(MPI Portal) - Ngày 11/12/2012, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Đầu tư và phát triển Doanh nghiệp Việt Nam 2012. Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng các doanh nghiệp, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và phóng viên thông tấn báo chí.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu đã ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh chung đó, nền kinh tế của Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đang đối diện với thực tế rất khó khăn: Sản xuất, kinh doanh bị đình đốn; Sức mua của thị trường giảm; Tín dụng suy kiệt; Tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với kế hoạch và là mức thấp nhất trong 10 năm nay; Số doanh nghiệp giải thể, phá sản và tạm ngừng hoạt động gia tăng; Lượng hàng tồn khó lớn và mức độ giảm còn rất chậm; Sức mua của thị trường đang rất yếu.
Để tháo gỡ khó khăn cùng các doanh nghiệp trên cơ sở tận dụng những thời cơ do các chính sách điều hành vĩ mô nền kinh tế đem lại, Chính phủ đã đưa ra khá nhiều các giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp đã có giới thiệu tình hình trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ông Cương cho biết theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thống kê 11 tháng đầu năm 2012, cả nước đã có 62.794 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 403.000 tỷ đồng, giảm 10% về số lượng doanh nghiệp và giảm 8,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011.
|
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp phát biểu tại Diễn đàn.
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể là 48.473 doanh nghiệp, trong đó 39.936 doanh nghiệp dừng hoạt động và 8.537 doanh nghiệp đã giải thể.
Vấn đề thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là một trong những khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong thời gian qua lãi suất cho vay liên tục ở mức cao nên các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, năm 2011 chỉ khoảng 30% DNNVV vay vốn được từ các ngân hàng, 70% số còn lại sử dụng vốn tự có hoặc vay từ nguồn khác.
Liên quan đến vấn đề đổi mới cơ chế quản lý nhà nước đối với Doanh nghiệp sau đăng ký thành lập, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày: có 3 nhóm giải pháp đổi mới mô hình quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập theo hướng phát huy vai trò giám sát của xã hội; nhóm giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật doanh nghiệp và nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
|
Ảnh: Minh Hậu (MPI Portal)
|
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách thẳng thắn, có cơ sở khoa học, thực tiễn và tổng quan cục diện kinh tế thế giới cũng như của nước ta hiện nay. Đặc biệt là mối tương quan giữa lợi ích phát triển của cả nền kinh tế và của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn, kịp thời phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế.
Thông qua Diễn đàn, các cơ quan nhà nước, các nhà quản lý có thêm nhiều thông tin bổ ích để có cách nhìn đúng đắn về điều hành vĩ mô, nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp quản lý ở các cấp độ được kịp thời và xác thực, phù hợp với yêu cầu phát triển chính đáng của doanh nghiệp cũng như tình hình phát triển kinh tế nói chung trong vấn đề kêu gọi vốn đầu tư, tìm thị trường.
Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng là cầu nối đa chiều để tọa đàm, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước; các nhà phân tích hoạch định chính sách phát triển kinh tế; các nhà đầu tư trong và ngoài nước và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm đưa nền kinh tế của đất nước phát triển một cách bền vững./.
Mai Phương
Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư