Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 14/12/2012-14:43:00 PM
Luật Đầu tư và định hướng hoàn thiện
(MPI Portal) - Sáng ngày 14/12, tại Hà Nội, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức tọa đàm Luật Đầu tư và định hướng hoàn thiện. Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện một số Bộ, ngành liên quan, các công ty Luật, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế các tỉnh phía Bắc cùng các cơ quan truyền thông.
Tọa đàm là dịp đánh giá tình hình thực hiện Luật Đầu tư và định hướng hoàn thiện nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, đồng thời hoàn thiện chế độ phân cấp quản lý đầu tư và các quy định về thủ tục đầu tư theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương.
Tại buổi Tọa đàm, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra báo cáo về tình hình thực hiện Luật Đầu tư và định hướng hoàn thiện. Những quy định của Luật Đầu tư và các điều khoản ghi rõ tại Nghị định 108/2008/NĐ-CP đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư, xóa bỏ một số rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng hiện đại, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, việc thực hiện Luật Đầu tư và Nghị định 108 và các văn bản pháp luật có liên quan còn tồn tại và hạn chế.
Các vấn đề tồn tại và hạn chế được đưa ra liên quan đến đối tượng áp dụng của Luật; Những quy định về bảo đảm đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư; Những quy định về hình thức đầu tư, lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; Những quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp, về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư.
Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Tọa đàm.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra hướng hoàn thiện Luật Đầu tư. Theo đó, các nội dung được hoàn thiện liên quan đến việc sửa đổi nhóm các quy định chung của Luật làm cơ sở cho việc áp dụng thống nhất điều kiện, thủ tục đầu tư, kinh doanh, khắc phục tình trạng xung đột giữa luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các Luật có liên quan khác. Sửa đổi, bổ sung quy định về điều đầu tư và lĩnh vực đầu tư có điều kiện phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Ngoài ra, cần hoàn thiện các quy định về lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên thực hiện các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên…; Hoàn thiện các quy định về phân cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là các quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam, thủ tục chuyển nhượng dự án đầu tư.
Tại buổi Tọa đàm, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số nội dung trao đổi liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư gồm Thủ tục đầu tư dự án mới; Thủ tục đầu tư gắn với thành lập doanh nghiệp; Thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư; Thủ tục tạm ngừng, giãn tiến độ; Thủ tục góp vốn, mua cổ phần; Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư; Thủ tục thanh lý, chấm dứt dự án đầu tư. Từ đó đưa ra các vướng mắc và phương hướng hoàn thiện các quy trình này.
Liên quan đến Thủ tục đầu tư dự án mới, việc đăng ký đầu tư được thực hiện trong vòng 15 ngày, áp dụng đối với dự án dưới 300 tỷ không có điều kiện. Hồ sơ gồm: bản đăng ký đầu tư và báo cáo năng lực tài chính (đối với dự án nước ngoài). Sau đó tiến hành việc thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư được thực hiện trong 45 ngày, áp dụng đối với dự án có điều kiện, dự án trên 300 tỷ và dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện đã phát sinh những vấn đề vướng mắc như xác định loại thủ tục: một số trường hợp không xác định được dự án đầu tư có điều kiện (phân biệt điều kiện ĐKKD); Nội dung thẩm tra chưa phù hợp cho các dự án khác nhau, thiên về các dự án sử dụng đất hơn là các dự án thông thường khác; Chưa đồng bộ trong các thủ tục có liên quan. Vì vậy, để hoàn thiện quy trình này, ông Quách Ngọc Tuấn đã đưa ra hướng hoàn thiện quy trình thông qua việc nghiên cứu phương án tích hợp các thủ tục khác vào thủ tục đầu tư. Về hồ sơ và quy trình, cần hoàn thiện quy trình cho từng loại dự án.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Tọa đàm cũng được nghe đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án, Ban Quản lý Khu kinh tế chia sẻ quá trình áp dụng thực hiện Luật Đầu tư và Nghị định 108 và đưa ra một số ý kiến nhằm sớm hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư.
Theo ý kiến của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, để hoàn thiện và ban hành Luật Đầu tư sửa đổi cần chú ý đến các nội dung liên quan đến vai trò pháp lý của nhà đầu tư, đánh giá rõ vai trò của nhà đầu tư đối với xã hội. Cần xem xét kỹ việc có nên đưa quyền sử dụng đất vào Luật Đầu tư. Theo kiến nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Luật Đầu tư sửa đổi cần ghi rõ quy trình, điều kiện chuyển nhượng dự án để các cấp quản lý áp dụng dễ hơn.
Góp ý tại buổi Tọa đàm, đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Hưng Yên cho rằng, Luật Đầu tư cần thể hiện rõ, tạo sự thống nhất giữa hoạt động của doanh nghiệp và nước ngoài. Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nên tách làm 2 thủ tục. Về danh mục ưu đãi đầu tư, nên quy định rõ thẩm quyền thu hồi ưu đãi đầu tư, tránh tình trạng doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết trong quá trình nhận ưu đãi đầu tư. Về quy định thẩm tra dự án đầu tư, theo ý kiến của đại diện ban Quản lý Khu công nghiệp Hưng Yên việc thẩm định dự án không chỉ áp dụng đối với dự án có giá trị trên 300 tỷ, bởi có nhiều dự án lúc đi vào hoạt động thực tế sẽ có nhiều thay đổi về vốn để đầu tư máy móc, thiết bị, nhân công…
Đại diện Ban Quản lý dự án Bắc Giang cho rằng đây là thời điểm thích hợp nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư để phù hợp với yêu cầu phát triển và cam kết quốc tế. Việc sửa đổi Luật để phù hợp hơn với quy định của từng địa phương nhằm giải quyết những vướng mắc trong quá trình áp dụng Luật Đầu tư 2005. Luật Đầu tư mới cần thể hiện rõ điều kiện đầu tư cụ thể như y tế, giáo dục. Liên quan đến vấn đề sử dụng đất, nên tách các dự án theo hướng có nhu cầu sử dụng đất và không có nhu cầu sử dụng đất.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng tập trung thảo luận liên quan đến vấn đề thể hiện trong Luật như thế nào về việc quy định xử lý việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ dự án về nước và đưa ra các quan điểm xử lý.
Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Quách Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở lấy ý kiến từ các đại biểu, các KKT, KCN, Bộ sẽ tổng kết đánh giá và hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư nhằm giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của nhà đầu tư, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 2444
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)