Skip Ribbon Commands
Skip to main content
Ngày 10/12/2012-14:52:00 PM
Hội nghị CG 2012: Tạo nền tảng cho phát triển bền vững

(MPI Portal) - Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2012 (CG 2012) đã khai mạc sáng ngày 10/12/2012 tại Hà Nội, nội dung chính của Hội nghị CG năm nay là "Tạo nền tảng cho phát triển bền vững". Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị CG 2012, còn có Đại sứ các nước có tài trợ cho Việt Nam, các nhà tài trợ, tổ chức song phương và đa phương, tổ chức phi chính phủ, đại diện các Bộ, ngành và cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị CG 2012 năm nay tập trung vào các chủ đề quan trọng được Chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ cho Việt Nam quan tâm, đó là: các vấn đề chính về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, những ưu tiên cho năm 2013 và một số vấn đề về phát triển giáo dục, dạy nghề và sửa đổi đất đai. Hội nghị cũng sẽ nghe các báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn Chống tham nhũng, Diễn đàn Hiệu quả viện trợ, thông báo mô hình tổ chức Hội nghị CG trong thời gian tới.
Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ là dịp để các nhà tài trợ, các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam thảo luận về những nền tảng cần thiết nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.
Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kinh tế Việt Nam phải đối diện những thách thức cả trong và ngoài nước. Trên bình diện quốc tế, kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, nợ công ở các nước phát triển tăng cao. Trong nước, những hệ quả của thời kỳ tăng trưởng dựa vào chiều rộng, sự mở rộng quá mức về tín dụng, đầu tư và hoạt động đầu cơ vào các tài sản phi sản xuất, cũng như việc dồn nguồn lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp để chống đỡ các khó khăn của năm 2011 khiến cho nguồn lực và công tác điều hành năm 2012 trở nên thêm phần phức tạp và khó khăn.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ khắc phục khó khăn, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống nhân dân. Nhờ vậy, mặc dù còn tồn tại một số hạn chế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2012 vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ: GDP cả năm dự kiến khoảng 5,2%, lãi suất giảm so với đầu năm, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5%, thanh khoản của hệ thống tín dụng được cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống được đẩy lùi, an sinh xã hội được đảm bảo; tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.
Bộ trưởngBùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2013, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, tăng trưởng cao hơn năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, theo dự báo năm 2013 vẫn là một năm khó khăn không chỉ đối với Việt Nam mà với cả các quốc gia viện trợ, Chính phủ Việt Nam hiểu rằng các nhà tài trợ cũng phải rất khó khăn trong việc cân nhắc phân bổ nguồn tài trợ của mình trong khuôn khổ ngân sách ngày càng chặt chẽ. Vì vậy, Việt Nam mong muốn cộng đồng tài trợ quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam vì đây vẫn sẽ một nguồn vốn quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo và đầu tư phát triển. Chúng tôi cam kết tiếp tục phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các nhà tài trợ để cải thiện tình hình thực hiện dự án và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, cải tiến phương thức đối thoại sao cho hiệu quả hơn.
Để đạt được những kết quả theo kế hoạch đã đề ra, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể như kết hợp hài hòa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự phát triển nhanh, bền vững trong dài hạn; Tập trung điều hành tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm tồn kho, thúc đẩy tiêu dùng nhằm tăng nhanh tổng cầu cho nền kinh tế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; Khẩn trương giải quyết nợ xấu để khai thông tín dụng đến với doanh nghiệp, giảm thiểu các rủi ro gây mất ổn định hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách nhà nước; Triển khai đồng bộ Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh thu hút, giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn ODA, hoàn thiện các cơ chế thu hút đầu tư tư nhân như PPP, BOT, BT…
Đối với quan hệ hợp tác phát triển, Chính phủ phấn đấu đẩy mạnh hiệu quả và giải ngân nguồn vốn ODA tương xứng với tầm quan trọng của nguồn vốn này đối với sự phát triển của đất nước. Kết quả giải ngân năm 2012 chính là những thành quả bước đầu của những nỗ lực này.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tin tưởng rằng với kinh nghiệm và nỗ lực của mình, được sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng tài trợ quốc tế, Việt Nam sẽ thực hiện thành công những mục tiêu đã đặt ra. Việt Nam đã đưa ra những chính sách như: Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng nhưng linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ, tín dụng với chính sách tài khoá để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012. Đạt được kết quả tích cực đó là nhờ những chính sách điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Mặc dù tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, những Việt Nam đã đưa ra được những kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp.
Tuy nhiên, theo bà Victoria Kwakwa, Việt Nam cần có những cam kết chính trị mạnh mẽ, giải pháp và hành động cụ thể hơn, đặc biệt là những kế hoạch cụ thể hơn trong việc thực hiện những chính sách đã đề ra, xây dựng lòng tin của người dân vào Chính phủ. Đặc biệt, bà Victoria Kwakwa đánh giá cao việc Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình và nhấn mạnh, Việt Nam cần có những biện pháp cụ thể để tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình với khả năng cạnh tranh thấp. Vì vậy, Việt Nam cần xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng nhằm dịch chuyển từ năng suất thấp, giá trị thấp sang năng suất và giá trị cao hơn.
Liên quan đến vấn đề quản lý các nguồn lực đất đai, theo bà Victoria Kwakwa, Chính phủ Việt Nam cần đảm bảo quyền sở hữu đất cho người dân, tăng cường khả năng sử dụng đất cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo, dân tọc thiểu số, cần tăng cường tính minh bạch và bình đẳng cho việc thu hồi và đền bù đất đai.
Bà Victoria Kwakwa cho biết, CG 2012 lần này sẽ là Hội nghị cuối cùng được tổ chức theo mô hình được thiết kế từ 20 năm trước chủ yếu chỉ phục vụ cho diễn đàn huy động nguồn lực ODA. Tuy nhiên, điều cần thiết hiện nay là cần có một diễn đàn đối thoại mở rộng và hợp lý giữa Chính phủ và các đối tác về phát triển của Việt Nam. Hai mươi năm trước, đối tác chính là Chính phủ và các đối tác phát triển.Hiện nay có thêm nhiều đối tác trong quá trình phát triển của Việt Namnhư xã hội dân sự cả trong nước và quốc tế, cũng như khu vực tư nhân.Đổi mới phương thức Hội nghị sẽ giúp bao trùm cả nhóm mở rộng này và giúp sử dụng một cách hiệu quả tham gia của các bên liên quan.
Với vai trò là đối tác phát triển, bà Victoria Kwakwa khẳng định, Ngân hàng Thế giới nói riêng và các nước đối tác phát triển nói chung sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam, cùng Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra. Giai đoạn hiện nay cần chuyển đổi từ chính sách sang hành động cụ thể và cần có nguồn lực từ nội lực và từ các nước phát triển, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.
Kinh tế Việt Nam năm 2012 đã đạt được những kết quả khả quan
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Kết thúc phiên họp sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác của các nhà tài trợ dành cho Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn những đóng góp chân thành, những ý kiến trách nhiệm và khách quan mang tính xây dựng của đại diện các bên tham gia và khẳng định, Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của cộng đồng tài trợ quốc tế. Trước mắt, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy giải ngân các dự án hỗ trợ phát triển chính thức nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ, qua mỗi kỳ CG trên suốt chặng đường 20 năm qua, các nhà tài trợ đã theo sát và giúp đỡ Việt Nam từ một quốc gia nghèo, kém phát triển đến nay đã trở thành nước thu nhập trung bình. Nếu như năm 1992, GDP bình quân đầu người chỉ đạt 140USD/năm/người thì năm 2012 là 1600USD/ người/năm. Việc Việt Nam sớm hoàn thành các mục tiêu niên kỷ và xóa đói giảm nghèo thể hiện sự hợp tác kiên trì có hiệu quả cuả các nhà tài trợ cùng sự nỗ lực của Chính phủ và người dân Việt Namtrong suốt 20 năm qua.
Thủ tướng cho biết, bước vào năm 2012, trong bối cảnh trao đổi thương mại toàn cầu giảm, trong nước phải đối phó với lạm phát cao, tín dụng tăng trưởng thấp, đời sống nhân dân khó khăn do thiên tai và dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhờ đó, cuối năm 2012 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định hơn, tăng trưởng bình quân GDP 2012 ước đạt 5,2% , nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 27 tỷ USD, tăng 8%. Năm 2012, lạm phát được kiềm chế dự kiến cả năm khoảng 7,5%, xuất khẩu tăng 18%, cơ bản cân bằng được cán cân thanh toán quốc tế thặng dư trên 8 tỷ USD, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được củng cố.
Về vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, bước đầu đang thực hiện tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được thực hiện. Năm 2012, an sinh, phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm do thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách xã hội, số lao động được tạo viêc trên đạt 1,5 triệu người, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%, giảm 1,76% so với 2011.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực tình hình kinh tế - xã hội nhưngViệt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do xử lý chậm nợ xấu, hàng tồn kho, lãi suất tín dụng còn cao so với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực dự báo kinh tế xã hội còn hạn chế. Mặt khác, việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm, tiến trình tái cơ cấu còn nhiều khó khăn, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu.
Trước những vấn đề nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2013 và những năm tiếp theo. Theo Thủ tướng, trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam cần có biện pháp điều hành linh hoạt hơn, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn cho doanh nghiệp, tích cực chuẩn bị các điều kiện đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2013 và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, Việt Nam tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính sau: Tăng cường ổn định kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012, dự kiến 2013: GDP ước 5,5% và lạm phát 6,5%. Nhiệm vụ trọng tâm 2013 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế; minh bạch về tình hình kinh tế xã hội nhằm tăng niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư.
Để phấn đấu GDP năm 2013 cao hơn năm 2012, Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp liên quan đến thị trường bất động sản, hàng tồn kho, xử lý nợ xấu. Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Về tái cơ cấu kinh tế, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Liên quan đến cải cách doanh nghiệp nhà nước tập trung giải quyết: đẩy mạnh cổ phần hóa, cải thiện thể chế, đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động một cách đầy đủ trong cơ chế thị truờng, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thành phần khác; công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp nhà nước như các doanh nghiệp đại chúng, các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, tăng cuờng kiểm tra giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại, tạo nền tảng phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Ảnh: Đức Trung (MPI Portal)
Cũng trong phiên khai mạc sáng nay, tham luận của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đã được trình bày. Các tham luận đã nêu lên nhiều vấn đề về cơ hội và thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam khi Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình; đánh giá cao việc ban hành và hiện các tái cơ cấu nền kinh tế với 3 lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; các vấn đề ưu tiên nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững. Các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục xây dựng quan hệ đối tác phát triển tốt đẹp với Việt Nam, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới./.
Tùng Linh
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Tổng số lượt xem: 1412
  •  

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)