnh các quy định giúp doanh nghiệp thực hiện công bố thông tin thuận lợi. Với quy trình công bố thông tin qua mạng điện tử, thời gian thực hiện công bố thông tin được rút gọn, đảm bảo tính kịp thời, chính xác của các thông tin do DNNN công bố. Hai là, việc ban hành Nghị định góp phần tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động của các DNNN, nâng cao hiệu quả công tác quản lý DNNN, giúp cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước nhận thức rõ về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước. Ba là, việc hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN nhằm kết nối và chia sẻ dữ liệu số giữa các cơ quan nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN, góp phần nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với DNNN và tuân thủ các quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bốn là, việc hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN còn tạo điều kiện cho Nhân dân, các nhà đầu tư trong việc tiếp cận các thông tin của DNNN được dễ dàng và thuận tiện, tạo sự minh bạch, tin tưởng cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác với DNNN, là cơ sở góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trong xã hội.
Qua đó nhằm cụ thể hoá các quy định về yêu cầu công bố thông tin tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 và Hiệp định CTPPP.
Việc minh bạch hóa và công bố công khai thông tin về hoạt động của DNNN là công cụ hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, giám sát hoạt động của các DNNN góp phần tăng hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Tạo ra khung pháp lý chung, thống nhất về việc công bố thông tin của DNNN, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và cam kết hội nhập quốc tế. Chuẩn hóa các mẫu biểu và nội dung thông tin cần công bố công khai của DNNN, bao gồm: kế hoạch kinh doanh hằng năm; đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích được giao theo kế hoạch hoặc đấu thầu (nếu có) và trách nhiệm xã hội khác; báo cáo thực trạng quản trị, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Xác lập quy trình công bố thông tin qua mạng điện tử của doanh nghiệp, làm rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện công bố công khai các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp; giám sát việc công bố các thông tin đảm bảo tính đầy đủ, kịp thời, công khai và minh bạch của thông tin công bố.
Kết cấu của dự thảo Nghị định gồm 04 chương, 20 Điều và 07 Phụ lục về mẫu biểu báo cáo gồm: Những quy định chung; Công bố thông tin của DNNN; Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN; Trách nhiệm thực hiện và điều khoản thi hành.
Dự thảo Nghị định quy định về các nguyên tắc để doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện. Theo đó, các thông tin công bố phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền công bố thông tin chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, trung thực và chính xác của thông tin được công bố… Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định thông tin công bố phải được duy trì trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Cổng thông tin doanh nghiệp tối thiểu là năm (05) năm. Doanh nghiệp công bố thông tin thực hiện việc bảo quản, lưu giữ thông tin đã báo cáo, công bố theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo có cơ sở thực hiện các quy định tại Hiệp định CPTPP và đáp ứng mục tiêu quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và giám sát đối với hoạt động của DNNN, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về DNNN trên cơ sở tổng hợp thông tin và dữ liệu từ các báo cáo công bố thông tin của DNNN. Đồng thời, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc công bố thông tin của DNNN; các biện pháp và chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp không thực hiện đúng quy định về việc công bố thông tin của DNNN./.
Minh Hậu
Bộ Kế hoạch và Đầu tư